Hoàng Diệu – Nghìn thuở núi Nùng nêu chính khí
Trời mới rạng sáng. Gió lạnh buốt xương. Có tiếng gà gáy vọng lại. Mới từ trong Nam ra nhậm chức, Tổng đốc Hoàng Diệu dường như chưa quen với cái lạnh như xé da, cắt thịt ở xứ Bắc. Tuy thế, ông vẫn giữ thói quen dậy sớm. Sáng nay, ngồi trước án thư, Tổng đốc vẫn cắm cúi nhìn xuống sơ đồ thành Hà Nội. Hơn ai hết, ông biết rằng đây là long mạch của mảnh đất Rồng thiêng. Khu vực này đã có từ xa xưa, đời nhà Lý đã đắp thành Thăng Long trên vị trí thành Đại La của Cao Biền. Các triều vua kế tiếp cũng xây dựng, cho dù quy mô có thay đổi chút ít nhưng vẫn ngay vị trí cũ. Rồi đến năm 1805, vua Gia Long sau khi thắng Tây Sơn cũng cho dựng lại thành. Theo Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ ta biết đại thể thành vuông vức, tường thành xây bằng gạch hộp, chân tường có hai lớp, trên là đá ong, dưới là đá tảng xanh. Thành có 5 cổng, trên nóc cổng có lầu canh gọi là thú lâu. Tại mỗi thú lâu có một cơ binh thay phiên nhau canh gác ngày đêm.
Hiện nay, vị trí của thành cổ Hà Nội đời nhà Nguyễn được xác định, bốn cạnh của bốn tường thành là bốn đường Phan Đình Phùng (bắc), Hùng Vương (tây), Trần Phú (nam), Phùng Hưng (đông). Thuở đó, trong thành chia thành nhiều khu như: khu trung tâm là điện Kính Thiên xây hơi lệch về phía tây (để lấy hướng phong thủy), đi thẳng ra là Đoan Môn, phía sau điện là Hành cung…;phía đông là dinh Tổng đốc, Án sát, Tuần phủ…; khu phía tây là kho tiền, thuốc súng, lương thực…; góc đông bắc có nhà ngục…; cột cờ xây phía ngoài Đoan Môn v.v… Trong phiên họp Hội đồng thành phố ngày 23/7/1893, thực dân Pháp quyết định phá bỏ bốn phía tường thành. Công việc này khởi công từ tháng 2/1894 đến cuối năm 1897 thì hoàn tất. |
Nhìn xuống sơ đồ của thành Hà Nội, Hoàng Diệu đã vạch ra những kế hoạch phòng thủ, mặc dù trước ngày ra nhận chức vua Tự Đức có dặn dò: “Liệu lấy mà làm, đừng kinh động, giặc Pháp lấy cớ mà gây sự”. Thật vậy, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” và cứ sau mỗi lần điều đình hay ký được hiệp ước thì ngay lập tức chúng củng cố vị trí vừa chiếm được và tìm cớ để tiếp tục gây chiến… Và hiện tại, từ ngày 2/4/1882, trung tá Hải quân Henri Rivière đã kéo quân viễn chinh ra Hà Nội. Quan Tổng đốc đã dành nhiều tâm lực tìm hiểu thực chất ý đồ của chúng.
Nâng chén trà thơm đang bốc khói nghi ngút, ông chiêu một ngụm nhỏ và thấy ấm lòng. Ngay lúc đó, có viên đội hầu, bước vào kính cẩn:
– Bẩm quan lớn, có mấy tên thông ngôn vừa đến trước hành cung nhưng không giở mũ, cúi đầu. Đã thế khi lính canh hỏi lại thì hắn còn trả lời hỗn láo…
Ông ngước mặt lên, giọng nói rắn rỏi:
– Nọc trước tỉnh đường phạt một trăm roi!
Có tiếng “dạ” ran và lập tức lệnh được thi hành. Đó là cá tính của một người Quảng Nam mà trên các bước đường làm quan của ông, Đại Nam chính biên liệt truyện của nhà Nguyễn đã ghi nhận “tính tình cương trực, thanh liêm, lâm sự quyết đoán, có phong độ bậc đại thần”. Sở dĩ, Tổng đốc cứng rắn như thế vì tình thế đang loạn lạc, nhốn nháo, dựa hơi quân cướp nước, bọn Việt gian đã không còn coi phép nước ra gì cả! Còn quân viễn chinh thì ôm súng đi nghênh ngang…
Xâu chuỗi lại các sự kiện đã diễn ra thì Hoàng Diệu không thể bình tâm được. Ông nhớ lại, trước đó, ngày 26/10/1872, những tên lái buôn Jean Dupus (Đồ Phổ Nghĩa) và Millot cùng với một người Tàu là Lý Ngọc Trì từ Hồng Kông dẫn hai pháo hạm, một xà-lúp chạy hơi nước, một thuyền buồm, ba thuyền vận tải chở 7.000 súng trường, 30 đại bác, 15 tấn đạn… vào Hải Phòng để lên Vân Nam (Trung Quốc). Hộ tống cho chuyến đi này có 150 lính Tàu, 25 lính Âu châu. Nhận được tin này, Khâm sai Lê Tuấn chận lại không cho vào. Thế là sự việc rắc rối, nhùng nhằng mãi, rồi lấy cớ này tháng 10/1873, đại úy hải quân Francis Garnier kéo quân từ Sài Gòn ra đánh chiếm lấy thành Hà Nội lần thứ nhất.
Còn bây giờ thì sự việc cũng tương tự như thế. Sáng ngày 8/10/1881, hai tên lái buôn Courtin và Villeroi được giấy thông hành đi Vân Nam, nhưng khi chúng đến gần Lào Cai thì bị quân Cờ Đen tấn công nên không thể tiếp tục đi được nữa. Thế là dù đã chủ trương “Biểu dương lực lượng để Việt Nam sợ mà khuất phục, chứ không cần phải dùng đến võ lực”, nhưng sau khi nghe tin này Thống đốc Nam kỳ là Le Myre de Vilers đổi ý. Y viết thư gửi về Pháp đề xuất ý kiến là phải dùng đến võ lực. Cùng lúc, y viết thư gửi cho triều đình Huế phàn nàn “Đất Bắc kỳ loạn lạc, luật nhà vua không được ai tôn trọng. Người Pháp có giấy thông hành của quan Việt Nam cấp, nhưng đi đến đâu cũng bị quân Cờ Đen cản trở; còn ở Huế thì quân Việt Nam lại thất lễ với quan Khâm sứ Rheinart”, rồi hăm dọa: “Vì thế nước Pháp phải tìm mọi cách để bảo vệ quyền lợi của mình”. Điều mỉa mai là dưới lá thư này, y còn thòng thêm một câu mềm mỏng rằng sự việc diễn ra là ngoài ý muốn chứ “Nước Pháp không hề muốn chiến tranh…”!
Vậy là ngày 25/8/1882, từ Sài Gòn, trung tá Tổng chỉ huy Henri Rivière kéo quân ra Bắc. Đến Hà Nội, lực lượng hùng hậu này đã phối hợp hai đại đội thủy quân lục chiến đóng tại Đồn Thủy đang bảo vệ tòa Lãnh sự Pháp – do Thiếu tá Berthe De Villers chỉ huy – để ngang nhiên tỏ thái độ uy hiếp thành Hà Nội.
Nhìn xuống sơ đồ, Hoàng Diệu nghiến chặt hàm răng lại. Ngay từ lúc mới nhận chức Tổng đốc Hà Ninh, ông quyết định cho đắp tường thành lên hơn 1,50 mét, có đoạn cao hơn; bồi bề dày từ 0,6 mét đến 0,8 mét và cho khoét thêm nhiều lỗ châu mai để sẵn sàng đánh trả lại sự tấn công của giặc! Mặt khác, ông cũng quan tâm ổn định đời sống của dân chúng trong công bằng và trật tự. Ngay ở Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, ông cho dựng tấm bia Thân cấm khu tệ (Lệnh cấm trừ tệ), nhằm ngăn chặn các tệ nhũng nhiễu đối với nhân dân trong các dịp ma chay, cưới xin cũng như nạn vòi tiền, cướp bóc trên sông và ở các chợ, kèm theo các quy định cụ thể cần thi hành đến nơi đến chốn như cấm các sĩ quan Pháp vào thành Hà Nội – trừ trường hợp chính thức v.v…
Và ông cũng đã viết biểu dâng lên vua Tự Đức đề nghị không chỉ phòng thủ thành Hà Nội mà còn phải bố trí cả vòng ngoài “Kinh lý kỹ hơn, làm mạnh thượng du để bảo vệ trung châu, bọn giặc chỉ sở trường dưới nước chứ đánh nhau trên núi chỉ là sở đoản…”; phối hợp với cả Thống đốc Quan vụ Hoàng Kế Viêm đem quân từ Sơn Tây về Hà Nội để đối phó với tình thế, nhưng vua Tự Đức lại cho rằng đó là việc làm “rối rít, nếu triệt hết binh về trung châu thì lại sợ bọn phỉ đổ ra tụ tập, lại thêm lộ tăm tiếng”. Khi xuống dụ như thế nghĩa là ngài sợ giặc Pháp biết trước ta đang phòng bị (!) Thật ra việc chủ động phòng bị như đề xuất của Hoàng Diệu là tích cực vì nó sẽ khiến cho giặc chùn bước, nhưng vì vua quá ươn hèn nên không ủng hộ! Đã thế, lúc này mới gấp rút phòng bị cũng đã quá trễ, nhưng vua Tự Đức lại chỉ đạo một cách kỳ quặc: “Phàm mọi việc nên chủ yếu xếp khéo, chớ để động hình lộ tích, nếu như có thể cứ im lặng mà làm cho họ thay đổi rút đi càng tốt; còn nếu họ dám hoạnh, việc đến nước cùng thì tùy đó mà làm để giữ trọn trách nhiệm giữ đất”. Bàn về thái độ của vua Tự Đức, sau này nhà sử học Trần Văn Giàu chỉ bình luận ngắn gọn mà chua chát, thâm thúy “Đề phòng đã trễ mà còn không dám phòng bị một cách công nhiên! Sợ Tây nó thấy thì nó cũng lấn, Bá Nghị trước đó cũng lý luận theo kiểu này nên mất đứt Biên Hòa và Nam kỳ!”.
Nhận được lệnh trên, Hoàng Diệu không lấy gì làm vui. Nhưng lần này, Henri Rivière đã kéo quân ra Bắc kỳ thì tình thế không còn đơn giản nữa rồi. Suy nghĩ như thế, ông ngước nhìn bóng nắng yếu ớt vờn ngoài sân và ngẫm nghĩ về năm tháng đã qua…
Thuở nhỏ, ông có tên là Kim Tích, nhưng sau đổi thành Hoàng Diệu, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, sinh ngày 10/2 năm Kỷ Sửu (tức ngày 5/3/1829) tại làng Xuân Đài, nay thuộc xã Điện Quang, vùng Gò Nổi, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) trong gia đình có truyền thống khoa bảng và yêu nước. Ông thân sinh là Hoàng Văn Cự làm hương chức, qua đời lúc 54 tuổi. Bà thân mẫu Phạm Thị Khuê thọ 88 tuổi, tần tảo làm ruộng và chăn tằm, nuôi dạy con cái. Trong khoa thi Hương tại Thừa Thiên năm 1848, hai anh em ông là Hoàng Kim Giám, 23 tuổi và Hoàng Kim Tích (tức Hoàng Diệu), 20 tuổi cùng đậu Cử nhân. Bấy giờ, chánh chủ khảo – Tham tri bộ Binh Hoàng Tế Mỹ và phó chủ khảo – biện lý bộ Lễ Phan Huy Thực thấy trong văn bài của hai anh em có những điểm giống nhau nên ngờ vực. Được tấu trình, Tự Đức cho tổ chức phúc hạch riêng hai anh em, mỗi người ngồi một phòng ở tả vu và hữu vu điện Cần Chánh… Sau khi xét duyệt, Tự Đức ngự phê: “Sự hành văn là việc chung, cốt để chọn chân tài, anh em đỗ đồng khoa là việc tốt đẹp”. Tiếp tục sôi kinh nấu sử, năm 1853, lúc 25 tuổi Hoàng Diệu đậu Ất khoa Lễ vi – gọi như thế vì thi Hội tổ chức ở bộ Lễ và Ất khoa là Phó bảng.
Bước đường làm quan của Hoàng Diệu mở ra từ đây. Ban đầu ông được nhận chức Hàn lâm kiểm thảo, nhưng chỉ một năm sau ông xin về quê chịu tang cha. Sau thời hạn mãn tang, Hoàng Diệu được bổ làm tri phủ ở Tuy Phước, Bình Định. Do nha lại lầm lẫn án từ, ông bị giáng chức làm tri huyện Hương Trà, Thừa Thiên. Năm 1864, xảy ra vụ nổi dậy của Hồng Tập – con hoàng thân Miên Áo, em chú bác của Hồng Nhậm tức vua Tự Đức – cùng với một số người khác. Bại lộ, Hồng Tập và Nguyễn Văn Viện bị án chém. Hoàng Diệu đến nhậm chức tri huyện Hương Trà thay Tôn Thất Thanh bị đổi đi nơi khác, bấy giờ có mặt trong lúc hành quyết ông đã nghe Hồng Tập nói: “- Vì tức giận về hòa nghị mà bị tội, xin chớ ghép vào tội phản nghịch” nên dâng sớ xin nhà vua xét lại bản án. Trước đó, các quan Phan Huy Kiệm, Trần Gia Huệ và Biện Vĩnh cũng đã đề nghị tương tự như Hoàng Diệu. Tự Đức giận lắm, ngài phán “vụ án đã được đình thần thẩm xét kỹ” và quyết định giáng chức những người này.
Tháng 9 năm Giáp tý (1864), Đặng Huy Trứ đang là Bố chánh Quảng Nam, trong một bản sớ tiến cử người hiền tài trình lên Tự Đức đã viết: “… Ông Nguyễn Quýnh, nguyên Bố chánh Khánh Hòa, người trong hạt của thần, ông Hoàng Diệu, nguyên tri phủ Hương Trà và ông Phan Thanh Nhã, cả ba người này đều Cử nhân, Phó bảng xuất thân, đều là người cương trực, mẫn cán, lúc còn đương chức đương quyền không nhiễu dân, tuy nay mắc lỗi lầm chưa khôi phục, nhưng khi ở địa phương hoặc phủ huyện đều được sở dân tin yêu, khi ra đi mọi người đều nhớ. Những người như vậy không có nhiều. Nếu họ được nhà vua bỏ qua lỗi lầm mà đem dùng thì ở một huyện, họ là tri huyện hiền tài, ở phủ có thể là tri phủ tốt, ở tỉnh có thể giữ chức quan trọng, nghĩ rằng không nên vì một chi tiết mà để một số người suốt đời mai một. Huống chi lúc này, nước nhà đang gặp nhiều việc, lại có người không được dùng vào việc gì thì thật là uổng phí, triều đình đã mất nhiều năm đào tạo, dạy bảo mới được những người như thế. Trong số này, ông Nguyễn Quýnh có thể đảm nhận được chức Bố chánh, Án sát một tỉnh lớn. Các ông Hoàng Diệu, Phan Thanh Nhã có thể đảm đương chức Tri huyện, Tri phủ một nơi quan yếu còn khuyết…”. Nhờ vậy, các ông Nguyễn Quýnh, Phan Thanh Nhã và Hoàng Diệu mới được phục chức.
Nhờ lời tâu này mà ít lâu sau, Hoàng Diệu được chuyển đi làm tri phủ Lạng Giang, sau làm Án sát Nam Định, rồi Bố chính Bắc Ninh. Đầu năm 1877, ông lại về Huế giữ chức Tham tri bộ Hình, rồi đổi sang bộ Lại và kiêm nhiệm ở Đô sát viện. Những năm tháng này, ông được sử nhà Nguyễn đánh giá: “Người ta đều khen là liêm chính”.
Vào năm 1878, ở Quảng Nam xảy ra nạn lụt rất lớn gọi là “nạn lụt bất quá” vì dân chúng cho là “bất quá nước tràn đến sân là cùng”, nên chủ quan không đề phòng… Nhưng rồi nước tràn về rất mạnh, cuốn trôi nhiều nhà cửa, thóc lúa và gia súc, nhiều người chết trôi, đồng ruộng nhiều nơi ngập úng, hư hại. Tiếp đó, nhiều phủ huyện lâm vào cảnh bệnh tật, chết đói, trộm cướp nổi lên như rươi, dân chúng phải ăn củ chuối trừ bữa. Tiếp được biểu chương của quan địa phương, Tự Đức quyết định xuất tiền gạo công quỹ để chẩn tế và tìm người giao phó trách nhiệm. Biết Hoàng Diệu là người chính trực, am hiểu dân tình, phong tục đất Quảng Nam nên Tự Đức trao cho ông chức khâm sai đại thần cầm cờ tiết và quyền “tiện nghi hành sự”, lo việc chẩn tế an dân, dẹp trừ trộm cướp.
Xem thêm : Hệ thống cơ quan tổ chức công tác xã hội
Đi sát tìm hiểu dân tình, sử dụng quyền hành thận trọng, Hoàng Diệu sớm hoàn thành trọng trách, ổn định lại tình hình. Hồi ấy ở làng Giáo Ái có một cường hào tên là Hương Phi, lợi dụng tình hình nhiễu nhương, tổ chức một bọn tay chân chuyên đi cướp bóc dân lành. Bị khống chế, bà con trong vùng sợ y báo thù, không dám tố giác với cửa quan, Hoàng Diệu được tin liền mở cuộc điều tra, nắm bắt các bằng chứng xác thực, rồi bàn với quan tỉnh gọi Hương Phi đến xét hỏi. Thấy vậy, nhiều nạn nhân gửi đơn tới tỉnh đường tố cáo tội ác của tên gian tế. Hoàng Diệu cho niêm yết tội trạng của Hương Phi và lên án trảm quyết. Dân chúng yên tâm, tin tưởng và vui mừng khôn xiết. Từ đó, bọn cướp không còn dám hoành hành nữa.
Cũng trong thời gian ấy, Hoàng Diệu phát giác tại các địa phương trong tỉnh có một người đỗ Cử nhân khoa Bính tý (1876) vì đã nhờ người khác làm bài, và hai người mang danh “Tú tài” nhưng không có thực học. Đã thế, nhân nạn đói họ còn đầu cơ tích trữ, mua rẻ bán đắt, vơ vét từng xu của dân nghèo để làm giàu nên dân chúng càng oán ghét. Hoàng Diệu tìm hiểu chu đáo, trực tiếp gặp họ cũng như những nhân sĩ trong vùng, qua đó thẩm tra học vấn. Tất nhiên, sau đó, bọn này đều bị ông truất bằng và phạt tội.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, từ Quảng Nam ra Huế, năm 1878, Hoàng Diệu nhận chức tổng đốc An Tịnh (Nghệ An – Hà Tĩnh). Bấy giờ, tình hình giao thiệp với Pháp đã có nhiều rắc rối, do đó, chỉ vài tháng sau ông lại được triệu về kinh nhậm chức Phó sứ đại diện cho triều đình Huế giao thiệp với các sứ đoàn Ý và Tây Ban Nha. Giữ trọng trách này lúc mới ngoài 40 xuân, thế mới biết Hoàng Diệu được triều đình tín nhiệm biết chừng nào. Cuối năm 1879, Hoàng Diệu lại được lãnh hàm Thượng thư bộ Binh, đi trấn nhiệm Hà Ninh (1) với chức vụ Tổng đốc. Trước ngày lên đường ông được về thăm mẹ già đã 80 tuổi. Vào dịp này, Tự Đức ban thưởng sâm, quế, lụa và bạc, Hoàng Diệu dâng biểu tạ ơn, có câu: “Thần bận việc nước nên chưa dám lo việc nhà. Xin hết lòng làm việc có lợi cho nước…”
Về địa danh ghép “Hà – Ninh” có những chú thích khác nhau: Trong sách dịch của Viện Hán – Nôm, trong các bài của Nguyễn Văn Tố, Khuê Trai trên báo Tri Tân, ghi là Hà Nội – Ninh Bình; Hoàng Xuân Hãn lại chú thích là Hà Nội – Bắc Ninh. Cũng có sách ghi là Hà Nội – Ninh Hải (Ninh Hải tức Hải Phòng). |
Đang thả tâm hồn trôi về những năm tháng dĩ vãng với nhiều thăng trầm, bỗng có tiếng động mạnh, Tổng đốc Hoàng Diệu giật mình ngoái lại. Viên đội hầu đã quỳ xuống và dâng lên bức tối hậu thư của Henri Rivière gửi cho ông. Trong bóng nắng vẫn yếu ớt, ông bình tâm chăm chú đọc lá thư viết ngày 25/4/1882. Trong thư có những đoạn rất láo xược phê phán việc ông củng cố thành Hà Nội (Anh Minh dịch):
“… Từ đây đã trở thành mối nguy của quân đội Pháp nên phải phá thành đi! Bây giờ ngài hãy nghe tôi: lời đề nghị của tôi là một phương tiện để hòa hợp cùng nhau, ngõ hầu sự kình địch hiện thời giữa hai chính phủ không trở nên nghiêm trọng. Tôi đề nghị ngài nộp thành Hà Nội theo những điều kiện sau đây:
Trong mục đích ấy, hiện nay và ngày sau, sau khi đọc hết thư này, ngài phải ra lệnh cho binh lính rút ra khỏi thành sau khi bỏ lại súng ống; phải mở các cửa thành và để mệnh lệnh ấy đã được thi hành đúng tám giờ sau, ngài phải đích thân đến hàng phục tôi, cùng với những quan Tuần phủ, Bố chính, Án sát, Đề đốc, Lãnh binh, Phó lãnh binh v.v…
Thời hạn ngắn ngủi, nhưng ngài có thể đoán trước những kết quả tai hại của những công việc hiện hành mà không lấy làm kinh ngạc về thời hạn ngắn ngủi ấy. Vậy tám giờ ngày mai, tôi sẽ chờ ngài tại dinh của tôi. Binh lính của tôi sẽ chiếm đóng thành theo sự thỏa thuận của ngài, và nhất thiết không có sự kháng cự nào. Tôi lưu ý đến việc chọn những thể thức mà tôi xét ra là phù hợp – để làm cho thành trì từ đây trở nên vô hại cho quân đội chúng tôi. Song le sau khi đã chọn những thể thức ấy, mất độ ba hôm, tôi cam kết cùng ngài là sẽ trả thành Hà Nội cùng mọi kho tàng, mọi công thự và công sở cùng một phần thành quách lại cho ngài; không có gì thay đổi trong nội bộ của tỉnh, tỉnh vẫn thuộc quyền của Hoàng đế Việt Nam.
… Nhưng nếu trước 8 giờ sáng mai, ngài không thân hành đến sứ quán cùng những viên chức kể trên – để cho thấy ngài chấp thuận những điều kiện của tôi đã đưa ra, thì quân đội tôi sẽ tấn công thành ngay tức khắc”.
Lời lẽ hăm dọa láo xược trong tối hậu thư đã khiến Tổng đốc Hoàng Diệu giận run người. Ngay lập tức, ông cho triệu tập bộ tham mưu để bàn biện pháp đối phó. Sau khi bàn bạc, Án sát Tôn Thất Bá cúi đầu xin nhận nhiệm vụ đi thương thuyết cùng giặc. Từ trên thành cao leo dây xuống đất để ra ngoài, tim của Bá đập thình thịch như muốn vọt ra khỏi lồng ngực, do quá sợ hãi nên dù trời rét, mồ hôi của Bá vẫn tuôn ra đầm đìa. Ra khỏi thành, Bá chạy tọt vào dinh Henri Rivière và trốn luôn ở trong đó!
Trong khi đó, giặc Pháp đã triển khai lực lượng chiến đấu. Dù chưa đến 8 giờ sáng, nhưng hàng loạt đại bác từ các pháo hạm La Fanfare, La Massue, La Carabine đậu trên sông Hồng đã pháo kích vào thành như mưa trút… Không một chút nao núng, Tổng đốc Hoàng Diệu hiên ngang bước ra chiến tuyến, ông mặc áo dài thâm, đầu chít khăn đen, tay cầm gươm chỉ huy kêu gọi binh lính liều chết mà giữ thành. Đúng như trong Hà thành chính khí ca (1) đã miêu tả khí thế cầm cự của ta: “Văn quan, vũ tướng nghe lời/ Hầm hầm xin quyết một bài tận trung/ Ra oai xuống lệnh vừa xong/ Bỗng nghe ngoài đã ầm ầm pháo ran/ Tiêm cừu nổi giận xung quan/ Quyết rằng chẳng để chi đoàn chó dê/ Lửa phun súng nổ bốn bề/ Khiến loài bạch quỷ hồn lìa phách xiêu/ Bắn ra nghe cũng chết nhiều/ Phố phường trông thấy tiếng reo ầm ầm/ Quan quân đắc chí, bình tâm/ Cửa Đông cửa Bắc vẫn cầm vững binh/ Chém cha cái lũ hôi tanh/ Phen này quét sạch sành sanh mới là!”.
Hà thành chính khí ca được sáng tác ngay sau khi Hà Nội thất thủ lần thứ hai (1882) nhằm đề cao chính khí của Hoàng Diệu tuẫn tiết và phê phán nghiêm khắc bọn quan lại hèn nhát chạy trốn giặc và đầu hàng lúc ấy, tương truyền tác giả là Nguyễn Văn Giai, tục danh Ba Giai, nhưng chưa có tài liệu xác minh. |
Trước khí thế cầm cự oanh liệt như trên, Henri Rivière biết không thể dùng hỏa lực để trấn áp tinh thần của đối phương, y khôn ngoan thay đổi chiến thuật. Đúng 10 giờ 45, y lệnh ngưng pháo kích và cho tiến quân theo ba hướng: Cánh quân thứ nhất do đại úy Retrouvey chỉ huy, chúng được trang bị một khẩu đại bác 86 ly 5, làm nhiệm vụ nghi binh, đánh vào cửa thành phía đông; cánh thứ hai do thiếu tá Chanu tổng chỉ huy, chia làm hai đội, đội thứ nhất của đại úy Thesmar được trang bị súng lục, dao găm, thang tre… và đội thứ hai của đại úy Martin cũng được trang bị tương tự nhằm đánh vào cửa thành phía tây nam, vì đây là hướng tấn công chính nên cánh quân này còn được một lực lượng trù bị đi theo, sẵn sàng yểm trợ nếu có tính huống xấu nhất xẩy ra; cánh quân thứ ba do thiếu tá Berthe de Villers chỉ huy tấn công vào cửa thành phía bắc. Ngoài ra còn có thủy quân của thiếu tá Flaschi, đi theo bộ chỉ huy lưu động của Henri Rivière. Như thế giặc Pháp đã tung hết lực lượng của mình đang có mặt tại Hà Nội để tham chiến.
Lực lượng quân giặc hùng hậu từng bước áp sát vào mục tiêu đã định trước.
Nhưng chúng tiến quân một cách khó khăn vì trên thành, Tổng đốc Hoàng Diệu đã hạ lệnh cho các đại bác của ta bắn ra dữ dội, từng khối lửa trút xuống, ghìm chân giặc. Cùng lúc, trai tráng Hà Nội xung phong cầm võ khí xung trận, họ nổi lửa đốt hết dãy nhà dọc phố bờ sông để chận bước chân của chúng. Và hầu hết các nhà dân, đình chùa đều nổi trống, gõ mõ, khua chiêng vang dội áp đảo tinh thần của giặc, hỗ trợ cho tinh thần quyết chiến của quân ta trong thành.
Nhưng trong lúc ấy tại cửa Đông, Đề đốc Lê Văn Trinh lại hoảng sợ bỏ chạy trước; ở cửa Tây, Lãnh binh Lê Trực cũng khiếp đảm rút lui; còn ở cửa Nam, Lãnh binh Nguyễn Đình Đường cố chống cự nhưng không thể chống chọi lại vũ khí tối tân của giặc; còn Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng thì nhanh chân chạy trốn trong Hành cung… Riêng ở cửa Bắc thì khí thế chiến đấu vẫn hừng hực, vì chính Hoàng Diệu cùng Phó Lãnh binh Hồ Văn Phong đang đích thân chỉ huy.
Lợi dụng những cửa thành đã bỏ trống, giặc ùa vào; còn cánh quân thứ hai do thiếu tá Chanu tổng chỉ huy, nhờ có thang tre nên cũng đã leo được vào trong thành. Tình thế hết sức nguy ngập. Tiếng hô xung phong rền trời. Tiếng gươm khua dậy đất. Hai bên đánh trực diện. Người chết như rạ! Kẻ rụng như sung! Đang chỉ huy trận đánh, Tổng đốc Hoàng Diệu càng vững lòng khi nhận được tin từ đình Quảng Văn (nay là khu vực vườn hoa Cửa Nam), hàng ngàn dân quân tự vệ trang bị giáo, mác, gậy gộc… do Cử nhân Nguyễn Đồng chỉ huy đang hùng dũng tiến vào thành để tham gia chiến đấu.
Nhưng than ôi! Giữa lúc ấy, đột ngột kho thuốc súng dự trữ trong thành bị nổ tung. Lửa cháy sáng rực cả một góc thành. Ai đã làm nội phản cho giặc? Điều này đã khiến tinh thần quân ta hoang mang tột cùng. Biết không thể kháng cự được nữa, Tổng đốc Hoàng Diệu ra lệnh:
– Ai muốn về phụng dưỡng cha già mẹ yếu thì về, ai muốn đánh nữa thì lên Sơn Tây xin vào đội quân của ông Hoàng Kế Viêm!
Nói xong, Hoàng Diệu cởi bỏ thắt lưng điều và gươm lệnh, ông đi xăm xăm về phía nam thành. Bấy giờ, giặc Pháp đã hoàn toàn chiếm được những nơi hiểm yếu và củng cố vị trí đang đứng chân.
Khi đến Võ miếu, Hoàng Diệu đã bình tâm viết “Di biểu” (Biểu để lại) như sau (Hoàng Tạo dịch): “Tôi học lực thô sơ, trách nhiệm quá lớn, được ủy thác được giữ cả một phương diện, trong khi ba cõi chưa yên. Một gã thư sinh, vốn chưa quen việc chính trị, mười năm hòa ước, tin sao được lòng dạ kẻ thù.
Xem thêm : Những lời chúc giáng sinh cho khách hàng, đối tác hay
Tôi từ khi vâng mệnh ra đây, đã được ba năm, thường huấn luyện quân sĩ, sửa sang thành trì, không những chỉ để củng cố đất ta, mà còn để ngăn chận loài lang sói nữa. Dè đâu chim còn đang ràng tổ, thú đã vội thay lòng, ngày tháng hai năm nay bỗng thấy tầu Tây tụ tập, đồn quân thêm nhiều, quân nó từ xa đến, lòng dân ta xôn xao.
Tôi thiết nghĩ Hà Nội là cổ họng của miền Bắc, mà là đất trọng yếu của nước nhà, nếu một khi mà sụp đổ, thì các tỉnh khác cũng tan rã theo, vì thế tôi lấy làm lo sợ, một mặt kíp tư cho các tỉnh lân cận, một mặt báo tin lên triều đình, xin cho thêm quân để kịp đối phó. Không ngờ mấy lần có chiếu xuống: hoặc trách tôi là nắm bính quyền mà lòe nạt, hoặc kết tội tôi là xử lý chưa được thích nghi; cúi đọc lời phán truyền, thực nghiêm khắc hơn rìu búa! Kẻ dưới quyền thất vọng, khôn tính bước tiến lùi.
Vẫn biết rằng chuyên chế kém tài, đâu dám cậy cái nghĩa bậc đại phu ra giữ bờ cõi, chỉ nơm nớp tự mình nhắc nhở, phải kính theo tấm lòng thờ vua của người xưa. Hàng ngày bàn bạc với đôi ba người chức việc, có người bàn nên mở cổng cho chúng tự do ra vào; có người bàn nên rút hết quân đi, để chúng khỏi ngờ vực. Những kế đó dù tôi có thịt nát xương tan, cũng không bao giờ nỡ làm.
Việc điều động chưa xong thì chúng liền giở mặt. Ngày mồng 7 tháng này, chúng hạ chiến thư, ngày hôm sau là chúng tiến đánh, quân chúng đông như kiến tụ, súng chúng gầm như sấm vang: ngoài phố lửa cháy tràn lan, trong thành ai nấy táng đởm, tôi vẫn gượng bệnh đốc chiến, đi trước quân lính, bắn chết được hơn trăm tên, giữ thành được nửa ngày. Vì chúng sung sức mà quân ta kiệt hơi rồi, lại thêm tuyệt đường cứu viện, thế lâm đã cùng, quan võ thì sợ giặc chạy trốn từng đàn, quan văn nghe gió cũng chạy theo nốt!
Lòng tôi đau như cắt, một tay không thể duy trì. Đã không tài làm tướng, than thân sống chết cũng bằng thừa; thành mất cứu không xong, biết chắc chết không hết tội. Rút lui để mà tính toán về sau ư? Mưu trí đã thua Tào Mạt, cắt cổ để cho tắc trách, hành vi đành bắt chước Trương Tuần. Dám rằng trung nghĩa gì đâu, chẳng qua là sự thế phải thế. Trung nguyên mà đắm chìm thành đất giặc, sống cũng sạn mặt với nhân sĩ kinh kỳ, cô trung quyết sống thác với Long thành, thì xin theo bậc tiên thần họ Nguyễn (tức Nguyễn Tri Phương) dưới chín suối.
Mấy dòng lệ máu, muôn dặm cửa trời, chỉ mong rực rỡ đôi vầng, xét soi tấm lòng son là đủ!”
Viết xong, tưởng chừng như trút cả tâm lực mà trăng trối với hậu thế, Hoàng Diệu đặt Di biểu trước ngãi trống ở Hành cung, rồi ông thắt cổ chết trên một cành cây tại Võ Miếu. Đó là ngày 25/4/1882 (tức ngày 8 tháng 3 năm Nhâm ngọ). Trong Hà thành chính khí ca có đoạn viết: “Một cơn gió thảm mưa sầu/ Nấu nung gan sắt, dãi dầu lòng son/ Chữ trung còn chút cỏn con/ Quyết đem gửi cái tàn hồn gốc cây/ Trời cao, biển rộng, đất dầy/ Núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi/ Thương thay gặp buổi truân nguy/ Lòng riêng ai chẳng thương vì người trung”. Người Hà Nội vô cùng đau đớn. Ngay hôm sau, nhiều người tụ họp lại, sắm sửa tử tế, rước thi hài của Hoàng Diệu từ trong thành ra, tổ chức khâm liệm và mai táng tại khu vườn Dinh Đốc học (nay là địa điểm khách sạn Royal Star ở đường Trần Quý Cáp cạnh chợ Ngô Sĩ Liên, sau ga Hà Nội) và khóc bằng những bài thơ thống thiết như:
…Võ Miếu treo cây dây tiết nghĩa,
Nùng sơn đá tạc chữ cương thường.
Thành năm Quý Dậu nào ai trách,
Chính khí nào ai thẹn tuyết sương.
(Viếng Hoàng Diệu)
hoặc:
… Sống thừa ngày nọ tâm còn thẹn,
Giặc nghịch năm nao sợ rụng rời.
Nghìn thuở núi Nùng nêu chính khí,
Anh hùng đến đấy, lệ tuôn rơi.
(Sĩ tử Hà thành viếng Hoàng Diệu)
Mỉa mai thay, ngay sau khi Hoàng Diệu mất, Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng – lúc giặc tấn công thành giả vờ ốm, trốn chui nhủi trong Hành cung – thì nay quyết… nhịn ăn để chết cho trọn lòng với nước! Nhưng chỉ nhịn được… ba ngày thì Tôn Thất Bá vác xác đến bàn với y là cùng đứng ra nhận lại thành do Pháp giao cho, y cắm mặt xuống đất mà nhận lời!
Cái chết oanh liệt của Hoàng Diệu đã khiến mọi người thương tiếc khôn nguôi. Đối với Henri Rivière, y thú nhận “Ông ấy là người bình tĩnh và cương quyết. Nay ông chết là có lợi cho ta lắm. Do sự can đảm và ảnh hưởng của ông, nếu ông còn sống là gây nhiều rắc rối cho ta nhất là nếu ông liên kết với Hoàng Kế Viêm ở thành Sơn Tây”. Thật ra điều mà y lo sợ thì Hoàng Diệu cũng đã nghĩ đến, nhưng rất tiếc kế hoạch này đã không được vua Tự Đức chấp thuận!
Tin Pháp thắng trận đã khiến dư luận chính quyền Pháp ở Sài Gòn và chính quốc rất hả hê. Triều đình nhà Nguyễn và vua Tự Đức vẫn ngây thơ tin rằng, nếu ta khôn khéo thương lượng thì giặc sẽ trả lại thành Hà Nội như chín năm trước và tình hình sẽ ổn định.
Nhưng mọi phán đoán trên đều sai lầm.
Đầu năm 1883, sau khi có thêm viện binh, Henri Rivière lập tức tung quân lên đánh chiếm vùng mỏ Hòn Gai, Quảng Yên nhằm khống chế và bảo đảm cho quyền lợi của người Pháp trên vùng biển Bắc kỳ. Thừa thắng xông lên, chúng lại kéo quân từ Hà Nội xuống đánh chiếm Nam Định… Điều mà vua Tự Đức không ngờ là tinh thần của dân quân không ươn hèn như bản thân của ngài, họ đã dũng cảm chiến đấu gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc.
Đây cũng là thời điểm mà hai người con trai Hoàng Diệu từ Quảng Nam ra Hà Nội lo liệu đưa thi hài thân sinh về an táng ở quê quán vào mùa thu năm ấy.
Hiện nay, khu lăng mộ Hoàng Diệu, theo quyết định ngày 25/1/1994 của Bộ Văn hóa Thông tin, được công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa của nước nhà. Sau lần trùng tu thứ nhất năm 1982, ngày 3/4/1998 công cuộc trùng tu lần thứ hai khu lăng mộ đã hoàn thành. Khang trang và khiêm tốn giữa một vùng đồng quê văn vật, trên diện tích khuôn viên khoảng 1.600 mét vuông, công trình này mãi mãi tồn tại trong lòng ngưỡng mộ của người dân đất Quảng và của cả nước.
Đánh giá về vai trò của Tổng đốc Hoàng Diệu, sau này nhà sử học Đinh Xuân Lâm nhận xét xác đáng: “Tấm lòng “cô trung thề với Long thành” của Hoàng Diệu sở dĩ không có điều kiện thực hiện, nguyên nhân chính là do sự hèn nhát, bất lực của triều đình Huế và của vua Tự Đức, không những đã không có biện pháp đối phó thích hợp và kịp thời, mà còn ngăn cản, kìm chế người khác hành động. Kết quả làm cho thành Hà Nội, lẽ ra phải là một căn cứ đề kháng mạnh của Bắc kỳ và cả nước, thế mà đã bị lâm vào một tình thế “cô thành”, để rồi nhanh chóng rơi vào tay giặc. Cái chết lẫm liệt của Hoàng Diệu đã gây xúc động lớn trong sĩ phu, văn thân và nhân dân, văn thơ ca ngợi ông đã phản ánh sự đánh giá cao của những người đương thời. Ngay đối thủ Henri Rivière cũng phải tỏ lòng ngưỡng mộ: “Quan tổng đốc là một người quân tử. Việc ông tự tử đã chứng minh điều đó”. Chính cái chết oanh liệt của Hoàng Diệu đã có tác dụng thúc đầy tức thời phong trào kháng chiến lên một bước, dẫn tới chiến thắng Cầu Giấy lần thứ 2 sau đó (19/5/1883), chỉ huy giặc Henri Rivière đã phải đền tội”.
Sau này, trong cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc Pháp, tên ông được Thành ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Hà Nội đặt cho Đội Tự vệ Cứu quốc Hoàng Diệu – làm hạt nhân để tổ chức các lực lượng vũ trang tại các Liên khu kháng chiến trong Mặt trận Hà Nội, sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh toàn quốc kháng chiến.
(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức