Chủ nghĩa nhân văn
Nội Dung
Chủ nghĩa nhân văn là gì?
Chủ nghĩa nhân văn (hay còn gọi là chủ nghĩa hiện thực thời phục hưng) là một hệ thống tư tưởng triết học, đạo đức, chính trị, mỹ học lấy con người và đời sống hiện thực, trần thế của nó, một đời sống văn minh, hạnh phúc, hữu ái làm mục đích trung tâm và cao nhất.
Cơ sở xã hội – ý thức và sự ra đời của chủ nghĩa nhân văn
Thời đại Phục hưng đã manh nha những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời trong lòng chế độ phong kiến, mở đầu cho thời kỳ quá độ từ phong kiến sang tư bản chủ nghĩa. Nó có ý nghĩa như một cuộc cách mạng mạnh mẽ, nhằm phản ứng lại chế độ phong kiến trung cổ. Nó giải thích những nguyên nhân đã gây ra cho nhân loại cảnh bất hạnh, tội lỗi, đồi trụy… và đề xuất phương pháp giải quyết những tồn tại đó để cho con người được sống một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Những nhân tố của chủ nghĩa nhân văn đã từng tồn tại trong văn học dân gian, trong gia tài văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc thời cổ. Nhưng phải đến thời phục hưng (thế kỷ XV – XVI), khi Tây Âu bước vào “cuộc đảo lộn tiến bộ lớn nhất từ xưa tới nay nhân loại chưa từng thấy” (Engels) thì thuật ngữ “chủ nghĩa nhân văn” mới ra đời với tư cách một hệ thống tư tưởng toàn diện, đánh dấu giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa.
Bạn đang xem: Chủ nghĩa nhân văn
Giai cấp tư sản mới ra đời với những yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của nó, đã vấp phải một trở ngại lớn là chế độ phong kiến và nhà thờ Kitô giáo. Đạo Kitô “là hệ tư tưởng thống trị cùng với cơ chế chuyên chính của nó là chính quyền phong kiến, Giáo hội, tòa án tôn giáo, thần học, chủ nghĩa ngu dân, chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh viện, chủ nghĩa khổ hạnh… chỉ khẳng định có niềm hạnh phúc thuần túy tinh thần ở thiên đường mà con người khi sống phải nhẫn nhục, chịu đựng, sám hối, chuộc tội, cầu nguyện thì mới có thể, sau khi chết, đạt tới cõi vĩnh hằng cao cả. Nó cũng khẳng định chỉ có Chúa trời và Kinh thánh là chân lý và ngọn nguồn của mọi tri thức” (Nguyễn Văn Khỏa, Từ điển văn học, bộ mới, Sđd, tr. 291).
Xem thêm : Cách vẽ búp bê giấy đẹp đơn giản dễ thương, ngộ nghĩnh nhất
Chủ nghĩa nhân văn đề cao lý trí, chủ trương khám phá thiên nhiên với tinh thần khoa học, ca ngợi niềm vui và niềm hạnh phúc trần thế, khẳng định tình yêu cao đẹp, xuất hiện trong các tác phẩm của các tác giả, ban đầu là ở Ý như Dante (1265 – 1321), G. Boccacio (1313 – 1375), ở Hà Lan như D. Eraxmax (1466 – 1536), ở Pháp như F. Rabelais (1494 – 1533), ở Anh như W. Shakespeare (1564 – 1616)… Biểu hiện đầu tiên của phong trào là khôi phục, nghiên cứu, dịch thuật, truyền bá giá trị văn hóa cổ đại Hy Lạp – La Mã, sau đó là những sáng tác. Châm ngôn đầu tiên làm thức tỉnh cả một trào lưu xuất phát từ gia tài văn hóa cổ của nhà soạn kịch La Mã Terenxy: “Tôi là một con người, tất cả những gì thuộc về con người đều không xa lạ đối với tôi.” Chủ nghĩa nhân văn còn là sản phẩm của nền khoa học thực nghiệm, chủ nghĩa kinh nghiệm giàu tính chất duy vật về thế giới quan, biểu hiện từ công trình Về sự xoay chuyển của các thiên thể (1543) của N. Copecnic với thuyết nhật tâm chống lại thuyết địa tâm của tôn giáo, việc tìm ra châu Mỹ của C. Colom, chuyến vòng quanh thế giới của F. Magienlan, sự khám phá Cơ cấu thể xác con người của Védale, công trình triết học duy vật Nền Phục hưng vĩ đại (1620) của F. Bécon (1501 – 1626). Chính Bécon được coi là thủy tổ của triết học duy vật thời phục hưng, đồng thời còn là “thủy tổ chân chính của chủ nghĩa duy vật Anh và cả nền khoa học thực nghiệm hiện đại” (Marx). Bécon đã khẳng định thế giới là vật chất, nền tảng cho vạn vật là vật chất nguyên thủy. Ông nhìn thấy sự vận động vốn có trong tự thân vật chất và cho đó là tuyệt đối, còn tĩnh tại chỉ là tương đối. Ông khẳng định vai trò năng động của con người trước các quy luật của tự nhiên: “Muốn ra lệnh cho thiên nhiên, phải phục tùng thiên nhiên”, đồng thời là người đầu tiên nêu ra khẩu hiệu: “Tri thức là sức mạnh”.
Nhân vật và nguyên tắc xây dựng tính cách nhân vật
Nhân vật lý tưởng của chủ nghĩa nhân văn là con người mang lý tưởng nhân văn cao đẹp, đầy tài năng và trí tuệ, như những kỳ quan của thiên nhiên, là sản phẩm của “thời đại khổng lồ làm nảy sinh những con người khổng lồ” (Engles) như Shakespeare đã khẳng định: “Con người là tuyệt tác biết chừng nào! Cao quý bao nhiêu với lý trí sáng suốt! Những khả năng của nó vô hạn biết bao nhiêu! Lớn lao và tuyệt vời biết bao nhiêu trong hình dáng và cử chỉ! Trong hành động thì giống như thiên thần, về hiểu biết thì như một bậc thánh! Con người là sắc đẹp của thế gian, là kiểu mẫu của muôn loài.” (Hamlet). Chủ nghĩa nhân văn coi con người làm đối tượng trung tâm, thể hiện trong các nhân vật trung tâm trong tác phẩm của Shakespeare, Bocaxio, Cervantes… Bocaxio chế diễu thói đạo đức giả của giới tăng lữ bằng những chuyện cười, ca ngợi sức hấp dẫn của những tấm thân vật chất có tính trần tục đến mức làm đấng bề trên mê mẩn cả tâm thần, quên cả những điều răn của Chúa. Nhân vật Gargangchua với lòng tự tin vững chãi và niềm tôn trọng phẩm giá con người đối lập với Picrokhon, hiện thân của bọn cầm quyền tham lam và tàn nhẫn. Nhân vật Jang coi khinh tất cả những thế lực trì trệ lạc hậu, Pangtaruyen mang phẩm chất cao đẹp được hình thức hóa bằng tầm vóc đồ sộ và sức lực dũng mãnh, đối lập với Pannurgiơ hoài nghi và hư vô…
Nhân vật trung tâm của chủ nghĩa nhân văn trút bỏ những ràng buộc của lễ giáo và thần quyền, mang lý tưởng vì con người, có tiềm năng vô hạn, luôn tìm tòi, nồng nhiệt với đời sống, biết suy nghĩ và hành động. Shakespeare đã tạo ra những nhân vật biết hy sinh vì chính nghĩa, là chân lý do bản thân tìm ra và tự quyết định lấy số phận của chính mình. Con người trở thành trung tâm của vũ trụ, mực thước của mọi sự vật. Có thể thấy, tuy cũng là con người thuộc ý thức hệ tư sản, nhưng trong giai đoạn đầu có tính chất cách mạng, những nhân vật trung tâm của văn học Phục hưng khác với những con người vị kỷ, cá nhân cực đoan trong sáng tác của Balzac sau này.
Tính cách nhân vật của chủ nghĩa nhân văn rất giàu cá tính, tiêu biểu là trong sáng tác của W. Shakespeare. Hégels từng cho rằng những nhân vật điển hình phải là “một con người toàn vẹn có sinh khí” tức là nó phải cụ thể chứ không phải là sản phẩm trừu tượng nhàn nhạt, mang một đặc trưng, một tính cách độc lập. Khi nhận xét về tính cách nhân vật của Shakespeare, Hégels cho rằng đó là thế giới của “vạn tâm hồn”, mỗi người mỗi vẻ. Cùng trả thù cho cha nhưng Hamlet khác với Laectơ. Một đằng là con người của suy tưởng, hoài nghi, bi quan, do dự, một bên là bừng bừng nộ khí đòi hành động trừng trị thủ phạm ngay tức khắc. Ngay trong tình yêu, Hamlet cũng khác với Rômêô. Cùng tham quyền cố vị nhưng ba nhân vật Risa III, Macbet và Clodiut là ba cá tính khác nhau: Risa III bản chất gian xảo lại tàn bạo nhưng cũng đầy nghị lực và kiên quyết. Macbet tàn bạo chỉ vì bị xúi giục cho nên hay run sợ, hoảng hốt, thiếu tự tin. Còn Clodiut là trung bình cộng của cả hai.
Xem thêm : Sản xuất vật chất là gì? Vai trò của SXVC
Tính cách nhân vật của chủ nghĩa nhân văn không những giàu màu sắc cá tính mà còn rất đa dạng, chứ không đơn giản một chiều. Nó ngược với lý thuyết “tam duy nhất” của thi pháp chủ nghĩa cổ điển yêu cầu “nhân vật một tính cách, diễn ra trong một ngày, tại một địa điểm”. Chẳng hạn như hai nhân vật nữ trong văn học giải phóng miền Nam trước đây là chị Út Tịch và chị Sứ, thì Út Tịch là nhân vật một tính cách, còn chị Sứ là đa tính cách. Chị Sứ tính cách vận động, phát triển từ yêu chồng, thương con, đến với cách mạng, sống và chiến đấu anh hùng, chết cái chết của người anh hùng. Chị Út Tịch là nhân vật có tính cách ổn định, sinh ra đã là người anh hùng, mười ba tuổi đi ở cho chủ lẫm lúa, khi bị chủ bắt leo lên hái dừa, đã từ trên cao “tè” xuống đầu chủ. Anh hùng từ nhỏ, lớn lên sống, chiến đấu và chết như những anh hùng. Molière tả một người hà tiện chỉ có hà tiện thôi, còn ở Shakespeare thì vừa hà tiện, vừa ranh mãnh, vừa hằn thù, vừa yêu con lại vừa nhạy cảm thông minh. Đó là nhân vật Sâylốc trong Lái buôn thành Vơnidơ. Sâylốc là con người keo kiệt nhưng có lúc lại thích mang tiền cho vay mà không mong ngày hoàn lại. Y nghĩ rằng đó là “ý thích của tôi, tôi thâm thù, tôi căm ghét Antôniô”. Sự hằn thù cay độc của y bắt nguồn từ lòng tự ái và tự tôn dân tộc. Y là người Do Thái, sống tha phương giàu có, rất hợm của nhưng thường bị dè bỉu, cho nên rất căm ghét người dị tộc, hễ có dịp là trả thù. Phương châm sống của Sâylốc như y đã nói: “Khi một người Do Thái bị người Cơ đốc giáo làm nhục thì họ chịu nhẫn nhục… Để làm gì, để trả thù chứ để làm gì nữa?” Ácpagông trong Lão hà tiện của Molière thì không thể có ý nghĩ như thế và chắc chắn không cho vay mà biết trước là không thể đòi được. Ngay cả dựng vợ gả chồng cho con cái cũng đều tính toán, mục tiêu vì tiền. Với vợ con, Sây lốc rất mực thương yêu không tính toán lợi lộc. Khi biết con gái đem chiếc nhẫn đổi lấy một con khỉ, y hoảng hốt mà rằng dù có đổi lấy một rừng khỉ cũng phải tìm cách chuộc lại chiếc nhẫn vì đó là kỷ vật của người vợ quá cố trao cho y lúc hai người mới yêu nhau… Loại nhân vật giàu cá tính và đa diện, đa dạng như thế này chỉ có thể là sản phẩm của nguyên tắc sáng tạo của chủ nghĩa hiện thực, đến chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX ta còn gặp loại nhân vật này, tất nhiên là ở một bình diện khác, một cấp độ khác. Vì vậy, quả là có lý khi gọi chủ nghĩa nhân văn là chủ nghĩa hiện thực thời phục hưng, hoặc chủ nghĩa hiện thực nhân văn.
Đặc điểm thi pháp
Thi pháp của chủ nghĩa nhân văn là xuất phát từ kiểu sáng tác tái hiện, lấy việc mô phỏng, phản ánh thực tại khách quan làm mục tiêu bao trùm. Trong Lời tựa cho tiểu thuyết Don Kihote, Cervantes đã quan niệm rằng: “Mọi sự đều do mô phỏng tự nhiên, tự nhiên là mẫu mực duy nhất, mô phỏng càng tinh diệu thì bộ sách của anh tất sẽ càng hoàn mỹ.”
Mô phỏng là một nguyên tắc nghệ thuật không đồng nghĩa với đơn điệu, dễ dãi. Chủ nghĩa nhân văn đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật đa dạng, không chỉ mô phỏng như bản thân cuộc sống mà còn sử dụng nhiều biện pháp của kiểu sáng tác lãng mạn, các thủ pháp kỳ ảo, tượng trưng, huyền thoại… Thần khúc của Dante miêu tả hành trình xuống địa ngục lên thiên đường đầy màu sắc huyền thoại kỳ ảo. Giấc mộng đêm hè của Shakespeare với những yếu tố thần kỳ chỉ tìm thấy ở trào lưu lãng mạn sau này và ngay cả trong Bão táp hầu như ta bắt gặp một Shakespeare đầy cảm hứng lãng mạn, bộc lộ nhiều mơ ước ở tương lai. Tuy những yếu tố thi pháp còn giản đơn, nhưng chính những hình thức và thủ pháp “phi hiện thực” này đã làm cho bản chất hiện thực bộc lộ sinh động và sâu sắc, để lại những bài học mà những phương pháp sáng tác sau này luôn kế thừa và phát huy ở mức cao hơn.
(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức