Nguyên tắc toàn diện (Quan điểm toàn diện)

0

Phân tích cơ sở lý luận của nguyên tắc toàn diện (quan điểm toàn diện) của triết học Mác Lênin. Vì sao trong hoạt động nhận thức và trong thực tiễn chúng ta phải tôn trọng nguyên tắc toàn diện? Vận dụng nguyên tắc này vào công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.

1. Phân tích cơ sở lý luận của nguyên tắc toàn diện

a. Định nghĩa

Nguyên tắc toàn diện trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn là một trong những nguyên tắc phương pháp luận cơ bản, quan trọng của phép biện chứng duy vật.

Nguyên tắc toàn diện đòi hỏi, muốn nhận thức được bản chất của sự vật, hiện tượng chúng ta phải xem xét sự tồn tại của nó trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, yếu tố, thuộc tính khác nhau trong tính chỉnh thể của sự vật, hiện tượng ấy và trong mối liên hệ qua lại giữa sự vật, hiện tượng đó với sự vật hiện tượng khác; tránh cách xem xét phiến diện, một chiều.

Nguyên tắc toàn diện đòi hỏi phải xem xét: đánh giá từng mặt, từng mối liên hệ, và phải nắm được đâu là mối liên hệ chủ yếu, bản chất quy định sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng; tránh chủ nghĩa chiết trung, kết hợp vô nguyên tắc các mối liên hệ; tránh sai lầm của thuật nguy biện, coi cái cơ bản thành cái không cơ bản, không bản chất thành bản chất hoặc ngược lại, dẫn đến sự nhận thức sai lệch, xuyên tạc bản chất sự vật, hiện tượng.

Nguyên tắc toàn diện là một phần của nguyên lý mối quan hệ phổ biến nên cũng có những tính chất của nguyên lý này là khách quan và phổ biến.

b. Cơ sở lý luận của nguyên tắc toàn diện là nguyên lý về mối liên hệ phổ biến

Mọi sự vật, hiện tượng hay quá trình (vạn vật) trong thế giới đều tồn tại trong muôn vàn mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau. Mối liên hệ tồn tại khách quan, phổ biến và đa dạng.

Trong muôn vàn mối liên hệ chi phối sự tồn tại của chúng có những mối liên hệ phổ biến. Mối liên hệ phổ biến tồn tại khách quan, phổ biến; chúng chi phối một cách tổng quát quá trình vận động, phát triển của mọi sự vật, hiện tượng xảy ra trong thế giới.

2. Trong hoạt động nhận thức và thực tiễn phải tôn trọng nguyên tắc toàn diện

Phát hiện nhiều mối liên hệ, quan hệ (hay những đặc điểm, tính chất, yếu tố, mặt,…) đang chi phối sự tồn tại của bản thân sự vật. Sẽ xem xét được sự vật từ nhiều góc độ, từ nhiều phương diện.

Xác định được những mối liên hệ, quan hệ (hay những đặc điểm, tính chất, yếu tố, mặt,…) nào là bên trong, cơ bản, tất nhiên, ổn định…; còn những mối liên hệ, quan hệ (hay những đặc điểm, tính chất, yếu tố, mặt,…) nào là bên ngoài, không cơ bản, ngẫu nhiên, không ổn định…;

Từ những mối liên hệ, quan hệ (hay những đặc điểm, tính chất, yếu tố, mặt…) bên trong, cơ bản, tất nhiên, ổn định…sẽ lý giải được những mối liên hệ, quan hệ (hay những đặc điểm, tính chất, yếu tố, mặt…) còn lại. Qua đó, xây dựng một hình ảnh về sự vật như sự thống nhất các mối quan hệ, liên hệ (hay những đặc điểm, tính chất, yếu tố, mặt…), phát hiện ra quy luật (bản chất) của nó.

Đánh giá đúng vai trò của từng mối liên hệ, quan hệ (hay những đặc điểm, tính chất, yếu tố, mặt,…) chi phối sự vật.

Thông qua hoạt động thực tiễn, sử dụng đồng bộ nhiều công cụ, phương tiện, biện pháp thích hợp (mà trước hết là những công cụ, phương tiện, biện pháp vật chất) để biến đổi những mối liên hệ, quan hệ (hay những đặc điểm, tính chất, yếu tố, mặt…) của bản thân sự vật, đặc biệt là những mối liên hệ, quan hệ (…) bên trong, cơ bản, tất nhiên, quan trọng… của nó.

Nắm vững sự chuyển hóa các mối liên hệ, quan hệ (hay những đặc điểm, tính chất, yếu tố, mặt…) của bản thân sự vật, kịp thời sự dụng các công cụ, phương tiện, biện pháp bổ sung để phát huy hay hạn chế sự tác động của chúng, nhằm lèo lái sự vật vận động, phát triển theo đúng quy luật và hợp lợi ích chúng ta. Quán triệt và vận dụng sáng tạo nguyên tắc toàn diện sẽ giúp chủ thể khắc phục được chủ nghĩa phiến diện, chủ nghĩa chiết trung, chủ nghĩa ngụy biện… trong hoạt động thực tiễn và nhận thức của chính mình.

Nếu không tôn trọng nguyên tắc toàn diện

Mắc phải ba sai lầm là chủ nghĩa phiến diện, chủ nghĩa chiết trung, chủ nghĩa ngụy biện:

  • Chủ nghĩa phiến diện là cách xem xét chỉ thấy một mặt, một mối quan hệ, tính chất nào đó mà không thấy được nhiều mặt, nhiều mối quan hệ, nhiều tính chất của sự vật; chỉ xem xét sự vật ở một góc độ hay từ một phương diện nào đó mà thôi.
  • Chủ nghĩa chiết trung là cách xem xét chỉ chú ý đến nhiều mặt, nhiều mối liên hệ của sự vật nhưng không rút ra được mặt bản chất, không thấy được mối liên hệ cơ bản của sự vật; mà coi chúng như nhau, kết hợp chúng một cách vô nguyên tắc, tùy tiện.
  • Chủ nghĩa ngụy biện là cách xem xét qua đó đánh tráo cái cơ bản với cái không cơ bản, cái chủ yếu với cái thứ yếu,… hay ngược lại nhằm đạt được mục đích hay lợi ích của mình một cách tinh vi.

Ngoài ra nếu không tôn trọng nguyên tắc toàn diện ta sẽ dễ sa vào chủ nghĩa bình quân, quan điểm dàn đều, tức không thấy được trọng tâm, trọng điểm, điều cốt lõi trong cuộc sống vô cũng phức tạp.

3. Vận dụng nguyên tắc toàn diện vào công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay

a. Vận dụng của Đảng

Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Đảng ta quán triệt thực hiện nguyên tắc toàn diện, tuy nhiên chúng ta không thực hiện rập khuôn mà có sự kết hợp chặt chẽ giữa “chính sách dàn đều” và “chính sách trọng điểm”. Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định cần phải đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội; chú trọng tăng trưởng kinh tế đi liền với thực hiện công bằng xã hội, giải quyết những vấn đề của xã hội; đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đi tới bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; vừa chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đảm bảo độc lập, tự chủ, an ninh quốc phòng…trong đó xác định phát triển kinh tế là trọng tâm.

Về mặt kinh tế:

Ngay trong việc phát triển kinh tế, quan điểm toàn diện cũng được Đảng ta áp dụng thể hiện cụ thể ở việc thực hiện phát triển chính sách kinh tế nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là Nhà nước vẫn thừa nhận vai trò tích cực của các thành phần kinh tế khác cũng như thừa nhận sự tồn tại của hình thức sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, trong đó Đảng ta vẫn đặc biệt nhấn mạnh và coi trọng hình thức sở hữu công cộng với vai trò chủ đạo là thành phần kinh tế quốc doanh trong cơ chế thị trường.

Giai đoạn hiện nay, Đảng và nhà nước ta vẫn tuân thủ nguyên tắc trên song song đó là sàng lọc, lựa chọn và giữ nguyên các tập đoàn quốc doanh kinh doanh có hiệu quả đồng thời xóa bỏ các tập đoàn, doanh nghiệp quốc doanh làm ăn kém hiệu quả gây hệ lụy xấu cho toàn bộ nền kinh tế.

Về chính trị:

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: “Xét trên tổng thể, Đảng ta bắt đầu công cuộc đổi mới từ đổi mới về tư duy chính trị trong việc hoạch định đường lối và chính sách đối nội, đối ngoại. Không có sự đổi mới đó thì không có mọi sự đổi mới khác. Song, Đảng ta đã đúng khi tập trung trước hết vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới kinh tế, khắc phục khủng hoảng kinh tế – xã hội, tạo điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để giữ vững ổn định chính trị, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân, tạo thuận lợi để đổi mới các mặt khác nhau của đời sống xã hội”.

Đảng cộng sản Việt Nam xác định phải ngày càng hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và năng lực tổ chức thực tiễn của Đảng, Nhà nước phải được xây dựng thành Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, quản lý xã hội bằng pháp luật. Nước ta đã và đang xây dựng một nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực.

Đổi mới chính trị thể hiện ở đổi mới tổ chức, đổi mới bộ máy, phân cấp lãnh đạo của Đảng, dân chủ hóa trước hết từ trong Đảng. Đổi mới chính trị, tạo điều kiện cho đổi mới kinh tế. Khi đường lối chính trị, thiết chế chính trị được đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thì chính trị trở thành định hướng cho phát triển kinh tế. Đồng thời tạo môi trường phát triển về an ninh trật tự để phát triển kinh tế và chính trị còn đóng vai trò can thiệp điều tiết, khắc phục những mặt trái do đổi mới kinh tế đưa đến.

Tăng cường quốc phòng an ninh: bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ bảo vệ an ninh quốc gia trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa.

Về văn hóa, xã hội

Đảng ta coi nguồn lực con người là quý báu nhất, có vai trò quyết định đối với sự phát triển của đất nước. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Cùng với sự đẩy mạnh phát triển kinh tế, chính trị, Đảng ta chủ trương giải quyết tốt các vấn đề xã hội coi đây là một hướng chiến lược thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta.

Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, gắn kết tăng trưởng kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển y tế, giáo dục.

b. Đề xuất vận dụng cho công cuộc đổi mới đất nước

Tạo lập tính đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế. Vận dụng quan điểm toàn diện đồng bộ các yếu tố của thị lao động, thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường vốn, thì tường bất động sản, thị trường nhà ở, thị trường đất đai,…là yếu tố cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, còn phải hoàn chỉnh đồng bộ và toàn diện hệ thống các công cụ quản lý thị trường xã hội chủ nghĩa.

Văn kiện Đại hội VIII của Đảng chỉ rõ: Nhà nước quản lý thị trường bằng pháp luật, kế hoạch, cơ chế, chính sách các đòn bẩy kinh tế và bằng các nguồn lực của khu vực kinh tế Nhà nước. Hệ thống các công cụ được Đảng và Nhà nước chỉ ra là: Các công cụ pháp luật là đảm bảo môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh cho mọi thành phần kinh tế phát triển; công cụ kế hoạch; các công cụ chính sách (CS tiền tệ, CS tài chính..); các công cụ khác (thông tin, tuyên truyền dự trữ của Nhà nước, sức mạnh của doanh nghiệp Nhà nước,…). Hàng loạt các công cụ này không thể bỏ qua bất cứ công cụ nào, nếu thiếu đi một trong những công cụ trên thì hậu quả không lường sẽ xảy ra.

Phải triệt để thực hiện dân chủ, theo đó phải triển khai và thực hiện đồng bộ: thực sự tôn trọng các quyền tự do báo chí, quyền bình đẳng trước pháp luật; Triệt để tôn trọng nguyên tắc “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất”; Đảm bảo có hệ thống tòa án độc lập là sự phân quyền vô cùng quan trọng; Tạo cơ chế công khai, minh bạch, thực sự dân chủ. Nếu bồn điểm nêu trên được thực hiện, dân chúng sẽ tin tưởng ở Đảng Cộng sản, tin tưởng ở người lãnh đạo và hy vọng về một đất nước tốt đẹp hơn.

Chú trọng xây dựng văn hóa trong đảng, nhất là phong cách văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý; trong đó, trước hết cán bộ, công chức phải là những người làm gương, đi đầu; chống những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa. Đa dạng hóa các hình thức hoạt động để thu hút toàn dân tham gia phong trào” Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chú trọng chất lượng, không chạy theo phong trào, hình thức. Tiếp tục đầu tư các thiết chế văn hóa, phát huy hiệu quả sử dụng phục vụ trong cộng đồng dân cư. Quan tâm xây dựng lối sống lành mạnh, có văn hóa, có lý tưởng trong thanh, thiếu niên.

Xem thêm: 

  • Nguyên tắc phát triển
  • Nguyên tắc lịch sử – cụ thể

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.