Máy ảnh DSLR là gì? Và nó khác mirrorless như thế nào?
Có rất nhiều loại máy ảnh trên thị trường, thế nhưng, khi nói đến các mẫu máy ảnh tiên tiến có thể thay thế được ống kính, không có gì có thể mang tính biểu tượng hơn máy ảnh DSLR.
Khi nghe đến cái tên này, nhiều người sẽ nghĩ ngay đó là “máy ảnh chuyên nghiệp”. Dù vậy, trên thị trường có rất nhiều loại máy DSLR, bao quát mọi mục đích sử dụng, từ nghiệp dư cho đến bán chuyên hay chuyên nghiệp.
Những năm gần đây, máy ảnh DSLR đã ít phổ biến hơn do sự phổ cập từ những chiếc máy ảnh mirrorrless (không gương lật) nhỏ gọn hơn. Dẫu vậy, nó vẫn là một loại máy ảnh được nhiều người yêu thích bởi một vài lý do. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích cho các câu hỏi: DSLR là gì? Nguyên lý hoạt động của nó như thế nào? Điều gì làm cho nó khác biệt hơn so với các máy ảnh mirrorless và Point-and-Shoot (PnS)?
DSLR là gì?
Theo nghĩa đen, DSLR chính là chiếc máy ảnh phản xạ ống kính đơn kỹ thuật số (viết tắt của cụm từ Digital Single Lens Reflex). Bên trong thân máy là một chiếc gương nhỏ nhằm phản chiếu ánh sáng từ ống kính đến ống ngắm quang học (OVF) bằng một lăng kính (đối với những chiếc DSLR cao cấp) hay hàng loạt gương bổ trợ khác (thường có trong những mẫu máy thấp cấp hơn). Đây là cách hoạt động của DSLR để bạn có thể thấy được những gì đang chụp thông qua ống kính. Và thuật ngữ “reflex” cũng nhằm ám chỉ đến sự phản chiếu của gương nằm bên trong thân máy.
Khi nhấn nút chụp, chiếc gương đó sẽ lật lên phía trên che đi ống ngắm, cửa màn trập sẽ mở ra và ánh sáng từ ống kính sẽ đi thẳng đến cảm biến hình ảnh. Cảm biến tiếp nhận thông tin và thông qua các quá trình xử lý hình ảnh bên trong, kết quả là bạn nhận được một file ảnh.
Trên thực tế, DSLR chính là phiên bản “số” của những chiếc máy film SLR thời xa xưa. Cơ chế hoạt động hoàn toàn giống nhau, chỉ khác một điều DSLR sử dụng cảm biến và các bộ xử lý bên trong để xuất ra file ảnh, còn SLR lại sử dụng film để thu nhận ánh sáng từ ống kính và bạn phải thông qua quá trình tráng rửa thì ảnh mới hiện lên trên film. Thuật ngữ “digital” đứng phía trước DSLR chính là ám chỉ cảm biến và những bộ xử lý phức tạp bên trong.
Cơ chế hoạt động của ống ngắm quang học OVF
Lợi thế của thiết kế này so với những chiếc máy ảnh mirrorless hay PnS đó là bạn có thể thấy chính xác cảnh đang chụp theo thời gian thực trong khung ngắm quang học. Nó không có bất cứ độ trễ nào bởi nó không có bất cứ quá trình xử lý số trung gian nào. Các chiếc máy ảnh PnS hay mirrorless vì không có gương lật bên trong nên phải tận dụng cảm biến để chuyển những gì nó nhìn thấy sang một màn hình kĩ thuật số riêng biệt (có thể là màn hình chính của máy hoặc ống kính điện tử EVF). Dù vậy, nó vẫn có nhược điểm. Bạn không thể xem trước kết quả của mỗi thiết lập phơi sáng trông như thế nào thông qua kinh ngắm quang học. Đây là thứ mà bạn chỉ có thể làm được trên những chiếc máy ảnh mirrorless hay PnS. Và cái tên mirrorless xuất phát từ bản chất của nó: không có gương lật phản xạ như DSLR.
Một lợi thế khác của DSLR nữa đó chính là thời lượng pin. Ống ngắm quang học không bị phụ thuộc vào “kỹ thuật số” như mirrorless, thế nên, chúng tiêu tốn rất ít năng lượng. Những mẫu máy ảnh cho người mới bắt đầu như Canon EOS Rebel T7i (800D) thường có thể chụp ít nhất khoảng 600 tấm cho mỗi lần sạc đầy, trong khi các mẫu máy chuyên nghiệp như chiếc Nikon D850 lại có thể chụp được hơn 1.000 tấm.
Cảm biến crop và Full Frame
Một trong những yếu tố mà người dùng cần biết rõ đối với những chiếc máy ảnh có thể thay được ống kính chính là cảm biến. Đã từ rất lâu, chúng ta luôn bàn tán về megapixel và luôn mặc định nghĩ rằng con số này càng cao là càng tốt. Tuy nhiên, kích thước vật lý của cảm biến mới chính là điểm ăn tiền của DSLR hay mirrorless, mang lại chất lượng hình ảnh tốt hơn so với smartphone hay PnS (tất nhiên là không so với những chiếc máy ảnh PnS cao cấp), chứ không phải là con số “chấm” vô nghĩa. Có 2 loại cảm biến chính trên những chiếc máy ảnh thay được ống kính, bao gồm Full Frame và crop APS-C. Vẫn có những kích thước cảm biến khác như Medium Format, 4/3, 1 inch,… tuy nhiên, chúng không phổ biến bằng 2 loại này.
Giải thích theo cách đơn giản nhất, các cảm biển Full Frame bên trong máy ảnh có kích thước tương đương với khổ film 35mm. Đó là lý do nó được đặt tên là Full Frame. Còn với APS-C, loại cảm biến này có kích thước chỉ bằng một nửa so với khổ 35mm tiêu chuẩn. Và đây là xuất phát điểm cho thuật ngữ “hệ số crop”.
Các kích thước cảm biến thường gặp và hệ số crop của chúng
Chúng ta lấy Full Frame là chuẩn, thế nên, hệ số crop của nó là 1x. Hệ số crop của APS-C sẽ là 1,6x (đối với Canon) hoặc 1,5x (đối với các hãng còn lại). Như vậy, nếu gắn một ống kính có tiêu cự 50mm trên một chiếc máy ảnh crop APS-C, chúng ta sẽ có một tầm ngắm tương đương ống kính 80mm (đối với Canon) hoặc 75mm (đối với các hãng còn lại) được gắn trên chiếc máy Full Frame. Phần “zoom” bổ sung này sẽ khá phù hợp trong trường hợp bạn muốn tiếp cận vật thể gần hơn bằng ống kính tele. Thế nhưng, bạn sẽ không thể có được một góc nhìn rộng tương đương với Full Frame khi gắn ống kính góc rộng lên chiếc máy crop. Nếu muốn, bạn sẽ phải sử dụng những ống kính góc rộng dành riêng cho APS-C.
Hầu hết mọi nhà sản xuất đều phát triển ống kính cho cả Full Frame lẫn APS-C. Có một điểm thú vị là bạn có thể sử dụng những ống kính Full Frame cho những thân máy crop, thế nhưng, bạn lại không thể làm điều ngược lại. Một số hãng, như Canon, không cho phép bạn gắn ống kính crop lên Full Frame bởi giới hạn về mặt vật lý. Trong khi các hãng khác, như Nikon hay Sony, lại cho phép làm điều này nhưng nó sẽ không tận dụng hết toàn bộ cảm biển (nôm na là sẽ “crop” phần cảm biến được sử dụng). Do đó, các hình ảnh sẽ bị cắt xén đi đáng kể. Nói dễ hiểu hơn, khi bạn gắn ống kính crop trên máy Full Frame, chúng sẽ không khác gì so với khi bạn gắn nó trên thân máy crop về tầm ngắm.
Càng to càng tốt
Bất kì chiếc máy ảnh DSLR nào, dù là nhỏ nhất, cũng có kích thước khá to so với những chiếc máy ảnh PnS. Việc tăng kích thước này sẽ khiến nó trở nên cồng kềnh, khó mang đi, nhưng nó lại tỉ lệ thuận với chất lượng hình ảnh do kích thước cảm biến bên trong lớn hơn.
Những cảm biến lớn này đặc biệt “lợi hại” trong các điều kiện chụp thiếu sáng. Cảm biến càng lớn, càng nhiều ánh sáng thu được. Càng nhiều ánh sáng đi vào cảm biến, hình ảnh chụp ra sẽ càng rõ hơn. Nếu bạn thấy thất vọng với khả năng chụp ảnh của camera trên smartphone khi xử lý môi trường thiếu sáng thì đó chính là ví dụ điển hình về việc cảm biến không nhận đủ lượng ánh sáng. Nếu trong cùng một tình huống, chắc chắn, máy ảnh DSLR hay mirrorless đều có thể làm tốt hơn.
Khả năng tự động lấy nét cũng là một thứ mà DSLR và mirrorless thừa sức “đánh bại” những chiếc máy ảnh PnS. Công nghệ lấy nét tự động bên trong những chiếc máy ảnh thay đổi ống kính này không chỉ nhanh hơn mà thường còn có hiệu năng chụp liên tục cũng như theo dõi vật thể tốt hơn. Đây là một tính chất rất quan trọng để chụp các vật thể chuyện động. Chất lượng của ống kính cũng sẽ ảnh hưởng đến mức độ nhanh và chính xác của lấy nét tự động. Những ống kính đời cũ thường có tốc độ lấy nét chậm hơn, nhưng chung quy lại, những chiếc máy ảnh DSLR hay mirrorless đều có tốc độ lấy nét nhanh hơn rất nhiều so với số còn lại, đặc biệt là so với smartphone.
Khả năng thay ống kính
Xem thêm : Nhà phân phối là gì? Nhà phân phối khác đại lý như thế nào?
Một trong những lợi thế lớn nhất của DSLR so với máy ảnh PnS đó chính là khả năng gắn những ống kính khác nhau lên thân máy.
Nhìn nhận thực tế, đôi khi bạn sẽ thấy một ống kính tích hợp là không đủ. Bạn có thể muốn khung cảnh rộng hơn, hoặc tiếp cận gần hơn với vật thể. Với DSLR, bạn có thể dễ dàng thay đổi một chiếc ống kính phù hợp hơn. Các ống kính cho DSLR hiện tại rất đa dạng, từ góc rộng phục vụ nhu cầu chụp phong cảnh hoặc super tele để chụp thể thao hay động vật hoang dã cho đến các ống kính có khẩu độ lớn, giúp bạn tạo ra hiệu ứng bokeh mượt mà.
Mỗi nhà sản xuất máy ảnh lại có một chuẩn ngàm và hệ thống ống kính của riêng mình. Các nhà sản xuất ống kính thứ ba, như Sigma, Tamron hay một số hãng khác, thường cung cấp nhiều tùy chọn loại ngàm khác nhau cho những mẫu ống kính của mình để người dùng có thể thoải mái gắn nó trên bất kì chiếc máy ảnh nào.
Nếu như bạn có những ống kính cho các máy ảnh film từ thời xa xưa, bạn có thể gắn chúng lên chiếc máy ảnh DSLR hay mirrorless của mình bằng cách sử dụng một adapter hỗ trợ, ví dụ như các adapter của Fotodiox sản xuất. Thế nên, nếu hầu bao không quá rủng rỉnh, bạn cũng không cần thiết chi tiền cho những ống kính đắt tiền.
Các chiếc máy ảnh mirrorless cũng có khả năng thay ống kính và chúng thường nhỏ gọn hơn so với máy ảnh DSLR. Nhưng nên nhớ rằng, DSLR đã tồn tại trong một khoảng thời gian rất dài trước khi mirrorless xuất hiện, vì vậy, DSLR luôn có nhiều tùy chọn ống kính hơn mirrorless (và thường có mức giá rẻ hơn), đặc biệt là những ống kính của hãng thứ ba.
Phụ kiện hỗ trợ phong phú
Một thế mạnh khác của DSLR chính là khả năng tương thích với nhiều phụ kiện và có thể sử dụng chúng một cách dễ dàng. Hầu hết những chiếc máy ảnh DSLR đều có một chân “hot shoe” nằm trên đỉnh máy. Loại cổng này thường được sử dụng để kết nối với các đèn flash rời, thế nhưng, có rất nhiều phụ kiện được thiết kế gắn trên chân hot shoe, từ micro cho đến bộ trigger không dây.
Những chiếc máy ảnh DSLR cũng thường có một vài loại cổng riêng biệt để gắn các bộ adapter, hệ thống trigger khác nhau, micro, màn hình ngoài, đèn flash có dây hay thậm chí là những mô-đun GPS hoặc Wi-Fi. Yếu tố linh hoạt này giúp bạn tùy chỉnh chiếc máy ảnh phù hợp với nhu cầu của mình một cách dễ dàng.
Liệu DSLR có phù hợp với bạn?
Dù sao thì câu hỏi này bạn sẽ phải tự trả lời. Hi vọng với bài viết này, bạn có thể chọn được một chiếc máy ảnh phù hợp. Những chiếc máy ảnh DSLR có thể cung cấp cho bạn chất lượng hình ảnh tuyệt vời cùng hàng loạt lựa chọn ống kính cũng như hiệu năng hoàn hảo cho mọi tình huống, nhưng chúng lại thường khá to và nặng để bạn mang theo.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể cân nhắc đến những chiếc máy ảnh mirrorless với thiết kế gọn, nhẹ hơn. Bù lại, bạn lại có ít sự lựa chọn ống kính hơn và chúng cũng thường đắt đỏ hơn.
Minh Hùng tham khảo Digital Trends
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Hỏi Đáp