Quan điểm “vô vi” của Lão Tử về đạo đức, nhân sinh, chính trị xã hội

0

Quan điểm “vô vi” của Lão Tử xét cho cùng là những vấn đề đạo đức, nhân sinh và chính trị xã hội. Mặc dù Lão Tử đề cao mặt tự nhiên của con người, phủ nhận mặt xã hội, nhưng quan điểm “vô vi” của Lão Tử vẫn biểu hiện sâu sắc nghệ thuật sống, thái độ ứng xử của con người, phương pháp trị nước của vua chúa hay bộ máy nhà nước, và đây cũng chính là chỗ tập trung giá trị hệ thống triết học của ông.

“Vô vi” là một khái niệm triết học đạo đức của người Trung Hoa cổ đại. Đó là phương pháp sống tự nhiên, mộc mạc, thuần phác, không bị cưỡng chế, gò ép. Khái niệm “vô vi” ở Lão Tử cũng xuất phát từ ý nghĩa này, nhưng cốt lõi thực sự của nó là nghệ thuật sống của con người trong sự hoà nhập với tự nhiên. Thuận theo bản tính tự nhiên của con người. “Vô vi” trong “Đạo Đức kinh” có ba ý nghĩa chính: Một là vạn vật đều có bản tính tự nhiên của mình, chúng tồn tại, vận động, biến hoá theo lẽ tự nhiên, không cần biết đến ý nghĩa, mục đích của bản thân chúng, ví dụ như cá, bản tính tự nhiên của nó là lội dưới nước, chim là bay trên trời. Nghĩa là sống với cái vốn có tự nhiên, không can thiệp vào quá trình vận hành của các vật khác, biết chấp nhận và thích ứng với mọi hoàn cảnh, môi trường. Từ đó Lão Tử phản đối trường phái hữu vi, cho rằng hành vi của họ chỉ làm xáo trộn trật tự, điều hoà tự nhiên của tạo hoá.

Câu chuyện đầy ẩn dụ thời Tống về ba người nếm dấm cắt nghĩa rất rõ quan điểm vô vi của Lão Tử. Một hôm, Phật Thích ca, Khổng Tử và Lão Tử gặp nhau trước một vại dấm tượng trưng cho cuộc sống. Mỗi người dúng ngón tay vào để nếm, Khổng Tử thấy dấm chua, Phật Thích ca thấy vị đắng, còn Lão Tử thì lại thấy dấm ngọt.

Nói về “Đạo vô vi” Lão Tử viết: “Đạo là cái luật tự nhiên, không cần tranh mà thắng, không cần nói mà ứng nghiệm, không cần mời mà các vật theo về, lờ mờ mà hay mưu tính”.

Hai là “Vô vi” còn có nghĩa tự do “tuyệt đối”, không bị ràng buộc bởi bất cứ ý tưởng, dục vọng, đam mê, ham muốn nào. Nếu trong đời sống người ta cố chạy theo những nhu cầu, ham muốn trái với khả năng, bản tính tự nhiên của mình thì sẽ đánh mất chính bản thân mình. Lão Tử viết: “Ngũ sắc làm cho mắt mờ, ngũ âm làm cho tai điếc, ngũ vị làm cho miệng chán. Cưỡi ngựa săn bắn làm cho phát cuồng, vật khó kiếm khiến cho lòng tà vậy”.

Ba là “Vô vi” còn có nghĩa là luôn bảo vệ, giữ kín bản tính tự nhiên của vạn vật mà trước hết là chống lại mọi hành động của con người xã hội. Lão Tử nói “Thiên hạ nhiều kị huý thì dân càng nghèo, dân nhiều khí giới thì nước càng loạn. Người nhiều tài khéo, vật xảo càng thêm. Pháp lệnh càng tăng, trộm cắp càng nhiều”. Theo đạo vô vi người ta “có ba của báu hòng nắm giữ và bảo vệ: một là tự ái, hai là tiết kiệm và ba là không dám đứng trước thiên hạ”.

Từ quan điểm vô vi, Lão Tử rút ra những điểm căn bản trong nghệ thuật sống của con người, đó là những đức tính: từ ái, cần kiệm, khiêm nhường, khoan dung, trí túc và kiến vi. Họ luôn giữ được đồng nhất với đạo, họ hoà mình vào khoảng không. Họ biết dành cho người khác chỗ mà không làm mất chỗ của mình. Họ biết giảm ánh sáng của mình để có thể làm mất chỗ của mình vào bóng tối của kẻ khác. Họ ngập ngừng như kẻ phải lội qua sông trong mùa đông, lưỡng lự như kẻ e ngại láng giềng run rẩy như tuyết sắp tan, giản dị như miếng gỗ chưa đẽo gọt, trống trải như thung lũng và bất dạng như nước đục.

Cũng từ học thuyết vô vi, Lão Tử đề cập tới những vấn đề chính trị, xã hội. Trong đời sống xã hội và phép trị nước, trước hết Lão Tử chủ trương phải bỏ hết những gì trái với đạo tự nhiên vô vi, vượt quá bản tính, khả năng, nhu cầu tự nhiên cần thiết của con người. Ông nói: “Thánh nhân bỏ nhiều, bỏ thừa, bỏ quá”. Và, “theo đạo thì càng bớt, bớt rồi lại bớt đến vô vi”. Khi đã đạt tới mức “vô vi thì không gì không tri. Thường dùng vô vi mà được thiên hạ ; hữu sự không đủ lấy thiên hạ”.

Trị nước bằng vô vi, Lão Tử kêu gọi đưa xã hội và cuộc sống con người trở về với trạng thái tự nhiên, nguyên thuỷ, chất phác, không ham muốn, dục vọng, không thể chế, pháp luật, không ràng buộc bởi truyền thống đạo đức, không tri thức văn hoá, kĩ thuật, thánh nhân “không làm gì mà không làm”. Theo bản tính tự nhiên, mọi người tự làm những việc mà mỗi con người cần phải làm một cách tự nhiên.

“Không chuộng hiền khiến dân không tránh, không trọng vật khiến dân không trộm cướp, không thấy vật đáng ham khiến lòng dân khỏi loạn. Cho nên lối trị dân như vậy, thường khiến cho lòng dân trống, bụng no nhược trĩ, xương cứng cáp, thường khiến cho dân không biết, không muốn” “Thánh nhân coi toàn dân như trẻ sơ sinh”. Vì trẻ nhỏ vốn sống hồn nhiên, không có ham muốn, dục vọng, chưa xa cái đức tự nhiên, vô vi. Lão Tử nói: “Không xa đức trở lại thời kì trẻ thơ”. Hơn thế, thánh nhân còn “không làm cho dân sáng, mà làm cho dân ngu”. Dân không sáng ở đây không hàm nghĩa ngu dốt, thô lậu. Cái lù mù, hỗn độn của Lão Tử là cái ngu thấu suốt mọi lẽ của tự nhiên mà sống hoà hợp với tự nhiên, không tự mãn, không tự phụ, không xáo động, không phô trương, không thái quá, không bất cập. Cái ngu ấy của ông là dại trí.

Theo đạo vô vi, phản đối những hiện tượng bất bình đẳng trong xã hội do sự áp bức bóc lột của bọn quý tộc cũng như sự phát triển kinh tế hàng hoá gây nên mơ ước trở lại đời sống chất phác của thời đại công xã nguyên thuỷ, Lão Tử chủ trương bất bạo động, phản đối việc gây chiến tranh bạo lực. Ông cho đó là sự tàn bạo, là tai hoạ của đời sống con người. Trong cuộc chiến tranh Lão Tử cho rằng, chẳng có thắng bại vinh nhục. Ông viết: “Chiến tranh là việc chẳng lành, không phải việc của quân tử. Nếu bắt buộc phải dùng binh thì phải điềm đạm. Nếu thắng cũng đừng cho là hay. Đắc thắng mà cho là hay tức là kẻ thích giết người, cuộc chiến tranh phải xử bằng tang lễ”.

Tư tưởng của Lão Tử về “Đạo” cũng như phép biện chứng và chủ nghĩa “vô vi” là rất sâu sắc và độc đáo. Với trình độ tư duy lí luận cao, những quan điểm ấy của Lão Tử đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển tư tưởng triết học phương Đông. Trong cái “lờ mờ”, “hỗn độn” và gợi mở, Lão Tử đã làm cho người đời sau kinh ngạc, thán phục trước sức mạnh của tư duy trừu tượng. Tuy nhiên Lão Tử, mặc dù được đời sau tôn vinh là Thái Thượng Lão Quân, vẫn không thoát khỏi sự hạn chế, bởi điều kiện lịch sử khi giải quyết những vấn đề về bản thể luận, nhận thức luận hay phép biện chứng. Nhưng dù sao, về phương diện lịch sử, chúng ta cũng phải nghiêng mình trước di sản tài hoa và sắc sảo của ông.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.