Những tư tưởng cơ bản trong triết học Trang Tử
Trang Tử được coi là nhà tư tưởng lớn trong trường phái Đạo gia. Ông là người có đủ công mài giũa viên ngọc “Đạo” của Lão Tử để hiện lên đầy đủ vẻ lấp lánh huyền hoặc của nó, vì thế người đời sau thường gọi chung là tư tưởng Lão – Trang.
Trang Tử tên thật là Quang Chu. Ông sinh vào khoảng những năm cuối thế kỉ thứ IV tr. CN và mất vào những năm đầu của thế kỉ II tr. CN. Trang Tử là người có phong cách sống ung dung, khoáng đạt và thản nhiên đến lạnh lùng trước mọi sự kiện diễn ra ở đời.
Bạn đang xem: Những tư tưởng cơ bản trong triết học Trang Tử
Nội Dung
1. Những vấn đề bản thể luận
Quan điểm về “Đạo” và mối quan hệ đồng nhất của chúng được Trang Tử coi là vấn đề cốt lõi của toàn bộ học thuyết của mình. Ông thường gọi ngắn gọn là “Đạo sống”, “nguồn sống”, hoặc “sống chung”. Thực chất, đây là những vấn đề bản thể luận, vũ trụ quan, chúng là nền tảng
và quyết định đường lối triết học của ông. Tư tưởng về Đạo ở Trang Tử có kế thừa các tư tưởng truyền thống ở Trung Quốc cổ, nhưng cũng có những bước phát triển mới. Chúng ta có thể diễn đạt tư tưởng đó bằng các vấn đề sau:
+ Đạo là cái vô danh:
Thiên “Tri bắc du”, Trang Tử viết:
“Đạo chẳng có thể nghe được, nghe được không còn phải là nó. Đạo cũng chẳng thể thấy được, thấy được không còn phải là nó nữa. Có thể nào lấy trí mà hiểu được cái hình dung của cái không hình dung được chăng ? Vậy thì không nên đặt tên cho Đạo”.
Ông cho rằng Đạo là cái không thể diễn đạt bằng lời, cũng không thể gọi nó bằng một cái tên nào, nếu có đặt tên cho nó thì chẳng qua là ước lệ, ý muốn chủ quan của con người mà thôi. Khi đã gọi tên, định ra một tính chất, một nội dung nào đó thì đã xuyên tạc, bóp méo nó đi rồi.
Theo Trang Tử, Đạo là cái trống không, mơ hồ, hỗn độn. Nó nửa tồn tại, nửa không tồn tại. Đạo vô danh không phải vì nó không có gì mà đó là một cái gì đó ở trạng thái hỗn mang: “ở thì sâu thẳm, trông thì lạnh ngắt”, là cái không hình thù, không bản sắc. Nó vượt khỏi mối liên hệ với không gian, thời gian, sinh tử. Nó không phải là cái tồn tại vĩnh viễn mà vĩnh viễn ra khỏi cả mối liên hệ giữa tồn tại và không tồn tại, vì thế mà nó vô danh.
Về nguyên nhân của Đạo và năng lực của nó, Trang Tử viết: “Đạo tự bản, tự căn, vốn tồn tại như xưa, khi chưa có trời đất, làm thiêng liêng quỷ thần, thượng đế sinh ra đất, ở trước thái cực mà chẳng là sâu. Sinh trước trời đất mà chẳng là lâu, dài hơn thượng cổ mà chẳng là già”.
Quan điểm duy vật thể hiện rõ nét khi Trang Tử cho Đạo là cái tự nhiên vốn có, không ai sinh ra nó mà tự bản, tự căn, vô cùng và vô hạn, vậy Đạo là bản thể đầu tiên của vũ trụ, vạn vật nó tự nhiên, lạnh lùng trước ý chí của con người.
Xem thêm : Folklore là gì? Các loại hình Folklore Việt Nam
+ Đạo là cái vô thường:
Đây là nội dung cốt lõi của Đạo ở Trang Tử. Đó là cuộc biến hoá của vũ trụ, cuộc đại chuyển tiếp giữa vũ trụ và vạn vật. Theo Trang Tử “vô thường” là trạng thái vận động biến hoá không ngừng của Đạo.
Do cái “vô thường” của Đạo mà mọi vật đều được sinh sinh, hoá hoá với các hình thức tồn tại khác nhau, thể loại khác nhau, nhưng chúng đều là một quá trình sinh, tử để trở về Đạo. ở đây, Trang Tử đã thể hiện vũ trụ quan đồng nhất giữa các bản thể tối hậu với vạn vật. Ông thường gọi đó là “Đạo sống” hay nguyên khí: “Đạo là nguồn gốc sinh ra vạn vật, nhưng nó lại tồn tại trong mỗi vật thể. Dù mỗi vật thể khác nhau về hình thức, trạng thái, nhưng chúng đều có “tánh tự nhiên” của mình, chúng tồn tại, ràng buộc với nhau một cách tự nhiên, biến hoá cũng tự nhiên. “Tánh tự nhiên” của mỗi vật là biểu hiện của Đạo nhưng do Đạo tạo hoá khác nhau về số lượng mà “tánh tự nhiên” khác nhau, đây cũng là lẽ tự nhiên không thể khác được.
+ Đạo là quy luật tự nhiên chi phối mọi sự vận động biến đổi của vũ trụ:
Theo Trang Tử, vạn vật thế giới vận động, biến hoá không lộn xộn, tuỳ tiện mà theo một trật tự, một nguyên tắc nghiêm ngặt mà ông thường gọi là trời hay “tạo hoá”. Thế giới vạn vật đều có sẵn một năng lực tự nhiên, đó là sức tự sinh, tự hoá bên trong. Chúng vận động một cách tự thân không phụ thuộc vào thần linh, thượng đế, giống như sự thay đổi bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trang Tử viết:
“Vạn vật đều có một giống vậy, lấy hình không đồng nhượng nhau, đầu cuối như cái vòng tròn, chẳng ai biết được đạo thường của nó, thế mới là khuôn trời”.
Quy luật tự nhiên ấy chi phối sự vận động theo hướng nào ? Vì theo một “khuôn trời” định sẵn, nên sự vận động không ngừng và vô cùng ở Trang Tử không phát triển đi lên, mà theo một vòng tròn khép kín không rõ đầu cuối. Đạo dùng trời đất làm lò lớn rồi tự đứng ra làm phó cả để sắp đặt muôn vật, chạm trổ các hình, muôn vật phân ra thành vạn hữu đi lại trở lại bản thể”. Rõ ràng là Trang Tử đã tuyệt đối hoá sự vận động, xoá nhoà mọi ranh giới giữa tồn tại và không tồn tại, vận động và đứng im, giữa chất và lượng để chỉ còn thấy tất cả đều là tương đối, thoáng qua. Nhưng quy luật tự nhiên của ông lại có tính chất tuyệt đối, khuôn mẫu và cứng nhắc, đối lập với tính tương đối của vạn vật. Đây là một mâu thuẫn trong tư tưởng của ông. Chính mâu thuẫn này làm cho quy luật tự nhiên ở ông gần gũi với “Định mệnh”.
Vậy những quan niệm về Đạo của Trang Tử là những vấn đề bản thể luận và vũ trụ quan của ông. Đó là quan niệm về một vũ trụ động, một vũ trụ “vừa sống vừa chết”, “vừa chết vừa sống”. Một vũ trụ tự nhiên như thế, chứa đựng vạn vật đa dạng phong phú nhưng đều chỉ là một, đều có nguồn gốc tự một cái tuyệt đối và duy nhất – Đạo.
+ Phép biện chứng tự phát:
Trang Tử đã xem xét vũ trụ, tự nhiên bằng quan điểm biện chứng mà nổi bật là sự vận động, biến đổi không ngừng của thế giới. Ông cho rằng mọi sự vật có liên hệ khăng khít với nhau, luôn chuyển hoá, thay thế lẫn nhau.
“Vạn vật không đồng nhau, thế thì cái gì khiến nó liên lạc được với nhau ?” và “người cùng tạo vật hoà hợp làm một rồi thì đi đâu chẳng phải là mình ?”
Xem thêm : Phương pháp thử nghiệm là gì?
Vạn vật, con người đều vận động, biến hoá theo quy luật tự nhiên, quy luật này như một vòng tròn lưu chuyển vô cùng tận dưới sự tác động của Đạo.
Tuy nhiên, Trang Tử đã bỏ quên “Các mặt đối lập” trong bản thân sự vật như là nguồn gốc, động lực của mọi sự vận động. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa phép biện chứng của Trang Tử với phép biện chứng của Lão Tử. Xoá nhoà mọi mâu thuẫn, đồng nhất hoàn toàn các mặt đối lập, Trang Tử đã bỏ mất cái sinh động đầy sức sống của phép biện chứng, không đạt tới được cái cốt tử của phép biện chứng, nên Trang Tử có khuynh hướng đi từ phép biện chứng đến chủ nghĩa chiết trung, ngụy biện khi ông viết: “Phải cũng là một lẽ vô cùng, trái cũng là một lẽ vô cùng cho nên nói rằng không có gì bằng lấy ánh sáng”.
Phép biện chứng của Trang Tử mang tính chất tự phát, nó không phải là một hệ thống mà chỉ là những yếu tố tản mạn rời rạc. Nó chỉ dừng lại ở mặt hình thức, còn nội dung thì lại mang tính chất ngụy biện, chủ nghĩa chiết trung. Những đặc điểm này đã dẫn đến tính thần bí, huyền hoặc trong tư tưởng của ông.
2. Những vấn đề nhận thức
Theo Trang Tử, Đạo là đối tượng nhận thức và cảm nhận của con người, đó là chỗ tận cùng của nhận thức.
“Biết được hành động của trời và biết được hành động của người đó là biết đến chỗ tột cùng vậy”.
Con người có thể nhận thức được bản thể tối hậu không ? Trang Tử cho rằng nếu chỉ bằng nhận thức lí trí thông thường thì con người không thể nhận thức được Đạo. Trí tuệ của con người bất lực trước lẽ thâm sâu và huyền diệu của Đạo. Con người chỉ có thể đạt tới lẽ cao cả của Đạo bằng tầng nhận thức khác cao hơn, bằng sự cảm nhận, trực giác hay kinh nghiệm sống của chính bản thân mình.
Cái biết “thật là biết” chỉ có bậc thánh nhân, hiền triết “thật là người” mới đạt được. Như vậy khi bàn về khả năng nhận thức của con người. Trang Tử giới hạn nhận thức lí trí và đề cao nhận thức có tính chất trực giác siêu nghiệm. Ông chia ra làm hai tầng nhận thức mà ta thường gọi là bậc tiểu trí và bậc đại trí.
“Biết một cách rộng rãi, bao quát đó là đại trí, biết một cách vụn vặt, chia lìa, đó là tiểu trí”.
3. Những vấn đề nhân sinh
Mục đích của triết học Trang Tử là cứu đời, cứu người nên ông cho rằng quan trọng không phải là sự triết lí suông về Đạo, mà là thực hành bản thân cuộc sống theo Đạo. Những vấn đề nhân sinh nằm ngay trong các vấn đề bản thể luận và nhận thức luận, chúng hoà lẫn vào nhau. Cốt lõi tư tưởng về nhân sinh ở Trang Tử là học thuyết vô vi.
Khái niệm “vô vi” ở Trang Tử cũng có ba nội dung chính:
- Sống, tồn tại theo bản tính tự nhiên vốn có của mình, không cần phải có sự tham gia có tính chất xã hội vào nó.
- Thuận theo lẽ tự nhiên mà làm, hành động như thế là “Làm mà không phải mình làm”, vì làm đó không còn bị ràng buộc bởi ý chí, mục đích của con người nữa, cũng giống như nóng và sáng là tính tự nhiên của lửa nó vốn như thế, ta không thể cưỡng ép nó không được nóng và sáng.
- Làm cho mọi vật đều được tự do, bình đẳng, sống và hành động theo bản tính tự nhiên của chúng.
Quan điểm “vô vi” được biểu hiện cụ thể trong các vấn đề sống, chết, tự do bình đẳng, hạnh phúc tuyệt đối.
Theo Trang Tử, Đạo chỉ là cái sống, đây là năng lực sống không có sanh, tử ; sanh và tử là những hình thức biến hoá mà thôi. Về mặt hình thức thì sanh, tử luôn biến hoá thay thế nhau, còn sống thì chỉ là một khâu thay đổi trong sự biến hoá của vũ trụ, nó vượt qua giới hạn của sự sống, chết thông thường, nó đạt tới sự giao hoà của vạn vật, nó thực sự chưa bao giờ chết, bởi chưa bao giờ sống.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức