Triết lí nhân sinh trong triết học Mạnh Tử

0

Mạnh Tử họ Mạnh tên Kha, tự là Tử Dư (372 – 289), dòng dõi của Mạnh Tôn Thi, thuộc dòng họ vua nước Lỗ. Từ nhỏ, Mạnh Tử đã được mẹ giáo dục theo lễ giáo phong kiến rất chặt chẽ.

– Tư tưởng chủ yếu nhất trong học thuyết của Mạnh Tử là vấn đề triết lí nhân sinh, mà trọng tâm của nó là học thuyết về “Tính thiện”. Sự bác bỏ tư tưởng của Dương, Mặc cũng như việc đề xướng chính sách “nhân nghĩa” của ông đều căn cứ vào chủ thuyết này.

– Thời Mạnh Tử, khi bàn về bản tính con người, có ba quan điểm chính : phái Cáo tử cho rằng, tính người ta không thiện cũng không ác. Một phái khác cho rằng, tính người có thể thiện cũng có thể ác, tuỳ theo hoàn cảnh. Phái thứ ba lại khẳng định, tính khác nhau tuỳ theo người, có người bản tính thiện, có người bản tính ác.

– Bác bỏ tất cả những thuyết trên, Mạnh Tử cho rằng : “Bản chất con người ta là thiện. Còn như người ta có làm những điều bất thiện, chẳng qua là họ theo tự dục của mình, chứ không phải bản tính con người ta là như vậy. Nhưng tại sao bản tính con người là thiện và tính thiện của con người ta do đâu mà có ? Mạnh Tử đã đưa ra ba căn cứ để lí giải : Tính thiện của con người được biểu hiện ở bốn đức lớn : nhân, nghĩa, lễ, trí. Bốn đức lớn đó bắt nguồn ở “tứ đoan”, bốn đầu mối của thiện : người ta ai cũng có lòng trắc ẩn, lòng u tố, lòng từ nhượng và lòng thị phi. Lòng thương xót là đầu mối của nhân, lòng thẹn, ghét là đầu mối của nghĩa, lòng cung kính là đầu mối của lễ, lòng thị phi là đầu mối của trí. Thiện đoan ấy là cái chất vốn có của con người, Trời phú cho ta như mầm cây vốn có trong hạt giống, tự nhiên như thân thể vốn có tứ chi. Nếu biết nuôi dưỡng, khuyếch sung thiện đoan thì như lửa bắt đầu cháy, suối bắt đầu chảy, mỗi ngày một lớn ra, mạnh thêm.

Còn nếu không biết gìn giữ và khuyếch sung thiện đoan ấy, để nó mai một đi, sẽ trở nên nhỏ nhen, ti tiện, không khác gì cầm thú, dẫu việc thường như thờ cha mẹ cũng không làm được. Con người chỉ khác với cầm thú có mảy may đó thôi, mà chỗ giống nhau thì nhiều. Người có tính thiện, là biết giữ phần quý, bỏ phần hèn, giữ cái cao đạo, bỏ phần ti tiện, có thể trở thành thánh nhân.

– Bản tính con người ta là thiện, theo Mạnh Tử còn vì “tính là cái chung, cái bản chất của một loài”, đã là loài người thì người ta ai cũng đều có chung cái mầm thiện vốn có và ai cũng đều có các quan năng do Trời phú cho mỗi người để nhận biết, phân biệt phải trái, tốt xấu như nhau. Với tài chất và quan năng thiên phú giống nhau đó, người ta ai cũng có thể trở thành thánh nhân. Mạnh Tử viết : “Phàm những vật đồng loại đều mang một bản chất giống nhau. Tại sao đối với con người ta lại nghi ngờ điều đó ? Các bậc thánh nhân và chúng ta đều đồng loại…”.

– Hơn nữa, tính thiện của con người ta đều bắt nguồn từ “tâm” của mỗi con người. “Tâm” là cái chủ thể trong tinh thần, là cái thần linh Trời phú cho ta, là cơ quan để suy nghĩ, nhờ tâm mà ta phân biệt mọi điều phải trái, thiện ác… đủ để ứng đối với vạn vật, vạn sự, cho nên còn gọi là “lương tâm”. Đó là cái tự ta biết, Trời sinh ra đã có, cái biết “tiên nhiên” (apriori) hay còn gọi là “sinh tri”. Tâm ta sở dĩ tự biết được nhân, nghĩa, lễ, trí là vì tâm nhờ có “lương năng” (cái người ta sinh ra không cần suy nghĩ mà biết). Cho nên Mạnh Tử nói : “Thiện đoan” là cái “trong ta vốn có, không phải do bên ngoài nung đúc cho ta”. Chỉ vì ta đắm đuối vào vật dục nên cái tâm của ta nó mờ tối đi, không còn giữ được cái bản nhiên sáng suốt, bỏ mất mầm thiện trong tâm mình, nên tính mới trở thành bất thiện.

Vì tâm là cơ quan chủ thể trong tinh thần con người, nên Mạnh Tử chủ trương phải “tồn kì tâm, dưỡng kì tính”. “Tồn tâm dưỡng tính” đó là sự giữ gìn, bồi dưỡng, không làm tổn hại hay làm mất thiện tâm, thiên tính, thiên tước Trời phú cho ta, ta khuyếch sung, phát triển tâm tính cho lớn lên, sáng láng theo lẽ tự nhiên, như cái tâm đức trẻ sơ sinh, chưa hoen ố bụi trần.

Mạnh Tử cho rằng, những người không tồn tâm dưỡng tính là những người “Nói không phải lễ nghĩa, gọi là tự hại mình. Thân không ở nhân, không theo điều nghĩa gọi là tự bỏ mình”. “Còn nếu khéo bồi dưỡng thì không vật nào là không sinh trưởng”.

Trong con người, cùng với “tâm”, “tính” hay tinh thần còn có phần “khí”. “Khí” lưu hành khắp vũ trụ, ngưng tụ lại thành hình nên mới có vạn vật và con người. Nhờ có khí lưu hành trong cơ thể, mà con người mới có sự sinh trưởng. Nhưng “khí” tồn tại không tách rời “tâm”. Khí và trí, vật chất và tinh thần tồn tại liên hệ với nhau làm thành một cơ thể sống. Trong đó ý chí, phần tinh thần trong con người là “vị nguyên soái điều khiển cái khí”. Cả “tâm” và “khí” phải giữa được điều hoà thì con người mới tồn tại, sinh trưởng. Do vậy, cùng với “tồn tâm dưỡng tính” phải dưỡng khí. Mạnh Tử nói : “Trí là vị chủ soái điều khiển cái khí, còn khí là phần sung túc lưu thông trong thân thể con người”. Khi cái khí chuyên nhất về một điều nào đó thì nó động đến cái khí. Bản thể của khí là tự nhiên, rất mạnh và bao khắp cả trời đất, nên gọi là “hạo nhiên khí”.

Phương pháp dưỡng “khí hạo nhiên” của Mạnh Tử là phải phối hợp việc nghĩa với việc đạo. Muốn vậy phải hiểu đạo lí, theo đạo và tập nghĩa. Tập nghĩa là luôn làm việc thiện, không làm điều gì trái với lương tâm, làm một cách thường xuyên, bền bỉ, không sao nhãng, không nóng  vội, và phải tuân theo lẽ tự nhiên, thì hạo nhiên khí sẽ tự mạnh lên, có thể hoà với trời đất.

Để bảo tồn và phát triển tâm tính của con người, Mạnh Tử chủ trương cần phải có sự rèn luyện, giáo dục đạo lí cho con người. Trong giáo dục đạo lí, nhân nghĩa, theo ông, cần phải có chuẩn mực. Chuẩn mực ấy không có gì khác hơn là đức độ, đạo lí của thánh hiền gọi là “pháp tiên vương”. Theo chuẩn mực đó, Mạnh Tử đòi hỏi người học phải chuyên tâm, trì chí, khiêm nhượng, cầu tiến, không khi nào tự cho mình đã là người hoàn toàn. Mặt khác, ông cũng đòi hỏi người dạy phải luôn tự sửa lấy mình, giữ tâm mình cho chính, vì nếu “mình cong queo không thể nào sửa cho người khác ngay thẳng được”.

Như vậy, trong học thuyết về luân lí, đạo đức Mạnh Tử đã khẳng định bản tính của con người là thiện, nó bắt nguồn từ tâm do Trời phú cho con người. Và ý chí của con người chi phối khí.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.