Phong trào cách mạng Ý 1848 và Cuộc đấu tranh thống nhất nước Ý

0

Phong trào cách mạng 1848 và Cuộc đấu tranh thống nhất nước Ý.

1. Cách mạng 1848-1849

Nhiệm vụ chủ yếu của cuộc cách mạng dân chủ tư sản Ý năm 18481849 là thống nhất đất nước, giải phóng Lôngbacdia, Vênêdia khỏi ách thống trị của Áo, thủ tiêu chế độ chính trị và kinh tế phong kiến lạc hậu.

Phong trào cách mạng bắt đầu bùng nổ từ miền Nam nước Ý. Ngày 12 tháng 1 năm 1848, quần chúng ở Palecmô, một thành phố lớn thuộc Xixilia đứng dậy khởi nghĩa. Nhân dân lao động trong thành phố được sự ủng hộ của đông đảo nông dân có vũ trang đã triển khai nhanh chóng phong trào và chiếm được gần hết đảo Xixilia.

Những tin tức về cuộc cách mạng ở Pháp, Đức và Áo đã thúc đẩy cao trào cách mạng ở trong nước, đặc biệt là vùng Bắc Ý, nơi chịu ách chiếm đóng của quân đội Áo. Ngày 18-3, cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở Milanô với khẩu hiệu: “Người Áo cút khỏi Ý”. Công nhân, thợ thủ công, tiểu thương, trí thức đóng vai trò quyết định trong cuộc đấu tranh. Vài ngày sau, quân Áo bị đuổi khỏi thành phố, chính quyền chuyển sang tay chính phủ lâm thời mới thành lập gồm những người tư sản tự do.

Ngày 22-3, sau 2 ngày chiến đấu anh dũng, nhân dân Vênêdia đã làm chủ thành phố và tuyên bố thành lập nước “Cộng hòa thần thánh Mácca”. Sau đó, toàn bộ vùng Vênêdia được giải phóng.

Dưới áp lực của quần chúng khởi nghĩa, vua Piêmông là Các Anbe ra lệnh tuyên chiến chống Áo. Đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm giải phóng Piêmông khỏi ách thống trị của triều đình Hapxbua. Nhưng nhà vua không dám tiến hành chiến tranh một cách kiên quyết, không động viên hết khả năng người và của để đánh bại quân Áo.

Từ cuối tháng 4-1848, liên minh phản cách mạng bắt đầu phản công: giáo hoàng Piô IX kêu gọi ngừng cuộc chiến tranh chống Áo, vua Napôli là Phécđinăng, tiến hành một cuộc chính biến phản cách mạng, cuộc chiến tranh lừng chừng của Các Anbe làm cho quân Ý bị thua trận, gây tai hại cho phong trào chống Áo. Đến 6-8 quân Áo chiếm được Milanô, đặt toàn bộ Milanô và Lôngbacđia dưới quyền thống trị của Áo.

Nhưng cuộc cách mạng vẫn không ngừng tiếp diễn trong cả nước. Ngày 15-9, quần chúng khởi nghĩa ở Rôma đuổi Giáo hoàng và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Rôma. Tháng 3-1849, quân Áo giành được thắng lợi ở Piêmông và tiếp theo đó, thế lực phản động được phục hồi ở nhiều nơi. Plorenxia, Palecmô, Napôli… Giữa lúc đó, ngọn lửa cách mạng vẫn không ngừng bùng cháy ở nước Cộng hòa Rôma. Liên minh Pháp, Áo, Tây Ban Nha gửi quân tới hòng bóp chết cách mạng. Những chiến sĩ bảo vệ Rôma đã chiến đấu rất anh dũng chống bọn can thiệp. Trên các chiến lũy, nghĩa quân được khích lệ mạnh mẽ bởi sự tham gia chiến đấu của những người lãnh đạo cuộc cách mạng dân chủ ở Ý là Garibanđi. Nhưng cuối cùng, quân Pháp đã chiếm được Rôma vào đầu tháng 7. Chính quyền Giáo hoàng được phục hồi và các cải cách tiến bộ đều bị thủ tiêu. Sự thất bại của Rôma là một tổn thất nặng nề đối với phong trào cách mạng Ý.

Tiếp theo đó là sự thất bại của nước Cộng hòa Vênêdia, sự kiện kết thúc phong trào 1848 -1849 ở Ý.

