Triết học Hậu Mặc – Quan điểm duy vật trong nhận thức luận
Sang thời kì Chiến quốc, học thuyết triết học của Mặc gia đã bị các trường phái triết học khác phê phán gay gắt. Về mặt đạo đức luân lí, các Nho giáo và Pháp gia như Mạnh Tử, Tuân Tử và Hàn Phi đã cho rằng chủ nghĩa “Kiêm ái”, “Thượng đồng”, “Tiết táng”… của Mặc Tử là “không nhận có cha và không nhận có vua, chẳng khác nào cầm thú”, là “lấy lòng bội bạc mà thờ cha mẹ”… Đó là “tà thuyết làm bế tắc con đường nhân nghĩa”.
Để bảo vệ và phát triển tư tưởng của Mặc Tử, một môn phái triết học thời Chiến quốc đã ra đời, gọi là các triết gia hậu Mặc, gồm Mặc học của bọn Ngũ hầu, Tướng Lý Cần và Kẻ Mặc phương Nam có Khổ Hoạch, Dĩ Xỹ, Đăng Lăng Tử (theo Trang tử) hay Mặc học của họ Tướng Lý, Tướng Phu và họ Đăng Lăng.
Bạn đang xem: Triết học Hậu Mặc – Quan điểm duy vật trong nhận thức luận
Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm, nguỵ biện thời Chiến quốc, phái hậu Mặc đã loại bỏ thế giới quan tôn giáo của họ Mặc, phát triển những tư tưởng triết học trên cơ sở sự phát triển của sản xuất và tổng kết những thành quả của khoa học tự nhiên thời bấy giờ. Căn cứ vào sự vận động của vật chất, lấy sự biến hoá và vận động để giải thích sự di động trong không gian và sự tăng giảm số lượng. Họ cho rằng, hình thái của sự vật dù thay đổi thế nào, tồn tại vật chất cũng không thể bị tiêu diệt. Họ cũng tiến hành nghiên cứu vấn đề thời gian, không gian và cho rằng thời gian, không gian liên hệ khăng khít với sự vận động của cơ thể, vật thể vận động trong thời gian đồng thời cũng có nghĩa là đang vận động trong không gian.
Đặc biệt, các triết gia hậu Mặc đã phát triển nhân tố duy vật trong nhận thức luận của Mặc Tử thời kì đầu và đã xây dựng lên học thuyết về nhận thức trên quan điểm duy vật để đấu tranh với các học thuyết nguỵ biện và chủ nghĩa duy tâm. Họ cho rằng, muốn nhận thức được sự vật bên ngoài, trước hết phải thông qua khí quan cảm giác hay những “quan năng”, “cái nhờ đó ta biết vật”, gồm có năm giác quan hay còn gọi là “ngũ lộ” : tai, mắt, mũi, miệng, thân.
Xem thêm : Giá trị xã hội là gì?
Đó là yếu tố đầu tiên của quá trình nhận thức. Nhưng chỉ có những giác quan đó thôi, thì tự nó chưa thể hình thành nên những cảm giác, những tri thức về sự vật. Các giác quan của chủ thể nhận thức phải nhờ sự tác động của các đối tượng nhận thức, mới mang lại cho ta hình dáng của sự vật. Vậy, “cảm quan tiếp xúc với sự vật bên ngoài, có thể mô phỏng được hình dáng của chúng” là yếu tố thứ hai của nhận thức. “Kinh thượng” nói : “biết là tiếp nhận : (tri tiếp dã). “Kinh thuyết thượng” giải thích rõ : “Hiểu biết là các quan năng nhận thức gặp đối tượng và có thể biết được hình dáng của nó”.
Để nhận thức đúng đắn và sâu sắc hơn về sự vật, hiện tượng, con người ta phải nhờ có “tâm”. “Tâm” chính là hoạt động của tư duy, tiến hành phân tích, so sánh, tổng hợp, trừu tượng hoá, khái quát hoá các thuộc tính, các mặt của sự vật mà cảm giác đem lại. “Kinh thượng” viết : “biết là rõ vậy”. “Kinh thuyết thượng” giải nghĩa thêm : “biết do suy luận sự vật đó nên hiểu biết được rõ ràng”. Để cho cảm giác của con người về sự vật được liên kết, tổng hợp lại với nhau thành một chỉnh thể, giúp ta nhận thức được sự vật, hiện tượng như nó đang tồn tại, theo phái hậu Mặc, nhận thức của con người phải nhờ có tác dụng của thời gian và không gian.
Một viên đá cứng và trắng, mắt ta chỉ nhìn thấy nó trắng mà không thấy nó cứng ; ngược lại, tay ta chỉ biết nó cứng mà không biết được nó trắng. Tại sao ta có thể cùng một lúc biết được viên đá cứng, trắng như nó đang tồn tại ? Đó là do tư duy hay “tâm” ; nhờ có không gian và thời gian liên kết, tổng hợp các cảm giác lại mà biết vậy. Tác dụng của không gian và thời gian, theo Mặc gia, còn biểu hiện ở chỗ, nhờ chúng mà ta có thể tưởng tượng kí ức về sự vật mà không cần tiếp xúc trực tiếp với sự vật.
Trong việc phân loại tri thức, các triết gia hậu Mặc đã phân ra như sau : Về mặt nguồn gốc, có ba loại tri thức: một là “Văn tri”, là hiểu biết đạt được do sự truyền thụ của người khác ; hai là “Thuyết tri”, là tri thức do sự hoạt động suy luận của tư duy đem lại ; ba là “Thân tri”, là tri thức do sự quan sát, đúc kết kinh nghiệm của bản thân mà có. Phái hậu Mặc đưa ra bốn loại hiểu biết : một là hiểu biết về “danh”, hai là hiểu biết về “thực”, ba là hiểu biết về “hợp”, bốn là hiểu biết về “hành động”. Trong sự hiểu biết về “danh” và “thực”, “Kinh thuyết hạ” viết : “Danh là cái nhờ đó mà ta gọi vật, thực là cái được ta gọi qua danh”. “Danh dùng để nêu lên cái thực”. Phái hậu Mặc đã chia danh ra làm ba loại : “danh chung”, “danh từng loại”, “danh riêng”. Thực chất ba loại danh ấy như là những phạm trù “cái phổ biến”, “cái riêng” và “cái đơn nhất”. Hiểu biết về hành động là thông qua sự khảo nghiệm cảm tính trực tiếp trong đời sống để xem xét trong hành động thực tế có thể phân biệt được sự vật cụ thể mà khái niệm phản ánh hay không.
Xem thêm : Acc Dragon City Miễn Phí 2023, Nick Dragon City Free
Trong cuộc đấu tranh chống học thuyết nguỵ biện, phái hậu Mặc đã xây dựng lên khoa học lôgíc trên cơ sở nhận thức luận duy vật. Họ cho mục đích của tranh luận là để chống nguỵ biện và tìm chân lí. Họ chỉ ra tám công dụng của biện luận : một là để tỏ lẽ thị phi, hai là xét mối trị loạn, ba là tỏ chỗ đồng dị, bốn là để xem xét danh và thực, năm là xử việc lợi hại, sáu là quyết sự hiềm nghi, bảy là tìm lẽ tất nhiên hay tính tất yếu của sự vật, tám là để đối chiếu so sánh các ý kiến khác nhau, tìm ra đúng sai khi tranh luận.
Các triết gia hậu Mặc cũng đưa ra sáu phương pháp biện luận : một là phép Hoặc, hai là phép Giả, ba là phép Bắt chước, bốn là phép So sánh, năm là phép Tương tự, và sáu là phép Suy. Trong các phép biện luận, phái Hậu Mặc cho rằng, khi lập câu (mệnh đề) phải sát với thực tế, phải lựa chọn một cách đúng đắn những vật đem ra so sánh, nghĩa là phải rõ loại của nó, nếu không, việc lập luận sẽ luẩn quẩn và tối nghĩa. Ví dụ nói “cây và đêm cái nào dài hơn”, “trí tuệ và hạt lúa cái nào lớn hơn” là không hợp loại với nó, là vô nghĩa.
Căn cứ vào những quan điểm trên đây, phái Hậu Mặc đã đả kích mạnh mẽ chủ nghĩa hoài nghi và thuyết bất khả tri của môn phái Trang Chu. Họ chỉ ra rằng, phải trái có thể phân biệt được, thông qua tranh luận có thể đạt đến chân lí. Họ đề ra quan điểm “phù hợp thì thắng”, ý kiến nào phù hợp với thực tế là ý kiến đúng và trong tranh luận, ý kiến đúng tất nhiên thắng lợi. Phái Hậu Mặc cũng đã phê phán, bác bỏ nhân tố duy tâm trong học thuyết của phái Công Tôn Long và chỉ ra rằng, “nóng” là thuộc tính khách quan mà bản thân lửa vốn có, nó tồn tại độc lập đối với con người, không phụ thuộc vào cảm giác chủ quan con người ; tính chất “cứng, trắng” tồn tại trong hòn đá cũng không phải là do cảm giác chủ quan của con người đưa đến mà chúng tồn tại khách quan, liên hệ thống nhất với nhau trong viên đá trắng và cứng, cũng như chiều dài và chiều rộng của sự vật, không thể tách rời ra được.
Mặc dù trong học thuyết của phái Hậu Mặc còn có khuynh hướng chủ nghĩa máy móc và siêu hình, nhưng tư tưởng triết học của họ đã đạt tới một hệ thống hoàn chỉnh, nhất là trong lí luận nhận thức, lôgíc học. Học thuyết của họ là sự phản ánh trình độ phát triển của khoa học tự nhiên thời bấy giờ và là đại biểu cho lợi ích của tầng lớp công thương nghiệp đang trên đà phát triển độc lập, đối lập với quan điểm và quyền lợi của giai cấp quý tộc cũ đương thời ở Trung Quốc cổ đại.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức