Các tư tưởng triết học thời Phục hưng
Nếu triết học Tây Âu trung đại bị chi phối bởi chủ nghĩa duy tâm, coi trọng lòng tin tôn giáo, đề cao vai trò của Thượng đế, coi thường lý trí khoa học, hạ thấp vai trò của con người và giới tự nhiên…, là công cụ tinh thần của Nhà thờ và nhà nước phong kiến thống trị con người; thì triết học Tây Âu thời Phục hưng đã bắt đầu coi trọng lý trí, đề cao con người và giới tự nhiên ; về cơ bản, nó là ngọn cờ lý luận của các lực lượng xã hội tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống ý thức hệ phong kiến lỗi thời, nhằm thiết lập ý thức hệ mới – ý thức hệ tư sản.
Trải qua một quá trình xung đột gay gắt giữa các tư tưởng duy vật và khoa học của các lực lượng tiến bộ trong xã hội với các tư tưởng duy tâm và thần học thể hiện lợi ích của giai cấp phong kiến và Nhà thờ, chủ nghĩa duy vật từng bước được khôi phục lại. Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng rất lớn của thần học nên chủ nghĩa duy vật thời kỳ này không triệt để, nó mang tính tự nhiên thần luận; nó chỉ chống lại Nhà thờ nếu Nhà thờ xuyên tạc những lý tưởng xã hội cao đẹp, những quan niệm khoa học đúng đắn; thậm chí, nó còn dựa vào Thượng đế để chống lại những biểu hiện phi nhân tính trong đời sống, phi khoa học trong nghiên cứu.
Bạn đang xem: Các tư tưởng triết học thời Phục hưng
Các tư tưởng cơ bản của triết học thời Phục hưng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tiếp theo của triết học Phương Tây là quan niệm mới về con người và tự nhiên, – tư tưởng đề cao con người và sự nghiệp giải phóng con người, thuyết nhật tâm; về khoa học và vai trò của nó trong đời sống của nhân loại...
Nicôlai đờ Cudơ (Nicolas de Cuze, 1401-1464) cho rằng, vũ trụ là vô tận, còn Trái Đất chỉ là một hành tinh bình thường; Thượng đế hòa lẫn với giới tự nhiên, quá trình phát triển ngày càng hoàn thiện của thế giới cũng là quá trình Thượng đế ngày càng biểu hiện ra thành giới tự nhiên. Vì sự phát triển của Thượng đế là vô cùng tận nên các phạm trù hữu hạn của con người không thể hiện được bản chất vô hạn của Thượng đế; Con người không chỉ là một sinh vật cấp cao bằng xương bằng thịt, mà còn là một sản phẩm tối cao của Thượng đế, con người đã và đang thường xuyên tác động vào các sự vật tự nhiên và cải biến nó. Thậm chí, ông còn coi bản thân con người là Thượng đế.
Xem thêm : Phương pháp phân tích tài liệu
Là một danh họa, Lêôna đờ Vanhxi (Léonard de Vinci, 1452-1519) luôn coi trọng nghệ thuật – hoạt động sáng tạo của con người. Theo ông, chỉ có nghệ thuật mới có thể giúp con người nhận thức được các đặc tính về chất của các sự vật, chỉ có nghệ thuật mới mang lại cho chúng ta một bức tranh sinh động về thế giới; còn khoa học chỉ có khả năng khám phá ra các đặc tính về lượng của các sự vật, phát hiện ra các qui luật chung của thế giới mà thôi.
Thuyết nhật tâm đã được Nicôlai Côpécníc (Nicolas Copernic, 1473-1543) xây dựng có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của triết học và khoa học. Nó đánh đổ thuyết địa tâm của Ptôlêmê (Ptolémée) được nhà thờ ủng hộ, đồng thời giải phóng khoa học tự nhiên ra khỏi sự thống trị của thần học, mở đầu cho công cuộc cách mạng hóa toàn bộ khoa học. Giócđanô Brunô (Giordano Bruno, 1548-1600) không chỉ bảo vệ thuyết nhật tâm
Côpécníc, mà còn đưa ra quan điểm duy vật mới về vũ trụ. Phạm trù trung tâm trong triết
học của ông là Cái duy nhất (Unô) phản ánh sự thống nhất giữa Thượng đế với Giới tự nhiên -một thế giới độc lập không được sáng tạo. Nói ngắn gọn, Unô là “Giới tự nhiên – Thượng đế“. Mặc dù đồng nhất Thượng đế với Giới tự nhiên nhưng thực ra ông chỉ thừa nhận Thượng đế trên danh nghĩa. Ông cho rằng mọi sự vật trong thế giới là các dạng biểu hiện cụ thể của Unô; bản thân các sự vật luôn luôn biến đổi còn Unô thì bất biến.
Xem thêm : Bảo lãnh phát hành chứng khoán: Vai trò, rủi ro, hình thức và quy trình
Brunô đã tiếp cận được quan niệm về tính thống nhất vật chất của vũ trụ. Theo ông, mọi sự vật đều nằm trong vũ trụ, và vũ trụ nằm trong tất cả mọi vật; Chúng ta ở trong vũ trụ, và ngược lại, vũ trụ nằm trong chúng ta. Vũ trụ vô tận có vô số thế giới tồn tại; Trái Đất cũng chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ mênh mông không có tâm. Sự vật nói riêng, vũ trụ nói chung được cấu thành từ các đơn tử – các phần tử nhỏ nhất của vật chất có năng lực tinh thần tạo ra sinh khí làm cho mọi vật liên hệ, vận động, thay đổi, cái này mất đi, cái khác ra đời. Vạn vật, mà trước hết là hai cái đối lập nhau – cái lớn nhất và cái nhỏ nhất trong vũ trụ, luôn thống nhất và chuyển hóa lẫn nhau. Ngoài đơn tử – cái nhỏ nhất trong triết học, Brunô còn thừa nhận cái nhỏ nhất trong toán học – điểm, trong vật lý – nguyên tử. Còn cái lớn nhất trong triết học là Giới tự nhiên vô tận. Đơn tử và Giới tự nhiên hoàn toàn thống nhất với nhau.
Mục đích nhận thức của triết học là phát hiện ra tính thống nhất này, tức là khám phá ra bí mật của thế giới. Để nhận thức đúng thế giới cần phải biết nghi ngờ, mà trước hết là nghi ngờ các giáo lý hoang đường của tôn giáo. Sự nghiên cứu triết học phải bắt đầu từ nghi ngờ. Nghi ngờ cả cái mà người ta tin. Phải dựa vào lý trí và trên cơ sở thực nghiệm để tìm ra chân lý, mà chống lại niềm tin mù quáng. Ông chỉ thừa nhận chân lý của lý trí mang tính khách quan do khoa học và cuộc sống đem lại mà bác bỏ chân lý của lòng tin… Do triết học duy vật của Brunô chống lại chủ nghĩa kinh viện, vạch trần sự dối trá lừa bịp của Giáo hội nên tòa án Giáo hội đã thiêu sống ông.
Galilêô Galilê (Galiléo Galilée, 1546-1642) là người mở đầu cho sự phát triển của khoa học thực nghiệm. Nhờ kính viễn vọng mà ông phát hiện ra các vật thể vật chất trên Mặt Trăng, khám phá về sao Kim, Mặt Trời, các vệ tinh sao Mộc… chứng minh cho tính đúng đắn thuyết nhật tâm Côpécníc và tính thống nhất vật chất của vũ trụ. Galilê cho rằng giới tự nhiên và kinh thánh là hai “cuốn sách” không liên quan với nhau, trong đó, mỗi “cuốn sách” đều cần cho con người ở một khía cạnh nhất định. Nếu kinh thánh gần gũi với cuộc sống hằng ngày của con người bởi tính dễ hiểu với những điều răn dạy thông thường, thì khoa học giúp con người khám phá những quy luật của giới tự nhiên, nhận thức bản chất đích thực của chúng. Trong lĩnh vực hoạt động khoa học, kinh thánh không có vai trò gì cả. Để hiểu “cuốn sách” giới tự nhiên con người không chỉ đơn thuần dựa trên sự diễn giải câu chữ mà phải dựa vào thực nghiệm và tư duy lý tính. Từ những quan niệm trên, Galilê khẳng định tôn giáo và khoa khọc là hai lĩnh vực đời sống tinh thần cần thiết cho con người. Tuy nhiên, ông đặc biệt đề cao vai trò của khoa học, khẳng định sức mạnh trí tuệ của con người trong quá trình vô tận nhận thức thế giới và khẳng định rằng những gì chúng ta biết còn quá ít so với những gì mà ta chưa biết…
Những tư tưởng mới về con người, về tự nhiên, về khoa học và vai trò của nó trong đời sống con người được các trường phái triết học thời cận đại phát triển dựa trên cách tiếp cận của riêng mình. Sau đây là những trường phái tiêu biểu.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức