Kinh tế đối ngoại là gì? Lợi ích và các hình thức
Kinh tế đối ngoại là gì? Các lợi ích, hình thức chủ yếu của kinh tế đối ngoại. Tìm hiểu Kinh tế đối ngoại trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Nội Dung
Kinh tế đối ngoại là gì?
Kinh tế đối ngoại là tổng thể các quan hệ kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của một quốc gia nhất định với các quốc gia khác hoặc với các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế, được thực hiện dưới nhiều hình thức, hình thành và phát triển trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất và phân công, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bạn đang xem: Kinh tế đối ngoại là gì? Lợi ích và các hình thức
Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại đã và đang là xu hướng tất yếu với hầu hết các nước. Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại bắt nguồn từ yêu cầu của quy luật về sự phân công và hợp tác quốc tế giữa các nước từ sự phân bố tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển không đều về kinh tế – kỹ thuật giữa các nước. Trong mấy chục năm gần đây sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học – công nghệ và tác động của nó đã khiến cho việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia. Cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình quốc tế hóa đời sống kinh tế. Cùng với đó, toàn cầu hóa kinh tế cũng khẳng định tính tất yếu khách quan của mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế.
Lợi ích của mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại
Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại mang lại lợi ích to lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta.
– Góp phần nối liền sản xuất và trao đổi trong nước với sản xuất và trao đổi quốc tế, nối liền thị trường trong nước với thị trường khu vực và thế giới, mở rộng thị trường ra bên ngoài, đồng thời góp phần phát triển thị trường trong nước.
– Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nước ta sẽ khai thác được các nguồn lực bên ngoài vô cùng quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đó là nguồn vốn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
– Tạo điều kiện khai thác và phát huy có hiệu quả lợi thế so sánh, các nguồn lực trong nước, kết hợp nguồn lực trong nước với nguồn lực bên ngoài, mở rộng không gian và môi trường để phát triển kinh tế.
– Góp phần thúc đẩy tăng trường kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân.
– Góp phần đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tất nhiên, những lợi ích to lớn của mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại chỉ đạt được khi hoạt động kinh tế đối ngoại vượt qua được những thách thức của toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế và giữ đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các hình thức kinh tế đối ngoại chủ yếu hiện nay
Kinh tế đối ngoại có các hình thức chủ yếu sau:
1. Hợp tác trong lĩnh vực sản xuất
Bao gồm gia công, xây dựng xí nghiệp chung, chuyên môn hóa và hợp tác hóa sản xuất quốc tế.
- Nhận gia công: Đây là hình thức tận dụng nguồn lao động trong nước để gia công hàng hóa cho nước ngoài. Hình thức này có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết việc làm và tận dụng máy móc hiện có, phù hợp với điều kiện các ngành có hàm lượng lao động cao, đồng thời qua đó mở rộng quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới.
- Xây dựng những xí nghiệp chung với sự hùn vốn và công nghệ từ nước ngoài.
Xem thêm : Quy trình quản lý chiến lược
Xí nghiệp chung hay hỗn hợp là kiểu tổ chức xí nghiệp công, thương nghiệp, dịch vụ và tổ chức tài chính – tín dụng. Các xí nghiệp này thường được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần với trách nhiệm hữu hạn tương ứng với số vốn đóng góp của các thành viên. Ở nước ta hiện nay, hình thức này đóng vai trò rất quan trọng.
– Hợp tác sản xuất quốc tế trên cơ sở chuyên môn hóa:
Hợp tác sản xuất quốc tế có thể diễn ra theo các hợp đồng hoặc hiệp định ký kết giữa các bên, hoặc cũng có thể được hình thành do kết quả của cạnh tranh, hoặc do đầu tư và lập các chi nhánh của các công ty ở các nước. Hợp tác chuyên môn hóa có thể trong cùng một ngành (bộ phận, chi tiết sản phẩm) hoặc khác ngành.
2. Hợp tác khoa học kỹ thuật được thực hiện dưới nhiều hình thức
Trao đổi tài liệu – kỹ thuật, thiết bị, mua bán giấy phép, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ…. Việc hợp tác khoa học kỹ thuật thường diễn ra theo ba hướng : Ra nước ngoài để nghiên cứu, mời các chuyên gia đến nước ta để hợp tác nghiên cứu; mua phát minh, sáng chế.
Đối với các nước đang phát triển như nước ta thì việc hợp tác khoa học kỹ thuật có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó là điều kiện thiết yếu để rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến.
3. Ngoại thương
Là sự trao đổi hàng hóa, dịch vụ (hàng hóa hữu hình và vô hình) giữa các quốc gia. Đối với quốc gia đang phát triển như nước ta thì ngoại thương có tác dụng to lớn sau:
- Góp phần làm tăng của cải và sức mạnh tổng hợp mỗi nước.
- Là động lực của sự tăng trưởng kinh tế quốc dân.
- Điều tiết thừa, thiếu của mỗi nước.
- Nâng cao trình độ công nghệ và ngành nghề trong nước.
- Tạo điều kiện mở rộng việc làm cho người lao động trong nước.
Nội dung của ngoại thương gồm: Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa hữu hình và vô hình, gia công tái sản xuất, xuất khẩu tại chỗ. Trong đó, xuất khẩu là hướng ưu tiên và là trọng điểm của hoạt động ngoại thương.
Ở nước ta để đẩy mạnh ngoại thương cần hướng vào giải quyết các vấn đề sau:
+ Tăng kim ngạch xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu.
+ Chính sách nhập khẩu phải hướng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, phục vụ chiến lược hướng mạnh vào xuất khẩu đồng thời thay thế nhập khẩu những mặt hàng có thể sản xuất có hiệu quả ở trong nước.
+ Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chính sách thương mại tự do và chính sách bảo hộ thương mại.
Cần kết hợp hai xu hướng: tự do hóa thị trường với bảo hộ thị trường trong nước để vừa thúc đẩy tự do thương mại vừa khai thác có hiệu quả thị trường thế giới.
+ Hình thành tỉ giá hối đoái một cách chủ động, hợp lí.
Xem thêm : Các phương pháp thống kê chất lượng sản phẩm
Đây là quan hệ tỷ giá giữa đồng tiền trong nước với đồng tiền nước ngoài. Tỷ giá hối đoái là một trong những đòn bẩy kinh tế quan trọng trong việc trao đổi kinh tế, đặc biệt đối với việc xuất nhập khẩu.
4. Đầu tư quốc tế
Là một hình thức cơ bản của quan hệ kinh tế đối ngoại, nó là một quá trình mà trong đó hai hay nhiều bên (quốc gia, vùng lãnh thổ…) cùng góp vốn để xây dựng và triển khai một dự án đầu tư nhằm đưa lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Đầu tư Quốc tế đối với các nước nhận đầu tư có tác dụng tăng thêm nguồn vốn, công nghệ mới, trình độ quản lý tiên tiến, tạo thêm việc làm… tuy nhiên cũng có hạn chế như: làm gia tăng sự phân hóa giữa các giai tầng trong xã hội, cạn kiệt nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường và tăng tính lệ thuộc vào bên ngoài. Có hai loại đầu tư quốc tế:
- Đầu tư trực tiếp (FDI) là hình thức đầu tư mà quyền sở hữu và quyền sử dụng quản lý vốn đầu tư thống nhất với nhau, người có vốn đầu tư tham gia trực tiếp điều hành và chịu trách nhiệm về kết quả, rủi ro trong kinh doanh và thu lợi nhuận. FDI thường được thực hiện: Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng; xí nghiệp liên doanh; xí nghiệp 100% vốn nước ngoài; hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
- Đầu tư gián tiếp: Là loại hình đầu tư mà quyền sỡ hữu tách rời quyền sử dụng vốn. Người sở hữu vốn chỉ thu lợi dưới hình thức lợi tức cho vay hoặc lợi tức cổ phần. Bộ phận quan trọng trong đầu tư gián tiếp là viện trợ phát triển chính thức (ODA); ODA bao gồm các khoản hỗ trợ hoàn lại và không hoàn lại cũng như các khoản tín dụng ưu đãi khác.
5. Tín dụng quốc tế
Đây là quan hệ tín dụng giữa nhà nước, với các tổ chức kinh tế xã hội, các cá nhân ở trong nước với các chính phủ, các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài, trong đó có cả ngân hàng thế giới và ngân hàng khu vực.
- Tăng nguồn vốn cho các ngành sản xuất kinh doanh, nhờ đó các Tín dụng quốc tế dưới các hình thức: vay nợ bằng tiền, vàng, công nghệ, hàng hóa. Ưu điểm là vay nợ để có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng…và những khu vực khác đầu tư vốn lớn nhưng thu hồi chậm.
6. Các hình thức dịch vụ thu ngoại tệ, du lịch quốc tế
– Du lịch quốc tế là ngành kinh doanh tổng hợp bao gồm các hoạt động: tổ chức, hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hóa và dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi, lưu trú, tham quan, giải trí, mua hàng lưu niệm….của du khách.
Nước ta có các lợi thế: cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa, môi trường sinh thái; các loại hình hoạt động đặc thù mang tính dân tộc và truyền thống của Việt Nam.
– Vận tải quốc tế:
Vận tải quốc tế được sử dụng các phương thức: Đường biển, sắt, ô tô, hàng không trong đó vận tải biển có vai trò quan trọng nhất.
– Xuất khẩu lao động ra nước ngoài và tại chỗ.
Hiện nay nhu cầu lao động các nước phát triển là rất lớn trong lúc đó tỷ lệ tăng dân số ở các nước này có xu hướng giảm và nhất là do chuyển dịch cơ cấu kinh tế bởi cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, nhiều ngành vẫn cần nhiều lao động như xây dựng, khai mỏ, dịch vụ, công nghiệp nhẹ, công nghiệp lắp ráp ô tô….Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, việc xuất khẩu lao động mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài.
– Các hoạt động dịch vụ thu ngoại tệ khác: Ngoài các dịch vụ trên, còn có các dịch vụ như: Bảo hiểm, thông tin, bưu điện, kiều hối, ăn uống, tư vấn….
* Ý nghĩa của hình thức đầu tư quốc tế đối với phát triển nước ta:
- Góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, thực hiện các chương trình, mục tiêu có hiệu quả.
- Giải quyết được số lượng lớn việc làm cho người lao động, nâng cao trình độ lao động, người lao động có cơ hội tiếp thu kỹ thuật công nghệ mới.
- Đóng góp một phần ngân sách nhà nước và có xu hướng đóng góp tăng lên hàng năm.
Xem thêm: Các nguyên tắc cơ bản của kinh tế đối ngoại
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Ảnh Đẹp