Quy định về giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến việc thuê đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước

0

Quan hệ pháp luật về thuê đất giữa Nhà nước và người sử dụng đất là quan hệ hành chính, một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và một bên là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê. Vì vậy, tranh chấp quan hệ này là tranh chấp hành chính.

Quy định về tranh chấp và giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực tho thuê đất.

  1. Cơ sở áp dụng giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực thuê đất là Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành như: Thông tư quy định, hướng dẫn về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất… đều liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng đất thuê; thủ tục hành chính và trật tự quản lý nhà nước về đất đai… Đây là những quy định nội dung, là cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng giải quyết trong lĩnh vực đất đai nói chung và cho thuê đất nói riêng.
  2. Cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực cho thuê đất được quy định tại Điều 204, Luật Đất đai năm 2013: “Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính (QĐHC) hoặc hành vi hành chính (HVHC) về quản lý đất đai; Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại QĐHC, HVHC về đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện QĐHC, HVHC về đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính”.

Như vậy, điểm mới của Luật Đất đai năm 2013 về giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai là dẫn chiếu đến pháp luật về khiếu nại và pháp luật về tố tụng hành chính.

Quy định về chủ thể tranh chấp hành chính trong lĩnh vực cho thuê đất

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 204 và khoản 3 Điều 203 của Luật Đất đai năm 2013, chủ thể tranh chấp hành chính trong lĩnh vực cho thuê đất gồm: người khiếu nại, khiếu kiện là công dân, cơ quan, tổ chức, hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại; khoản 3 Điều 6 của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 quy định “người khởi kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính”. Trong lĩnh vực cho thuê đất, người khiếu nại, người khởi kiện là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê. Người bị khiếu nại, khởi kiện là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và người có thẩm quyền trong các cơ quan này mà có quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) bị khiếu nại.

Quy định về đối tượng tranh chấp hành chính trong lĩnh vực cho thuê đất

Theo quy định tại khoản 1 Điều 204 của Luật Đất đai năm 2013 và các quy định của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, đối tượng trong tranh chấp này là quyết định hành chính và  hành vi hành chính trong lĩnh vực cho thuê đất bị khiếu nại, khởi kiện. Quyết định hành chính gồm: quyết định cho thuê đất, quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất đai; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai; quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Hành vi hành chính gồm hành vi của cán bộ, công chức nhà nước khi giải quyết công việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước được quy định tại Điều 22 của Luật Đất đai năm 2013.

Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Tranh chấp đất đai được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau: Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì đương sự có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Quy định về xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai

Theo quy định tại Điều 206 Luật Đất đai năm 2013, người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.

Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai; Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai.

(Nguồn: Nguyễn Khánh Ly, Luận án tiến sĩ Luật học, 2016)

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.