Cách mạng Nga 1905-1907: Hoàn cảnh, diễn biến & ý nghĩa lịch sử
Nội Dung
1. Nước Nga đầu thế kỷ XX
Cuộc cải cách nông nô năm 1861 có ý nghĩa quan trọng là tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản ở Nga phát triển nhưng kết quả rất hạn chế, còn để lại nhiều tàn dư nông nô lạc hậu về chính trị và kinh tế. Kinh tế công thương nghiệp phát triển cùng với sự xuất hiện của nhiều công ty lũng đoạn. Đầu thế kỷ XX, nước Nga vẫn tiến vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Đế quốc Nga đã hình thành với những nét riêng của nó, trở thành một nước đế quốc phong kiến quân phiệt.
Cùng với sự ra đời và phát triển của nền đại sản xuất tư bản chủ nghĩa, giai cấp vô sản hiện đại đã xuất hiện và lớn mạnh nhanh chóng. Nền công nghiệp phát triển tập trung làm cho công nhân Nga cũng tập trung trong các xí nghiệp lớn. Giai cấp vô sản Nga chịu mọi sự bóc lột, áp bức tàn tệ của chế độ tư bản chủ nghĩa, không những bị Chính phủ Nga hoàng, giai cấp tư sản trong nước bóc lột mà còn bị giai cấp tư sản nước ngoài áp bức. Cuộc khủng hoảng kinh tế 1900-1903 càng làm cho tình cảnh công nhân thêm điêu đứng. Nhà máy bị đóng cửa, công nhân thất nghiệp tăng, tiền lương giảm sút, ngày lao động kéo dài từ 12 đến 14 giờ, điều kiện sinh hoạt tồi tệ. Đó là nguyên nhân làm cho các cuộc đấu tranh chống Nga hoàng ngày càng tăng.
Bạn đang xem: Cách mạng Nga 1905-1907: Hoàn cảnh, diễn biến & ý nghĩa lịch sử
Về chính trị, nước Nga còn tồn tại hầu như nguyên vẹn bộ máy cai trị của chính quyền phong kiến cũ. Nga hoàng và giai cấp quý tộc phong kiến khống chế toàn bộ cuộc sống chính trị của nước Nga.
Để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, Nga hoàng đã mở cửa cho tư bản nước ngoài đầu tư vào ngày một nhiều. Do đó, những vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân đều do tư bản nước ngoài nắm. Năm 1900, tư bản nước ngoài đã chiếm khoảng 87,7% cổ phần trong xí nghiệp mỏ, 48,9% cổ phần trong xí nghiệp chế biến kim khí và sản xuất máy móc. Kết quả là đế quốc Nga chịu lép vế trong quan hệ với nước ngoài, lệ thuộc bên ngoài. Pháp là nước cho vay nợ và đầu tư lớn vào Nga, có năm cho Nga vay chừng 12 tỉ phrăng. Như vậy, nước Nga trở thành đế quốc bị lệ thuộc vào đế quốc phương Tây, là thành viên không được quyền bình đẳng trong hệ thống đế quốc. Nó xâm lược nhiều thuộc địa nhưng luôn luôn bị đe dọa, địa vị không vững vàng. Đế quốc Nga trở thành đồng minh của các nước phương Tây, cùng xâu xé các nước châu Á, đồng thời nó là dinh lũy phản động chống đối cách mạng vô sản.
Do những đặc điểm của nước Nga là đế quốc phong kiến quân phiệt, nên mâu thuẫn giai cấp trong nước Nga đặc biệt gay gắt và phức tạp. Ngoài mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản còn mâu thuẫn giữa địa chủ quý tộc, tư sản với nông dân và trên một chừng mực có mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với chế độ phong kiến. Nhưng vì giai cấp tư sản Nga yếu kém nên nó thường tìm giải pháp thỏa hiệp với chính quyền Nga hoàng để ngăn ngừa phong trào công nhân.
Do vậy, yêu cầu của sự phát triển tiến bộ nước Nga đòi phải giải quyết mâu thuẫn giữa sức sản xuất tư bản chủ nghĩa Nga với tàn dư phong kiến nông nô lạc hậu về chính trị và kinh tế, phải giải quyết mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản phát triển cao trong công nghiệp và hình thức chiếm hữu ruộng đất của chế độ nông nô lạc hậu.
Những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX trước khi cách mạng 1905 bùng nổ, yêu cầu của một cuộc cách mạng xã hội đã thể hiện trong phong trào đấu tranh của các giai cấp nông dân, công nhân, tiểu tư sản v.v… trong xã hội.
Từ đầu năm 90 của thế kỷ XIX, giai cấp công nhân Nga đã có hàng triệu người, riêng công nhân cơ khí 1,5 triệu. Phong trào công nhân dưới ảnh hưởng của những người mácxit và tổ chức của họ bắt đầu phát triển.
Năm 1883, nhóm mácxit đầu tiên ra đời ở nước Nga là nhóm “Giải phóng lao động” do G.v. Plêkhanốp lãnh đạo. Nhóm này tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân Nga, đấu tranh chống phái Dân túy là phái cho rằng cách mạng Nga sẽ được tiến hành bằng lực lượng nông dân dưới sự lãnh đạo của trí thức mà không cần đến giai cấp công nhân, biện pháp chủ yếu là ám sát và khủng bố cá nhân. Tuy nhiên, Plêkhanốp đã không coi đúng mức vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng. Sai lầm đó là mầm mống đưa ông đến quan điểm Mensêvich sau này.
V.I Lênin (1870-1924) tham gia tuyên truyền chủ nghĩa Mác từ đầu những năm 90. Năm 1895, ông hợp nhất các tổ chức mácxít của công nhân ở Pêtécbua thành Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, xây dựng mầm mống đầu tiên của một chính đảng vô sản. Tháng 3-1898, tại Minxcơ, Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga tuyên bố thành lập, ra tuyên ngôn nhưng trên thực tế không hoạt động được vì toàn bộ Ban chấp hành trung ương đều bị bắt.
Từ năm 1900, Lênin xuất bản báo Tia lửa và ngay trong số đầu tiên, ông đã chỉ rõ sự thống nhất tất cả các lực lượng giác ngộ của giai cấp vô sản, tất cả lực lượng cách mạng của nước Nga thành một chính đảng là một nhiệm vụ cấp bách. Và chỉ có thành lập một chính đảng lấy chủ nghĩa Mác làm cơ sở, tập trung một cách cao độ, có kỷ luật nghiêm minh mới có thể đưa giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân đến thắng lợi.
Mặc dầu đã tiến hành Đại hội lần I vào năm 1898, nhưng trên thực tế, lịch sử coi Đại hội đại biểu lần II của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga tháng 7-1903 ở Luân Đôn là đại hội thành lập Đảng. Đại hội đã thông qua cương lĩnh của Đảng và khẳng định nhiệm vụ chủ yếu của Đảng là làm cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, đánh đổ chính quyền của bọn tư bản, thành lập chuyên chính vô sản. Đồng thời, Đảng đã đề ra nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ chế độ Nga hoàng, thành lập nước cộng hòa, thi hành những cải cách dân chủ, giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân.
Chính trong đại hội này, khi bầu cử các cơ quan trung ương đã hình thành hai phái: Phái đa số theo Lênin (Bônsêvich) và Phái thiểu số cơ hội chủ nghĩa (Mensêvich).
2. Cách mạng bùng nổ và lan rộng
Xem thêm : Mycoplasma là vi khuẩn gram gì?
Sự thất bại của Nga trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật làm cho nền kinh tế, chính trị, xã hội lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Từ tháng 11-1904 phong trào phản chiến nổ ra khắp nơi. Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình thị uy ở Pêtécbua, Mátxcơva và nhiều tỉnh thành khác. Khắp đất nước Nga vang lên khẩu hiệu “Đánh đổ chế độ chuyên chế”, “Đả đảo chiến tranh”. Các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân đã châm ngòi lửa cách mạng năm 1905.
Ngày “chủ nhật đẫm máu” 9-1-1905 là ngày bắt đầu của cuộc cách mạng. Hơn 14 vạn người tay không vũ khí mang cờ xí, tượng thánh và chân dung Nga hoàng tiến đến cung điện Mùa đông. Nga hoàng Nicôlai II đã hạ lệnh cho quân đội bắn vào quần chúng biểu tình làm 1000 người chết và 5000 người bị thương. Pêtécbua nằm trong thảm họa khủng bố. Làn sóng phẫn nộ bao trùm thủ đô. Những khẩu hiệu cách mạng vang lên “Chúng ta không cần Nga hoàng nữa”, “Đả đảo chế độ chuyên chế I”. Những người Bônsêvich đi với công nhân, và có nhiều người bị bắt, bị giết.
Chỉ không đầy một tháng, có đến 44 vạn công nhân bãi công. Số lượng công nhân tham gia nhiều hơn cả 10 năm trước đây. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản đã kích thích tinh thần cách mạng của hàng triệu quần chúng nông dân. Ngay trong tháng 2 năm 1905, sự công phẫn về ruộng đất đã nổ ra ở nhiều vùng trên đất Nga. Mùa xuân năm 1905 nhiều nơi nông dân bắt đầu tự do canh tác, chăn nuôi trên đất ruộng và đồng cỏ của địa chủ.
Ngày 9-1-1905 trở thành ngày bắt đầu của cách mạng 1905. Cách mạng làm cho đời sống chính trị trong nước Nga có nhiều biến đổi lớn lao. Đứng trước phong trào cách mạng, tất cả các giai cấp, chính đảng cần phải xác định vị trí và thái độ của mình. Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga, chính đảng của giai cấp vô sản Nga triệu tập Đại hội III để thực hiện nhiệm vụ đó.
Từ ngày 12 tháng 4 đến ngày 27 tháng 4 năm 1905, đại hội đại biểu Đảng lần thứ III họp ở Luân Đôn. Nhiệm vụ của Đại hội là đề ra sách lược của Đảng đối với cuộc cách mạng đang tiếp diễn. Đó là nhiệm vụ cấp bách của Đảng trong tình thế cách mạng. Bọn Mensêvich cự tuyệt tham gia Đại hội này và tổ chức một đại hội khác ở Giơnevơ. Như vậy là đã diễn ra 2 đại hội của phái Bônsêvich và phái Mensêvich.
Đại hội đại biểu lần III của Đảng đã đề ra khẩu hiệu chủ yếu của cách mạng là thành lập nước cộng hòa dân chủ, tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân, thực hiện ngày làm 8 giờ. Về vấn đề khởi nghĩa vũ trang, Đại hội III nêu rõ nhiệm vụ tổ chức giai cấp vô sản lại đấu tranh trực tiếp chống chế độ chuyên chế bằng con đường khởi nghĩa vũ trang, là một trong những nhiệm vụ chính và cấp thiết của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện tại.
Đại hội cũng tính tới khả năng giành được chính quyền và phải thành lập một chính phủ, chính phủ đó sẽ thực hiện tất cả những yêu cầu kinh tế chính trị trước mắt. Đại hội đã khẳng định chủ trương đại biểu Đảng sẽ tham gia chính phủ này để đấu tranh chống lại âm mưu phản cách mạng và bảo vệ lợi ích duy nhất của giai cấp công nhân đưa cách mạng đi lên.
Quyết nghị của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga trong Đại hội III đã định ra đường lối sách lược, chiến lược cho cuộc cách mạng phát triển. Trên cơ sở đó, Lênin đã viết cuốn “ Hai sách lược của Đảng Công nhân xã hội dân chủ trong cuộc cách mạng dân chủ”. Đây là cuốn sách có ý nghĩa lịch sử lớn đối với phong trào cách mạng và phong trào công nhân quốc tế.
Mùa hạ 1905, phong trào công nhân phát triển rầm rộ, tiến tới đình công có tính chất chính trị rộng lớn, các cuộc biểu tình nổ ra rầm rộ. Số người tham gia đấu tranh lên tới hàng chục vạn. Phong trào nông dân lan rộng trong các khu vực sông Vônga, ở miền Trung và miền Nam Nga. Nông dân chiếm đất đai, thu hoạch mùa màng. Đặc biệt, phong trào đấu tranh đã lan sang binh lính. Những người lính chịu ảnh hưởng của phong trào dân chủ đã đứng dậy, điển hình là cuộc khởi nghĩa của chiến hạm Pôtemkin thuộc hạm đội Hắc Hải nổ ra ngày 4-6-1905 ở Ôđétxa.
Đầu tháng 10-1905 cách mạng bước vào cao trào mới. Phong trào bãi công, các cuộc chiến đấu võ trang, sự phẫn nộ của quần chúng trước sự thối nát của chính phủ, đã làm cho cuộc khủng hoảng ở nước Nga càng trầm trọng. Mở đầu là cuộc bãi công của công nhân đường sắt. Toàn bộ các tuyến đường xe lửa không hoạt động. Công nhân các ngành trong cả nước liền hưởng ứng, tạo nên một cao trào bãi công lớn. Cao trào bãi công chính trị tháng Mười 1905, đã làm cho mọi sinh hoạt trong nước bị ngưng trệ, lực lượng của chính phủ bị tê liệt.
Ngày 13-11-1905, Lênin từ nước ngoài trở về. Ngay từ khi đặt chân lên đất Nga, Người đã đặc biệt chú ý đến việc giành quyền lãnh đạo cách mạng cho Xô viết. Xô viết từ cơ cấu lãnh đạo bãi công chuyển thành tổ chức chính quyền của cách mạng.
Ngày 7-12, ở Mátxcơva bắt đầu nổ ra cuộc tổng bãi công và nhanh chóng biến thành cuộc khởi nghĩa vũ trang. Khi khởi nghĩa bắt đầu, đội tự vệ công nhân có 2000 người. Bên cạnh họ còn có hàng vạn công nhân và nhân dân lao động. Họ dựng chiến lũy trên đường phố, tiến hành trinh sát, cung cấp lương thực cho đội tự vệ công nhân.
Xem thêm : Tác phẩm văn học là gì? Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học
Đây là cuộc khởi nghĩa của nhân dân do giai cấp công nhân đi đầu. Những khu vực khởi nghĩa diễn ra cuộc chiến đấu ngoan cường nhất là ở Cơraxnaia, Prexnaia, ngoại ô Matxcơva, Ximônốpxki v.v…
3. Kết thúc cách mạng và ý nghĩa lịch sử
Nhưng cuộc khởi nghĩa không thu được thắng lợi. Những người công nhân khởi nghĩa thiếu kinh nghiệm đấu tranh vũ trang, thiếu vũ khí, thiếu sự phối hợp thống nhất toàn quốc, mối liên hệ với quân đội không chuẩn bị kỹ càng, và những đường giao thông chính vẫn nằm trong tay Nga hoàng nên Nga hoàng đã có đủ lực lượng quân sự trong tay để dìm phong trào công nhân trong biển máu. Ngày 19-12-1907 Ban chấp hành Đảng bộ Bônsêvich Matxcơva và Xô viết Matxcơva kêu gọi công nhân ngừng cuộc đấu tranh vũ trang để tránh tổn thất.
Đối với nước Nga, cuộc cách mạng 1905 đã giáng một đòn nặng nề vào nền thống trị của địa chủ và tư sản. Nó làm suy yếu chế độ Nga hoàng và báo trước cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ xảy ra. Nó là một cuộc tổng diễn tập tạo nên điểm xuất phát cho cuộc cách mạng năm 1917.
Về ý nghĩa thế giới, cuộc cách mạng 1905-1907 đã kết thúc thời kỳ im ắng tạm thời trong phong trào công nhân quốc tế kế từ sau Công xã Pari và mở đầu giai đoạn bão táp cách mạng mới.
Nhờ ảnh hưởng của cách mạng Nga 1905, các cuộc đấu tranh cách mạng ở các nước Tây Âu và châu Á đã phát triển mạnh hơn. Phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa bước vào một giai đoạn đấu tranh sôi nổi.
Vladimir Ilyich Lenin: “Không có cuộc tổng diễn tập 1905 thì cũng không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917”
Câu hỏi thường gặp:
– Động lực của cách mạng Nga 1905 – 1907 là gì? TL: công nhân, nông dân và bình dân.
– Cách mạng Nga 1905 – 1907 mang tính chất của một cuộc? TL: Cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới.
– Sự kiện lịch sử được coi là đỉnh cao của cuộc cách mạng 1905 – 1907 ở Nga là? TL: Cuộc tổng bãi công biến thành cuộc khởi nghĩa vũ trang của công nhân Mátxcơva (12 – 1905).
– “Ngày chủ nhật đẫm máu” trong cuộc cách mạng Nga (1905 – 1907) là ngày nào? TL: ngày 9-1-1905.
– Điểm giống nhau giữa cách mạng Nga 1905 – 1907 và cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII, cách mạng tư sản Pháp thế kỉ XVIII là gì? TL: Đều chống lại chế độ quân chủ chuyên chế lỗi thời.
– Nguyên nhân trực tiếp làm bùng nổ cuộc cách mạng 1905 – 1907 ở Nga là? TL: Quân đội và cảnh sát của Nga hoàng gây vụ thảm sát “Ngày chủ nhật đẫm máu”
Nguồn tham khảo: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức