Xã hội là gì? Định nghĩa, cấu trúc xã hội

0

Xã hội là một thuật ngữ rất thông dụng dùng để chỉ một tập hợp người có những quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, có rất nhiều quan niệm khác nhau về xã hội. Có những quan niệm về xã hội xét theo mặt không gian và nói chung gắn liền với quốc gia.

Cũng có khi người ta phân biệt các xã hội khác nhau trong cùng một quốc gia: xã hội thượng lưu, xã hội bình dân (cách gọi mô phỏng để chỉ các tầng lớp khác nhau trong một xã hội). Lại có những quan điểm xã hội xét theo mặt thời gian (theo những biến đổi lịch sử): xã hội nguyên thủy, xã hội truyền thống, xã hội hiện đại…

Ngoài ra còn có những quan điểm về xã hội dựa vào trình độ lực lượng sản xuất: xã hội nông nghiệp, xã hội công nghiệp, xã hội hậu công nghiệp; hay dựa vào sự tiến hóa của lịch sử: xã hội hoang dã, xã hội dã man, xã hội văn minh (Lewis Morgan) hoặc: bầy đàn, thị tộc, bộ lạc, bộ tộc, dân tộc (Emile Durkheim) hoặc lấy tôn giáo làm tiêu chí: xã hội Kito giáo, xã hội Hồi giáo, xã hội Khổng giáo… Gần đây các nhà xã hội học đang hướng vào việc lấy văn hóa, văn minh làm tiêu chí kết hợp với những tiêu chí quốc gia…

Mặc dù vậy, quan niệm trùng hợp giữa xã hội với quốc gia vẫn là quan niệm được sử dụng phổ biến, bởi lẽ bất cứ một tập hợp xã hội nào cũng đều có Nhà nước của mình với tư cách là người quản lý và điều tiết mọi người hoạt động và quan hệ xã hội. Do đó có thể tạm thời thống nhất định nghĩa xã hội như sau:

Xã hội là một hệ thống các hoạt động và các quan hệ của con người có đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa chung cùng cư trú trên một lãnh thổ ở một giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử.

Như vậy, nói đến xã hội là phải nói đến những hoạt động và những quan hệ xã hội.

Các hoạt động của con người bao gồm: hoạt động lao động, bảo đảm an ninh trong môi trường đối ngoại.

  • Hoạt động lao động bao gồm: hoạt động sản xuất của cải vật chất và phi vật chất, hoạt động tái sản xuất xã hội, hoạt động quản lý xã hội và các hoạt động giao tiếp.
  • Hoạt động an ninh trong môi trường đối ngoại bao gồm các quan hệ giữa cộng đồng xã hội này với cộng đồng xã hội khác.

Như vậy, các hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng, các hoạt động quản lý kinh tế nói chung là một bộ phận cấu thành trong hoạt động chung của con người, nó chịu sự tác động của con người và những mặt khác cũng chịu sự tác động của xã hội.

Quan hệ xã hội là quan hệ giữa người với người trong xã hội, được thiết lập trong quá trình cùng nhau hoạt động vật chất và tinh thần. Quan hệ xã hội luôn là những vấn đề hết sức phức tạp bởi lẽ bản thân con người đã là những thực thể rất phức tạp. Trong quá trình tồn tại của mình, con người tác động qua lại lẫn nhau theo chiều hướng, cách thức, mức độ… tùy thuộc vào bản ngã của mỗi con người, tùy thuộc vào những ràng buộc xã hội, tri thức, kinh nghiệm sống, quan niệm sống của mỗi người… Có thể nói rằng xã hội là một hệ thống, một thể thống nhất biện chứng của nhiều mặt, nhiều yếu tố, nhiều bộ phận và trên nhiều phương diện. Vì thế, nghiên cứu xã hội là vấn đề cần thiết song rất phức tạp.

(Nguồn tài liệu: TS. Nguyễn Thế Phán, Giáo trình Xã hội học, NXB Lao động Xã hội)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.