WordPress là gì? Những điều cơ bản nhất về WordPress
Ở thời điểm hiện tại, hiếm người nào mà chưa từng nghe đến từ “WordPress”. Đây là cách đơn giản, phổ biến nhất để tạo ra trang web của riêng bạn từ những nền móng nhỏ nhất.
Những người bên ngoài cộng đồng WordPress có thể không biết rằng nó đã được tạo ra và giới thiệu lần đầu vào năm 2003 bởi Matt Mullenweg và Mike Little, lúc này phần mềm blog có sẵn là b2/cafelog đã bị khai tử bởi các lập trình viên tạo ra nó. WordPress được dựa trên b2/cafelog nhưng đã được trải qua những cải tiến đáng kể ngay từ ban đầu khiến nó trở thành một phần mềm hoàn toàn khác vào ngày nay.
Ngay lúc này, WordPress đã là một công cụ tạo trang web lớn nhất, phổ biến nhất trên thế giới. WordPress thu hút người dùng với các trải nghiệm dùng code cũng như không cần dùng code để tạo nên một trang web.
Vậy, WordPress là gì? Hãy cùng bắt đầu định nghĩa sự khác nhau giữa WordPress.ord và WordPress.com.
Nội Dung
WordPress.org và WordPress.com, đâu là sự khác biệt?
Trước khi đào sâu tìm câu trả lời cho câu hỏi “WordPress là gì?”, hãy làm rõ các vấn đề xung quanh một chút. Nếu là người hoàn toàn mới tìm hiểu WordPress, bạn cần phải hiểu rõ được điều hay gây nhầm lẫn: có một sự khác biệt lớn giữa WordPress.com và WordPress.org.
WordPress.org đề cập đến hệ thống quản lý nội dung (CMS – Content Management System) có mã nguồn mở, cái mà chúng ta sẽ thảo luận đến trong bài viết này, trong khi đó WordPress.com là một nền tảng blogging phổ biến khác được cung cấp bởi Automattic, một tập đoàn đứng sau WordPress.org.
Điểm giống nhau duy nhất đó là WordPress.com sử dụng các dòng code cốt lõi của WordPress.org.
Đầu tiên, WordPress.com là một nền tảng có lợi nhuận, còn WordPress.org thì miễn phí. Cũng có gói đăng ký WordPress.com miễn phí (cái mà nhiều blogger mới hay chọn sử dụng) nhưng bạn cũng có thể mua một gói tính phí để mở rộng các tính năng và xử lý một số phần về kỹ thuật khác khi tạo một trang web mới.
So sánh sự linh hoạt mà WordPress.org cung cấp, WordPress.com có những giới hạn. Ví dụ là bạn không không thể tùy biến giao diện và kiếm tiền trên trang của mình khi sử dụng WordPress.com phiên bản miễn phí.
Ở mặt khác, WordPress.org là một nên tảng self-hosted, tức là bạn phải tự cài đặt mọi thứ. Nếu các lựa chọn hosting của bạn bị hạn chế, bạn sẽ phải tự cài đặt database!
Sử dụng WordPress.org cho phép bạn tùy biến mọi thứ trên trang web của mình, nhưng ngược lại, điều này có nghĩa là bạn phải tự xử lý việc bảo trì, sao lưu, cài đặt theme, plugin và dĩ nhiên là phải tự tìm host cho trang web của mình.
WordPress là gì?
Một cách đơn giản nhất để trả lời câu hỏi “WordPress là gì?” đó là: WordPress là một hệ thống quản lý nội dung (CMS) mã nguồn mở được sử dụng phổ biến nhất ngày nay.
Hãy cùng đi vào tìm hiểu chi tiết hơn câu định nghĩa trên nào:
- “Được sử dụng phổ biến nhất”: WordPress tạo ra hơn 30% tất cả trang web trên thế giới (theo VentureBeat) và chiếm gần 60% thị phần trong tất cả các hệ thống quản lý nội dung mã nguồn mở (theo OpenSourceCMS).
- “Mã nguồn mở”: những phần mềm mã nguồn mở, như WordPress, dùng để đề cập đến các phần mềm mà mã nguồn của chúng được tạo ra sẵn sàng để sử dụng và sửa chữa bởi các lập trình viên. Những loại phần mềm này thường được phát triển bởi sự hợp tác của nhiều người trong cộng đồng, do đó nó hoàn toàn miễn phí để tải về và sử dụng.
- “Hệ thống quản lý nội dung (CMS)”: là một hệ thống dùng để tạo, quản lý, chỉnh sửa, sắp xếp và xuất bản các nội dung trực tuyến. Một CMS sẽ đảm nhận mọi thứ liên quan đến nội dung trang web, cung cấp một giao diện người dùng đơn giản cho những người không biết gì về code và lập trình cũng có thể sử dụng.
WordPress và các hệ thống quản lý nội dung khác
Ba CMS phổ biến nhất được sử dụng ngày nay đó là WordPress, Drupal và Joomla. Tất cả chúng chiếm hơn 69% thị phần CMS (theo W3Techs). Cả 3 lựa chọn trên đều có mã nguồn mở và miễn phí.
Tuy nhiên, nếu bạn có kế hoạch sử dụng WordPress để viết blog, bạn có thể xem xét thêm với 3 nền tảng blogging phổ biến nhất khác là: Blogger, Wix và Squarespace.
Những công cụ này khác WordPress ở chỗ chúng là các nền tảng được quản lý. Như WordPress.com, Khi bạn sử dụng chúng, bạn không cần phải bận tâm quá nhiều bề các vấn đề kỹ thuật để quản lý trang web của mình. Với hầu hết các nền tảng này, đều có tùy chọn miễn phí cơ bản, nhưng nếu cần các tính năng nâng cao hơn, bạn sẽ phải trả một khoản phí hàng tháng.
Để trả lời câu hỏi “WordPress là gì?”, chúng ta biết thêm được vài điều cơ bản về các nền tảng phổ biến khác thay thế cho WordPress:
Joomla
Joomla là một hệ thống quản lý nội dung phổ biến thứ 2 trên thế giới, chiếm 5,6% trong các CMS được sử dụng. Nó lần đầu được ra mắt vào năm 2005, là một nhánh của dự án CMS Mambo.
Không như WordPress – mở rộng tính năng bằng cách sử dụng các plugin, bản thân chương trình gốc của Joomla đã có khá là đủ các tính năng cho việc quản lý nội dung, giao diện trang admin của nó cũng rất thân thiện với người dùng. Tuy nhiên, Joomla có số lượng plugin khá hạn chế khi so với WordPress. Vì chương trình gốc của Joomla đã tích hợp sẵn nhiều thứ hơn, nên quá trình cài đặt cũng sẽ tốn nhiều thời gian hơn WordPress.
Joomla rất lý tưởng cho việc tạo ra một mạng xã hội hoặc là các trang thương mại điện tử. Một số thương hiệu nổi tiếng sử dụng Joomla là IKEA and Trường đại học Harvard.
Drupal
Drupal là một cái tên phổ biến thứ 3 trong danh sách, chiếm 3,6%. Đây là một hệ thống quản lý nội dung lâu đời nhất, được ra mắt lần đầu năm 2001.
Khi so với WordPress và Joomla, Drupal toàn hiện và có chương trình gốc gọn nhẹ hơn, nhưng nó không dành cho những người mới – Bạn sẽ cần có kiến thức về phát triển web để có thể sử dụng nó đúng cách.
Drupal phổ biến ở những trang web lớn, đặc biệt là các trang web chính phủ với yêu cầu tiêu chuẩn bảo mật cao.
Blogger
Blogger là một dịch vụ miễn phí của Google cho phép bạn tạo ra một trang web đơn giản trong vài phút với trên miền phụ là .blogspot.com (bạn cũng có thể dùng tên miền tự chọn)
Giống như WordPress, với Blogger, những gì bạn thấy là những gì bạn có (what you see is what you get – WYSIWYG), có nghĩa là bạn chỉ cần dùng các thao tác trực quan là có thể tạo trang web cho mình mà không cần phải biết code gì cả. Blogger cũng tích hợp sẵn một trình chỉnh sửa bài đăng HTML. Tất nhiên, các tính năng và tùy biến của nó cũng bị giới hạn.
Blogger cho phép bạn tạo và quản lý nhiều blog khác nhau trên cùng một tài khoản Google. Hơn 800,000 trang web trên thế giới được xây dựng trên nền tảng này.
Wix
Wix là một công cụ xây dựng trang web tích hợp sẵn tất cả. Những người dùng sẽ host server của họ dưới tên miền con .wix.com (hoặc sử dụng tên miền tự chọn).
Như WordPress, Wix cũng cung cấp rất nhiều theme và add-on để thêm các tính năng vào trang web của bạn – tuy nhiên WordPress vẫn có nhiều tùy chọn hơn. Điểm khác biệt giữa Wix và WordPress.org đó là Wix có một gói trả phí cung cấp dịch vụ hỗ trợ 24/7 cho khách hàng (điều khá có ích với các blogger mới).
Sử dụng Wix bạn sẽ không có nhiều sự tự do như trên WordPress – thiết kế và lựa chọn mở rộng bị giới hạn bởi những cái mà Wix cung cấp sẵn trên website của họ. Thêm nữa, nếu Wix nhận thấy một trang web của bạn vi phạm điều khoản dịch vụ của họ, trang web đó có thể bị gỡ xuống.
Squarespace
Nhiều người nghĩ rằng Squarespace là một công cụ tạo web mới, nhưng thật ra nó được ra đời cùng khoảng thời gian với WordPress. Squarespace được thành lập từ 2003 nhưng đến tận 2014 nó mới có đủ vốn mạo hiểm để phát triển đến thời điểm hiện tại.
Kể từ 2014, Squarespace được thêm vào rất nhiều tính năng mới như: các công cụ cho thương mại điện tử, dịch vụ domain, analytics và các tính năng kéo thả tạo trang web. Nó cũng trở nổi tiếng bởi phong cách thiết kế tối giản hợp mắt.
Tuy nhiên không như những công cụ tạo web khác đã nhắc tới trong bài viết, Squarespace không cho bạn tự do chỉnh sửa backend (cũng như tùy biến) như WordPress. Squarespace cung cấp cho người dùng 2 tuần để dùng thử miễn phí, sau đó nếu thích bạn sẽ phải đăng ký các gói tính phí để sử dụng tiếp.
WordPress được dùng để làm gì?
Tóm lại, WordPress có thể được sử dụng để tạo ra bất cứ loại website nào. Từ blog cá nhân, các trang danh mục đầu tư, tin tức, forums, trang membership và các trang web thương mại điện tử – giới hạn với WordPress chỉ là trí tưởng tưởng của bạn :))))
Tại sao sử dụng WordPress?
Chúng tôi rất vui vì bạn hỏi! Dưới đây là một vài lý do vì sao bạn nên chọn WordPress:
WordPress dễ dàng để tìm hiểu và sử dụng
Một trong những lý do chính khiến WordPress quá phổ biến đó là nó cần rất nhiều phỏng đoán khi dùng để tạo ra một trang web. Ban đầu có thể khá đáng sợ, nhưng khi bạn bắt đầu mày mò tìm hiểu về nó, bạn sẽ nhận ra việc học WordPress khá là đơn giản.
Bởi vì bạn có thể bị quá tải bởi các bài hướng dẫn WordPress trên mạng, chúng tôi khuyên bạn nên tìm một khóa học WordPress bài bản nếu là người dùng mới.
WordPress rất linh hoạt và có thể tùy chỉnh được
Một trong những điều tuyệt nhất của WordPress đó là nó có thể dễ dàng được mở rộng. Người dùng có thể tùy biến trang web của họ với hàng nghìn plugin, theme và widget tùy theo ý mình – với nhiều lựa chọn miễn phí lẫn có phí. Với những extension phong phú này, người dùng có thể tạo ra bất cứ trang web nào với WordPress.
WordPress khá an toàn
Mặt dù WordPress đủ an toàn để được dùng tạo ra gần 1/3 trang web trên internet, không phải là nó hoàn toàn bảo mật. Bởi vì được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, nó cũng trở thành một mục tiêu yêu thích của các hacker.
Để xác định các vấn đề và mối đe dọa bảo mật mới nhất, những lập trình viên của WordPress thường xuyên tung ra những bản cập nhật và bản vá. Có rất nhiều plugin, dịch vụ và cách thức bạn có thể dùng để bảo vệ trang WordPress của bạn khỏi các hacker.
WordPress rất thích hợp cho việc SEO
WordPress được xây dựng trên một nền tảng clean code, khiến bản thân nó trở nên rất phù hợp cho việc SEO. WordPress hỗ trợ cho việc dùng metadata, tags, categories và URLs thích hợp cho SEO. Các plugin SEO (như Speed optimization) giúp mở rộng thêm nữa các tính năng SEO của WordPress.
WordPress có khả năng mở rộng
WordPress có thể tạo ra trang web lớn hay nhỏ đều được. Không có điều gì phải lo lắng nếu việc kinh doanh của bạn bắt đầu từ một nền móng nhỏ và mở rộng to lớn ra trong tương lai – WordPress có thể đáp ứng được mọi nhu cầu mở rộng mà trang web của bạn cần.
WordPress có một cộng đồng hỗ trợ lớn
Vì được tạo ra trên mã nguồn mở, WordPress không có cung cấp dịch vụ hỗ trợ 24/7 như những trang web được quản lý khác. Tuy nhiên, WordPress có một cộng đồng những người đóng góp: các lập trình viên làm việc để phát triển và cải thiện WordPress (trong đó có cả những người dùng sử dụng WordPress như bạn).
Vì có nền tảng người dùng lớn, có rất nhiều nguồn tìm hiểu WordPress như các diễn đàn, blog, bài hướng dẫn và cả những nhóm trên Facebook. Cộng đồng WordPress cũng tổ chức các sự kiện như WordCamps mà tại đó bạn có thể gặp gỡ, học hỏi từ các chuyên gia và người đam mê WordPress khác trên thế giới.
WordPress miễn phí sử dụng
Xem thêm : Cách sử dụng Gutenberg Block Editor trong WordPress
Vì WordPress là một dự án mã nguồn mở, nó luôn miễn phí. Còn lý do gì có thể tốt hơn nữa chứ? :)))
Ai là người sử dụng WordPress?
WordPress được sử dụng bởi cá nhân, doanh nghiệp và mọi người khác trọng mọi lĩnh vực! Nó thậm chí còn được dùng trên một vài trang web của chính phủ.
Một vài trang web nổi tiếng sử dụng WordPress là:
- Trang web của nhà trắng Mỹ
- Microsoft
- The New Yorker
- Newsroom của Facebook
WordPress hoạt động như thế nào?
WordPress có thể được truy cập theo 3 cách:
- Trang giao diện mà những khách truy cập thấy.
- Khu vực trang admin (hay còn gọi là dashboard), bạn đăng nhập vào WordPress với quyền admin hoặc một cấp user khác thì có thể vào trang này.
- Tập tin WordPress trên server web của bạn (bao gồm core WordPress, các file plugin, theme và code CSS) có thể được truy cập thông qua FTP.
Dựa theo ArtBees Themes, WordPress hoạt động ở 3 cấp độ:
- Nó cung cấp một giao diện đơn giản (gọi là dashboard) để người dùng quản lý nội dung database của họ.
- Nó tạo ra các truy vấn cho database, nhận thông tin truy vấn và public nội dung trang web theo dữ liệu được request từ trình duyệt.
- Nó cho phép mở rộng thiết kế và chức năng bằng các theme, plugin và những add-on khác, miễn là chúng tương thích với PHP.
Ngôn ngữ của WordPress
WordPress cần 2 thành phần để làm việc trên web server: PHP và MySQL.
PHP là ngôn ngữ lập trình được dùng để tạo ra WordPress. Đây là một ngôn ngữ server, có nghĩa là nó chạy trên server trước khi trang web được gửi đến trình duyệt của bạn. PHP được dùng cho việc thêm và xuất dữ liệu từ một database, từ đó các thông tin nhận được sẽ được đưa vào một trang HTML.
MySQL là một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu. MySQL là nơi mà dữ liệu của WordPress được tạo ra, cập nhật, chỉnh sửa, lưu trữ, đọc và xóa bỏ.
Có thể bạn chưa biết:
- WordPress lưu trữ tất cả dữ liệu vào database MySQL.
- Cách mà nội dung được hiển thị trên trang web phụ thuộc vào theme mà bạn sử dụng.
Làm thế nào để bắt đầu sử dụng WordPress
Trước khi bạn bắt đầu cấu hình cho WordPress, bạn nên xác định trước:
- Trang web bạn muốn tạo ra thuộc loại nào (blog, danh mục đầu tư, trang thương mại điện tử,…)
- Tên trang web, nó sẽ giúp bạn chọn trên miền phù hợp cho trang web của bạn.
Sau khi hoàn thành, bạn đã sẵn sàng để dùng WordPress. Có hai cách để bạn có thể bắt đầu:
- Tải phần mềm WordPress từ trang WordPress.org, cài đặt trên máy tình của bạn để thử nó.
- Mua dịch vụ hosting cho trang web. Sau khi đã đăng ký, hầu hết các nhà cung cấp hosting sẽ có sẵn cho bạn một trình cài đặt WordPress tiện lợi chỉ với vài cú click chuột, bạn sẽ không cần phải lo lắng nhiều về các vấn đề kỹ thuật khác.
