Cơ cấu xã hội là gì?
Nội Dung
1. Khái niệm cơ cấu xã hội
Cơ cấu xã hội là mối liên hệ vững chắc của các thành tố trong hệ thống xã hội. Các cộng đồng xã hội (dân tộc, giai cấp, nhóm nghề nghiệp) là những thành phần cơ bản của cơ cấu xã hội. Trong mỗi cộng đồng xã hội lại lại bao gồm những cơ cấu phức tạp như: các tầng lớp xã hội và mối liên hệ giữa chúng.
Cơ cấu xã hội là mô hình của các mối liên hệ giữa các thành phần cơ bản trong một hệ thống xã hội. Những thành phần này tạo nên bộ khung cho tất cả các xã hội loài người, mặc dầu tính chất của các thành phần và các mối liên hệ giữa chúng luôn có sự biến đổi từ xã hội này sang xã hội khác. Những thành phần quan trọng nhất của cơ cấu xã hội là vị thế, vai trò, nhóm và các thiết chế. Cơ cấu xã hội cũng bao gồm cả thiết chế gia đình, dòng họ, tôn giáo, kinh tế, chính trị, văn hoá, hệ thống chuẩn mực, giá trị…
Bạn đang xem: Cơ cấu xã hội là gì?
Khái niệm cơ cấu xã hội liên quan mật thiết với khái niệm hệ thống xã hội. Khi nói tới cơ cấu xã hội, cần quan tâm tới những khía cạnh sau: xã hội là một tổ chức phức tạp, đa dạng của các mối liên hệ cá nhân, tổ chức xã hội và xã hội. Cơ cấu xã hội có quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với các quan hệ xã hội. Quan hệ xã hội là hình thức vận động của cơ cấu xã hội, cơ cấu xã hội là nội dung có tính chất bản thể luận của các quan hệ xã hội, là cơ sở của sự tồn tại và phát triển của các quan hệ xã hội. Trong tiến trình lịch sử xã hội loài người đã từng tồn tại các kiểu xã hội đặc trưng cho từng thời đại như:
– Kiểu xã hội hái lượm, săn bắn với công cụ lao động thô sơ, yếu tố thân tộc là nguyên tắc tổ chức quan trọng nhất của đời sống xã hội, cơ cấu chính trị hầu như không tồn tại, không có bộ máy quyền lực ngoài vai trò của tộc trưởng.
– Kiểu xã hội làm vườn, cấu trúc chính trị của kiểu xã hội này bao gồm sự tồn tại của từ hai đến bốn tầng lớp xã hội. Dòng họ là trung tâm của xã hội, có nhiều phức tạp về hình thức của tính họ hàng và luật lệ hôn nhân, gia đình.
– Kiểu xã hội nông nghiệp, nhờ có sự tiến bộ của công cụ lao động và sử dụng sức kéo của súc vật mà sản xuất nông nghiệp đã tạo ra được nguồn lương thực, thực phẩm nhiều hơn nhu cầu (dư thừa). Trên cơ sở đó các tổ chức xã hội có thể phát triển thủ công, buôn bán, phát triển bộ máy công chức và quân đội, nhà nước ra đời, chữ viết, tiền tệ xuất hiện… Những hình thức chính trị phức tạp thêm, chúng bắt đầu xâm nhập vào đơn vị dòng họ như một đơn vị cơ sở của xã hội. Tuy vậy, dòng họ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính trị, những cơ quan dân sự và quân sự phải trải qua từ cha đến con, hầu hết các việc kinh doanh, buôn bán đều được chỉ dẫn bởi các gia đình. Ở nông thôn gia đình tồn tại như một đơn vị lao động cơ bản.
– Kiểu xã hội công nghiệp, loại xã hội này bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII, sản xuất công nghiệp liên quan đến sự tiếp cận của tri thức khoa học trong quá trình phát triển sản xuất, sức người và động vật được thay thế dần bởi sức mạnh của động cơ và sau đó là người máy. Nền sản xuất công nghiệp tiên tiến và khổng lồ hơn tất cả các nền kinh tế xã hội khác, nó có khả năng nuôi dưỡng một số lượng dân số lớn tập trung chủ yếu ở những trung tâm đô thị lớn. Hầu hết các xã hội công nghiệp đều phát triển những hệ thống của nhà nước với bộ máy cồng kềnh và hệ thống quân đội mạnh.
Về mặt thiết chế, trong tất cả các loại hình xã hội sơ khai và hiện đại đều tồn tại ít nhất 5 thiết chế xã hội cơ bản, đó là: gia đình, kinh tế, tôn giáo, chính trị và giáo dục, đây chính là nền tảng đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển cũng như sự duy trì các trật tự xã hội.
2. Một số lý thuyết về cơ cấu xã hội
2.1. Thuyết cơ cấu – chức năng
Các ý tưởng của thuyết này khởi xướng từ A. Comte, được H. Spencer phát triển và những người khác kế thừa, xây dựng thành chủ nghĩa cơ cấu – chức năng. Hiện nay nó được xem là một trong những công cụ lý luận chủ yếu để xem xét và phân tích các hiện tượng xã hội. A. Comte quan niệm rằng, tất cả những gì chống lại quy luật về sự hài hoà của xã hội đều là không hợp lý. Theo ông tiêu chuẩn cao nhất của việc đánh giá các hiện tượng xã hội phải dựa trên nguyên tắc: trật tự là cơ sở, tiến bộ là mục tiêu, do vậy, mà ông phủ nhận những bước phát triển nhảy vọt trong phát triển xã hội.
2.2. Thuyết chức năng
Xuất phát điểm của lý thuyết chức năng là ở châu Âu vào nửa đầu thế kỷ XX, bắt nguồn từ sự định hướng khái quát của E. Durkheim, nhưng sau đó lại rất phát triển ở Mỹ. Lý thuyết chức năng cho rằng, hoạt động của các cá nhân, các nhóm xã hội riêng biệt đều xuất phát từ chức năng. Chuẩn mực, giá trị, văn hoá… là những yếu tố căn bản nhất của hoạt động xã hội. Cơ cấu xã hội không phụ thuộc vào một phương thức sản xuất nào mà chỉ do hành vi cá nhân và chức năng của hệ thống hay tiểu hệ thống xã hội quy định. Lý thuyết chức năng, sau khi ra đời đã nhanh chóng trở thành một lý thuyết quan trọng trong nghiên cứu Xã hội học.
3. Các yếu tố chủ yếu của cơ cấu xã hội
3.1. Vị thế xã hội
– Khái niệm:
Theo I. Robertsons, vị thế xã hội là một vị trí xã hội. Mỗi vị thế xã hội quyết định chỗ đứng của một cá nhân hay một nhóm xã hội. Vị thế xã hội là vị trí xã hội của các cá nhân cùng với những trách nhiệm và quyền lợi được gắn kèm theo vị trí đó. Quan niệm này đồng nhất vị thế xã hội với địa vị xã hội.
Địa vị xã hội là một chỉ số tổng quát xác định trách nhiệm và quyền lợi của một cá nhân hoặc nhóm xã hội trong hệ thống xã hội nhất định. Quyền lợi và trách nhiệm cao, thấp khác nhau của các vị trí xã hội sẽ tạo ra thứ bậc của chúng. Khi xem xét các vị trí xã hội với những quyền và nghĩa vụ kèm theo (tức xem xét vị thế xã hội của cá nhân), sẽ thấy được sự khác biệt trong thứ bậc xã hội. Vị thế xã hội của cá nhân chính là sự đánh giá của xã hội với một vị trí xã hội.
Đã là con người có nhân cách – con người xã hội, thì ai cũng có vị thế xã hội hoặc cao hoặc thấp và sự sắp xếp này là khách quan, không phụ thuộc vào quan niệm chủ quan của con người về bản thân mình. Vị thế xã hội của một người nào đó chính là địa vị hay thứ bậc mà những người cùng thời dành cho người đó trong bối cảnh anh ta sinh sống, lao động và phát triển. Vị thế xã hội chủ yếu là sản phẩm của đời sống tinh thần, là sự biểu lộ, bày tỏ thái độ tôn trọng hay khinh rẻ của xã hội đối với các cá nhân. Theo GS Tương Lai, sự phân tầng vị thế xã hội thông thường phụ thuộc vào 3 yếu tố: sở hữu tài sản, quyền lực và trí tuệ.
Mỗi xã hội, mỗi thời đại đều có những thể chế xã hội khác nhau, do vậy thang bậc phân định giá trị xã hội cũng rất khác nhau. Đặc biệt là sự không giống nhau ở những tiêu chí dùng để thẩm định vị trí cao – thấp của mỗi cá nhân trong xã hội. Một vị thế được tôn vinh trong xã hội này hay thời đại này, nhưng rất có thể bị coi thường trong xã hội khác hay thời đại khác, hoặc ngược lại. Ở nhiều nước phương Tây, khi xem xét, đánh giá vị thế của một cá nhân, người ta thường căn cứ vào những tiêu chuẩn: dòng dõi xuất thân (sang / hèn); tài sản, của cải của gia đình và bản thân; nghề nghiệp, chức vụ và những lợi ích quyền lực, vật chất do những điều đó đưa lại; trình độ văn hoá, giáo dục, đào tạo mà người đó được hấp thụ, kể cả văn bằng, học hàm, học vị cao thấp; thái độ chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, chủng tộc, giới tính…
Xã hội luôn luôn biến đổi và phát triển kéo theo sự biến đổi của các mối tương quan xã hội, vì thế vị thế xã hội của các cá nhân cũng có thể bị thay đổi. Xu hướng chung của toàn xã hội là mọi cá nhân đều có ý thức phấn đấu vươn lên chiếm lĩnh những vị thế cao hơn. Bởi vị thế xã hội cao bao giờ cũng gắn liền với quyền lực và sự kính trọng của xã hội. Trong một con người xã hội thường tồn tại nhiều loại vị thế khác nhau, mỗi loại vị thế chỉ phát huy giá trị và ý nghĩa của nó trong những không gian, thời gian cụ thể. Đối với mỗi cá nhân vị thế nghề nghiệp bao giờ cũng được coi là vị thế quan trọng nhất, vì nó quyết định những mối quan hệ xã hội chủ yếu nhất của con người với cộng đồng xã hội.
– Phân loại vị thế xã hội:
Khi nghiên cứu các vị thế xã hội, xã hội học thường phân chúng thành hai loại vị thế xã hội cơ bản đó là: vị thế gán cho và vị thế đạt được:
+ Vị thế gán cho hay còn được gọi là vị thế tự nhiên, gồm hai dạng, thứ nhất, là những vị thế bị chi phối bởi yếu tố sinh học nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người như: giới tính nam – nữ, tuổi tác già – trẻ, chủng tộc (màu da, cấu tạo thể chất…). Thứ hai, là những vị thế được thừa hưởng từ gia đình, dòng họ, nguồn gốc xuất thân. Dạng vị thế này thường rất phổ biến trong các xã hội phân chia đẳng cấp hay thể chế cha truyền con nối (ví dụ: các con trai, con gái của vua ngay từ khi ra đời đã mặc nhiên là hoàng tử hay công chúa, được thừa hưởng những địa vị cao sang trong xã hội…).
Xem thêm : CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
+ Vị thế đạt được hay còn gọi là vị thế xã hội, dạng vị thế này phụ thuộc vào những yếu tố chủ quan, khách quan mà trong một chừng mực nhất định con người có thể kiểm soát được. Yếu tố chủ quan như năng lực trí tuệ, phẩm chất đạo đức, sự nổ lực phấn đấu và nghị lực vươn lên của bản thân trong lao động, học tập và tham gia các hoạt động xã hội. Yếu tố khách quan như thường xuyên được sự hỗ trợ và tạo nhiều điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần, sự động viên khích lệ của gia đình, người thân, tổ chức xã hội… Do đó, mà cá nhân cải thiện, thay đổi được vị thế xã hội của mình từ một cấp độ vị thế xã hội này sang một cấp độ vị thế xã hội khác cao hơn.
3.2. Vai trò xã hội
– Khái niệm về vai trò xã hội:
Nói đến vai trò xã hội người ta thường liên tưởng tới vai diễn trên sân khấu hay điện ảnh. Khái niệm vai trò bắt nguồn từ nghệ thuật sân khấu, với ý nghĩa một cá nhân nào đó phải thực hiện một vai gì đó trong trò diễn, vở diễn. Người nghệ sỹ khi thực hiện xuất sắc vai diễn của mình thì cũng có nghĩa là đã đáp ứng được những yêu cầu mà khán giả hay xã hội đặt ra và như vậy tức là người nghệ sỹ đó đã thực hiện được vai trò mà anh ta đảm nhận.
Trong xã hội học hiện đại, xuất hiện rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về vai trò xã hội. Theo Dalrendort, vai trò xã hội là một ‘‘tập hợp những kỳ vọng ở trong một xã hội gắn với hành vi của những người mang các địa vị… ở mức độ này thì mỗi vai trò riêng là một tổ hợp hay nhóm các kỳ vọng hành vi’’. Còn theo I. Robentsons, vai trò là một tập hợp các chuẩn mực, hành vi, nghĩa vụ và quyền lợi gắn với một vị thế xã hội nhất định. Hoặc có nghĩa cho rằng: vai trò là một tập những mong đợi, các quyền và nghĩa vụ được gán cho một vị thế cụ thể ; hay vai trò xã hội là chức năng xã hội, là mô hình hành vi được xác lập một cách khách quan bởi vị thế của cá nhân trong hệ thống các quan hệ xã hội, vai trò là những hành động, hành vi ứng xử, những khuôn mẫu tác phong mà xã hội chờ đợi hay đòi hỏi ở một người hay một nhóm xã hội nào đó phải thực hiện dựa trên cơ sở vị thế xã hội của họ.
Một vị thế xã hội cụ thể bao giờ cũng gắn liền với một vai trò xã hội nhất định. Trong tiến trình cuộc đời, mỗi cá nhân đều thực hiện một số những vai trò khác nhau, lần lượt hoặc đồng thời, tổng hợp tất cả các vai trò xã hội mà anh ta đã thực hiện từ lúc sinh ra cho đến lúc chết sẽ tạo thành nhân cách xã hội của anh ta. Cá nhân sẽ không thể thực hiện được vai trò xã hội của mình nếu không có sự hợp tác của các thành viên trong nhóm, nơi mà anh ta đang tham gia (ví dụ: sẽ không có hoạt động của thầy thuốc nếu không có bệnh nhân, sẽ không có hành động dạy học của giáo viên nếu không có học sinh…).
– Tập hợp vai trò
Một vị thế xã hội có thể có nhiều vai trò, tạo thành một tập hợp vai trò. Sự tương tác giữa vai trò với vai trò chính là sự tác động qua lại giữa quyền lực, trách nhiệm và nghĩa vụ, chẳng hạn vai trò của vợ, của chồng, của cha mẹ và con cái; vai trò của thầy giáo với vai trò của học sinh; vai trò của người lãnh đạo với vai trò của nhân viên… Sự trao đổi hay nhân nhượng lẫn nhau giữa các vai trò đều phản ánh các quyền và nghĩa vụ của nó. Một vai trò bao giờ cũng là một tập hợp các mong đợi, các quyền và những nghĩa vụ được gán cho một vị thế cụ thể.
– Mâu thuẫn, căng thẳng vai trò
Trong đời sống hiện thực, thường tồn tại một khoảng cách giữa cái mà con người sẽ làm và cái mà họ thực sự phải làm. Người ta thường không giống nhau trong việc thực hiện các quyền, các nghĩa vụ đúng như yêu cầu đặt ra cho vai trò mà họ đang đảm nhận. Khi một cá nhân tham gia nhiều nhóm xã hội khác nhau, đảm nhận những vai trò khác nhau với những lợi ích trái ngược nhau sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn, xung đột giữa các vai trò. Hoặc có lúc xuất hiện sự căng thẳng vai trò, đó là khi các cá nhân phải nỗ lực hết sức mình để đáp ứng các yêu cầu mong đợi mà xã hội đặt ra cho vai trò của họ. Trong những trường hợp như vậy, các vai trò quan trọng, cấp bách hơn thường được ưu tiên thực hiện trước.
Trong xã hội hiện đại, do áp lực của yêu cầu công việc xã hội và nhu cầu cuộc sống cá nhân mà hiện tượng căng thẳng vai trò và xung đột vai trò diễn ra một cách phổ biến hơn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng thần kinh (stress). Ví dụ: người phụ nữ phải đảm nhận vai trò kép, vừa tham gia công tác xã hội, vừa làm công việc gia đình. Cả hai vai trò này đều đòi hỏi ở họ rất nhiều sức lực và thời gian, cho nên rất dễ dẫn đến tình trạng thực hiện tốt vai trò này thì sao nhãng vai trò kia.
– Các loại vai trò :
Có nhiều loại vai trò, nó được thể hiện tuỳ theo các dấu hiệu phân tích khác nhau dưới đây:
+ Vai trò chỉ định: là vai trò được gán cho, mang tính tự nhiên, không muốn cũng phải đảm nhận. Ví dụ như vai trò người con trong gia đình.
+ Vai trò lựa chọn: là vai trò do cá nhân chủ động, tích cực nắm lấy bằng nổ lực cá nhân. Ví dụ vai trò người sinh viên trong lớp học.
+ Vai trò then chốt: thông thường trong phức hợp các vai trò, nổi lên một vai trò then chốt – là kết quả của sự nỗ lực cá nhân và do sự phân công lao động. Ví dụ: vai trò then chốt của anh A là giám đốc.
+ Vai trò tổng quát: là sự phối hợp các vai trò khác nhau trong một con người tạo ra bộ mặt chung – đặc trưng cho người đó gọi là vai trò tổng quát.
– Mối quan hệ giữa vị thế xã hội và vai trò :
Quan hệ giữa vị thế xã hội và vai trò xã hội là một vấn đề rất được quan tâm kể cả phương diện lý luận lẫn hoạt động thực tiễn. Giữa vị thế xã hội và vai trò xã hội có sự tác động qua lại chặt chẽ với nhau.
Vai trò xã hội nảy sinh trên cơ sở vị thế đã được xác định. Hay nói cách khác, vị thế xã hội là chỗ đứng của vai trò, vị thế quyết định vai trò. Vị thế nào vai trò ấy, đa vị thế dẫn đến đa vai trò, vị thế càng cao thì vai trò càng quan trọng, vị thế thay đổi thì vai trò cũng thay đổi. Vị thế và vai trò là hai mặt của một vấn đề.
3.3. Các nhóm xã hội
Xem thêm : Bài báo khoa học là gì?
– Khái niệm nhóm xã hội
Nhóm xã hội là một tập hợp người có liên hệ với nhau về vị thế, vai trò, nhu cầu lợi ích và những định hướng giá trị nhất định. Do đó, đòi hỏi các thành viên của nhóm phải cùng cộng tác, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.
Khác với đám đông, chỉ là một tập hợp người ngẫu nhiên, ít có sự ràng buộc về quan hệ và trách nhiệm. Nhóm là những bộ phận hữu cơ, cơ bản, cấu thành nên xã hội, các đặc trưng xã hội chủ yếu phụ thuộc vào bản chất và hoạt động của nhóm mà nó bao chứa. Do vậy, nhóm xã hội là một đối tượng nghiên cứu quan trọng không phải chỉ trong xã hội học mà còn của một số khoa học khác như triết học, tâm lý học… Trong thực tế, các mối quan hệ giữa các cá nhân chính là quan hệ giữa các nhóm xã hội, ở nhiều ngành khoa học xã hội, thuật ngữ nhóm được dùng với cả hai nghĩa: nhóm quy ước và nhóm thực. Nhóm quy ước là nhóm không tồn tại trong thực tế mà chỉ do con người lập ra theo những dấu hiệu nhất định nào đó để nghiên cứu, hình thức nhóm kiểu này được dùng phổ biến trong thống kê. Nhóm thực là nhóm dùng cho tập hợp người tồn tại trong thực tế, trong xã hội học tồn tại nhiều cách phân loại nhóm thực khác nhau, điều đó tuỳ thuộc vào từng loại tiêu chí mà người nghiên cứu lựa chọn.
– Phân loại nhóm
Có nhiều cách phân loại nhóm khác nhau, tuỳ vào chức năng hoạt động, cấu trúc nhóm, mục đích hoạt động mà phân chia theo các dạng nhóm khác nhau. Xét theo quan hệ của các thành viên trong nhóm, có thể chia thành hai loại đó là nhóm sơ cấp và nhóm thứ cấp.
Nhóm sơ cấp (hay còn gọi là nhóm nhỏ): Quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít (một gia đình, lớp học, tổ, đội sản xuất…), quan hệ giữa các thành viên trong nhóm là quan hệ trực tiếp, tình cảm gắn bó mật thiết, rất có tinh thần trách nhiệm với nhau.
Nhóm thứ cấp (hay còn gọi là nhóm lớn): Quy mô rộng, số lượng thành viên đông (một tổ chức đoàn thể, một đảng phái, tôn giáo, giai cấp, dân tộc…), quan hệ giữa các thành viên trong nhóm là quan hệ gián tiếp, được ràng buộc bởi các quy chế, điều lệ của tổ chức. Trong nhóm thứ cấp các quan hệ đã được thể chế hoá, con người gắn kết với nhau vì mục đích lý tưởng chung hơn là vì tình cảm đơn thuần.
Dựa vào sự hoạt động của nhóm, chúng ta có thể phân loại theo nhóm chính thức và không chính thức.
Nhóm chính thức, là nhóm được xác định theo hoạt động của các thành viên gắn với những mục tiêu cụ thể, quy tắc nhất định, có cấu trúc chặt chẽ và cơ chế vận hành thông qua luật pháp, đạo luật thành văn.
Nhóm không chính thức, hình thành từ các quan hệ tự phát. Các thành viên có quan hệ với nhau trên tinh thần tự nguyện, có thủ lĩnh được suy tôn và những quy tắc bất thành văn. Nhóm không chính thức có thể hình thành trong các nhóm chính thức theo sở thích, tình cảm, sự chia sẻ, tâm tư và sự đồng thuận với nhau về một số đặc điểm xã hội nhất định.
Nhưng dù thuộc loại nhóm nào thì bao giờ mỗi nhóm cũng đều phải có thủ lĩnh. Thủ lĩnh là người có uy tín, có ảnh hưởng sâu sắc đối với các thành viên, luôn có quan hệ gắn bó, thấu hiểu tâm trạng và nhu cầu của mọi người trong nhóm. Yêu cầu đối với thủ lĩnh không chỉ ở phẩm chất cá nhân mà quan trọng hơn là ở vai trò xã hội của người ấy. Đó phải là người tượng trưng, tiêu biểu cho sự đoàn kết nhất trí và hoàn thành các mục tiêu của nhóm.
Trong thực tế các loại nhóm thường tương tác lẫn nhau trong một cấu trúc xã hội nhất định. Một thành viên có thể đứng trong các loại nhóm và thể hiện nhiều vai trò khác nhau. Sự ra đời và thời gian tồn tại của nhóm phụ thuộc vào nhu cầu của các thành viên trong nhóm, phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể xã hội trong nhóm hoặc phụ thuộc vào mục đích tồn tại của nhóm.
4. Các loại cơ cấu xã hội cơ bản
Các cơ cấu xã hội luôn gắn với các quan hệ xã hội, việc phân chia cơ cấu xã hội theo các mối quan hệ xã hội khác nhau cho thấy mỗi cơ cấu xã hội có bình diện riêng của nó. Chúng ra có thể xem xét cơ cấu xã hội theo những lát cắt, tuỳ thuộc vào quan niệm và mục tiêu của người nghiên cứu. Có thể kể ra một số dạng cơ cấu xã hội cơ bản sau đây:
4.1. Cơ cấu xã hội – dân số
Nội dung của cơ cấu dân số gồm: quá trình tái sản xuất dân cư (sinh sản, tử vong), mật độ dân số, cơ cấu dân cư và sự biến động của dân cư (sự di dân)… Sự phát triển của xã hội và quá trình tác động qua lại giữa xã hội và tự nhiên đều phụ thuộc vào tính chất vận hành của hệ thống dân số. Sự phát triển dân số thường xuyên hướng tới việc bảo tồn và cân bằng bên trong, nhờ tác động của trình độ phát triển sản xuất, tính chất các quan hệ xã hội, các chuẩn mực văn hoá, các định hướng giá trị, tâm lý xã hội của con người. Trong lịch sử nhân loại đã diễn ra ba kiểu tái sản xuất dân cư:
- Kiểu cổ đại, diễn ra trong thời kỳ chưa có giai cấp với đặc trưng của chế độ mẫu hệ,
- Kiểu truyền thống, diễn ra trong xã hội nông nghiệp và giai đoạn chủ nghĩa tư bản cổ điển, với đặc trưng hình thành và phát triển thiết chế gia đình gia trưởng theo dòng phụ hệ,
- Kiểu hiện đại, xuất hiện do sự phá vỡ phong cách truyền thống và sự thừa nhận quyền tự do cá nhân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đời sống gia đình với sự sinh sản hợp lý. Cơ cấu xã hội – dân số có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội, sự phát triển dân số không hợp lý sẽ dẫn đến hạ thấp năng suất lao động, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, dẫn đến đói nghèo v.v… Việc nghiên cứu cơ cấu xã hội – dân số cần làm sáng tỏ cấu trúc phức tạp của nó như một thể thống nhất giữa sinh sản – tử vong, số lượng – chất lượng, môi trường xã hội và kiểu tái sản xuất dân cư, mật độ dân cư, sự chuyển đổi mô hình và quy mô gia đình, tỷ lệ nam, nữ…
4.2. Cơ cấu xã hội – dân số, lứa tuổi
Nghiên cứu sự phân bố dân số theo từng nhóm lứa tuổi nhằm làm sáng tỏ quá trình dân số và xã hội – kinh tế. Qua tương quan của các nhóm lứa tuổi, cơ cấu lứa tuổi dân cư có thể so sánh các nhóm lứa tuổi ấy trong mối liên hệ với những đặc trưng dân số, xã hội và kinh tế của dân cư… Cơ cấu dân số – lứa tuổi được xem xét ở ba trạng thái:
- Trạng thái tĩnh (ở một thời điểm nhất định)
- Trạng thái động (sự phát triển qua những thời kỳ khác nhau)- Trong những liên hệ với các quá trình xã hội kinh tế.
4.3. Cơ cấu xã hội – cộng đồng lãnh thổ
Cơ cấu này gắn liền với cơ cấu kinh tế theo từng vùng lãnh thổ, với địa bàn cư trú của dân cư các cộng đồng dân tộc, với bản sắc riêng về truyền thống và di sản văn hoá. Đó là những khác biệt về điều kiện sống, trình độ sản xuất, lối sống, mật độ dân cư, thiết chế xã hội cũng như những đăc trưng khác về mức sống, trình độ tiêu dùng, thói quen sinh hoạt, thị hiếu nghệ thuật, kiểu nhà ở, y phục… Một trong những phương pháp xem xét cơ cấu xã hội – cộng đồng lãnh thổ là việc phân chia thành hai khu vực thành thị và nông thôn. Mặt khác, có thể phân chia theo tiêu chí vùng, miền, mà mỗi vùng, miền đều bao chứa cả nông thôn và thành thị. Chẳng hạn, cơ cấu xã hội – lãnh thổ Việt Nam gồm:
- Trung du và miền núi Bắc bộ
- Đồng bằng sông Hồng
- Bắc Trung bộ
- Duyên hải miền Trung
- Tây Nguyên
- Đông Nam bộ
- Đồng bằng sông Cửu Long.
4.4. Cơ cấu xã hội – học vấn, nghề nghiệp
Nghiên cứu các cơ cấu này để hiểu được trình độ học vấn của dân cư, sự phân công lao động và hợp tác lao động (lao động chân tay, lao động trí óc) trong xã hội ở mỗi thời điểm cụ thể. Tiêu chí học vấn, nghề nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội và trong quá trình phân hoá xã hội. Căn cứ vào đặc điểm nghề nghiệp, điều kiện lao động, trình độ học vấn và chuyên môn, có thể phân chia xã hội thành hai nhóm xã hội – nghề nghiệp lớn.
4.5. Cơ cấu xã hội – giai cấp
Theo quan điểm mácxít thì bất kỳ ở đâu có giai cấp thì cơ cấu xã hội – giai cấp đóng vai trò quyết định trong cơ cấu xã hội. Sự phân chia cơ cấu xã hội – giai cấp tuỳ thuộc vào mỗi chế độ xã hội. Cơ cấu xã hội tư bản chủ nghĩa phân chia theo hai giai cấp là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, bên cạnh đó còn có các tầng lớp, các giai cấp trung gian. Còn cơ cấu xã hội xã hội chủ nghĩa bao gồm giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức, viên chức. Cơ cấu giai cấp được coi là hạt nhân của cơ cấu xã hội và sự biến đổi của nó tạo nên sự biến đổi của cơ cấu xã hội.
4.6. Cơ cấu xã hội – dân tộc
Nội dung nghiên cứu của cơ cấu xã hôi – dân tộc là quy mô, tỷ trọng và sự biến đổi về số lượng, chất lượng cũng như những đặc trưng, xu hướng biến đổi trong nội bộ mỗi dân tộc và tương quan giữa chúng trong cộng đồng. Nghiên cứu sự tương tác và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau của sự biến đổi cơ cấu giữa các dân tộc và các mặt khác của đời sống xã hội như: kinh tế, chính trị, văn hoá, nhịp độ quy mô của sự phát triển xã hội, những vấn đề di dân, tổ chức lao động, phân bố lại dân cư… Việc tiến hành kế hoạch hoá và chiến lược hợp tác, phân chia trách nhiệm giữa các dân tộc, cũng như việc xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc đảm bảo sự thống nhất và toàn vẹn về lãnh thổ, về mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hoá chung cho đất nước. Trong phân hệ cơ cấu xã hội cơ bản nói trên thì cơ cấu xã hội – giai cấp giữ vị trí then chốt, vì nó được hình thành trên cơ sở những khác biệt xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, chính trị…
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức