Tái sản xuất tư bản xã hội là gì? Điều kiện thực hiện
Thế nào là tái sản xuất tư bản xã hội? Nêu các điều kiện thực hiện sản phẩm xã hội trong tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng.
Nội Dung
1. Tái sản xuất tư bản xã hội
Trong chủ nghĩa tư bản, các tư bản cá biệt hoạt động độc lập với nhau, đồng thời do sự phân công lao động xã hội, chúng lại có sự liên hệ qua lại với nhau tạo thành tư bản xã hội. Toàn bộ nền kinh tế tư bản có thể xem như hoạt động của một tư bản (xã hội) duy nhất.
Bạn đang xem: Tái sản xuất tư bản xã hội là gì? Điều kiện thực hiện
Tư bản xã hội là tổng thể các tư bản cá biệt của xã hội vận động trong sự liên kết chằng chịt và tác động qua lại với nhau.
Như vậy, tư bản xã hội không phải là sự cộng lại một cách máy móc các tư bản cá biệt mà là một tổng thể phức tạp của các tư bản cá biệt trong sự vận động và liên hệ với nhau. Sự vận động của tư bản xã hội được thực hiện cả trong lĩnh vực sản xuất cũng như trong lĩnh vực lưu thông.
Vấn đề thực hiện tổng sản phẩm xã hội cả về mặt giá trị cũng như về mặt hình thái hiện vật là vấn đề trung tâm của tái sản xuất tư bản xã hội, của nền sản xuất xã hội.
Toàn bộ nền sản xuất tư bản chủ nghĩa được phân thành hai khu vực lớn:
- Khu vực I là khu vực sản xuất tư liệu sản xuất.
- Khu vực II là khu vực sản xuất tư liệu tiêu dùng.
Tỷ lệ thực hiện sản phẩm giữa hai khu vực là một trong những tỷ lệ cơ bản của nền kinh tế quốc dân.
2. Điều kiện thực hiện sản phẩm trong tái sản xuất tư bản xã hội
a) Điều kiện thực hiện sản phẩm xã hội trong tái sản xuất giản đơn.
Tái sản xuất giản đơn là quá trình tái sản xuất lặp lại quy mô như cũ, toàn bộ giá trị thặng dư được nhà tư bản tiêu dùng hết cho cá nhân.
Tái sản xuất giản đơn tư bản chủ nghĩa không phải là hình thức sản xuất
điển hình của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, nghiên cứu tái sản xuất giản đơn là cơ sở để hiểu tái sản xuất mở rộng sâu hơn.
Khi nghiên cứu các điều kiện thực hiện tái sản xuất tư bản xã hội, C. Mác đã đưa các giả định:
- Nền kinh tế chỉ có phương thức tư bản chủ nghĩa thuần tuý gồm hai giai cấp tư sản và vô sản.
- Giá cả hàng hóa mua, bán đúng với giá trị.
- Tỷ suất giá trị thặng dư bằng 100%.
- Cấu tạo hữu cơ (c/v) không thay đổi.
- Toàn bộ tư bản cố định đều chuyển hết giá trị của nó vào sản phẩm trong một năm.
- Không xét đến ngoại thương.
Xem thêm : Phương pháp nghiên cứu của kinh tế chính trị Mác Lênin
Để quá trình tái sản xuất giản đơn diễn ra bình thường thì toàn bộ sản phẩm của hai khu vực cần được trao đổi, đáp ứng cả về mặt hiện vật, cả về mặt giá trị.
Từ sự phân tích đó, C.Mác đã chỉ ra các điều kiện thực hiện tổng sản phẩm xã hội trong tái sản xuất giản đơn như sau:
Điều kiện thứ nhất: Toàn bộ giá trị mới do lao động sáng tạo ra trong khu vực I phải bằng giá trị bất biến đã hao phí ở khu vực II.
I (v + m) = IIc (1)
Đây là điều kiện cần thiết để có thể thực hiện được tái sản xuất giản đơn tư bản chủ nghĩa, nó nói lên mối quan hệ giữa hai khu vực trong tái sản xuất giản đơn.
Điều kiện thứ hai: Toàn bộ giá trị sản phẩm của khu vực I phải bằng giá trị tư bản bất biến đã hao phí của cả hai khu vực.
I (c + v + m) = Ic + IIc
Điều kiện này nói lên vai trò của khu vực I trong tái sản xuất giản đơn.
Điều kiện thứ ba: Toàn bộ giá trị sản phẩm của khu vực II sẽ bằng giá trị mới do lao động sáng tạo ra ở hai khu vực:
II (c + v + m) = I (v + m) + II (v + m)
Điều kiện này nói lên vai trò của khu vực II trong tái sản xuất giản đơn.
b) Điều kiện thực hiện sản phẩm xã hội trong tái sản xuất mở rộng
Xem thêm : Sự cần thiết học tập môn kinh tế chính trị
Các điều kiện để có thể thực hiện tái sản xuất mở rộng như sau:
Thứ nhất: Tư bản khả biến, tư bản khả biến phụ thêm (v1) và giá trị thặng dư cho tiêu dùng của nhà tư bản (m2) của khu vực I phải bằng giá trị tư bản bất biến và tư bản bất biến phụ thêm (c1) của khu vực II.
I (v + v1 + m2) = II (c + c1)
Điều kiện này nói lên mối quan hệ giữa hai khu vực trong tái sản xuất mở rộng.
Thứ hai: Toàn bộ giá trị sản phẩm của khu vực I phải đủ trang bị cho tư bản bất biến và tư bản bất biến phụ thêm ở cả hai khu vực.
I (c + v + m) = I (c + c1) + II (c + c1)
Có như vậy cả hai khu vực sản xuất của xã hội mới đủ tư liệu sản xuất và tư liệu sản xuất phụ thêm. Điều kiện này nói lên vai trò của khu vực I trong tái sản xuất mở rộng.
Thứ ba: Toàn bộ giá trị mới của hai khu vực phải bằng giá trị sản phẩm của khu vực II và tư bản bất biến phụ thêm của cả hai khu vực.
I (v + v1 + c1 + m2) + II (v + v1 + c1 + m2) = I (v + m) + II (v + m)
hay: (I + II) (v + m) = II (c + v + m) + (I + II) c1
Như vậy, thu nhập quốc dân tức là phần giá trị mới sáng tạo ra của xã hội phải đủ cho tiêu dùng và tích luỹ mở rộng sản xuất của toàn xã hội. Điều kiện này nói lên vai trò của giá trị mới trong tái sản xuất mở rộng.
Như vậy, việc thực hiện tái sản xuất mở rộng đòi hỏi những tỷ lệ, những phương trình cân đối giữa hai khu vực. Dưới chủ nghĩa tư bản, những tỷ lệ đó hình thành một cách tự phát và thường xuyên bị phá vỡ, nên có thể xảy ra sự mất cân đối giữa các khu vực của nền kinh tế. Nếu sự mất cân đối này không được điều chỉnh để kiến lập sự cân đối mới, tất yếu sẽ dẫn đến hiện tượng khủng hoảng kinh tế.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Ảnh Đẹp