SMART là gì? Các tiêu chí SMART – Xây dựng mục tiêu SMART

0

Mô hình SMART là gì? Xây dựng mục tiêu SMART

Khái niệm mô hình SMART (SMART goals)

SMART là gì?

Smart trong Tiếng Anh là một tính từ chỉ trạng thái thông minh, sáng suốt, thông thái… Bất cứ một sự vật hiện tượng nào được gắn với SMART đều mang nghĩa tích cực. Cụ thể trong trường hợp này, mục tiêu SMART có thể xem là mục tiêu thông minh, có chuẩn bị và mang tính chiến lược cao.

Mô hình SMART (SMART goals) là gì?

Mô hình SMART, hay còn được gọi là SMART criteria (điều kiện SMART) hoặc SMART goals (mục tiêu SMART), là một mô hình với các điều kiện (tiêu chí) cụ thể giúp các nhà quản trị xây dựng, thiết lập, chọn lọc ra những mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp với doanh nghiệp. Các điều kiện tiêu chí theo mô hình SMART bao gồm:

Khái niệm mô hình SMART - Viết tắt của SMART

S – Specific: Rõ ràng & cụ thể

Mục tiêu đặt ra phải cụ thể, càng cụ thể bao nhiêu thì khả năng đạt được mục tiêu đó càng cao bấy nhiêu. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chỉ đặt ra những mục tiêu chung chung, sẽ rất khó để biết được đâu là vị trí đích đến chính xác của mục tiêu đó, cũng như những người tham gia thực hiện cũng sẽ rất dễ đi sai hướng so với mục tiêu mà nhà quản trị muốn đề ra.

Một trong những phương pháp hay nhất để mục tiêu có tính cụ thể cao chính là 5W, nghĩa là nội dung mục tiêu của bạn phải chứa những thông tin trả lời cho 5 câu hỏi:

  • What: Tôi (chúng ta) đang muốn làm cái gì?
  • Why: Tại sao tôi (chúng ta) cần làm điều này? Tại sao mục tiêu này lại quan trọng đối với chúng ta?
  • Who: Ai sẽ tham gia thực hiện mục tiêu này?
  • Where: Địa điểm thực hiện mục tiêu này là ở đâu?
  • Which: Tôi (chúng ta) có thể sử dụng nguồn lực, tài nguyên, hay công cụ hỗ trợ nào để thực hiện mục tiêu?

M – Measurable: Có thể đo lường được

Nội dung mục tiêu, chỉ tiêu có thể đo lường được, chính xác hoặc tương đối, thông qua một hay nhiều phương pháp đo lường khác nhau. Tính đo lường của mục tiêu sẽ giúp người thực hiện mục tiêu xác định được chính xác mục tiêu đã hoàn thành chưa, hoàn thành bao nhiêu phần trăm (%).

A – Achievable (Attainable): Có thể đạt được (khả thi)

Mục tiêu đề ra phải nằm trong khả năng của người thực hiện, nghĩa là nó có thể đạt được trong khoảng thời gian mà mục tiêu cho phép. Việc đề ra một mục tiêu viễn vông, ngoài khả năng thực hiện sẽ là con dao hai lưỡi. Một khi người thực hiện cảm thấy rằng họ không bao giờ có thể đạt được mục tiêu bất kể họ cố gắng đến đâu, ngay lập tức họ sẽ cảm thấy chán nản, muốn từ bỏ và luôn nghi ngờ tính khả thi trong những mục tiêu tiếp theo mà họ được giao.

R – Realistic (Relevant): Thực tế và cần thiết

Có những mục tiêu đề ra dù cho rằng có khả thi, có thể đo lường được, hay rất cụ thể nhưng nếu không mang tính thực tế cao cũng sẽ gây lãng phí nguồn lực của cá nhân, đội nhóm, tổ chức hay doanh nghiệp. Tính thực tế ở đây thể hiện qua kết quả mục tiêu mang lại tại thời điểm và bối cảnh xác định. Ví dụ, một doanh nghiệp với sản phẩm/dịch vụ chưa hoàn thiện không thể đặt mục tiêu triển khai các chương trình quảng cáo để tiếp cận khách hàng ngay tại thời điểm đó. Hay ở một ví dụ khác, một doanh nghiệp không thể đặt mục tiêu tuyển thêm 100 nhân viên tháng này khi doanh nghiệp đó chưa có trong tay mặt bằng, văn phòng làm nơi làm việc.

T – Timely (Time-related): Thời gian hợp lý

Chắc chắn rằng, một mục tiêu khi đề ra đều phải có ít nhất 1 deadline cụ thể. Dealine ấy sẽ đóng vai trò vừa là cột móc thời gian cho những mục tiêu, hoạt động khác, vừa là động lực để thúc đẩy người thực hiện hoàn thành nó. Nếu không có deadline, khả năng mục tiêu ấy không đạt được là chuyện hoàn toàn hiển nhiên. Việc xác định deadline hợp lý cũng là một yếu tố quan trọng. Một deadline quá xa so với mức cần thiết sẽ khiến người thực hiện trở nên ỳ ạch và chậm chạp, nhưng một deadline quá gần so với khả năng có thể gây giảm tính hiệu quả của quá trình thực hiện mục tiêu.

Mô hình SMART được ra đời (phát minh) vào năm nào?

Các tiêu chí trong mô hình SMART trước đây được biết đến là phương pháp Quản trị theo mục tiêu của Peter Drucker. Sau đó, vào tháng 11 năm 1981, thuật ngữ SMART đã được sử dụng lần đầu tiên bởi Geogre T. Doran. Kể từ đó, giáo sư Robert S. Rubin của Đại học Saint Louis đã viết về mô hình SMART trong các bài báo về Hiệp hội Tâm Lý Học Tổ chức & Công nghiệp. Trong những bài báo đó, ông đã nêu rõ rằng mô hình SMART có ý nghĩa khác nhau trong những trường hợp khác nhau và đối tượng khác nhau.

Để hiểu rõ hơn về ý muốn nói của giáo sư Robert S. Rubin, ta cùng tham khảo qua những trường hợp dưới đây:

Xây dựng mục tiêu theo mô hình SMART

Trường hợp 1 – Mục tiêu liên quan đến việc phát triển sản phẩm mới.

  • Tiêu chí cụ thể (Specific): Sản phẩm mới khi hoàn thiện sẽ trông như thế nào, có những tính năng gì mới? Đối tượng khách hàng mục tiêu mà sản phẩm muốn hướng đến là gì? Những ai sẽ tham gia vào quá trình phát triển? Địa điểm diễn ra những công đoạn nghiên cứu và phát triển là ở đâu?
  • Tiêu chí có thể đo lường được (Measurable): Quá trình phát triển có thể được chia thành những công đoạn (giai đoạn) nào? Làm thế nào để xác định được rằng mỗi công đoạn thực hiện đã hoàn tất?
  • Tiêu chí có thể đạt được (Achievable): Nguồn lực của doanh nghiệp có đủ để thực hiện các công cuộc nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm sản phẩm mới đó? Công nghệ hiện tại có đáp ứng để tạo ra sản phẩm mới với các tính năng, thiết kế đã đề ra?
  • Tiêu chí thực tế & cần thiết (Realistic): Liệu phát triển sản phẩm mới trong giai đoạn này có cần thiết? Sản phẩm mới sau khi hoàn tất quá trình phát triển có đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các đối thủ, cũng như tạo được doanh thu đủ lớn cho doanh nghiệp? Liệu người tiêu dùng có đón nhận sản phẩm mới như đã đề ra trong mục tiêu?
  • Tiêu chí thời gian hợp lý (Timely): Deadline cho việc hoàn thiện thiết kế, hoàn thiện concept, hoàn tất sản xuất, thử nghiệm sản phẩm và quan trọng nhất là sẵn sàng để thương mại hoá là khi nào? Liệu những deadline này có quá xa hay quá gần so với thực lực và tình hình marketing hiện tại của doanh nghiệp.

Trường hợp 2 – Mục tiêu đạt được lượt subscribe nhất định trên kênh Youtube của doanh nghiệp

  • Tiêu chí cụ thể (Specific): Lượt subscribe bạn muốn đạt được chính xác là bao nhiêu? Tăng bao nhiêu so với hiện tại? Đối tượng subscriber mà doanh nghiệp muốn hướng đến là những ai, sở hữu những đặc điểm nào?
  • Tiêu chí có thể đo lường được (Measurable): Công cụ để đo lường số lượng subscriber là gì?
  • Tiêu chí có thể đạt được (Achievable): Nguồn lực của doanh nghiệp có đủ để tạo ra những nội dung nhằm thu hút thêm đủ số lượng subscriber đã đề ra?
  • Tiêu chí thực tế & cần thiết (Realistic): Phát triển kênh Youtube mang lại hiệu quả gì cho doanh nghiệp trong thời điểm và bối cảnh này? Khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp có phải là những người thường sử dụng nền tảng Youtube?
  • Tiêu chí thời gian hợp lý (Timely): Deadline để đạt đủ số lượt subscribe đã đề ra là khi nào? Liệu deadline này có quá gần hay quá xa so với nguồn lực và năng lực làm content của doanh nghiệp?

Trường hợp 3 – Tổ chức thành công một hội thảo để thu hút thêm khách hàng mới và quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp

  • Tiêu chí cụ thể (Specific): Số lượng người tham gia dự kiến là bao nhiêu? Tỷ lệ nam, nữ, nhóm độ tuổi, nghề nghiệp… là bao nhiêu? Địa điểm tổ chức sự kiện có thể chứa được bao nhiêu người?
  • Tiêu chí có thể đo lường được (Measurable): Việc tổ chức sự kiện chia làm bao nhiêu công đoạn? Làm thế nào để xác định mỗi công đoạn đã hoàn thành?
  • Tiêu chí có thể đạt được (Achievable): Ngân sách của doanh nghiệp có đủ để tổ chức cuộc hội thảo với quy mô hình thức và nội dung đã đề ra? Đội ngũ tổ chức sự kiện có đủ khả năng để xây dựng một kịch bản tốt và điều phối sự kiện lúc diễn ra?
  • Tiêu chí thực tế & cần thiết (Realistic): Liệu tổ chức một cuộc hội thảo có mang lại hiệu quả trong thời điểm này, hoàn cảnh này, khi dịch bệnh Covid đang hoành hành. Liệu có một giải pháp thay thế nào tốt hơn có thể mang lại hiệu quả tương tự?
  • Tiêu chí thời gian hợp lý (Timely): Thời gian sự kiện diễn ra là khi nào?

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.