Cái đẹp là gì? Biểu hiện & các quan điểm về cái đẹp
Cái đẹp là gì? Các quan niệm về cái đẹp. Biểu hiện của cái đẹp.
Nội Dung
1. Cái đẹp là phạm trù mỹ học cơ bản trung tâm
Trong hệ thống các phạm trù mỹ học, cái đẹp vừa là phạm mỹ học cơ bản, vừa là phạm trù mỹ học trung tâm. Bởi vì, đối tượng của mỹ học là đời sống thẩm mỹ của con người. Đời sống thẩm mỹ tuy rất phong phú đa dạng nhưng chủ yếu quay quanh cái đẹp. Cái đẹp là cái phổ biến. Nó có mặt ở khắp nơi: trong tự nhiên, trong xã hội và trong nghệ thuật. Ở đâu có hoạt động của con người ở đấy có cái đẹp: bầu trời đẹp, cành hoa đẹp, cuộc sống đẹp, cái nhà đẹp, chiếc áo đẹp, công việc đẹp, hành động đẹp, tư tưởng đẹp, khuôn mặt đẹp… Mặt khác, cái đẹp là cái thường trực. Từng giờ, từng phút nó luôn có mặt trong ý thức con người. Con người không một phút nào sao nhãng, rời bỏ được cái đẹp. Dù là lúc lao động, lúc vui chơi giải trí, lúc nghiên cứu khoa học; trong sinh hoạt gia đình, ngoài đời sống cộng đồng… Cái đẹp như là thước đo, là chuẩn mực đi kèm liền bên cạnh cái chuẩn mực thước đo khác trong đời sống con người. Không phải ngẫu nhiên mà CHÂN-THIỆN- MỸ ĐI LIỀN VỚI NHAU.
Bạn đang xem: Cái đẹp là gì? Biểu hiện & các quan điểm về cái đẹp
Các phạm trù thẩm mỹ khác: cái xấu, cái cao cả, cái thấp hèn, cái bi, cái hài tuy bản chất thẩm mỹ có khác cái đẹp, nhưng để hiểu được bản chất chúng thì không thể không lấy cái đẹp làm điểm tựa không thể không xem xét nó trong mối liên hệ với cái đẹp. Chẳng hạn, để đánh giá một hiện tượng xấu thì ta phải dựa vào cái đẹp. Cái đối lập với cái đẹp sẽ là cái xấu. Hoặc để xác định cái bi ta cũng dựa vào cái đẹp. Cái bi là sự thất bại, hay cái chết của cái đẹp. Ta cũng dựa vào cái đẹp để xác định cái cao cả. Cái đẹp là lý tưởng gần, còn cái cao cả là lý tưởng cao siêu.
Vậy cái đẹp là gì? thế nào là cái đẹp? Đây quả là câu hỏi không dễ trả lời chút nào. Có người hỏi Saint Augustin:Thời gian là gì? Augustin trả lời: giá như ngươi đừng hỏi thì ta cơ hồ như hiểu rõ thời gian là gì! Thế nhưng khi người hỏi ta thời gian là gì thì ta lại đâm ra hoang mang. Hỏi cái đẹp là gì thì cũng như hỏi thời gian là gì vậy. Đã 2500 năm nay, các triết gia, các mỹ học gia, không ngớt thay nhau tìm kiếm một sự lý giải thích hợp cho cái đẹp, nhưng cái đẹp là gì thì câu hỏi đến nay vẫn như còn để ngỏ, vẫn như còn vừa mới đặt ra. Điều oái oăm là: cái đẹp là cái phổ biến, là cái thường trực trong cuộc sống con người. Nhưng gương mặt của nó ta lại rất khó nắm bắt, khó xác định.
2. Các quan niệm khác nhau về cái đẹp
a. Phái cho rằng cái đẹp là thuộc tính khách quan của sự vật.
Phái này quan niệm: bản thân sư vật, tự nhiên đã chứa đựng cái đẹp. Cái đẹp không lệ thuộc vào ý muốn của con người. Màu sắc của sự vật tồn tại ngoài ý thức con người. Nó là thuộc tính tự nhiên của tạo vật. Đẹp cũng thế. Đẹp là phẩm chất của tự nhiên. Thuộc về phẩm chất đẹp của tự nhiên là thuộc tính cân xứng, hài hòa, nhịp điệu, cấu trúc không gian, thời gian…
+ Platon cho rằng đường nét thẳng và đường tròn là đường đẹp.
+ Họa sư Hogarth lại cho rằng đường cong và lượn sóng là đẹp. Vì nó đa dạng và có tính chuyển động. Chẳng hạn, lượn sóng trong nhảy múa, lượn sóng của bộ tóc, đám mây, đường eo của thân thể con người.
+ Fechner (Đức) lại cho cái đẹp là ở sự tỉ lệ, hình chữ nhật đẹp là loại hình có tỉ lệ 1/1,6 (tỉ lệ của 2 cạnh lá vàng).
+ Leonardo De Vinci cho rằng người đẹp là người có tỉ lệ: chiều dài thân mình cao gấp 7 lần đầu.
+ Pythagoras cho rằng: đường nét và hình thể phải đối xứng mới đẹp. Vì sự phát sinh đối xứng có liên hệ đến số học. Cái đẹp có đặc tính của số học.
+ Bớcnơ và nhiều người khác coi cái đẹp là tổng số của những dấu hiệu sau đây: vật không lớn quá cũng không nhỏ quá ; sự hài hòa, sự thống nhất trong cái đa dạng v.v…
Vậy có đúng là cái đẹp nằm ở vật, là thuộc tính khách quan của sự vật không? Thực sự thì, những điều quan sát của các nhà mỹ học trên đây có ý nghĩa thực tiễn nhất định. Tuy nhiên, những ý kiến vừa nêu trên không thể dùng để giải thích đầy đủ và đúng đắn bản chất của cái đẹp. Những dấu hiệu trên là những điều kiện có thể dẫn tới cái đẹp. Nó luôn luôn được bổ sung, và bổ sung một cách bất tận. Bởi, cái đẹp là vô cùng đa dạng và vô cùng tận.
Sai lầm của các nhà mỹ học trên là, tách rời nội dung cụ thể của các hiện tượng khỏi ý nghĩa xã hội của nó. Không đặt chúng trong mối quan hệ với con người thì sẽ không phát hiện ra ý nghĩa thẩm mỹ của đối tượng. Đường thẳng, tròn, cong, uốn lượn; sự tỉ lệ, cân đối, hài hòa, bố cục hình kim tự tháp… có cả trong đối tượng đẹp và cả đối tượng xấu. Rõ ràng là màu hồng đẹp khi ở trên má, nhưng là xấu ở trên mũi của cô gái. Sự cân đối của cặp mắt, đôi vai thì đẹp, nhưng sự cân đối của răng khểnh, của nốt ruồi thì không đẹp. Con bướm, con cóc thân hình đều hài hòa nhưng chưa ai coi con cóc là đẹp.
Sai lầm cơ bản của các quan niệm trên còn là: tìm bản chất cái đẹp ở mối quan hệ nội tại giữa các yếu tố, các bộ phận cấu thành của sự vật, hiện tượng trên cơ sở những thuộc tính vật lý, toán học của đối tượng; trong khi lẽ ra tìm bản chất cái đẹp, cũng như các hiện tượng thẩm mỹ khác ở mối quan hệ giữa các sự vật và hiện tượng trong mối quan hệ với xã hội, với ý thức con người.
b. Phái cho rằng cái đẹp là sản phẩm của ý muốn chủ quan của con người.
Kant, một triết gia duy tâm chủ quan, người Đức, cho rằng: vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà nằm trong mắt của kẻ si tình. Như vậy, theo Kant, cái đẹp là sản phẩm của ý thức cá nhân. Luận chứng về cái đẹp, Kant phân biệt hai phương diện của phán đoán: phán đoán mỹ cảm và phán đoán danh lí. Phán đoán danh lí dùng khái niệm làm cơ sở. Phán đoán mỹ cảm thì lấy cảm giác cá nhân làm cơ sở. Mà cảm giác là chủ quan, có tính cách cá biệt, tùy người, tùy nơi, tùy lúc. Trong quá trình thụ cảm thế giới, các sự vật, hiện tượng cảm tính, con người truyền cảm giác, đem đến cho sự vật hồn con người.
Như vậy cái đẹp chỉ nảy sinh trong quan hệ chiêm ngưỡng của chủ thể đối với khách thể. Ở ngoài quan hệ này thế giới không đẹp cũng không xấu. Nó phi thẩm mỹ. Cũng theo Kant, phần đông cảm giác chủ quan có tính cách cá biệt, tùy nơi, tùy lúc. Nhưng nó vẫn có tính chất phổ biến. Bởi vì, tuy dựa vào cảm giác chủ quan chứ không nhờ vào sự trợ giúp của khái niệm, nhưng khi một vật khiến ta thấy đẹp thì cơ năng tâm lý (như tri giác, tưởng tượng) hoạt động có tính chất hài hòa nên phát sinh một thứ khoái cảm không thực dụng. Một người thấy đẹp thì mọi người thấy đẹp vì cơ năng tâm lí con người giống nhau.
Điều hơn hẳn của Kant, so với nhiều nhà mỹ học khác là ở chỗ: biết rằng mỹ cảm thuộc chủ quan, bằng vào cảm giác, chứ không bằng vào khái niệm. Nhưng đồng thời không hoàn toàn chủ quan mà có tính chất tất nhiên, phổ biến. Điều mơ hồ của Kant là cho rằng sự vật cần có những điều kiện hợp với cơ năng tâm lí thì ta mới thấy đẹp, giống như thị giác đối với màu sắc, vật là kích thích, tâm là sự cảm thụ.
Xem thêm : Đặc trưng của nghệ thuật
c. Phái cho rằng cái đẹp là cái có ích, cái có lợi ích thực dụng.
Socrate, một triết gia Hylạp cổ đại, lí giải cái đẹp luôn luôn gắn với cái có ích. Thậm chí, đánh đồng cái đẹp với cái có ích: cái đẹp là cái có ích và cái gì có ích là cái đẹp. Ông giải thích: Cái mộc đẹp là vì nó để tự vệ, còn cái giáo đẹp là vì người ta có thể dùng sức mạnh mà lao về phía quân thù. Một người (Apirtipơ) chất vấn Socrate: Vậy cái sọt đựng phân là một vật đẹp hay xấu? Socrate đã không ngần ngại trả lời: Đúng thế, thề có thần Zeus chứng giám, ngay cái mộc bằng vàng cũng bị coi là một vật xấu, nếu như nó được làm ra một cách kém cỏi, còn cái sọt đựng phân là đẹp khi nó nhằm được mục đích của nó.
Mỹ học Socrate được gọi là mỹ học vụ lợi. Sai lầm cơ bản của Socrate là đánh đồng cái đẹp với cái có ích. Tuy nhiên, quan niệm của ông có ý nghĩa quan trọng ở chỗ đưa thực tiễn xã hội vào định nghĩa cái đẹp.
3. Quan niệm hiện đại về cái đẹp
a. Cái đẹp là cái có hình thức cảm tính cụ thể, sinh động.
Cái đẹp là cái có hình thức cảm tính cụ thể, sinh động. Con người chỉ có thể cảm thụ nó trực tiếp bằng giác quan. Cái đẹp là cái có năng lực biểu hiện, cái có khả năng gợi cho con người thấy được bản chất của chính mình nơi thiên nhiên và tạo vật. Nó là cái mà con người có thể tìm thấy sức mạnh sáng tạo và làm chủ của mình. Nó là cái có thể báo hiệu về con người, gợi nên ở con người những rung động, những say mê, những khát vọng.
b. Cái đẹp gắn với say mê và khát vọng của con người.
Stendhal (1783- 1842) nói: Cái đẹp là sự mời gọi hạnh phúc. Cái đẹp gắn với say mê và khát vọng của con người. Nó là cái mà con người luôn ước ao vươn tới. Do đó, nó là cái mang trong mình sự phát triển cao nhất, tức là cái mang tính chất lí tưởng. Và cũng do đó, cái đẹp gắn chặt với ý niệm về sự hoàn thiện. Hoàn thiện là tiêu chuẩn cao nhất về cái đẹp. Những gì đạt tới trình độ phát triển cao nhất so với sự vật và hiện tượng cùng loại thường gợi ra ý niệm đẹp. Hoàn thiện gắn liền với sự hài hòa. Cấu trúc hài hòa là cấu trúc lí tưởng. Hài hòa là nguyên lí phổ biến.
c. Cái đẹp là một phạm trù giá trị.
Cái đẹp là một phạm trù giá trị, đó là luận điểm quan trọng của mỹ học Mácxít. Mỹ học Mácxít xuất phát từ quan điểm biện chứng, lịch sử xã hội để nghiên cứu cái đẹp. Mỹ học Mácxít thừa nhận cơ sở khách quan của cái đẹp, xuất phát từ phản ánh luận duy vật biện chứng. Theo đó, ý thức thẩm mỹ nói riêng và ý thức con người, nói chung, là tính thứ hai. Hiện thực, bao gồm cả tự nhiên và xã hội là tính thứ nhất.
Tuy nhiên, khi nói cái đẹp là một phạm trù giá trị thì các nhà mỹ học Mácxít không chỉ lưu ý điều kiện vật chất khách quan của cái đẹp, mà còn nhấn mạnh phương diện ý thức chủ quan, nhấn mạnh tính quan niệm của nó. Khi nói cái này đẹp, cái kia đẹp là bao hàm sự đánh giá, định giá của con người. Và như vậy, đẹp phụ thuộc vào quan niệm.
Tchernychepski, nhà mỹ học duy vật Dân chủ Cách mạng Nga, người có những tư tưởng mỹ học tiếp cân với mỹ học Mácxít, ở thế kỉ trước, từng phát biểu: Một tồn tại được gọi là đẹp là một tồn tại trong đó chúng ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm. Quả đây là một tư tưởng hết sức sâu sắc. Cái đẹp không phải chỉ có cơ sở tự nhiên, khách quan, mà còn có cơ sở xã hội. Cơ sở xã hội đó được thể hiện ở chỗ quan niệm. Quan niệm của con người về cái đẹp phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
– Quan điểm chính trị, lập trường giai cấp
– Bản sắc dân tộc
– Có tính chất lịch sử
Những con người thuộc các giai cấp khác nhau bao giờ cũng xuất phát từ lợi ích chính trị của giai cấp mình mà có quan niệm khác nhau về cái đẹp. Điều khác nhau này càng bộc lộ rõ ràng khi mâu thuẫn giữa các giai cấp trong lòng xã hội trở nên sâu sắc. Từ Hải là hình tượng đẹp đối với người bị áp bức, bóc lột, nô lệ. Nhưng với rất xấu với quan niệm của vua Tự Đức.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: nói cái đẹp phụ thuộc vào lập trường chính trị, quan điểm giai cấp, không có nghĩa là bao giờ cũng có sự minh định rạch ròi về ranh giới trong mọi trường hợp. Từ đó phủ nhận những chuẩn mực thẩm mỹ chung đối với mọi người. Con người, ngoài bản năng xã hội, còn có bản năng tự nhiên. Bản năng tự nhiên này, ở mọi người đều giống nhau. Về phương diện tự nhiên, gã tư sản và người nông dân đều đánh giá vẻ đẹp của vàng bạc là như nhau, đều thích vàng bạc làm nhẫn cưới, hội hè, đình đám, trang sức. Nhưng về phương diện giai cấp thì người buôn bán khoáng vật chỉ nhìn thấy giá trị thương phẩm của khoáng vật chứ không nhìn thấy vẻ đẹp và bản tính độc đáo của khoáng vật. (C. Mác)
Những điều kiện tự nhiên, xã hội, tâm lí, phong tục tập quán dân tộc để lại dấu ấn sâu sắc về quan niệm cái đẹp, chi phối quan niệm về cái đẹp. Có những hiện tượng, sự vật, dân tộc này cho là đẹp, nhưng dân tộc khác cho là xấu. Với người phương đông như Trung Quốc, Việt Nam, con rồng là một vật đẹp. Rồng là biểu tượng của sự cao đẹp. Những gì cao đẹp đều được gắn với rồng. Kiến trúc những nơi tôn nghiêm như chùa chiền, đình miếu, rồng luôn luôn được chạm khắc. Tổ quốc ta thủ đô là Thăng Long, biển đẹp của ta là Hạ Long, sông là Cửu Long, chúng ta là con rồng, cháu tiên. Những gì liên quan đến vua- thiên tử- con người đẹp nhất đều gắn với long: long nhan, long thể, long sàng, long bào,… Nhưng phương Tây, như Pháp chẳng hạn rồng lại được hiểu như là con vật dữ tợn (xấu).
Quan niệm về cái đẹp còn gắn liền với sự biến đổi lịch sử. Cái đẹp không phải là một cái gì đó nhất thành bất biến, thiên sinh tự tại. Tùy theo từng thời đại mà quan niệm về cái đẹp có sự thay đổi… Cái răng, cái tóc là vóc con người. Nhưng ngày xưa, tóc dài răng đen là đẹp; ngày nay thì ngược lại. Chỉ mới khoảng 50 năm về trước, Hoàng Cầm còn tấm tắc trước vẻ đẹp của hàm răng nhuộm đen của mấy cô hàng xén:
Mấy cô hàng xén răng đen cười như tỏa nắng.
Nhưng ngày nay, răng đen chỉ có thể là xấu.
4. Khái niệm cái đẹp
Có thể định nghĩa cái đẹp như sau: Cái đẹp là một phạm trù mỹ học trung tâm, cơ bản dùng để khái quát những giá trị xã hội tích cực của những sự vật, hiện tượng trong hiện thực (tự nhiên và xã hội) có hình thức cụ thể cảm tính, được con người xã hội cảm thụ bằng giác quan, đánh giá tư tưởng tình cảm qua sự biểu hiện niềm vui sướng, thú vị.
5. Biểu hiện của cái đẹp
a. Cái đẹp trong thiên nhiên
Xem thêm : Thiết chế kinh tế (Economic Institution)
Như ta đã nói, đẹp không phải là một thuộc tính khách quan của sự vật. Do đó khi nói cái đẹp trong thiên nhiên chúng ta dễ ngộ nhận là trong tự nhiên có những sự vật đẹp hay thuộc tính đẹp. Cái đẹp tồn tại song song với tự nhiên. Còn con người có sau tự nhiên rất lâu. Và con người hưởng thụ một cách bị động cái đẹp có sẵn của tự nhiên, giống như tự nhiên là con ong làm ra đẹp là mật. Còn có con người hay không thì mật vẫn là mật.
Thực sự thì, thiên nhiên với những phẩm chất và thuộc tính của nó tồn tại một cách khách quan. Thiên nhiên tồn tại trong sự đa dạng nhưng thống nhất. Mọi sự vật hiện tượng trong thiên nhiên tồn tại trong sự nương tựa với nhau, liên kết lẫn nhau, quy định lẫn nhau. Thiên nhiên có một cấu trúc hợp lý đến kỳ diệu như là có phép màu của tạo hóa. Nhưng khi có một cảnh thiên nhiên được gọi là đẹp thì không phải đơn thuần do thiên nhiên đẹp, mà còn do con người cảm thấy đẹp. Nguyễn Du từng nói:
Cảnh nào cảnh chẳng cũng đeo sầu
Người buồn cảnh cũng có vui đâu bao giờ.
Do đó, khi xét cái đẹp trong thiên nhiên là xét nó trong quan hệ với con người. Cảnh đẹp trong thiên nhiên là cảnh- tình. Nói như C. Mác, đó là một tự nhiên được nhân hóa. Vì vậy, xét cái đẹp trong tự nhiên theo thể thức cấu trúc, hình ảnh, màu sắc, phẩm chất khoa học là cần thiết nhưng dễ trở thành giản đơn. Vì, như đã nói, những thể thức đó là những điều kiện dẫn tới cái đẹp, chứ không phải bản thân cái đẹp. Cũng như mưa là do mây mang hơi nước, nhưng mây mang hơi nước đâu phải là mưa. Cũng như, cỏ xanh trên cánh rừng sẽ chẳng đẹp mà chẳng xấu. Với Nguyễn Du thì cỏ có thể thật đẹp, có thể xấu. Nhưng ngay cả với Nguyễn Du thì cỏ đẹp với nhiều vẻ đẹp khác nhau, tùy nơi, tùy lúc, tùy người.
Có lúc cỏ đẹp- vui:
– Cỏ non xanh trên chân trời….
Có lúc cỏ đẹp- buồn:
– Một vùng cỏ mọc xanh rì.
– Một vùng cỏ dưới bóng tà.
Như vậy, cái đẹp của thiên nhiên là cái có năng lực biểu hiện; cái có khả năng gợi cho con người thấy được bản chất của chính mình nơi thiên nhiên, tạo vật; cái mà con người có thể tìm thấy sức mạnh sáng tạo và làm chủ của mình. Nó là cái có thể báo hiệu về con người, gợi cho con người những rung động, những say mê và những khát vọng. Do đó, cái đẹp trong tự nhiên tuy tồn tại khách quan nhưng chỉ tồn tại như một tiềm năng, một dự phóng. Nó có tác dụng gợi mở sự liên tưởng, sức sáng tạo của con người.
b. Cái đẹp của những sản phẩm do con người làm ra.
Cái đẹp của những sản phẩm do con người làm ra là những sản phẩm do con người làm ra theo trước đó của sự hoàn thiện, theo những khuôn mẫu lý tưởng:
– Tính hợp lý là một trong những yêu cầu quan trọng nhất được đặt ra cho các sản phẩm lao động. Nó phải có sự tương quan đúng đắn giữa hình thức và giải pháp kết cấu.
– Các sản phẩm lao động phải tạo thuận tiện tối đa cho người sử dụng, giảm bớt lao động vất vả cho con người, làm vui mắt bằng vẻ đẹp của hình dáng bên ngoài và sự tính toán nghiêm nhặt của các yếu tố.
c. Cái đẹp của điều kiện lao động
Điều kiện lao động đẹp góp phần nâng cao hiệu quả lao động và bảo vệ sức khỏe người lao động. Điều kiện lao động đẹp, bao gồm: Phương tiện lao động: máy móc, thiết bị, dụng cụ lao động thuận tiện, đẹp đẽ; tổ chức lao động hợp lý. Nhân tố quyết định của mỹ học về điều kiện hoạt động là nội thất công nghiệp: ánh sáng hợp lý, màu tường thích hợp, thông gió tốt, độ ẩm vừa phải.
Màu sắc nội thất công nghiệp ảnh hưởng đến hiệu quả lao động. Với những kiện hàng trọng lượng và khối lượng như nhau chỉ khác nhau màu đen, hoặc màu trắng, thì người công nhân khuân vác những kiện hàng màu trắng cảm thấy nhẹ nhàng hơn và do đó bốc vác có hiệu suất cao hơn là làm việc với những kiện hàng màu đen. Tuy nhiên, tùy tính chất sản xuất mà sử dụng gam màu này hay gam màu khác. Ví dụ ở xưởng sản xuất lớn thì dùng gam màu lạnh xanh, xanh lá cây. Nơi sản xuất những chi tiết nhỏ như lắp ráp đồng hố thì cần dùng màu bình lặng, sáng sủa. Các bộ phận chuyển động của thiết bị sơn màu sáng để dễ nhận, do đó giảm tai nạn lao động .v.v…
d. Cái đẹp của hành vi
Hành vi con người có thể được đánh giá từ những phương diện khác nhau: chính trị, đạo đức, pháp luật…
Nhưng cũng có thể được đánh giá ở góc độ thẩm mỹ. Ví dụ: Một hành vi cao quý, can đảm cũng được gọi là hành vi đẹp. Hoặc ngược lại. Biêlinski cho rằng tình cảm thẩm mỹ là cơ sở của việc thiện, của đạo đức. Gorki cho rằng: mỹ học là luân lý của tương lai (càng ngày cái đẹp càng thâm nhập sâu và trở thành tiêu chuẩn cơ bản của tác phong ứng xử của con người).
đ. Cái đẹp của con người
Con người là sản phẩm của tự nhiên, nó cũng có những vẻ đẹp có tính chất vật chất tự nhiên. Đó là vẻ đẹp bên ngoài như khuôn mặt, hình thể và trang phục. Ngoài ra con người còn có vẻ đẹp tinh thần xã hội: hành vi, hoạt động của toàn bộ thế giới tinh thần của con người lời nói, cách cư xử, hành động là biểu hiện của trình độ văn hóa của con người.
e. Cái đẹp trong sinh hoạt
Cái đẹp trong sinh hoạt và đời sống rất đa dạng. Càng ngày chúng ta càng chú ý nhiều hơn về mỹ học sinh hoạt, tức là chú ý nhiều hơn đến những điều kiện về vật chất văn hóa, trong đó diễn ra cuộc sống của con người, ngoài khuôn khổ của hoạt động sản xuất trực tiếp và hoạt động xã hội. Sinh hoạt là khái niệm bao gồm: sắp xếp nhà ở, cái đẹp của quần áo, cách thức tổ chức nghỉ ngơi lành mạnh, văn hóa. Tất cả những gì bao quanh con người trong đời sống từ việc trang hoàng căn phòng, quần áo, vật dụng trang điểm,… đều phải đem đến cho con người cảm xúc thẩm mỹ. Cái thẩm mỹ không chỉ tồn tại ở bức tranh, pho tượng ở viện bảo tàng mà trải ra ở hàng ngàn hàng vạn đồ vật quanh con người. Ở đâu có sinh hoạt của con người thì ở đó cần có thị hiếu thẩm mỹ: từ cái thìa, cái li, đến căn nhà, sân bóng .v.v… Tất nhiên, không có những giải pháp thẩm mỹ cụ thể cho một lần và cho mãi mãi. Song những nguyên tắc chung là tính hợp lí, hài hòa, đồng bộ, tính thống nhất, đa dạng… luôn luôn được vận dụng.
g. Cái đẹp trong nghệ thuật
Nghệ thuật là nơi biểu hiện tập trung của cái đẹp; đẹp là điều kiện đặc biệt của nghệ thuật. C.Mác nói, trong toàn bộ hoạt động sáng tạo của con người, hoạt động nào con người cũng đều sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Nhưng không ở đâu quy luật ấy lại bộc lộ rõ nét tập trung như ở nghệ thuật. Miêu tả, biểu hiện, sáng tao cái đẹp là mục tiêu chủ yếu, là chức năng đặc trưng của nghệ thuật. Cái đẹp trong nghệ thuật có các đặc điểm căn bản sau:
– Tính hoàn chỉnh, hoàn thiện, gọt dũa, trau chuốt, điển hình của các yếu tố. Xét về sự phong phú, tươi mới, nguồn gốc và tính có trước thì cái đẹp của tự nhiên cao hơn cái đẹp của nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật có nguyên tắc sáng tạo là điển hình hóa. Các hiện tượng đẹp của đời sống khi được đưa vào tác phẩm thì đã trải qua sự lựa chọn, qua bàn tay sáng tạo, gọt đẽo…, do đó mà đã đẹp, nó lại càng đẹp hơn. Với ý nghĩa ấy mà Hégel khẳng định: nghệ thuật đẹp hơn cuộc sống; Hoàng Đức Lương viết: Đến như thơ văn thì là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể dùng mắt thường mà xem, vị giác thường mà nếm
– Cái đẹp trong nghệ thuật mang sắc thái biểu cảm. Một cảnh tượng đẹp trong thiên nhiên không chứa đựng trong mình nó tính tình cảm, cảm xúc. Nó chỉ có những thuộc tính vật lý, hoặc do liên tưởng chủ quan của con người gán cho nó. Còn vẻ đẹp trong nghệ thuật, nó là sự kết tinh, chứa đựng tình cảm của người sáng tạo. Tình cảm là quy luật của nghệ thuật. Bạch Cư Dị, nhà thơ và nhà lí luận về thơ Trung Quốc đời Đường từng khẳng định gốc của thơ là tình cảm. Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam, thế kỉ XVIII, xem tình là một trong 3 điều chính của thơ…
Cái đẹp trong nghệ thuật mang tính tư tưởng. Nghệ thuật phản ánh hiện thực, nhưng cái đẹp của hiện thực không chứa đựng khuynh hướng tư tưởng. Trong khi đó, cái đẹp trong nghệ thuật luôn luôn có khuynh hướng tư tưởng. Cũng có thể nói, cái đẹp trong nghệ thuật chính là cái đẹp của tư tưởng. Khi phản ánh cái đẹp của cuộc sống vào tác phẩm thì không đơn giản là người nghệ sĩ sao chép lại, chụp ảnh lại. Mà trước hết, nghệ sĩ xuất phát từ một lập trường tư tưởng nhất định để lựa chọn, miêu tả, đánh giá. Thứ đến, người nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp sao cho phù hợp với quan niệm thị hiếu, lí tưởng thẩm mỹ của mình. Những tư tưởng lập trường là xuất phát điểm để phản ánh; những thị hiếu, lí tưởng như là đích hướng tới để sáng tạo, nếu tiên tiến, thể hiện lợi ích của nhân dân lao động sẽ làm cho tư tưởng của nghệ thuật đẹp.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức