Nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam mang tính tất yếu khách quan để xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho CNXH. Thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ có những tác dụng to lớn về nhiều mặt trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước:
- Tạo điều kiện nâng cao trình độ kỹ thuật cho nền kinh tế, tăng năng suất lao động, làm cơ sở cải thiện đời sống nhân dân và tích lũy vốn cho nền kinh tế.
- Tạo điều kiện để củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa.
- Tạo điều kiện kinh tế cho việc củng cố, tăng cường và nâng cao vai trò quản lý vĩ mô của nhà nước đối với nền kinh tế.
- Tạo điều kiện để mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.
- Tạo điều kiện để nâng cao tiềm lực quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.
Nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay
1. Thực hiện cách mạng khoa học công nghệ để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa thực chất là một cuộc cách mạng về lực lượng sản xuất. Cuộc cách mạng này tất yếu phải được tiến hành bằng cách mạng khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, trong điều kiện thế giới đang tiến hành cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại và đất nước xây dựng cơ cấu kinh tế mở, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ở nước ta có thể và cần phải bao hàm tất cả các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mà thế giới đã và đang trãi qua.
Từ bối cảnh đó, vị trí của cuộc cách mạng này phải được xác định là một “quốc sách”, “động lực” để phát triển đất nước.
Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ở nước ta bao gồm hai nội dung chủ yếu sau:
Một là, xây dựng thành công cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH để dựa vào đó mà trang bị công nghệ hiện đại cho các ngành kinh tế quốc dân.
Hai là, tổ chức nghiên cứu, thu thập thông tin, phổ biến và ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, đời sống với những hình thức, bước đi, quy mô thích hợp.
2. Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý và phân công lại lao động xã hội
a. Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý
Cơ cấu kinh tế là tổng thể các bộ phận hợp thành, cùng với vị trí, tỷ trọng và quan hệ tương tác phù hợp giữa các bộ phận trong nền kinh tế quốc dân. Cơ cấu kinh tế được xem xét dưới góc độ: cơ cấu ngành, cơ cấu vùng, cơ cấu thành phần kinh tế. Trong đó cơ cấu ngành là quan trọng nhất.
Xem thêm : Tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa
Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý là yêu cầu khách quan trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế hợp lý phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Phản ánh được và đúng các quy luật khách quan, nhất là các quy luật kinh tế và xu hướng vận động phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
- Phù hợp với xu hướng tiến bộ của khoa học và công nghệ đã và đang diễn ra như vũ bảo trên thế giới.
- Cho phép khai thác tối đa mọi tiềm năng của đất nước, của các ngành, các thành phần, các đơn vị kinh tế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
- Thực hiện tốt sự phân công và hợp tác quốc tế theo xu hướng sản xuất và đời sống ngày càng quốc tế hóa, do vậy, cơ cấu kinh tế phải là “cơ cấu mở”.
Xây dựng cơ cấu kinh tế là một quá trình trãi qua những chặng đường nhất định, do vậy xây dựng cơ cấu kinh tế của chặng đường trước phải tạo được ” đà ” cho chặng đường sau và phải được bổ sung hoàn thiện dần trong quá trình phát triển.
Căn cứ vào các tiêu chuẩn trên, Đảng ta xác định cơ cấu kinh tế hợp lý ở nước ta, mà “bộ xương” của nó là “cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp – dịch vụ gắn với phân công và hợp tác quốc tế sâu rộng”.
b. Tiến hành phân công lại lao động xã hội
Từ sản xuất nhỏ tiến lên sản xuất lớn XHCN bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa trong qua trình công nghiệp hóa tất yếu phải phân công lại lao động xã hội. Phân công lại lao động xã hội là sự chuyên môn hóa sản xuất giữa các ngành, trong nội bộ từng ngành và giữa các vừng trong nền kinh tế quốc dân. Phân công lao dộng xã hội góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phân công lại lao động xã hội phải tuân thủ các quá trình có tính quy luật sau:
- Tỷ trọng và số lượng tuyệt đối lao động nông nghiệp giảm dần, tỷ trọng và số lượng tuyệt đối lao động công nghiệp ngày càng tăng lên.
- Tỷ trọng lao động trí tuệ ngày càng tăng và chiếm ưu thế so với lao động giản đơn trong tổng lao động xã hội.
- Tốc độ tăng lao động trong các ngành dịch vụ nhanh hơn công nghiệp và nông nghiệp.
Ở nước ta hiện nay, phương hướng phân công lại lao động xã hội phải triển khai trong nội bộ từng địa phương và giữa các vùng. Trong đó ưu tiên phân công lại tại chỗ, nếu cần chuyển sang địa bàn khác phải có sự chuẩn bị chu đáo.
Những tiền đề khách quan của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam
1. Tạo vốn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật ngày một hiện đại đòi hỏi phải có nhiều vốn trong và ngoài nước, trong đó nguồn vốn trong nước là quyết định, nguồn vốn bên ngoài là quan trọng.
Nguồn vốn bên trong bao gồm: nhân lực là tài sản cố định tích lũy từ nhiều thế hệ , tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý và nhiều loại vốn hữu hình và vô hình khác.
Tích lũy vốn từ nội bộ nền kinh tế được thực hiện trên cơ sở hiệu quả sản xuất, nguồn của nó là lao động thặng dư của người lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế. Con đường cơ bản để giải quyết vấn đề tích lũy vốn trong nước là tăng năng suất lao động xã hội trên cơ sở ứng dụng khoa học và công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, thực hiện tiết kiệm…
Nguồn vốn bên ngoài được huy động từ các nước trên thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau: vốn viện trợ của các nước, các tổ chức kinh tế – xã hội; vốn vay ngắn hạn, dài hạn với các mức lãi xuất khác nhau của các nước và các tổ chức kinh tế; vốn đầu tư của nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết… Biện pháp cơ bản để tận dụng, thu hút vốn bên ngoài là: đẩy mạnh mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế; tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà sản xuất kinh doanh nước ngoài, tranh thủ mọi sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế vay vốn ở các nước…
Xem thêm : Toàn cầu hóa là gì? Bản chất của toàn cầu hóa
Ở nước ta hiện nay, nguồn vốn trong nước còn hạn hẹp, nên phải tận dụng khai thác nguồn vốn từ bên ngoài. Tuy nhiên, tạo nguồn vốn phải gắn chặt với quản lý sử dụng tốt, có hiệu quả cao, khai thác tối đa khả năng vốn đã có.
2. Đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp cách mạng của quần chúng, trong đó lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ, khoa học quản lý và công nhân lành nghề đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi phải có đầy đủ nguồn nhân lực về số lượng, đảm bảo chất lượng và phải có trình độ cao. Để đáp ứng đòi hỏi đó phải coi trọng con người và đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế. Phải coi việc đầu tư cho giáo dục đào tạo là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển; giáo dục và đào tạo phải thực sự trở thành quốc sách hàng đầu. Phải có quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nguồn nhân lực, đảm bảo cơ cấu, tốc độ và quy mô phát triển hợp lý, đáp ứng yêu cầu của mỗi thời kỳ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, phải bố trí, sử dụng tốt nguồn nhân lực đã được đào tạo; phải phát huy đầy đủ khả năng, sở trường và nhiệt tình lao động sáng tạo của mỗi người để họ tạo ra năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
3. Xây dựng tiềm lực khoa học, công nghệ theo yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Khoa học và công nghệ được xác định là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khoa học và công nghệ có vai trò quyết định lợi thế cạnh tranh và tốc độ phát triển kinh tế nói chung, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng. Tiềm lực khoa học và công nghệ suy cho cùng là tiềm lực trí tuệ và sáng tạo của cả dân tộc.
Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế kém phát triển nên tiềm lực về khoa học và công nghệ còn yếu kém. Muốn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công với tốc độ nhanh thì phải xây dựng một tiềm lực khoa học và công nghệ thích ứng với đòi hỏi của nhiệm vụ. Đây là một công việc rất khó khăn và lâu dài, nhưng trước mắt chúng ta cần tập trung giải quyết các vấn đề sau:
- Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định và triển khai đường lối, chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt hiệu quả cao với tốc độ
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để đánh giá chính xác tài nguyên quốc gia, nắm bắt các công nghệ cao cùng những thành tựu mới về khoa học của thế giới; hướng mạnh vào việc nâng cao năng suất lao động đổi mới sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
- Xây dựng tiềm lực nhằm phát triển một nền khoa học tiên tiến, bao gồm: đẩy mạnh các hình thức đào tạo và sử dụng cán bộ khoa học, chuyên gia; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các ngành khoa học và công nghệ; xây dựng và thực hiện tốt cơ chế, chính sách tạo động lực cho sự phát triển khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, tiến hành điều tra cơ bản, thăm dò địa chất, quy hoạch và dự báo phát triển và những điều kiện không thể thiếu được của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc thăm dò địa chất, điều tra cơ bản cho phép khai thác lợi thế so sánh về tài nguyên giữa nước ta với các nước trên thế giới, nếu khai thác kịp thời. Sẽ mất lợi thế, nếu khai thác chậm, trước sự bùng nổ của vật liệu mới do cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại tác động và tạo ra khả năng thay thế vật liệu tự nhiên trong thế kỷ XXI và tiếp theo.
4. Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại
Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ cùng với xu hướng quốc tế hóa đời sống kinh tế đang tạo ra mối liên hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế của các nước. Do đó, việc mở rộng quan hệ kinh tế giữa nước ta với các nước khác trở thành một tất yếu kinh tế, tạo ra khả năng và điều kiện để các nước chậm phát triển tranh thủ vốn, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm tổ chức quản lý… để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan hệ kinh tế càng mở rộng và có hiệu quả bao nhiêu thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng thuận lợi và nhanh chóng bấy nhiêu.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là khả năng. Để khả năng trở thành hiện thực, chúng ta phải có một đường lối kinh tế đối ngoại đúng đắn vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; vừa giữ vững được độc lập, chủ quyền dân tộc , xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước
Đây là tiền đề quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nên nó là một sự phấn đấu gian khổ, phức tạp. Dĩ nhiên, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp của toàn dân. Thế nhưng sự nghiệp đó phải do một Đảng Cộng Sản tiên phong, dày dạn kinh nghiệm, tự đổi mới không ngừng lãnh đạo và một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, trong sạch và thông minh, khôn ngoan, vững mạnh và có hiệu lực quản lý tốt, thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới có thể hoàn thành tốt đẹp.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Ảnh Đẹp