Tư tưởng vị ngã trong triết học Dương Chu
Thân thế và sự nghiệp của Dương Chu được bàn tới với nhiều giả thuyết và tài liệu khác nhau. Người ta biết rằng, ông là người nước Vệ, tự là Tử Cư, sống vào khoảng những năm 395 tr. CN đến năm 335 tr. CN.
Học thuyết của Dương Chu về thế giới, căn bản đứng trên lập trường chủ nghĩa duy vật ngây thơ ; ông đã kịch liệt phê phán quan niệm tôn giáo và niềm tin vào sự bất tử. Theo Dương Chu, tất cả các biến cố và hiện tượng của tự nhiên và xã hội đều chịu sự tác động của nguyên lí tất yếu tự nhiên, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người và cũng không phụ thuộc vào thần thánh, ma quỷ nào cả. Dương Chu tuyên bố rằng mọi cái đều bị diệt vong, sự sống tất yếu phải được thay thế bởi cái chết, tiếp theo sự xuất hiện là huỷ hoại, “đời sống vạn vật, con người theo bản tính tự nhiên” tự sinh, tự diệt, thân thể tự nó khoẻ mạnh, tự nó bạc nhược”. Vậy cho nên: “Đời mình không phải cứ quý nó mà bảo tồn được nó. Thân mình cứ yêu nó mà nó khoẻ mạnh. Đời không phải cứ khinh nó mà nó ngắn ngủi, thân mình không phải cứ coi thường nó mà nó bạc nhược…”. Tất cả đều là lẽ tự nhiên.
Bạn đang xem: Tư tưởng vị ngã trong triết học Dương Chu
Lẽ tự nhiên chi phối đời sống của vạn vật, mạnh mẽ, sâu kín “không biết tại sao nó như vậy”. Dương Chu gọi là “mệnh trời”. Do vậy thế giới quan duy vật chất phác của Dương Chu mang tính “quyết định luận”. Và đây cũng chính là cơ sở lí luận cho tư tưởng “vị ngã” của ông.
Sinh ra từ tự nhiên và theo lẽ tự nhiên, mỗi vật, mỗi người đều có bản tính tự nhiên – bản tính bảo tồn sự tồn tại của mình, Dương Chu gọi đó là “thiên tính tồn ngã, trọng kỉ, quý sinh”.
“Con người bản chất giống trời đất, có đức tính của ngũ hành, là loại tối linh trong vạn vật. Thân ta không phải là của ta, nhưng đã sinh ra rồi thì không thể không bảo tồn nó được. Các sinh vật khác không phải là của ta, nhưng đã sinh ra chúng rồi thì không diệt chúng đi được”.
Bảo tồn sự tồn tại của mình, theo Dương Chu không phải là dùng sức mạnh bạo lực để xâm chiếm vật khác, mà phải bằng bản tính tự nhiên vố có của mình. Đây là tính chất hai mặt trong quan niệm “thiên tính tồn ngã”, “trọng kỉ, quý sinh” của Dương Chu. Con người ở đây như một tiểu vũ trụ khép kín, tách biệt và cô lập với thế giới bên ngoài. Thậm chí khi phải dựa vào vật khác để tự nuôi mình, con người chỉ dùng đến năng lực của chính mình mà Dương Chu gọi là trí khôn, chứ không phải là những hoạt động vật chất, mà Dương Chu gọi là sức mạnh.
Xem thêm : Khung phân tích (Analytic Framework) là gì?
“Người ta phải nhờ cậy vào ngoại vật để nuôi sống mình nhưng phải dùng mưu trí, chứ không ỷ lại vào sức mạnh được. Cho nên trí khôn quý ở chỗ nó bảo tồn được thân ta còn sức mạnh đáng khinh ở chỗ nó tàn bạo với các sinh vật khác”.
Như vậy, tồn ngã, trọng kỉ, quý sinh là thiên tính của vạn vật và con người. Bản tính tự nhiên này cần phải được phát huy triệt để năng lực của nó và phải thoả mãn mọi nhu cầu tự nhiên của nó. Ông kêu gọi và đề cao tự do cá nhân, đòi hỏi quyền được sống cho mình và vì mình :
“Đã sinh ra rồi thì cứ thản nhiên nhận cuộc sống và thoả mãn hết thị hiếu của mình mà đợi lúc chết ; sắp chết thì cứ thản nhiên nhận sự chết, cái gì cũng chấp nhận thì còn mong gì cái gì nó tới sớm hay muộn nữa ?”.
Tuyệt đối hoá đời sống tự nhiên của con người, Dương Chu kịch liệt phản đối mọi sự cưỡng chế bằng bạo lực, phủ nhận mọi giá trị chuẩn mực truyền thống đạo đức và thể chế xã hội. Theo Dương Chu, tất cả những cái gì trái với lẽ tự nhiên đều làm tổn hại đến đời sống tự nhiên của con người.
“Vậy thì con người sống để làm gì ? Vui sướng ở đâu ? Vui cái đẹp, cái ngon, cái thanh, cái sắc, nhưng cái đẹp, cái ngon không được hưởng cho tới chán ; cái thanh, cái sắc không được ngắm hoài, nghe mãi ; mà lại thêm người ta dùng cách thưởng phạt để khuyên ngăn, dùng danh vọng và pháp luật để cấm đoán. Người ta canh cánh ganh đua nhau để được cái hư danh một thời, cầu cạnh hư vinh sau khi chết ; cứ nhớ tới phải trái mà không dám cho tai mắt được theo sở thích của mình, làm mất cái cực lạc trước mắt, không được thoả thuê phóng túng một lúc nào cả. Như vậy có khác gì gông cùm không ?”
Ngay cả bậc thánh nhân được xã hội tôn sùng và kính trọng cũng bị Dương Chu phê phán là hạng “ham danh, coi trọng tiếng khen chê mà làm cho hình hài, tinh thần tiều tuỵ, muốn lưu lại cái danh hão mấy trăm năm sau khi chết, nhưng khi chết rồi có cách nào làm cho nắm xương khô tàn tươi lại, tái sinh mà hưởng lạc thú, mà nghe tiếng khen ở đời được không ? Theo Dương Chu, vạn vật sinh ra từ tự nhiên, thuận theo lẽ tự nhiên, tồn ngã, quý sinh, vật nào cũng có chỗ phải, chỗ trái, chỗ tốt, chỗ xấu của nó. Chúng bình đẳng với nhau, chắng có gì hơn kém, quý tiện. Từ đó Dương Chu đi tới kết luận : “Hễ thực thì không có danh, hễ danh thì không có thực, những người có danh đều là nguỵ hết”.
Xem thêm : Phát hành chứng khoán là gì? Mục đích và các phương thức phát hành
Từ quan điểm tồn ngã , trọng kỉ, quý sinh, vô danh, Dương Chu chủ trương “vị ngã”, hay nói cách khác vì trọng kỉ, quý sinh nên vị ngã và vị ngã là trọng kỉ, quý sinh. Vị ngã theo nghĩa thông thường là vì mình, cho mình. Còn tư tưởng “vị ngã” ở Dương Chu có hai nội dung :
Vị ngã là sống đúng với bản tính tự nhiên vốn có của mình, không ghét chết mà cũng chẳng ham sống, không vì luân lí đạo đức thể chế xã hội, không vì danh vọng, tiền tài, vị lợi mà hạn chế, gò bó, đánh mất bản tính tự nhiên của mình.
“Nếu thuận mệnh thì đâu cần thọ, không ham quý hiền thì đâu còn cầu danh, không muốn có uy thế thì đâu có thích địa vị, không ham giàu thì đâu có quý tiện. Hạng người như vậy gọi là “thuận tự nhiên”, trong thiên hạ không có gì đối với họ được, số mệnh là tuỳ họ”.
Vị ngã cũng là sống vì mình và cho mình, bảo tồn thân thể sinh mệnh của mình, không hại đến đời sống tự nhiên của người khác và vật khác, không để mình luỵ vật mà cũng không để vật luỵ mình. Từ đó Dương Chu kêu gọi hãy tận dụng và hưởng cái hiện có trong cuộc sống, không nên làm cho mình khổ sở bởi những ý nghĩ về cái gì sẽ đến sau khi chết.
Đối với truyền thống triết học Trung Quốc, tư tưởng “vị ngã” của Dương Chu là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tư tưởng về con người. Ông đã phê phán đủ mọi trào lưu tư tưởng gò bó con người, kêu gọi tự do cá nhân với chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa hạnh phúc tự nhiên cực đoan, chống lại mọi áp bức, bạo lực, hành vi quan niệm đạo đức, thể chế xã hội.
Tư tưởng của Dương Chu phản ánh chân thật đời sống xã hội. Mặt thứ nhất, “vị ngã” là thể hiện sự bất lực trước xã hội đảo điên, “trên hôn quân, dưới loạn tặc”, những ẩn sĩ trong đó có Dương Chu chán ghét, xa lánh, bất hợp tác với xã hội đương thời. Hình ảnh “Dương Chu đứng khóc giữa ngã ba đường” trong sách “Tuân Tử” là biểu hiện rõ nét nhất sự bất lực đó. Mặt thứ hai, “vị ngã” là tư tưởng phản kháng lại chế độ thống trị hà khắc của giai cấp quý tộc, phong kiến, nó đòi hỏi quyền tự do cá nhân, quyền ý thức và bảo vệ “cái tôi”. Nó ca ngợi cuộc sống tự nhiên, ngang tàng phóng túng của con người. Ở khía cạnh này, tư tưởng “vị ngã” không chỉ nhằm mục làm “trong sạch tấm thân” mà cao hơn, chủ nghĩa cá nhân của Dương Chu là sự phản ứng chống lại tôn ti trật tự đạo đức và thứ bậc xã hội, là tuyên ngôn thừa nhận “cái tôi” cái “cá nhân” và quyền tồn tại của nó trong đời sống xã hội.
Chỉ đáng tiếc là Dương Chu từ chỗ đề cao bản tính tự nhiên của con người đã đi đến chỗ tuyệt đối hoá nó, tách con người tự nhiên ra khỏi mặt xã hội với những quan hệ chằng chịt, làm giảm đi giá trị nhân sinh trong tư tưởng “vị ngã” của ông. Nhưng dù sao, trên lập trường của chủ nghĩa duy nhiên, tồn sinh, bảo vệ Đạo gia, phát triển khía cạnh nhân sinh của nó, Dương Chu đã đưa thêm một viên ngọc sáng vào kho tàng tư tưởng của dân tộc Trung Hoa – chủ nghĩa vị ngã.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức