Phép biện chứng chất phác trong triết học Lão Tử

0

Phép biện chứng của Lão Tử là sự phát triển tư tưởng về sự biến dịch trong “Kinh Dịch”. Theo ông toàn bộ thế giới là một cuộc đại chuyển tiếp không ngừng. Thuật ngữ “Đạo trường” trong “Đạo đức kinh” thường đồng nghĩa với Dịch – đó là sự chuyển biến, thay đổi của vạn vật. Trong sự vận động, biến đổi đó tất cả chỉ là tương đối, chỉ là một giai đoạn của dòng chuyển hoá vô tận. Sự vận động của vạn vật không phải là hỗn loạn mà tuân theo những quy luật tất yếu của tạo hoá. Đây là những quy luật nghiêm ngặt, không sự vật nào đứng ngoài quy luật đó kể cả trời, đất, thần linh.

Toàn thể vũ trụ, theo Lão Tử, bị chi phối bởi hai quy luật phổ biến là: luật quân bình và luật phản phục. Luật quân bình là giữ cho vận động được thăng bằng không để cho cái gì thái quá, thiên lệch hay bất cập. Cái gì khuyết sẽ được tròn đầy, cái gì cong sẽ được thẳng, cái gì vơi dễ được bồi đắp cho đầy, cái gì cũ thì sẽ đổi mới lại. Đó là Đạo tự nhiên.

Biểu tượng của luật quân bình là nước. Nước có bản tính mềm mại, gặp chỗ trống thì chảy vào, gặp chỗ đầy dư thì chảy ra, lánh cao mà tìm thấp. Vì thế nó ngày đêm chảy mãi không ngừng, lên trên thành mưa thấm nhuần vạn vật, xuống dưới thì thành sông lạch tưới mát muôn loài.

Chính nhờ luật quân bình mà vạn vật tồn tại, biến đổi không ngừng theo một trật tự tự nhiên, nhất định. Luật quân bình chống lại những gì thái quá trái với sự điều hoà của tự nhiên. Để chống lại những gì thái quá, nó thường lấy nhu thắng cương, nhược thắng cường: “Nhón gót lên thì không đứng vững. Xoạc chân ra thì không bước được. Tự xem là sáng thì không sáng. Tự xem là phải thì không chói”.

Theo Lão Tử, trong quá trình vận động, biến đổi, khuynh hướng tất yếu của vạn vật là trở về trong Đạo, trở về với tĩnh lặng, hư không theo luật “phản phục”. Lão Tử gọi luật đó là “trở lại của đạo”.

Luật “phản phục” ở Lão Tử có hai nghĩa:

Phản phục có nghĩa là vạn vật biến hoá trao đổi cho nhau theo một vòng tuần hoàn đều đặn, kế tiếp, nhịp nhàng bất tận như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thay đổi, qua lại. Đây là luật bất di, bất dịch của tự nhiên. Các sự vật cứ “Mờ mờ thấp thoáng”, lúc sinh, lúc tử, lúc yếu, lúc mạnh, khi đầy, khi vơi… dưới sự tác động của luật phản phục, hễ “Âm cực thì Dương sinh”, “Dương cực thì Âm sinh”, trăng tròn rồi trăng lại khuyết…

Phản phục còn có ý nghĩa trở về với Đạo, tự nhiên, vô vi. Trở về với Đạo tự nhiên. Vô vi là trở về với chính bản tính tự nhiên của mình, không thái quá, không bất cập. Như vậy thì “không làm gì cả, mà không gì không làm”. Sự trở về với tự nhiên, vô vi, tĩnh lặng là tất yếu vì: “Nặng là gốc của nhẹ, tĩnh là chủ của động”. “Đến chỗ cùng cực, hư không là giữ được vững được trong cái tĩnh”. “Vạn vật đều cùng sinh ra ; ta lại thấy nó trở về cái gốc”. Ôi mọi vật trùng trùng đều trở về cội rễ của nó.

Theo Lão Tử, nếu không trở về Đạo tự nhiên, vô vi, cố tình can thiệp vào cái bản tính tự nhiên của tạo hoá, là chuốc lấy thất bại: “Nếu trời không trong sẽ vỡ. Đất không yên sẽ lở. Hang không đầy sẽ cạn. Vạn vật không sống sẽ dứt”.

Vậy sự trở về với Đạo có nghĩa là sự hoà nhập, đồng nhất với cái tĩnh lặng, mộc mạc, thuần phác, tự nhiên của Đạo. Như thế cũng có nghĩa là đã giữ được đạo để mà lâu bền: “Trời được một mà trong. Đất được một mà yên. Thần được một mà linh. Hang được một mà đầy. Muôn vật được một mà sống”.

Mọi sự vật biến động, biến đổi, theo Lão Tử có nguồn gốc từ trong bản thân sự vật. Mỗi vật đều là thể thống nhất của hai mặt đối lập, vừa tương hoà, vừa xung khắc, vừa đối lập lại vừa liên hệ, ràng buộc bao hàm lẫn nhau và không thể thiếu được nhau. Lão Tử viết: “Trong vạn vật, không vật nào mà không cõng âm, bồng dương, nhân chỗ xung nhau mà hoà vào nhau”.

Cũng như “Kinh dịch” nói: “Vạn vật phụ âm nhi bão dương”. Lão Tử cho rằng hai mặt đối lập trong sự vật vừa dung hoà, bao hàm nhau nhưng lại vừa xung khắc với nhau và giữa sự xung đột này, chúng luôn tuân theo một luật quân bình để điều hoà nhau (xung khí dĩ vi hoà). Như vậy, tư tưởng về mâu thuẫn biện chứng đã đạt tới trình độ khá sâu sắc và trở thành cốt lõi trong phép biện chứng của Lão Tử. Ông đã chỉ ra được bản chất thực sự của mọi sự mâu thuẫn – đó là mối quan hệ biện chứng giữa động và tĩnh giữa thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Vì mối quan hệ biện chứng của các mặt đối lập chính là nguồn gốc của mọi sự vận động, biến đổi. Nhưng các mặt đối lập trong các sự vật, hiện tượng có thể chuyển hoá cho nhau.

Theo ông một sự vật trong một chu kì phát triển đến cực điểm, chúng sẽ chuyển thành mặt đối lập với chính nó. Vì thế mà “Gió to không thể thổi suốt buổi mai, mưa lớn không mưa suốt ngày”, “Họa là tựa của phúc, phúc là chỗ náu của hoạ”…

Tuy nhiên, theo Lão Tử, sự đấu tranh, chuyển hoá của các mặt đối lập không theo hướng phát triển, xuất hiện cái mới mà theo vòng tuần hoàn của luật “phản phục”. Hơn nữa Lão Tử không chủ trương giải quyết mâu thuẫn bằng đấu tranh của các mặt đối lập mà ông chủ trương lấy cái tĩnh, cái vô vi, cái điều hoà để tạo thành sự chuyển hoá. Sự chuyển hoá của các mặt đối lập ở Lão Tử, chính là sự điều hoà theo luật quân bình.

Như vậy chính hai luật phổ biến trong Đạo đã làm cho phép biện chứng của Lão Tử mất sinh khí và có tính chất máy móc, lặp đi lặp lại có tính chất tuần hoàn.

Lão Tử cũng đã xây dựng một loạt các mâu thuẫn trong tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, đạo đức, quan hệ ứng xử xã hội, để giải quyết theo chủ trương điều hoà của ông và còn được nâng lên như một nghệ thuật sống như: động và tĩnh, nóng và lạnh, thấp và cao, mềm và cứng, hữu và vô, còn và mất, thọ và yểu, thiện và ác, tốt và xấu, hưng và vong… Các mặt đối lập đi đôi với nhau thì vạn vật mới tươi tốt, mới thuận hoà, còn khi chúng phát triển đến cực thịnh thì chúng sẽ biến thành cái đối lập với bản thân mình. Vì thế Lão Tử viết: “Sắp muốn thu lại, ắt hãy mở ra lấy; sắp muốn làm yếu đi, ắt hãy làm mạnh lên, muốn bỏ phế đi, hãy làm cho hứng lên, muốn đoạt lấy, hãy cho đi. Thế gọi là sâu kín mà sáng sủa, mềm yếu thắng mạnh cứng…”.

Phép biện chứng của Lão Tử tuy còn ở trình độ ngây thơ, chất phác, mang tính trực quan cảm tính, song ông đã trình bày nhiều tư tưởng hết sức cô đọng, nhưng sâu sắc về vận động, về quy luật, về mâu thuẫn. Điều đáng tiếc là cái thực chất của phép biện chứng là sự phát triển thì Lão Tử không hề nhắc tới, thậm chí khi vận dụng nó vào trong đời sống xã hội, ông còn lên án nó là nguồn gốc của mọi đau khổ và bất hạnh.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.