Sau khi hoàn thành các bước thiết lập WordPress cơ bản, bạn có thể bắt đầu cài đặt theme và plugin cho trang web của mình.
Các yếu tố tạo thành WordPress
Trong lúc tìm hiểu “WordPress là gì?” bạn sẽ gặp những thuật ngữ mà có thể bạn chưa từng nghe tới.
Đây là một vài thuật ngữ WordPress phổ biến mà bạn nên biết:
- Dashboard: bạn có thể vào trang quản trị này bằng cách thêm /wp-admin vào cuối URL trang web của bạn. Truy cập vào dashboard WordPress còn được gọi là làm việc “Backend” trên trang web của bạn.
- Themes: Theme là cái quyết định giao diện hiển thị trang web của bạn. Theme bao gồm nhiều file, bao gồm PHP, HTML, CSS và Javascript – tất cả kết hợp với nhau tạo nên. Các theme có thể được phân loại là ‘parent’ hoặc ‘child’. Một theme parent bao gồm các file theme gốc có thể liên quan đến các chức năng của trang web, trong khi đó theme child cho phép người dùng chỉnh sửa hiển thị trang web mà không ảnh hưởng đến chức năng của trang.
- Plugins: plugin là cái khiến WordPress khác biệt với các nền tảng blogging khác, cho phép mở rộng các chức năng cho trang web của bạn.
- Posts: Post là những bài viết trên website của bạn. Bên cạnh những bài blog mà bạn đã biết, còn có nhiều loại post tùy chọn khác mà bạn có thể tạo với WordPress. Các loại post tích hợp sẵn đó là các post thông thường, các page và các tệp đính kèm. Bạn có thể chọn kiểu post tùy biến để tạo và quản lý nội dung như các danh mục đầu tư, podcast và thư viện media trên trang của mình.
- Media: WordPress cho phép bạn upload và sử dụng nhiều loại đa phương tiện như các tập tin hình ảnh, video và âm thanh.
- Widgets: Widget là một phần khép kín trên trang WordPress mà có thể thực hiện các chức năng đặc biệt (ví dụ như sidebar của blog hoặc các nội dung trong footer của trang web). Nhiều người nhầm lẫn giữa Widget và Plugin. Đây là cách phân biệt: widget không phải là một loại plugin hay một extension độc lập cho WordPress. Widget thỉnh thoảng bao gồm cả các plugin, và plugin cũng có thể chứa cả một widget.
- User roles: WordPress cho phép nhiều người làm việc trên một trang web. User role hạn chế hoặc cấp quyền cho các user được phép chỉnh sửa một phần nào đó của trang web. Hầu hết user role phổ biến là admin, editor, author, contributor và subscriber. Admin là user có quyền lớn nhất. Khi bạn mới đăng ký tạo một trang WordPress mới, bạn sẽ trở thành admin và có toàn quyền truy cập đến mọi phần của trang web. Subscriber là user bị hạn chế nhất, không có quyền chỉnh sửa trên trang web của bạn.
Một tính năng mới của WordPress: Gutenberg
WordPress có thể là hệ thống quản lý nội dung được sử dụng nhiều nhất hiện nay và được cộng đồng yêu thích, tuy nhiên không phải nó không có thử thách.
Đầu tiên, người dùng than thở về việc WordPress thiếu trình chỉnh sửa trực quan và thực tế là bạn không thể sao chép các bài đăng. Có vài plugin bạn có thể cài để khắc phục điều này, nhưng vào năm 2017, Matt Mullenweg đã thông báo rằng Automattic đang làm việc để tạo ra một bản cập nhật tích hợp sẵn trình chỉnh sửa trực quan vào chương trình gốc của WordPress 5.0 – gọi là Gutenberg.
Gutenberg mang một trình chỉnh sửa trực quan vào trong WordPress, được đặt tên theo Johannes Gutenberg, người phát minh ra máy in chữ. Gutenberg được tạo ra với chức năng khá giống với trang Medium, cho phép người dùng chỉnh sửa nội dung trong từng vùng nhỏ và có thể kéo thả chúng để sắp xếp nếu cần. Nó mang tới trải nghiệm người dùng khác biệt đáng kể so với trình chỉnh sửa cũ, không yêu cầu người dùng phải biết code HTML để tùy biến nội dung của mình.
Khi Gutenberg được công bố và mở giai đoạn thử nghiệm beta, đã có nhiều phản ứng trái chiều. Một trong những phàn nàn phổ biến từ người dùng đó là Gutenberg khiến WordPress trở nên phức tạp và rối hơn. Một phản ứng trái chiều khác nói về khả năng truy cập không hoàn thiện của Gutenberg.
Gutenberg có thể tải về dưới dạng plugin nếu bạn muốn thử qua nó.
Matt Mullenweg nói rằng anh ấy hy vọng đạt được 100,000 lượt cài đặt để nhận được feedback về plugin này, đến hiện nay, đã có hơn 600,000 người dùng cài đặt. Có vẻ càng ngày càng nhiều người chấp nhận hơn việc ra mắt của Gutenberg vì các lập trình viên đã làm việc để cải thiện nhiều điểm mà người dùng phàn nàn về tính năng mới này.
Kiếm tiền từ WordPress
Một lợi ích khác của trang WordPress.org đó là khả năng kiếm tiền. (bạn không thể kiếm tiền trên phiên bản miễn phí của WordPress.com).
Đây là một vài cách phổ biến nhất để kiếm tiền trên trang WordPress của bạn:
- Bán các plugin và theme. Nhiều plugin và theme của WordPress miễn phí, nhưng nếu bạn tạo ra một cái với các chức năng cao cấp, bạn có thể kiếm tiền bằng cách bán chúng. Theme của WordPress thường được bán trên Themeforest (đã đổi thành Envato), Creative Market hoặc WP Eden. Một trang phổ biến nhất để mua plugin WordPress đó là CodeCanyon (cũng là một phần của Envato).
- Sáng tạo nội dung như ebook, bài viết quảng cáo hoặc các khóa học online. Nếu bạn chọn cách này, có rất nhiều plugin WordPress cho phép bạn tạo các trang web với chức năng membership (để những người đã đăng ký có phí có thể truy cập vào nội dung của bạn).
- Trở thành một đơn vị liên kết và quảng bá các sản phẩm của WordPress, như các plugin, theme, add-on, hosting WordPress và các tài liệu liên quan.
- Quảng cáo có trả tiền của các mạng lưới như Google hoặc các doanh nghiệp đặt trong giao diện trang web của bạn.
- Donate. Một vài trang web cung cấp những thông tin có ích miễn phí và kiếm tiền bằng sự đóng góp từ những người dùng.
- Cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho WordPress (khi bạn đã trở thành một chuyên gia WordPress).
- Bán trang WordPress của bạn. Bạn thậm chí có thể bán trang WordPress của mình để kiếm tiền, phụ thuộc vào độ phổ biến, thời gian hoạt động và các nội dung của trang web. Bạn có thể xem danh sách các trang web đang được bán trên các trang như Flippa.
Giới thiệu về cộng đồng WordPress
Cộng đồng WordPress bao gồm nhiều cá nhân khác nhau tập hợp lại để chia sẻ niềm yêu thích của mình với WordPress. Các thành viên của cộng đồng rất nhiệt huyết và đam mê WordPress, và rất sẵn sàng để chia sẻ những gì họ học được với những người mới, kể cả ngoài việc kinh doanh.
WordCamp là một sự kiện phi lợi nhuận được cộng đồng WordPress địa phương tổ chức. WordCamp tập hợp những chuyên gia và cả người mới dùng WordPress, bàn luận về các vấn đề nóng và giúp đỡ người dùng trả lời các câu hỏi (Ví dụ như “WordPress là gì?” :)))) và có cả cơ hội việc làm cho bạn.
Vé tham gia WordCamp có giá từ 40$ cho 2 ngày. Vào trang WordCamp Central để tìm xem có sự kiện WordCamp nào sắp được tổ chức gần bạn không.
Ở Mỹ, WordCamp US là WordCamp phổ biến nhất, tiếp theo đó là WordCamp Miami. WordCamp Europe là sự kiện WordCamp phổ biến nhất trên toàn cầu. WordCamp US và WordCamp Europe được tổ chức mỗi năm ở các thành phố khác nhau.
Tổng kết
Đến giờ, bạn chắc đã biết được câu trả lời cơ bản cho câu hỏi “WordPress là gì?”
Như bạn đã được giới thiệu, còn rất nhiều thứ để học về WordPress! Bài viết này chỉ nêu ra vài khía cạnh nhỏ. Giờ là lúc để bạn tự mình khám phá WordPress, hãy đọc các bài hướng dẫn và đừng ngại trải nghiệm thử.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Wordpress