2. Cuộc đấu tranh thống nhất nước Ý

Cuộc cách mạng 1848-1849 ở Ý thất bại, vấn đề thống nhất đất nước chưa được giải quyết. Nước Ý vẫn bị chia cắt thành 7 vương quốc nhỏ: Lôngbacđia – Vênêdia chịu sự thống trị trực tiếp của đế quốc Áo. Pacna, Môdêna, Tôxcana và Napôli bị bọn vua chúa phong kiến đã từng bỏ chạy trong những ngày cách mạng trở lại thống trị dưới ảnh hưởng của Áo;

Rômania (đất thuộc Giáo hoàng) là trung tâm Thiên chúa giáo có quân Pháp chiếm đóng và Piêmông là nước duy nhất giữ được hiến pháp tự do năm 1848, có chế độ chính trị và kinh tế tiến bộ hơn cả.

Sau cách mạng 1848, Piêmông theo chế độ quân chủ lập hiến, do triều đại Xavoa, đứng đầu là vua Vichto Emmanuyen II trị vì. Kẻ nắm quyền lãnh đạo nhà nước là Cavua, thủ tướng, đại biểu lợi ích của liên minh giai cấp quý tộc tư sản hóa và đại tư sản. Hai giai cấp này cùng quan tâm đến sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, cùng chủ trương thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Piêmông và cùng lo ngại cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng. Piêmông là vương quốc có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển nhất ở Ý.

Việc xây dựng đường sắt, đóng tàu, kinh doanh các ngành công nghiệp mới được nhà nước khuyến khích. Chính sách “tự do buôn bán” đã mở cho quý tộc và tư sản một thị trường tiêu thụ mới, bảo đảm việc mua nguyên liệu rẻ và trang bị máv móc. Trong khoảng 1851-1858, số lượng hàng hóa lưu thông tăng gấp hai lần; máy móc, quặng, gang, than đá được nhập vào ngày càng nhiều. Ngành sản xuất bông phát triển nhanh chóng, ngành luyện kim và cơ khí bắt đầu được xây dựng. Nông nghiệp cũng chuyến hướng kinh doanh tư bản chủ nghĩa để cung cấp hàng hóa nguyên liệu cho công nghiệp và xuất cảng.

Trong khi đó, hầu hết các quốc gia khác ở Ý đều ở trong trạng thái trì trệ, lạc hậu vì ách thống trị của đế quốc Áo và thế lực phong kiến trong nước. Hàng hóa Áo tràn vào thị trường bóp chết các ngành sản xuất trong nước. Nông nghiệp luôn luôn bị mất mùa. Mối mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển sản xuất với sự ràng buộc của ách thống trị phong kiến trong và ngoài nước ngày càng gay gắt. Giải quyết vấn đề thống nhất đất nước tức là đáp ứng nguyện vọng giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Áo và thực hiện yêu cầu xóa bỏ chế độ phong kiến, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

Như vậy, vấn đề thống nhất nước Ý trở thành một yêu cầu cấp thiết của giai cấp tư sản và toàn thể quần chúng nhân dân. Trước vấn đề này, có hai khuynh hướng giải quyết.

Giai cấp tư sản tự do ở các vương quốc đều muốn tiến hành chiến tranh chống Áo dưới sự lãnh đạo của Piêmông, của khối liên minh giai cấp quý tộc tư sản hóa và đại tư sản. Cavua chủ trương thống nhất bằng con đường “từ trên xuống” tiến hành những cuộc chiến tranh vương triều, tiến tới thành lập một nước Ý dưới quyền lãnh đạo của triều đại Xavoa. Chỗ dựa bên ngoài là Napôlêông III, người quan tâm đến vấn đề Ý không phải vì quyền lợi dân tộc Ý mà vì mưu đồ gạt Áo để tranh giành ảnh hưởng trên bán đảo Apennanh.

Đối lập lại là khuynh hướng tư sản dân chủ. Những người dân chủ tư sản và cộng hòa được quần chúng ủng hộ, xác định con đường tiến hành cách mạng coi đấu tranh vũ trang là biện pháp cơ bản để giải phóng và thống nhất nước Ý. Matdini là người đại biểu cho khuynh hướng này trong đó nổi lên vai trò của Garibandi.

Quá trình thống nhất nước Ý có thể chia làm ba giai đoạn:

a) Cuộc chiến tranh chống Áo và sự thống nhất miền Bắc Trung Ý (4/1859 – 3/1860)

Tháng 7-1838, Cavua ký kết bí mật một hiệp ước với vua Pháp là Napôlêông III. Theo hiệp ước, Pháp hứa sẽ giúp Cavua đuổi Áo ra khỏi Lôngbácđia – Vênêdia, sáp nhập vùng đó vào Piêmông, Pháp sẽ được trả công bằng vùng Xavoa và Nixơ.

Ngày 29 tháng 4 năm 1859, cuộc chiến tranh giữa liên minh Ý, Pháp chống Áo bùng nổ. Cao trào cách mạng của quần chúng nhân dân phát triển rất cao. Trong suốt mùa hè năm 1859, nhân dân nổi dậy khởi nghĩa ở Tôxcana, Pacma, Môđêna và Rômania. Bọn phong kiến thống trị bỏ chạy sang Áo. Đóng vai trò quan trọng trong phong trào nhân dân là đoàn quân của Garibandi mang tên đội “Xạ thủ núi Anpơ” bao gồm những người lính tình nguyện, yêu nước, đầy tinh thần anh dũng. “Những xạ thủ núi Anpơ” giành được thắng lợi rực rỡ, trong tháng 5 giải phóng hàng loạt thành thị ở Lôngbácđia. Tháng 6, quân Áo thua lớn ở Magăngta (4-6), Xonphêrinô (24-6)…, có nguy cơ thất bại hoàn toàn.

Nhưng trước cao trào cách mạng của nhân dân Ý, Napôlêông III liền bội ước những điều đã hứa với Cavua, quay lại ký với Áo hòa ước Vilaphrăngca ngày 11-7-1859: Áo nhường Pháp Lôngbácđia để Pháp “cho” Piêmông, còn Vênêdia vẫn thuộc Áo. Chính quyền của các lãnh chúa sẽ phục hồi ở các vương quốc Tôxcana, Pácma, Môdêna, Rômania. Như vậy, Napôlêông trắng trợn chuyển sang phe phản động, công khai thừa nhận sự chia cắt nước Ý và chỉ nhượng bộ đôi chút phong trào yêu nước ở Ý, phản bội những lời cam kết ở Piôngbierơ.

Nhân dân Ý rất căm phẫn trước bản hòa ước nhục nhã này, không thừa nhận nó. Matdini tuyên bố “nhân dân Ý không hề ký hòa ước”. Phong trào dân chủ tư sản ráo riết hoạt động, nhân dân khắp nơi đòi vũ khí, đội cận vệ quốc gia được thành lập. Quần chúng nhân dân đánh tan âm mưu khôi phục chế độ cũ ở miền Trung Ý. Các quốc hội Tôxcana, Pácma, Môđêna và Rômania phê chuẩn việc truất ngôi các triều đại thân Áo và ra sắc lệnh sáp nhập vào vương quốc Piêmông. Tháng 3 năm 1860, việc sáp nhập được chính thức hóa sau khi nhân dân biểu quyết.

Thế là dưới áp lực của quần chúng và sự đóng góp tích cực của những người dân chủ tư sản, một bộ phận lớn của miền Bắc nước Ý được thống nhất, dưới ngọn cờ của Piêmông do vua Emmanuyen II và thủ tướng Cavua lãnh đạo.

b) Cao trào cách mạng Nam Ý và sự thành lập nước Ý thống nhất (4/1860 – 3/1861)

Từ năm 1859, phong trào khởi nghĩa bùng lên mạnh mẽ ở miền Nam nước Ý. Ngày 4-1-1860, cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ Palécmô và lan ra nhiều thành phố khác ở Xixinlia. Nông dân nổi lên đấu tranh, thành lập các đội du kích do người phái Mátdini chỉ huy: Nhân dân tiến đánh các nhà tù để giải thoát chính trị phạm, phá các đồn bốt, đòi lật đổ chính quyền phong kiến và thống nhất nước Ý. Chính giữa lúc đó, đội quân “Một nghìn” có tính chất thần thoại của Garibandi rời Giênôva tiến về Xixinlia. Trên hai chiến thuyền, những dũng sĩ áo đỏ tình nguyện, gần một nửa là công nhân, thợ thủ công, sinh viên, trí thức và cả những người nước ngoài – đã vượt biển trong đêm tối, đổ bộ vào đảo giữa lúc ngọn lửa cách mạng đang bùng cháy. Từ đấy, cuộc chiến đấu của họ hòa vào phong trào đấu tranh rộng rãi của quần chúng nhân dân. Chỉ trong một tháng, 5.000 du kích đã tham gia quân tình nguyện. Đạo quân Garibanđi cùng với các lực lượng vũ trang của quần chúng chiến đấu anh dũng, đến cuối tháng 5 giải phóng hầu hết đảo Xixinlia. Triều đình phong kiến Buốcbông bỏ chạy, chính quyền tư sản được thành lập. Garibanđi mang danh hiệu vị “chấp chính” của Xixinlia. Nhưng quyền hành thực tế ở trong tay phái tự do, Garibanđi ra lệnh xóa bỏ những đặc quyền có tính chất đẳng cấp của quý tộc và tăng lữ, trục xuất bọn thầy tu và tước đoạt ruộng đất của chúng, bãi bỏ nhiều thứ thuế; thực hiện tự do buôn bán, chia đất công cho những người nông dân đã từng tham gia chiến đấu.

Tháng 8, quần đội Garibanđi lại vượt biển vào Napôli với tư thế của một đoàn quân chiến thắng. Khắp các thành phố của Napôli nổi dậy, chính phủ lâm thời được thành lập do những người phái Matdini đứng đầu. Các đội quân nông dân tự vũ trang đốt phá đồn điền, trại ấp, phối hợp cùng với quân đội của Garibanđi. Ngày 7-9, Garibanđi tiến vào thủ đô Napôli, nhà vua đã bỏ chạy trước đó vài ngày. Chính quyền mới được thành lập do Garibanđi làm “Chấp chính”. Cuộc cách mạng tư sản ở miền Nam thắng lợi, đất công được chia cho nông dân, những đặc quyền phong kiến bị hủy bỏ. Garibanđi thật xứng đáng là vị “anh hùng khí phách thời cổ đại, có khả năng sáng tạo những kỳ công và đã sáng tạo ra những kỳ công” như Ăngghen đánh giá.

Hoạt động của Garibanđi làm cho phái tự do cố gây áp lực để giành lại chính quyền, sáp nhập Napôli vào Pilêmông, dưới quyền của triều đại Xavoa (10-1860). Sau khi cầm quyền ở Napôli, Cavua đã thủ tiêu những sắc lệnh cách mạng, Garibanđi bị đày ra đảo Caprêra.

Tháng 3-1861, Nghị viện Ý vừa được bầu ra, chính thức tuyên bố thành lập vương quốc Ý thống nhất do nhà vua Piêmông là Victo Emmanuyen II làm hoàng đế. Chính quyền tập trung trong tay quý tộc tư sản hóa và giai cấp đại tư sản. Thị trường dân tộc được thống nhất, hàng rào quan thuế bị thủ tiêu, đường sắt và công cuộc kinh doanh được khuyến khích.

c) Hoàn thành thống nhất nước Ý (1861 — 1870)

Đến năm 1861, chỉ còn vùng Vênêdia (thuộc Áo) và Rômania (thuộc Giáo hoàng) là chưa nằm trong bản đồ Vương quốc Ý thống nhất. Garibanđi nhiều lần dẫn quân trở về nước để giải quyết nốt các khu vực còn lại, đều bị quân của Víchto Emmanuyen II chặn đánh. Triều đại Xavoa dựa vào sức mạnh nước ngoài, ủng hộ Phổ trong cuộc chiến tranh PhổÁo. Do thất bại của Áo, Ý được trả lại vùng Vênêdia. Chiến tranh PhápPhổ năm 1870 dẫn tới sự sụp đổ của nền Đế chế thứ II ở Pháp, Giáo hoàng mất chỗ dựa. Quân Ý tiến vào chiếm Rôma. Ngày 20-9, Vênêdia và Rômania được sáp nhập vào nước Ý. Giáo hoàng Piô IV rút vào Vaticăng, tự coi mình là kẻ “bị cấm cố” với mấy trăm giáo dân và các lâu đài của Tòa thánh. Nước Ý hoàn thành việc thống nhất, lấy Rôma làm thủ đô.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.