Vị trí xã hội là gì?

0

Vị trí xã hội của các cá nhân chính là vị trí tương đối của cá nhân trong cấu trúc xã hội, trong hệ thống quan hệ xã hội. Nó được xác định trong sự đối chiếu và so sánh với vị trí xã hội khác. Sự tồn tại vị trí xã hội của các cá nhân phụ thuộc chủ yếu vào sự tồn tại của các vị trí khác tùy thuộc theo các mối quan hệ. Nhưng đó thường là vị trí của những người thân thuộc trong phạm vi không gian xã hội như: gia đình, nhóm bạn bè, cơ quan công tác,…

Một cá nhân có thể có rất nhiều vị trí xã hội khác nhau. Những vị trí xã hội mà họ có là do:

  • Tham gia vào nhiều quan hệ xã hội.
  • Dựa vào những đặc điểm vốn có của họ như giới tính, chủng tộc, gia đình, dòng họ, nơi sinh,…
  • Dựa vào những đặc điểm cá nhân nhờ phấn đấu mà được như: nghề nghiệp, học vấn, tình trạng hôn nhân…

Vị trí xã hội bình đẳng như nhau vì chưa có sự đánh giá của xã hội về chúng. Tức là vị trí của một cá nhân không thể cho chúng ta biết thông tin gì về thứ bậc cao cấp của cá nhân đó trong xã hội. Vì vậy, vị trí xã hội thể hiện như một dạng của những hành vi xã hội tương tự như nhau trong cuộc sống hàng ngày. Với vị trí là người cha, anh ta phải thể hiện tổ hợp hành vi của người cha. Đối với cha anh, anh ta bây giờ là vị trí con thì phải thể hiện tổ hợp hành vi là con. Như vậy, mối quan  hệ thể hiện một vị trí nhất định và chứa đựng tổ hợp của các dạng hành vi nhất định.

Trong thực tế, các nhà nghiên cứu thường phân định hai dạng hành vi trong xã hội là hành vi mong muốn và hành vi không mong muốn.

Hành vi mong muốn là hành vi phát ra đúng với những chuẩn mực hành vi của vị trí xã hội. Ví dụ đạo là con phải phát ra những hành vi kinh trọng, lễ phép yêu thương và có hiếu với cha mẹ. Tất cả các hành vi đó gọi là hành vi  mong muốn.

Hành vi không mong muốn là hành vi phát ra không theo đúng với những chuẩn mực hành vi của vị trí xã hội. Trong loại này thường thể hiện ở hai dạng là hành vi không mong muốn tích cực hành vi không mong muốn tiêu cực. Hành vi không mong muốn tích cực thể hiện ra là hành vi chứa đựng những giá trị cao đẹp của xã hội hoặc sự tiến bộ xã hội. Ví dụ trong quan hệ giữa những con người với nhau trong xã hội, một người nào đó đã coi và đối xử với một cụ già gặp khó khăn như cha đẻ của mình. Đó là hành vi thể hiện sự nhân từ bác ái và tình thương mênh mông của nhân loại. Hành vi không mong muốn tiêu cực là những hành vi không mong muốn làm suy đồi, hủy hoại các giá trị cao đẹp của xã hội hoặc là hành vi thể hiện những thói hư tật xấu trong xã hội mà xã hội phải bài trừ. Ví dụ một con người có hành vi chửi bậy, hành hạ bố mẹ đẻ của mình. Đấy là những hành vi đồi bại, bất hiếu.

(Nguồn tài liệu: TS. Nguyễn Thế Phán, Giáo trình Xã hội học, NXB Lao động Xã hội)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.