Gốm men màu tam sắc
Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX cùng với sự phát triển mạnh mẽ của gốm hoa lam và sự vắng bóng của gốm hoa nâu, gốm men ngọc, gốm Việt Nam lại có thêm dạng thức mới, tạo phong cách riêng mà người ta thường gọi là gốm men màu tam sắc.
Gốm men màu tam sắc là loại sản phẩm gốm sành xốp hoặc sành trắng được sản xuất chủ yếu tại làng gốm Bát Tràng, Hà Nội, vào thế kỷ XVI và XVII, gốm men màu tam sắc là tên gọi sản phẩm gốm được trang trí chủ yếu bằng hoa văn chạm đắp nổi và trang trí với ba màu men xanh lá cây, nâu đỏ và trắng ngà, các màu men này được sử dụng theo phương thức: men trắng ngà được tráng lên toàn bộ tác phẩm, còn men xanh lá cây được làm từ ô xít đồng và men nâu đỏ được làm từ ô xít sắt thì được tô điểm vào các phần họa tiết trang trí đắp nổi, đắp lộng. Trong quá trình nung men chảy nhòe tạo nên độ đậm nhạt và lung linh cho sản phẩm. Gốm tam sắc là loại gốm men lửa cao và chỉ nung qua lửa một lần, đây cũng là một loại gốm đặc trưng của nghệ thuật gốm châu Á.
Bạn đang xem: Gốm men màu tam sắc
Chúng ta đều biết rằng từ đời nhà Đường (618 đến 907) của Trung Quốc, gốm tam sắc đã được dùng để tạo nên các tác phẩm gốm như tượng ngựa, lạc đà, tượng phụ nữ, chậu cảnh, bình có quai, bát, đĩa, vịm ba chân… bằng màu men xanh lá cây, nâu và trắng ngà, tuy nhiên lối sử dụng các men này trên sản phẩm tạo thành nhiều mảng màu lớn đặt cạnh nhau và chồng lên nhau và nung qua lửa một lần, hoa văn ít dùng lối chạm đắp nổi.
Nếu gốm tam sắc Trung Quốc được ứng dụng vào các sản phẩm như tượng, bát, đĩa, vịm, thì gốm tam sắc Việt Nam lại chỉ thấy trên các đồ phục vụ đồ thờ cúng như lư hương, chân đèn, chân đế, nậm rượu, tượng nghê… với phong cách tạo dáng và trang trí truyền thống chạm đắp nổi cùng thời và phong cách riêng biệt.
Về tạo dáng: các lư hương, chân đèn, chân đế, nậm rượu, gốm men màu tam sắc không nằm trong phong cách của gốm hoa lam cùng thời, ngoài thể chính mập mạp có khối tròn, vuông, chữ nhật với nhiều khối tạo dáng chân đế, thân, miệng thì thể phụ được gắn thêm vào khá dày đặc, các thể phụ này là nhiều loại hoa văn được in khuôn rồi gắn sát vào thân, tạo thành những khoảng trống với thân sản phẩm hoặc gắn tạo thành những lỗ thủng như chạm lộng, chạm bong, đường diềm trên đồ gỗ. Tuy nhiên, cái tài giỏi của người làm gốm men màu tam sắc là các thể phụ rối rắm vẫn không làm át đi các thể chính mà chúng hòa nhập vào nhau trong một tổng thể tạo hình hết sức chắc chắn, cân đối và đẹp mắt. Lối tạo dáng này cho thấy kỹ thuật in khuôn và chắp nối bằng tay thành thạo và được coi trọng, tạo nên những sản phẩm đơn chiếc công phu có tính độc bản.
Xem thêm : Lý thuyết răn đe tổng hợp
Về trang trí: gốm men màu tam sắc nổi bật kỹ thuật và nghệ thuật trang trí chạm nổi, dán, gắn họa tiết với kỹ thuật và nghệ thuật tô màu men, đặc biệt là sự phối hợp ba màu men giản dị: men nâu, men lá cây, và men trắng ngà sao cho đúng chỗ để chúng phụ trợ nhau tạo được một tổng thể lộng lẫy, hấp dẫn như một tác phẩm nghệ thuật cao, vừa thỏa mãn nhu cầu sử dụng làm chân đặt nến, làm chỗ cắm hương, vừa tạo ra sự thỏa mãn về mỹ cảm và tôn cao vẻ đẹp linh thiêng trong nội thất tâm linh.
Các hoa văn trang trí trên các sản phẩm gốm tam sắc được chạm nổi hay đắp nổi chủ yếu là hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, các hoa văn hình học như nan bánh xe…, tất cả đều được cách điệu hóa cao độ để trở thành những mô típ riêng biệt trong dạng thức hình tròn, lá đề, dải đồ án to nhỏ khác nhau để khi bố trí lên sản phẩm chính chúng hỗ trợ nhau có chính, có phụ.
Trên các lư hương tròn là loại gốm tam sắc có số lượng lớn, ngoài các họa tiết chạm nổi được dán lên thân, người ta còn dùng các họa tiết in nét chìm và vẽ nét chìm. Đặc biệt là các chi tiết hoa văn in mỏng phỏng theo hình dải phướn được làm bằng vải treo trong các đình chùa Việt Nam, nhưng khác biệt là các dải này được gắn để phần đầu nhọn cánh sen hướng về phía trên và chỉ được gắn một đầu ở chân còn đầu kia ở miệng, nói một cách khác là nó được gắn vắt qua phần cổ của sản phẩm. Dải hoa văn mỏng này còn được uốn cong như cánh sen tạo khoảng không gian hư ảo. Do làm thủ công từng sản phẩm nên các dải này to nhỏ, cao thấp, hàm chứa hoa văn cũng hết sức linh hoạt, làm cho các lư hương có cùng phong cách nhưng không hề giống nhau.
Đối với các lư hương có thân chính là khối chữ nhật theo lối in khuôn thì hoa văn “bong” ít hơn so với các lư hương có hình khối tròn, nó gần với phong cách tạo dáng các chân đế cho dù họa tiết trang trí ở các chân đế giản dị hơn. Như vậy, chỉ với tạo dáng khối chính tròn hay chữ nhật, người làm gốm tam sắc đã trình ra hai loại sản phẩm khác nhau cho người thưởng thức.
Các chân đèn, chân nến cũng rất độc đáo, phần lớn thân chính hình khối tròn hoặc vuông có chân đế hình tròn hoặc vuông lớn hơn thân để tạo độ vững chắc. Các chân đế này được trang trí đơn giản, chủ yếu là những hoa văn chìm, hoặc nổi nhưng mỏng. Phần thân chính được trang trí chi tiết hơn, dày đặc hoa văn trang trí hơn nhưng vẫn ở dạng hoa văn chạm nổi; khoảng từ giữa thân trở lên, người ta trang trí gắn hoa văn, in khối tròn rất chi tiết gắn theo lối đối xứng qua trục tạo nên một “tổ hợp” điêu khắc tỉ mỉ, chi tiết đối lập với phần thân cốt của sản phẩm, sự đối lập này được sáng tạo khéo léo và ăn nhập đến nỗi ta không còn thấy sự tách biệt ở đâu nữa. Nó là nghệ thuật bố cục thưa với dày, chi tiết với buông thả mà trong nghệ thuật chạm khắc gỗ đương thời xử lý rất bài bản.
Chân đế gốm men màu tam sắc là một dạng gốm khá độc đáo trong các sản phẩm gốm Việt Nam, nó là một dạng thức sản phẩm thay thế cho chân đế gỗ là đồ dùng bày ở các bàn thờ, điều này thể hiện rõ ở hoa văn có hình chân quỳ của đồ gỗ ở phía dưới chân đế. Nó không phải là sản phẩm thay thế cho mâm bồng, vì mâm bồng có chức năng chứa đựng sản phẩm mà nó là chân đế để người ta đặt lên đó những sản phẩm khác nhau khi thờ cúng. Vì vậy, người sáng tạo chỉ trang trí chạm đắp nổi là chính để tránh bị sứt vỡ, điều đó thể hiện sự quan tâm đến thực dụng và mối quan hệ của các sản phẩm bên nhau trong việc phục vụ mục đích chung. Ngoài ra, chúng ta còn thấy sản phẩm khác là nậm rượu gốm tam sắc được tạo dáng bằng khối lục lăng trang trí hoa văn nổi mang tính điểm xuyết và tượng nghê với tạo dáng thanh thoát cùng hoa văn trang trí khá tỉ mỉ.
Xem thêm : Phân tích SWOT bản thân
Như vậy, với các sản phẩm lư hương, chân đèn, chân đế, nậm rượu, tượng nghê, ta thấy một bộ đồ gốm cho việc thờ cúng trong các đình chùa hay nhà thờ của người Việt Nam đã hiện lên rõ rệt và do đó chúng ta được lý giải tại sao các sản phẩm này sử dụng liều lượng hoa văn chạm đắp nổi khác nhau, bởi từng sản phẩm đó phải biết làm đẹp cho tổng thể.
Cho dù các sản phẩm khác nhau về hoa văn và bố cục trang trí, ta vẫn thấy phần lớn các sản phẩm gốm men màu tam sắc có chung một họa tiết in chìm hình hoa cúc mà cánh tỏa ra như những nan hoa bánh xe được in nối với nhau hoặc xen kẽ to và nhỏ và hoa văn hoa sen trong hình lá đề. Loại thứ hai không thấy hình bóng của hoa văn này mà có hoa văn hoa cúc cách điệu theo lối mây lửa, nhiều hình chim và hình lá đề nhỏ trang trí như đầu ngói mũi hài. Phải chăng những sản phẩm ấy do một lò, hai lò khác nhau sản xuất (?)
Có thể nói gốm men màu tam sắc là một loại đồ gốm độc đáo đã kết hợp và khai thác tối da nghệ thuật điêu khắc với men màu đạt đến trình độ cao của nghệ thuật gốm Việt Nam, là người anh em sinh đôi của gốm chạm đắp nổi đơn sắc và là nguồn cảm hứng từ gốm men màu.
Còn hai loại gốm tam sắc khác, đó là gốm màu tam sắc trên men (vẽ nung lại lần thứ hai) mà các sản phẩm bát, đĩa, ấm, tượng voi, vẹt… tìm thấy trên con tàu đắm và lưu giữ trong nhân dân được sản xuất tại Chu
Đậu (Hải Dương) vào thế kỷ XVI – XVII và gốm tô men màu tam sắc trong các sản phẩm lọ hoa, chóe, đỉnh, được sản xuất tại Bát Tràng ở thế kỷ XIX chúng tôi xin được giới thiệu ở một chuyên đề khác.
(Nguồn tài liệu: Trần Khánh Chương, Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ, NXB Mỹ thuật, 2004)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức