Lịch sử Ấn Độ cổ đại
Tổng quan về Lịch sử Ấn Độ cổ đại.
Nội Dung
I. Địa lý và cư dân.
Ấn Độ là một bán đảo ở Nam Á, từ Đông Bắc đến Tây Bắc có núi chắn ngang, trong đó có dãy Himalaya nổi tiếng. Ấn Độ chia làm hai miền Nam Bắc lấy dãy núi Vin-đi-a làm ranh giới. Miền bắc Ấn Độ có hai con sông lớn là sông An (Indus) và sông Hằng (Gange). Sông An chia làm 5 nhánh, nên vùng đồng bằng ở 5 nhánh sông ấy được gọi là vùng Pungiáp (nghĩa là vùng Năm sông). Tên nước Ấn Độ là gọi theo tên dòng sông này. Sông Hằng ở phía đông được coi là một dòng sông thiêng. Từ xưa nhân dân Ấn Độ thường đến khúc sông ở thành phố Varanadi (Bênarét) để cử hành lễ tắm mang tính chất tôn giáo. Cả hai dòng sông này bồi đắp thành hai đồng bằng màu mỡ ở miền bắc Ấn Độ, vì vậy nơi đây đã trở thành cái nôi của nền văn minh của đất nước này.
Bạn đang xem: Lịch sử Ấn Độ cổ đại
Cư dân Ấn Độ gồm hai thành phần chính: người Đraviđa chủ yếu cư trú ở miền Nam và người Arya chủ yếu cư trú ở miền bắc.
II. Văn hóa Haráppa.
Tài liệu lịch sử giúp chúng ta hiểu biết về thời kỳ này không phải là tài liệu thành văn mà là tài liệu khảo cổ học. Vì vậy trước năm 1921, giai đoạn lịch sử này chưa được biết đến.
Năm 1921 và 1922, các nhà khảo cổ học Ấn Độ đã tìm thấy ở Haráppa và Môhengiô Đarô thuộc lưu vực sông An hai thành phố cùng rất nhiều hiện vật bị chôn vùi dưới đất. Những hiện vật ấy là di tích của một thời kỳ lịch sử được gọi là văn hóa Haráppa hoặc nền văn minh lưu vực sông An.
1. Các hiện vật đã tìm thấy.
Haráppa và Môhengiô là hai thành phố rất lớn xây bằng gạch. Xung quanh thành phố có thành và hào bao bọc. Trong thành phố có các đường phố ngang dọc thẳng tắp. Mỗi thành phố có hàng trăm nhà và cửa hiệu lớn nhỏ, trong đó phần nhiều là nhà hai tầng. Trong nhà thường có đầy đủ tiện nghi như bếp, phòng tắm, ống dẫn nước…
Ở các di chỉ này, còn tìm thấy nhiều công cụ sản xuất, vũ khí, đồ dùng trong đời sống hàng ngày, đồ trang sức, đồ tế lễ và hơn 3000 con dấu có khắc chữ đồ họa. Các dụng cụ đó, có thứ bằng đồng hoặc đồng thau, có thứ bằng đá.
2. Tình hình xã hội.
Những hiện vật phát hiện được cho biết rằng trong xã hội thời kỳ đó đã có sự phân hóa giàu nghèo rất rõ rệt. Việc phát hiện ra chữ viết, hơn nữa trên một số con dấu có ghi những chữ như “người cầm quyền” (Sasa), “người cai trị” (Pata), “vua của những ông vua” (Reja – reja) v.v… đã nói lên rằng xã hội thời văn hóa Haráppa là xã hội có nhà nước.
Nền văn minh lưu vực sông An tồn tại từ khoảng đầu thiên kỷ III đến nửa đầu thiên kỷ II TCN thì bị hủy diệt. Nguyên nhân của sự hủy diệt đó là nạn lụt do nước sông An dâng lên. Cư dân ở đây phải di cư sang phía đông bỏ lại các thành phố của họ bị vùi dần xuống lòng đất.
II. Thời kỳ Vê Đa.
Từ giữa thiên kỷ II đến giữa thiên kỷ I TCN, Lịch sử Ấn Độ được phản ánh trong các tác phẩm văn học gọi là Vêđa, vì vậy thời kỳ này được gọi là thời Vê đa.
Vêđa vốn nghĩa là “hiểu biết”. Vêđa có 4 tập là Rích Vêđa, Xama Vêđa, Atácva Vêđa và Yagiua Vêđa, trong đó Rích Vêđa là xưa nhất và quan trọng nhất. Rích Vêđa gồm 1028 bài ca được sáng tác vào khoảng giữa thiên kỷ II đến cuối thiên kỷ II TCN, còn ba tập Vêđa khác thì được sáng tác vào khoảng đầu thiên kỷ I đến giữa thiên kỷ I TCN, vì vậy thời kỳ Vêđa có thể chia làm hai thời kỳ nhỏ là:
- Thời kỳ Rích Vêđa (khoảng năm 1500 – 1000 TCN).
- Thời kỳ Hậu Vêđa (khoảng năm 1000 – 600 TCN).
Chủ nhân của thời kỳ Vêđa là người Arya (nghĩa là “người cao qúy” ) mới từ trung Á di cư vào Ấn Độ. Địa bàn sinh sống của họ trong thời kỳ này chủ yếu là vùng lưu vự sông Hằng.
1. Tình hình kinh tế.
Trong thời Rích Vêđa, người Arya đang sống trong giai đoạn cuối của xã hội nguyên thủy. Ngành kinh tế quan trọnh nhất là chăn nuôi. Gia súc rất được coi trọng nhất là bò. Bởi vậy, trong ngôn ngữ lúc bấy giờ “tù trưởng bộ lạc” có nghĩa là kẻ chiếm hữu bò cái”, “chiến sĩ” có nghĩa là “người chiến đấu vì bò cái”.
Dần dần, do học tập được những kinh nghiệm sản xuất của dân bản địa, người Arya đã chuyển sang đời sống định cư lấy nông nghiệp làm nghề chính.
2. Sự ra đời của nhà nước.
Do kinh tế phát triển, sự phân hóa giai cấp cũng diễn ra rõ rệt, đến khoảng cuối thiên kỷ II TCN, thủ lĩnh quân sự dần dần biến thành người có nhiều quyền uy và chức vụ ấy trở thành cha truyền con nối. Họ đã biến thành những ông vua. Nhà nước đã ra đời.
3. Chế độ Vácna (đẳng cấp)
Trong thời kỳ lịch sử này ở Ấn Độ đã xuất hiện một chế độ đẳng cấp có ảnh hưởng rất quan trọng và lâu dài trong xã hội nước này, đó là chế độ Vácna.
Chữ Vácna trong tiếng Xăng xkrít (một loại cổ ngữ của Ấn Độ) có nghĩa là “màu sắc” (chỉ màu da) nhưng thực ra chế độ Vácna là chế độ chia cư dân thành 4 đẳng cấp có quyền lợi, nghĩa vụ và địa vị xã hội khác nhau. Bốn đẳng cấp đó là Braman (Bàlamôn), Ksatơria, Vaisya, Suđra.
Đẳng cấp Bàlamôn gồm những người làm nghề tôn giáo.
Đẳng cấp Ksatơrya gồm các chiến sĩ.
Đẳng cấp Vaisya gồm những người chăn nuôi, làm ruộng, buôn bán…
Đẳng cấp Suđra gồm thợ thủ công, đầy tớ. Họ vốn là con cháu của những bộ lạc bị bại trận.
Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của chế độ Vácna.
- Theo truyền thuyết: các đẳng cấp Braman, Ksatơrya, Vaisya và Suđra được thần Brama tạo ra theo thứ tự từ miệng, tay, đùi và bàn chân của thần.
- Sự thực, sự xuất hiện Vácna là do sự phân hóa giai cấp, sự phân công về nghề nghiệp và sự phân biệt về bộ tộc.
Sự khác nhau giữa các đẳng cấp:
Giữa bốn đẳng cấp ấy có sự khác nhau về địa vị xã hội mà chủ yếu là về tôn giáo, hôn nhân và quyền lợi trước pháp luật.
Về tôn giáo, chỉ có ba đẳng cấp trên mới được cúng thần và đọc kinh Vêđa, trong đó chỉ có Bàlamôn mới được giảng kinh Vêđa và phụ trách việc cúng lễ. Do vậy, ba đẳng cấp trên được coi là sinh hai lần, còn Suđra không được tham dự các nghi lễ tôn giáo nên chỉ được coi là sinh một lần.
Về hôn nhân, chế độ Vácna quy định chỉ nên kết hôn với người cùng đẳng cấp. Tuy nhiên, nếu cần thiết thì đàn ông ở các đẳng cấp trên có thể lấy vợ ở các đẳng cấp dưới, nhưng phụ nữ các đẳng cấp dưới không được kết hôn với đàn ông các đẳng cấp dưới.
Về quyền lợi trước pháp luật , Nếu cùng phạm tội như nhau thì các đẳng cấp trên được xét xử nhẹ hơn các đẳng cấp dưới; nếu là nạn nhân thì đẳng cấp càng cao thì được bồi thường càng nhiều.
Trong bốn đẳng cấp ấy, đẳng cấp Bàlamôn được quan niệm là ưu tú nhất, thân thể họ được coi là bất khả xâm phạm.
Ngược lại, Suđra là đẳng cấp thấp kém nhất. Suđra không những không được dự việc tế lễ mà thậm chí họ cũng không được bê thi thể của Bàlamôn đặt lên giàn lửa khi làm lể hỏa táng.
Xem thêm : Văn học dân gian Việt Nam
Dưới bốn đẳng cấp đó còn có những nhười tiện dân gọi là Paria. Họ bị coi là hạng người đê tiện, ô uế, đáng ghê tởm. Vì vậy họ phải sống cách biệt với xã hội.
Thân phận của những người trong các đẳng cấp ấy cứ cha truyền con nối và chế độ Vacna tồn tại lâu dài trong lịch sử Ấn Độ.
4. Đạo Bàlamôn.
Dầu thời Vê đa, cư dân Ấn Độ thờ rất nhiều thần: đá, cây, cư dân, các động vật, người chết, sông, núi… Đến những thế kỷ đầu thiên kỷ I TCN, các quan niệm tôn giáo ấy được gọi chung là đạo Bàlamôn, đồng thời một hệ thống giáo lý tương đối hoàn chỉnh cũng được hình thành.
Đối tượng thờ cúng cao nhất của đạo Bàlamôn là thần Brama. Đó là linh hồn vũ trụ, là đấng Hoàn hảo sáng tạo ra thế giới và muôn loài, là vị thần cao nhất, là chúa tể của các thần.
Tuy nhiên thần Brama có phần trừu tượng đối với nhân dân, nên có nơi người ta thờ thần Visnu, thần nhân ái làm cho ruộng đồng tươi tốt như là vị thần cao nhất; Có nơi lại thờ thần Siva, thần ác, thần phá hoại mọi lực lượng tự nhiên là vị thần cao nhất. Ngoài ra đạo Bàlamôn còn thờ nhiều loại thần động vật như voi, khỉ, và nhất là bò.
Ve sau, để thống nhất đối tượng thờ cúng của đạo Bàlamôn, người ta quan niệm thần Brama, thần Visnu và thần Siva là một bộ ba thể hiện một qúa trình: sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt.
Về mặt xã hội, đạo Bàlamôn là công cụ đắc lực để bảo vệ sự phân chia đẳng cấp. Cũng chính vì vậy, đến giữa thiên kỷ I TCN, đạo Bàlamôn bị suy thoái và nhường chỗ cho một tôn giáo mới là đạo Phật.
IV. Ấn Độ từ thế kỷ VI TCN đến thế kỷ III
1. Tình hình chính trị.
a/ Các quốc gia ở miền Bắc Ấn Độ và sự xâm lược của Alếchxăng Makêđônia.
Bắt đầu từ thế kỷ VI-TCN, Ấn Độ mới có các tác phẩm lịch sử ghi chép về tình hình chính trị của đất nước mình. Lúc bấy giờ ở miền Bắc Ấn Độ có 16 nước, trong đó mạnh nhất là nước Magađa.
Nước Magađa ở hạ lưu sông Hằng. Đây là nơi đất đai màu mỡ thích hợp với việc phát triển nông nghiệp, đồng thời là nơi có nhiều thuận lợi trong việc buôn bán bằng đường biển, do vậy Magađa đã lớn mạnh nhanh chóng. Trên cơ sở ấy, Magađa không ngừng chinh phục các nước khác, mở rộng phạm vi thống trị của mình đến tận miền Đông Bắc và miền Trung Ấn Độ.
Cũng thời gian ấy, ở miền Tây Bắc Ấn Độ cũng chia thành nhiều nước nhỏ, trong đó chỉ có nước Po là tương đối lớn.
Lúc bấy giờ, ở Tây Á có nước Ba Tư hùng mạnh một thời, nhưng đến năm 328 TCN, Ba Tư bị Makêđônia tiêu diệt.
Nhân đà thắng lợi ấy, năm 327 TCN, quân Makêđônia tấn công vào miền Tây Bắc của Ấn Độ. Quân đội của nước Po đã chiến đấu rất dũng cảm nhung cuối cùng bị thất bại. Alếchxăng định tiến sang phía đông tấn công nước Magađa nhưng quân sĩ không ủng hộ kế hoạch đó vì họ đã qúa mệt mỏi sau một cuộc trường chinh nhiều năm. Alếchxăng phải ra lệnh rút quân chỉ để lại một số quân chiếm đóng hai cứ điểm Buxêphan và Nikêa mà thôi. Những vùng bị Alếchxăng chinh phục ở Ấn Độ vẫn được giữ nguyên chính quyền cũ nhưng phải lệ thuộc vào những kẻ đứng đầu hai cứ đểm đó.
b/ Vương triều Môrya. (321 – 187 TCN)
Ngay sau khi quân Alếchxăng rút lui, ở Ấn Độ đã dấy lên phong trào đấu tranh giải phóng chống lại sự chiếm đóng của quân Makêđônia. Thủ lĩnh của phong trào này là Sanđragúpta, biệt hiệu là Môrya (nghĩa là chim công). Quân chiếm đóng Makêđônia bị đuổi khỏi Ấn Độ, Sanđragúpta làm chủ được cả vùng Pungiáp. Tiếp đó, ông tiến quân về phía đông giành được ngôi vua ở Magađa, lập nên một triều đại mới gọi là Vương triều Môrya, Đó là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử An Độ cổ đại. Theo truyền thuyết đến khoảng năm 300TCN, Sanđragúpta theo đạo Giaina và sau đó nhịn ăn tự tử theo tập quán của tôn giáo này.
Đến thời cháu của Sanđragúpta là Axôca (273 –236 TCN), nước Magađa đạt đến giai đoạn cường thịnh nhất. Axôta là ông vua nổi tiếng nhất trong lịch sử Ấn Độ cổ đại. Axôca không ngừng tấn công các nước khác, do đó cương giới Magađa càng được mở rộng. Các mặt kinh tế, văn hoá của Magađa thời kỳ này cũng phát triển rõ rệt. Ở kinh đô Pataliputơra và một số thành phố khác đã xây dựng nhiều cung điện, đền chùa, nhà cửa, bệnh viện, phòng phát thuốc v.v… Đạo Phật ra đời từ khoảng thế kỷ VI TCN đến thời kỳ này được chấn chỉnh và trở thành quốc giáo.
Như vậy, thời Axôca là thời kỳ ổn định, hùng mạnh của vương triều Môrya, nhưng sau khi ông chết, vương triều này suy sụp nhanh chóng và nước Magađa thống nhất dần dần tan rã.
c/ Ấn Độ từ thế kỷ II TCN đến thế kỷ III
Năm 187 TCN, vương triều Môrya bị một viên tướng của mình lật đổ. Từ đó nước Magađa suy yếu nhanh chóng và đến năm 28 TCN thì diệt vong.
Đến thế kỷ I, người Cusan (cùng một huyết thống với người Tuyếc) từ Trung Á tràn sang chiếm được miền Tây Bắc Ấn Độ lập thành một nước tương đối lớn. Vua nước Cusan lúc bấy giờ là Canísca (78 – 123) cũng là một người rất tôn sùng đạo Phật nên dưới thời thống trị của ông, Phật giáo rất hưng thịnh.
Theo truyền thuyết, đến năm 123, Canisca bị nhân dân khởi nghĩa bóp chết. Từ đó, nước Cusan ngày càng suy yếu, lãnh thổ chỉ còn lại vùng Pungiáp và tồn tại đến thế kỷ V thì diệt vong.
2. Giai cấp nô lệ và công xã nông thôn.
a/ Giai cấp nô lệ.
Vấn đề nô lệ ở Ấn Độ, từ thời cổ đại đã có hai ý kiến:
Mêgaxten, sứ thần của Xêlơcút thường trú ở cung đình vương triều Môrya khẳng định rằng ở Ấn Độ không có nô lệ. Ông nói: “Ở Ấn Độ có một điểm đáng chú ý nhất là tất cả mọi người Ấn Độ đều là người tự do, không có một người Ấn Độ nào là nô lệ”.
Sơ dĩ Magaxten có ý kiến như vậy vì ông là một người Hy Lạp, do đó ông đã dùng tiêu chuẩn của người nô lệ ở Hy Lạp để xem xét tình hình nô lệ ở Ấn Độ.
- Cautalia, tác giả sách “Bàn về việc chính trị” (Arthasastra) cho rằng ở Ấn Độ có đến 15 loại đaxa, mà đaxa có nghĩa là tôi tớ, nô lệ.
- Sự thực, không phải ở Ấn Độ cổ đại không có nô lệ, đồng thời cũng không phải có nhiều loại nô lệ như Cautalia đã nói.
Nguồn gốc nô lệ ở Ấn Độ cũng là tù binh, người phá sản, người phạm tội… Thân phận của nô lệ cũng rất thấp kém, họ bị coi là tài sản của chủ và bị gọi là “tài sản hai chân” để phân biệt với gia súc được gọi là “tài sản bốn chân”. Do vậy nô lệ cũng bị đem bán, cầm, biếu, trao đổi, làm giải thưởng trong các cuộc thi đấu v.v…
Theo tác phẩm “Bàn về việc chính trị”, giá một nô lệ so với ngựa đắt hơn ¼ so với trâu hoặc bò cái đắt hơn một lần rưỡi, so với dê thì bằng 20 lần.
Đối với những người nô lệ mà chủ cho là phạm tội thì chủ có quyền trừng phạt mà hình thức thông thường nhất là đánh đập, xiềng xích, đóng dấu nung đỏ. Nếu chủ giết chết nô lệ cũng không phải là một tội lỗi.
Tuy vậy, phần đông nô lệ ở Ấn Độ cổ đại là người đồng tộc, hơn nữa họ lại xuất thân từ những đẳng cấp khác nhau, nên khi đối xử với nô lệ, chủ không thể không suy nghĩ đến những vấn đề ấy. Do đặc điểm đó, một số nô lệ ở Ấn Độ có gia đình riêng, có tài sản riêng và có quyền truyền tài sản lại cho con cháu.
Tóm lại, quan hệ nô lệ ở Ấn Độ cổ đại không phát triển lắm. Nô lệ giữ vai trò rất phụ trong đời sống kinh tế của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ.
b/ Công xã nông thôn.
Trong số các nước Phương Đông, Ấn Độ là nơi công xã nông thôn tồn vững chắc và lâu dài nhất.
Xem thêm : Triết học Mác – Lênin là gì? Đối tượng, chức năng, vai trò, nội dung
Cơ sở của sự tồn tại vững chắc của công xã nông thôn gồm hai mặt chủ yếu:
- Ruộng đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước.
- Nền kinh tế tự cấp tự túc (cũng gọi là kinh tế tự nhiên), trong đó chủ yếu là sự kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp.
Trên cơ sở toàn bộ ruộng đất thuộc về nhà nước, ở các địa phương ruộng đất được giao cho các làng quản lý. Như vậy, các làng có quyền chiếm hữu tập thể ruộng đất của làng. Ngoài phần đất đai như bãi cỏ, rừng, ao hồ v.v… mọi người trong làng được sử dụng chung, đất canh tác được định kỳ (thường là ba năm) chia cho các hộ nông dân cày cấy.
Một đặc điểm khác rất nổi bật làm cho công xã nông thôn tồn tại vững chắc là sự tự cấp tự túc về kinh tế. Sự tự cấp tự túc ấy biểu hiện ở hai mặt:
+ Trong từng gia đình, có sự kết hợp chặt chẽ giữa nghề nông và nghề dệt vải. Do vậy hai nhu cầu cơ bản của người nông dân là ăn và mặc đều tự túc được.
+ Trong công xã có một số thợ thủ công như thợ rèn, thợ mộc, thợ gốm v.v…chuyên sản xuất các sản phẩm thuộc nghề của mình để thõa mản các nhu cầu của mọi thành viên trong công xã.
Do vậy, công xã hầu như hoàn toàn đóng kín, sự trao đổi hàng hoá giữa công xã này với công xã khác và giữa nông thôn với thành thị không đáng kể, có chăng chỉ là một số thứ mà công xã không thể sản xuất được như muối, sắt v.v… mà thôi.
Về mặt hành chính, đứng đầu mỗi công xã là một thôn trưởng. Dưới thôn trưởng là một số người chức trách giữ những công việc khác nhau như quản lý việc sản xuất nông nghiệp, trông nom các công trình thủy lợi, phụ trách việc tuần tra canh gác, dạy con trẻ, xem thiên văn v.v…
Nông dân sống trong công xã là những người nông dân tự do. Tuy vậy, cày cấy ruộng đất công, nông dân công xã phải nộp thuế cho nhà nước. Mức thuế dao động từ 1/12 đến 1/6 thu hoạch. Ngoài ra nông dân công xã còn phải làm các tạp dịnh như đắp đê, làm đường, đào kênh v.v…
Sự tồn tại lâu dài và vững chắc của công xã nông thôn đã bảo đảm cho nông dân Ấn Độ ai cũng có ruộng đất để canh tác, do đó đã hạn chế sự phá sản của nông dân, hạn chế sự phát triển của quan hệ nô lệ.
Sự tồn tại của công xã nông thôn còn làm cho nông dân sống gắn bó với nhau, tối lửa tắt đèn có nhau, tình làng nghĩa xóm đậm đà.
Nhưng mặt khác, công xã nông thôn cũng có nhiều hạn chế;
- Nền kinh tế tự cấp tự túc của công xã nông thôn đã làm cho kinh tế hàng hóa chậm phát triển, hệ thống đường giao thông hầu như không cần thiết. Nhu vậy sự tồn tại của công xã nông thôn đã kìm hãm sự phát triển nhanh chóng của xã hội.
- Cuộc sống biệt lập của các công xã làm cho nông dân không biết gì hơn ngoài xóm làng nhỏ bé của mình, do đó họ thờ ơ với tình hình chính trị của đất nước.
- Do sự hiểu biết hạn chế ở trong các công xã, những tập tục cổ hủ, những thói mê tín dị đoan càng có điều kiện duy trì và nảy nở.
Bàn về những hạn chế của công xã nông thôn ở Ấn Độ, Mác Viết:
“… Chúng ta cũng không được quên rằng những công xã nông thôn thơ mộng ấy, dù cho chúng có vẻ vô hại như thế nào đi chăng nữa, bao giờ cũng vẫn là cơ sở bền vững của chế độ chuyên chế phương Đông, rằng những công xã ấy đã hạn chế lý trí của con người trong những khuôn khổ chật hẹp nhất làm cho nó trở thành một công cụ ngoan ngoãn của mê tín, trói buộc nó bằng những xiềng xích nô lệ của cái quy tắc cổ truyền, tước đoạt nó mọi sự vĩ đại, mọi tính chủ động lịch sử.
Chúng ta không được quên lòng ích kỷ của những con người man rợ, họ đã tập trung mọi lợi ích của mình trên một mảnh đất nhỏ bé đáng thương, bình thản nhìn những đế quốc lớn sụp đổ, nhìn những hành động tàn bạo không thể tưởng tượng được xảy ra, nhìn dân cư của những thành phố lớn bị tàn sát, – họ đã bình thản nhìn tất cả những cái đó mà chẳng hề suy nghĩ gì hơn là nhìn những hiện tượng tự nhiên, và bản thân họ đã trở thành miếng mồi yếu đuối của bất kỳ một kẻ đi xâm chiếm nào khi kẻ ấy đoái nhìn đến họ . . . . .
Chúng ta không được quên rằng những công xã nhỏ bé ấy mang dấu ấn của những sự phân biệt đẳng cấp và của chế độ nô lệ, rằng những công xã ấy làm cho con người phải phục tùng những hoàn cảnh bên ngoài, chứ không nâng con người lên địa vị làm chủ những hoàn cảnh ấy, rằng những công xã ấy đã biến trạng thái tự động phát triển của xã hội thành một số phận bất di bất dịch do thiên nhiên quyết định trước, và do đó, đã tạo ra sự sùng bái thiên nhiên một cách thô lỗ, mà sự thoái hóa thể hiện đặc biệt ở chỗ con người, kẻ làm chủ thiên nhiên, lại phải thành kính quỳ gối trước con khỉ Hanuman và trước con bò Sápbala”.
Chế độ công xã nông thôn này tồn tại suốt thời cổ trung đại ở Ấn Độ, về sau đến thời thống trị của Anh mới bị nền kinh tế hàng hóa phá vỡ.
3. Sự ra đời và phát triển của đạo Phật.
a/ Truyền thuyết về Phật Thích
Người sáng lập đạo Phật là Xitđácta Gôtama (siddharta Gautama), thái tử của nước Capilavastu ở chân núi dãy Hymalaya, miền đất bao gồm một phần miền Nam nước Nêpan và một phần ở Đông Bắc Ấn Độ. Năm 29 tuổi, vị thái tử này bắt đầu rời khỏi cung điện của vua cha để tìm con đường cứu khổ cho chúng sinh. Đến năm 35 tuổi, ông đắc đạo, từ đó được gọi là Bútđa (Buddha) nghĩa là người đã giác ngộ, và được tín đồ gọi là Xakyamuni (sakyamuni) nghĩa là “Thánh nhân của họ Xakya”, ta quen gọi là Phật Thích Ca Mâu Ni.
Về niên đại của Phật, có người nói Phật sinh năm 563 TCN và mất năm 483 TCN, có người lại cho rằng Phật sinh năm 624 TCN và mất năm 544 TCN. Ngày nay, tín đồ đạo Phật lấy năm 544 TCN làm năm mở đầu kỳ nguyên Phật giáo.
b/ Học thuyết của Phật giáo.
Mục đích của Phật giáo là lý giải và nêu ra cái chân lý về nỗi khổ đau và cách cứu vớt thoát khỏi nỗi đau khổ.
Vì vậy nội dung chủ yếu của đạo Phật được thể hiện trong thuyết tứ đế (còn gọi là tứ thánh đế) có nghĩa là “bốn chân lý”.
Tứ đế gồm: khổ đế, tập đế, diệt đế, và đạo đế.
- Khổ đế nói về các nỗi khổ của con người.
- Tập đế nói về nguyên nhân của các nỗi khổ ấy.
- Diệt đế nói về sự dập tắt các nỗi khổ.
- Đạo đế chỉ ra con đường để thực hiện việc diệt khổ.
Đạo Phật ban đầu chỉ nhấn mạnh sự tu hành của mỗi người chứ không thừa nhận có một đấng tối cao và các vị thần bảo hộ, do đó không cần nghi thức cúng bái.
Về mặt xã hội, đạo Phật phủ nhận chế độ Vácna, vì đạo Phật cho rằng nguồn gốc xuất thân của mỗi người không phải là điều kiện để được cứu vớt.
c/ Sự phát triển của đạo Phật ở Ấn Độ.
Do đạo Phật ban đầu là một tôn giáo từ bi, đơn giản và không công nhận chế độ đẳng cấp nên được quần chúng hoan nghênh và được giai cấp thống trị ủng hộ.
Đến thế kỷ III TCN, với sự giúp đỡ của vua Axôca, đại hội Phật giáo lần thứ ba được triệu tập. Tại đại hội này, đạo Phật được chấn chỉnh về tổ chức, giáo lý. Đồng thời Axôca còn cho xây dựng nhiều chùa tháp. Cũng bắt đầu từ đây, đạo Phật được truyền ra bên ngoài mà trước hết là sang Srilanca.
Đến khoảng năm 100, tại đại hội Phật giáo lần thứ IV họp ở Casmia thuộc nước Cusan, đạo Phật chính thức chia thành hai phái là Tiểu thừa và Đại thừa.
Tiểu thừa là phái phật giáo nguyên thủy, cho rằng:
- Chỉ những người xuất gia đi tu mới được cứu vớt.
- Chỉ thờ Phật Thích Ca.
- Niết bàn là cảnh giới yên tĩnh gắn liền với giác ngộ sáng suốt.
Phái Đại thừa cho rằng:
- Ngoài những người tu hành, những người trần tục quy y theo Phật giáo cũng được cứu vớt.
- Phật Thích Ca là vị Phật cao nhất của đạo Phật, nhưng ngoài Phật Thích Ca còn có các vị Phật khác và các vị Bồ Tát.
- Niết bàn là thế giới của các vị Phật.
- Địa ngục là nơi đày đoạ linh hồn những kẻ có tội.
- Canisca cũng cho xây chùa, tạc tượng và khuyến khích các nhà sư ra nước ngoài truyền đạo.
(Nguồn tài liệu: Nguyễn Gia Phu, Giáo trình Lịch sử thế giới cổ đại)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức