Ý thức đạo đức là gì?

0

Ý thức đạo đức và vai trò của đạo đức cộng sản chủ nghĩa?

Đạo đức là một trong những hình thái ý thức xã hội xuất hiện rất sớm ở trong thời kỳ nguyên thủy. Trong chế độ nguyên thủy quan niệm đạo đức gắn liền với những quan niệm về tôn giáo và nghệ thuật, sau đó nó phát triển hoàn chỉnh và có tính độc lập tương đối khi mà xã hội phân chia thành giai cấp. Ý thức đạo đức là những quan niệm về thiện – ác, hạnh phúc, nghĩa vụ công bằng, lương tâm cùng những nguyên tắc nhằm điều chỉnh, đánh giá hành vi của con người trong các mối quan hệ đối xử với nhau và đối xử với xã hội. Đạo đức nảy sinh do nhu cầu của đời sống xã hội, trước hết là nhu cầu phối hợp hoạt động trong các quan hệ xã hội, trước hết là những nhu cầu phối hợp hoạt động trong các quan hệ xã hội, hệ thống các quy tắc và chuẩn mực đạo đức ngày càng hoàn thiện và phát triển.

Khác với pháp quyền điều chỉnh xã hội bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước, thì đạo đức điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng sức mạnh của dư luận xã hội, tập quán và giáo dục, nên ảnh huởng của đạo đức rộng lớn hơn pháp quyền.

Sự tự ý thức đạo đức về lương tâm, danh dự và lòng tự trọng, v.v… phản ánh khả năng của mỗi người tự chủ mà không có sự giám sát thường xuyên của xã hội. Giá trị phổ biến của đạo đức là tính nhân đạo, về cái thiện cái ác, về bản chất của con người và xã hội, nó không chỉ giới hạn trong mỗi dân tộc, mỗi quốc gia mà có tính chất lịch sử toàn nhân loại.

Trong xã hội có giai cấp đạo đức mang tính giai cấp. Bởi vì, sự đối lập về lợi ích của các giai cấp khác nhau thì đồng thời mỗi một giai cấp có những quan niệm về đạo đức khác nhau. Tính giai cấp của đạo đức thể hiện tập trung thông qua vai trò của các giai cấp thống trị xã hội. Đạo đức dựa trên sức mạnh của dư luận xã hội, phong tục tập quán, truyền thống của mỗi dân tộc, nó mang tính dân tộc. Nên ngoài quan niệm của giai cấp thống trị đạo đức tự nó vẫn có giá trị riêng mang tính chất tộc loại và toàn nhân loại.

Đạo đức cộng sản là sự tiếp thu những giá trị đạo đức đích thực trong lịch sử phát triển của xã hội, mà quần chúng nhân dân lao động đã tạo ra trong các thời đại lịch sử trước, và có tất cả những đặc điểm của hệ tư tưởng khoa học của giai cấp công nhân. Trong xã hội ta hiện nay bên cạnh những truyền thống đạo đức tốt đẹp cần phải phát huy và xây dựng những chuẩn mực và gía trị đạo đức mới có lối sống lành mạnh, có lý tưởng cách mạng, trung thực, sống bằng lao động của chính mình, có ý thức bảo vệ của công, v.v… và chống lại lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ ăn bám, chạy theo đồng tiền, v.v… Cho nên, mỗi cán bộ đảng viên và mỗi người dân phải không ngừng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức mới, đấu tranh cho sự nghiệp dân giầu, nước mạnh xã hội công bằng văn minh.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.