Kiểm tra máy ảnh cũ như thế nào
Rất nhiều bạn hỏi mình, kiểm tra máy ảnh cũ như thế nào? Đây là một câu chuyện dài, tốn kém nhiều tiền và nhiều đau khổ. Nhưng OK! Mình xin chia sẻ một vài kinh nghiệm thực tế, hy vọng giúp bạn mua máy ảnh tốt.
Nội Dung
Lợi ích khi mua máy ảnh cũ
- Máy ảnh cũ có giá thấp và nhiều mức giá khác nhau.
- Bán lại ít lỗ hơn máy mới
- Cùng một số tiền mua máy mới, sẽ mua được máy ảnh cũ cấp cao hơn.
Máy ảnh cũ là lựa chọn hợp lý, cho người mới bước vào con đường nhiếp ảnh. Máy cũ có giá thấp và dễ đổi máy khác mà không lỗ nhiều. Cùng một số tiền dành cho máy mới, sẽ mua được máy cũ cao cấp hơn. OK! Nghe rất hấp dẫn và thuyết phục phải không? ?
Bạn đang xem: Kiểm tra máy ảnh cũ như thế nào
Rủi ro khi mua máy ảnh cũ
- Máy bị hư hỏng do hao mòn. Phần này phải chấp nhận do mua cũ
- Máy gặp lỗi và chủ cũ muốn bán lại cho người khác. Phần này có thể hạn chế, bằng cách kiểm tra cẩn thận.
Máy ảnh thường rất bền nhưng mua cũ là chấp nhận rủi ro. Bởi vì mua giá rẻ hơn nên rủi ro phải cao hơn. Rủi ro đến từ việc máy móc hao mòn theo thời gian. Rủi ro đến từ việc người bán không thành thật. Khiến bạn mua phải máy tân trang, máy đang có lỗi. Vậy câu hỏi tiếp theo, có nên mua máy đã sửa chữa và có lỗi không? ?
Có nên mua máy ảnh đã sửa
- Không mua: Khi người bán không thành thật và muốn lừa bạn. Họ giấu hết những lỗi hiện tại và lỗi đã sửa. Để bạn tin rằng đó là một chiếc máy còn nguyên bản. Với mong muốn bán được giá cao nhất. Trường hợp này gặp rất nhiều khi mua máy cũ. Thường đi kèm với hiện tượng, người bán mất hút sau khi giao dịch.
- Có thể mua: Khi người bán thành thật. Cho biết lỗi đã sửa và lỗi hiện tại, ảnh hưởng thế nào tới quá trình sử dụng. Bạn thấy mức giá phù hợp và lỗi không quá nghiêm trọng thì có thể mua. Những trường hợp như vậy, sẽ mua được máy giá tốt. Mình đã thử nghiệm một vài lần và thấy chấp nhận được.
Kiểm tra máy ảnh cũ như thế nào
Mình ưu tiên chọn mua máy có hộp, giấy tờ, phụ kiện. Những máy như vậy, thường có giá cao nhưng an toàn hơn. Qua rất nhiều lần mua máy cũ, từ Úc và Việt Nam. Mình thấy, những máy Full Box thường bảo quản tốt và dùng cẩn thận hơn.
Chúng ta biết mua ở đâu, thị trường nào qua giấy tờ theo máy. Dạng máy Full Box thường đủ phụ kiện, bao gồm cáp USB, sạc, pin, HDSD, nắp bảo vệ. Phụ kiện chính hãng luôn tốt và có giá trị cao. Sau này chán rồi, bán lại cũng dễ hơn rất nhiều. Cảm giác dùng cũng thích hơn ôm mỗi thân máy về nhà, sau đó sắm thêm phụ kiện. ?
Kiểm tra ngoại hình hao mòn
Máy ảnh cũ vô cùng đa dạng về ngoại hình, hao mòn và hư hỏng. Phần lớn kèm theo xước và hào mòn tự nhiên do ma sát. Có lẽ chúng ta nên làm quen với những vết xước đó. Tất nhiên có trường hợp y như mới, giá bán cũng cao hơn.
Trên hình là chiếc Nikon D700 có nhiều vết xước rất sâu…Vết này chắc chắn do va đập, không phải hao mòn do ma sát. Gặp trường hợp như vậy, bạn nên hỏi người bán, nguyên nhân bị mẻ, có ảnh hưởng tới quá trình sử dụng không?
Tương tự, nhiều trường hợp mẻ cả khung của máy. Thân máy ảnh loại tốt thường làm bằng hợp kim rất cứng. Để bay nguyên 1 miếng như vậy, chắc chắn va đập rất mạnh. Gặp trường hợp này, hãy kiểm tra thật kỹ màn trập và hệ thống lấy nét. Đây là trường hợp thực tế mình đã gặp. Người chủ không nhận là máy đã sửa và có rơi rớt. Nên mình quyết định không mua chiếc Nikon D610.
Một số máy có vết nứt rất nhỏ và khó thấy được. Đây là trường hợp Nikon D700 bị nứt cạnh màn hình phụ. Trường hợp này đã làm mình tốn kém khá nhiều tiền. Bởi vì máy mua rất xa, đổi trả khó khăn. Ngoài ra còn rất nhiều hao mòn khác, các bạn hãy kiểm tra cẩn thận.
Kiểm tra máy đã sửa
Những con ốc nguyên bản được gắn ngay ngắn và sơn đen, hòa cùng màu đen của thân máy. Qua thời gian sử dụng ốc sẽ bị oxy hóa, bị gỉ. Những trường hợp bị gỉ tự nhiên như vậy không quan trọng lắm. Dù bị gỉ, cũng không thể giống như hình minh họa phía dưới. Ốc bị bay sơn và tét rãnh bên trong.
Những máy đã sửa chữa, ốc thường bị tét đầu, bay lớp sơn đen. Do họ dùng vít mạnh tay và chưa đúng cách. Phần này rất dễ phân biệt, bởi vì nhìn con ốc đã tháo là nhận ra ngay. Nếu đã tháo, thì mạnh dạn trao đổi với người bán. Xem họ đã sửa gì và có chập nhận được hay không. Còn họ giấu bệnh, thì không nên mua chiếc máy đó. Phía trên là một chiếc máy đã qua sửa chữa. Thêm minh họa với ống kính ?
Xem thêm : Hướng dẫn xem trước độ sâu trường ảnh trên Canon 70D
Đây là một chiếc ống kính đã sửa chữa. Đai cố định thấu kính phía trước, bị trầy xước và tét như vậy.
Thêm ví dụ, ống kính Nikon AF-S 80-200 đã sửa chữa. Mình hỏi người bán và họ không thừa nhận đã sửa. Hỏi gì cũng không biết và kêu chụp vẫn ngon. Nên chụp lại làm tư liệu và hoãn lại buổi giao dịch.
Trường hợp sửa chính hãng, bởi NPS (Nikon Professional Services). Sửa gì sẽ có hóa đơn từ hãng và đây là cách sửa chữa uy tín nhất. Bạn có thể yên tâm khi mua máy đã sửa từ hãng.
Kiểm tra gương lật, focus screen có mốc mẻ
Gương lật sạch thì lấy nét mới tốt và nhìn rõ ràng. Mình đã gặp một vài trường hợp gương bị mốc, những máy đó mình không mua. Bởi vì mốc rất khó xử lý tại nhà, mang tới dịch vụ thì tốn kém. Trường hợp này tránh được thì cứ tránh. Trường hợp gương bị mờ do hơi ẩm và bụi, có thể mua và lau sạch bằng giấy lau lens. Mình thử nghiệm và thấy sạch như mới.
Kiểm tra Sensor có bị xước mốc hay không
Cách đơn giản nhất là dùng LiveView. Máy ảnh sẽ lật gương và kéo màn trập lại. Giúp bạn thấy được cảm biến bên trong.
Để kiểm tra an toàn hơn. Chúng ta nhấn Menu > Setup Menu > Lock Mirror up for Cleaning > OK. Tiếp theo dùng đèn, rọi vào kiểm tra. Cảm biến có bị trầy xước và mốc không. Không nên mua máy có cảm biến bị trầy, mẻ và mốc. Mình đã gặp nhiều trường hợp bị mốc. Do chủ máy bảo quản trong môi trường độ ẩm cao.
Kiểm tra kính ngắm máy ảnh cũ
Kính ngắm ít hao mòn, nhưng dễ bị bụi bẩn và nấm mốc. Trên hình là chiếc Nikon D7100, bị loang kính ngắm. Không thể sửa chữa tại nhà. Đây là một trong số những sai lầm, khi mua máy cũ của mình. Các bạn hãy kiểm tra cẩn thận, để không gặp lỗi lớn như vậy.
Kiểm tra điểm chết Sensor
Cách kiểm tra thì đơn giản thôi, kiếm một bề mặt sáng màu như nền trời hay tờ giấy trắng và chụp vào đó. Tiếp theo zoom lớn và tìm những điểm ảnh màu đen và những vệt sáng bất thường trên ảnh.
Để kiểm tra kỹ hơn, hãy tháo ống kính, đóng lắp thân máy và kính ngắm. Chụp với thông số bình thường và kiểm tra điểm ảnh. Không có mảng màu sáng bất thường là được. Bạn có thể xem chi tiết tại đây
Kiểm tra khả năng hoạt động của màn trập
Thử chụp liên tiếp với nhiều tốc độ khác nhau. Máy không bị treo, báo ERR trên LCD phụ là ok. Một số máy chụp tốc độ cao bị ERR, gặp những máy này nên test thêm vài lần. Nếu bị treo sau vài lần thử thì trả cho khỏe. Bởi vì hệ thống cơ khí của máy có vấn đề rồi.
Kiểm tra LCD và LCD phụ
LCD giúp bạn sẽ xem hình và chỉnh các thông số. Xem màu sắc ok, không bị tối góc, bầm hay điểm chết. Lưu ý những máy thường lỗi LCD như Canon 60D/600D. LCD phụ là loại màn hình rất bền, nhưng cũng nên kiểm tra. Không bầm, nứt mẻ và tất nhiên là đèn nền vẫn sáng. Để bật sáng đèn nền với Nikon bạn kéo phím On/Off qua vị trí chiếc đèn. Mình đã gặp trường hợp, LCD phụ bị mốc. Do chủ máy ít dùng và để trong môi trường ẩm quá lâu.
Kiểm tra khe thẻ nhớ trên máy ảnh cũ
Một số máy sử dụng hai thẻ nhớ, bạn nên kiểm tra cả hai, để đảm bảo chúng vẫn hoạt động. Cách dễ nhất là cắm lần lượt từng khe thẻ nhớ, sau đó quay phim và chụp ảnh. Ảnh và video được lưu đầy đủ là ok. Ngoài những điểm trên, bạn nên kiểm tra khả năng quay phim, lấy nét, đo sáng. Qua những tính năng này bạn sẽ biết được Micro còn ok, lấy nét tự động có ổn định hay không.
Kiểm tra mức pin máy ảnh Nikon
Xem thêm : Hướng dẫn chụp ảnh phơi sáng đơn giản và thông số tham khảo cho người mới
Một viên pin chính hãng thường rất bền và có giá cao. Hãy cố gắng tìm máy ảnh còn pin chính hãng. Như vậy sẽ tốt hơn lựa chọn pin for. Sau khi xác định được pin chính hãng hay for, chúng ta kiểm tra mức chai pin.
Mức 0 là tốt nhất và mức 4 kém nhất.
Cho dù pin ở mức 0 hay cao hơn. Bạn cũng nên chụp thử xem mức hao hụt pin có nhanh không. Bởi vì một pin tốt, có thể chụp từ vài trăm tới 1000 ảnh/1 lần sạc.
Kiểm tra Flash cóc
Flash có tuy cùi nhưng nhiều tác dụng. Hỗ trợ lấy nét, bù sáng khi ISO không đủ, điều khiển đèn Flash. Bạn hãy mở đèn và chụp thử nhiều lần hoặc nhấn phím PV phía trước thân máy. Trường hợp đèn không sáng, rất nhiều khả năng đèn bị hư.
Kiểm tra phụ kiện
Phụ kiện đi theo máy gồm pin, sạc, dây kết nối và sách, CD… Kiểm tra xem có đủ như lúc đăng bán hay không. Những món này tuy nhỏ, nhưng giá cao. Lỡ bớt của bạn viên pin và cục sạc là được 2 triệu rồi. Nhớ kiểm tra xem có đúng như mô tả, thiếu món nào thì hỏi rõ ràng. Thiếu thì bớt tiền ?
Kiểm tra Seri của máy ảnh
Tiếp theo kiểm tra số Seri nằm ở mặt dưới của máy ảnh và so sánh với Seri trên hộp. Hai số trùng nhau là yên tâm phần nào rồi. Sau đó chụp một tấm ảnh, đưa vào Lightroom hoặc trang Flickr. Để kiểm tra số Seri trên ảnh. Số này trùng với máy, hộp, giấy bảo hành thì rất tốt.
Trong Adobe Lightroom, chọn View > Develop View Options. Sau đó chọn một 6 ô phía dưới thành Camera. Cuối cùng nhấn phím (i) cho đến khi hiện Seri của máy ảnh.
Như ảnh minh họa, số Seri nằm cạnh tên Nikon D700. Trường hợp không có Lightroom. Bạn có thể dùng trang Flickr và trang ShutterCounter để kiểm tra. Chỉ cần tải ảnh lên và đợi kết quả.
Trang ShutterCounter, cho biết số Seri của máy ảnh tương tự Lightroom. Cách này có thể làm ngay trên điện thoại và dễ hơn. Như vậy chúng ta biết cách kiểm tra số Seri của máy ảnh.
Kiểm tra số ảnh đã chụp
Máy ảnh Nikon sử dụng trang ShutterCounter. Chúng ta tải ảnh và kiểm tra số ảnh đã chụp. Như hình minh họa, máy đã chụp 27438 ảnh.
Đối với máy Canon, bắt buộc kết nối máy ảnh với máy tính bằng cáp USB. Sau đó dùng phần mềm EOS Info để kiểm tra. Bạn có thể tham khảo chi tiết cách làm tại đây.
Đối với máy ảnh Sony, tham khảo chi tiết tại đây. Như vậy chúng biết cách kiểm tra số ảnh đã chụp, trên máy Nikon, Canon, Sony. Ok! mình đã chia sẻ một số cách kiểm tra máy ảnh cũ. Hy vọng bài viết, giúp bạn mua máy dễ dàng hơn. Chúc bạn mua được máy tốt, cảm ơn! ?
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Kỹ Thuật Nhiếp Ảnh