Tiền công trong Chủ nghĩa tư bản: Bản chất & hình thức cơ bản
Nội Dung
1. Bản chất kinh tế của tiền công
Ở bề ngoài của đời sống xã hội tư bản, công nhân làm việc cho nhà tư bản một thời gian nhất định, sản xuất ra một lượng hàng hóa hay hoàn thành một số công việc nào đó thì nhà tư bản trả cho một số tiền nhất định gọi là tiền công. Hiện tượng đó làm cho người ta lầm tưởng rằng tiền công là giá cả của lao động. Sự thật thì tiền công không phải là giá trị hay giá cả của lao động, vì lao động không phải là hàng hóa. Sở dĩ như vậy là vì:
– Nếu lao động là hàng hóa, thì nó phải có trước, phải được vật hóa trong một hình thức cụ thể nào đó. Tiền đề để cho lao động vật hóa được là phải có tư liệu sản xuất. Nhưng nếu người lao động có tư liệu sản xuất, thì họ sẽ bán hàng hóa do mình sản xuất ra, chứ không bán “lao động”.
Bạn đang xem: Tiền công trong Chủ nghĩa tư bản: Bản chất & hình thức cơ bản
– Việc thừa nhận lao động là hàng hóa dẫn tới một trong hai mâu thuẫn về lý luận sau đây: thứ nhất, nếu lao động là hàng hóa và nó được trao đổi ngang giá, thì nhà tư bản không thu được lợi nhuận (giá trị thặng dư); điều này phủ nhận sự tồn tại thực tế của quy luật giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản. Thứ hai, còn nếu “hàng hóa lao động” được trao đổi không ngang giá để có giá trị thặng dư cho nhà tư bản, thì phải phủ nhận quy luật giá trị.
– Nếu lao động là hàng hóa, thì hàng hóa đó cũng phải có giá trị. Nhưng lao động là thực thể và là thước đo nội tại của giá trị, nhưng bản thân lao động thì không có giá trị. Vì thế, lao động không phải là hàng hóa, cái mà công nhân bán cho nhà tư bản chính là sức lao động. Do đó tiền công mà nhà tư bản trả cho công nhân là giá cả của sức lao động.
Vậy bản chất của tiền công trong chủ nghĩa tư bản là giá trị hay giá cả của sức lao động, nhưng lại biểu hiện ra bề ngoài thành giá trị hay giá cả của lao động.
Hình thức biểu hiện đó đã gây ra sự nhầm lẫn. Điều đó là do những tình hình sau đây: thứ nhất, đặc điểm của hàng hóa sức lao động là không bao giờ tách khỏi người bán, nó chỉ nhận được giá cả khi đã cung cấp giá trị sử dụng cho người mua, tức là lao động cho nhà tư bản, do đó bề ngoài chỉ thấy nhà tư bản trả giá trị cho lao động. Thứ hai, đối với công nhân, toàn bộ lao động trong cả ngày là phương tiện để có tiền sinh sống, do đó bản thân công nhân cũng tưởng rằng mình bán lao động. Còn đối với nhà tư bản bỏ tiền ra là để có lao động, nên cũng nghĩ rằng cái mà họ mua là lao động. Thứ ba, lượng của tiền công phụ thuộc vào thời gian lao động hoặc số lượng sản phẩm sản xuất ra, điều đó làm cho người ta lầm tưởng rằng tiền công là giá cả lao động.
Xem thêm : Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam
Tiền công đã che đậy mọi dấu vết của sự phân chia ngày lao động thành thời gian lao động tất yếu và thời gian lao động thặng dư, thành lao động được trả công và lao động không được trả công, do đó tiền công che đậy bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản.
2. Các hình thức cơ bản của tiền công
Tiền công có hai hình thức cơ bản là tiền công tính theo thời gian và tiền công tính theo sản phẩm.
– Tiền công tính theo thời gian là hình thức tiền công mà số lượng của nó ít hay nhiều tuỳ theo thời gian lao động của công nhân (giờ, ngày, tháng) dài hay ngắn.
Cần phân biệt tiền công giờ, tiền công ngày, tiền công tuần, tiền công tháng. Tiền công ngày và tiền công tuần chưa nói rõ được mức tiền công đó cao hay là thấp, vì nó còn tuỳ theo ngày lao động dài hay ngắn. Do đó, muốn đánh giá chính xác mức tiền công không chỉ căn cứ vào tiền công ngày, mà phải căn cứ vào độ dài của ngày lao động và cường độ lao động. Giá cả của một giờ lao động là thước đo chính xác mức tiền công tính theo thời gian.
– Tiền công tính theo sản phẩm là hình thức tiền công mà số lượng của nó phụ thuộc vào số lượng sản phẩm hay số lượng những bộ phận của sản phẩm mà công nhân đã sản xuất ra hoặc là số lượng công việc đã hoàn thành.
Mỗi sản phẩm được trả công theo một đơn giá nhất định. Đơn giá tiền công được xác định bằng thương số giữa tiền công trung bình của công nhân trong một ngày với số lượng sản phẩm trung bình mà một công nhân sản xuất ra trong một ngày, do đó về thực chất, đơn giá tiền công là tiền công trả cho thời gian cần thiết sản xuất ra một sản phẩm. Vì thế tiền công tính theo sản phẩm là hình thức chuyển hóa của tiền công tính theo thời gian.
Xem thêm : Thực hiện chiến lược – Ý nghĩa và các bước thực hiện
Thực hiện tiền công tính theo sản phẩm, một mặt, giúp cho nhà tư bản trong việc quản lý, giám sát quá trình lao động của công nhân dễ dàng hơn; mặt khác, kích thích công nhân lao động tích cực, khẩn trương tạo ra nhiều sản phẩm để nhận được tiền công cao hơn.
3. Tiền công danh nghĩa và tiền công thực tế
Tiền công danh nghĩa là số tiền mà người công nhân nhận được do bán sức lao động của mình cho nhà tư bản. Tiền công được sử dụng để tái sản xuất sức lao động, nên tiền công danh nghĩa phải được chuyển hóa thành tiền công thực tế. Tiền công thực tế là tiền công được biểu hiện bằng số lượng hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ mà công nhân mua được bằng tiền công danh nghĩa của mình.
Tiền công danh nghĩa là giá cả sức lao động, nên nó có thể tăng lên hay giảm xuống tuỳ theo sự biến động của quan hệ cung – cầu về hàng hóa sức lao động trên thị trường. Trong một thời gian nào đó, nếu tiền công danh nghĩa không thay đổi, nhưng giá cả tư liệu tiêu dùng và dịch vụ tăng lên hoặc giảm xuống, thì tiền công thực tế sẽ giảm xuống hay tăng lên.
Tiền công là giá cả của sức lao động, nên sự vận động của nó gắn liền với sự biến đổi của giá trị sức lao động. Lượng giá trị sức lao động chịu ảnh hưởng của các nhân tố tác động ngược chiều nhau. Nhân tố tác động làm tăng giá trị sức lao động như sự nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động, sự tăng cường độ lao động và sự tăng lên của nhu cầu cùng với sự phát triển của xã hội. Nhân tố tác động làm giảm giá trị sức lao động, đó là sự tăng năng suất lao động làm cho giá cả tư liệu tiêu dùng rẻ đi. Sự tác động qua lại của các nhân tố đó dẫn tới quá trình phức tạp của sự biến đổi giá trị sức lao động, do đó dẫn tới sự biến đổi phức tạp của tiền công thực tế.
Tuy nhiên, C.Mác đã vạch ra rằng, xu hướng chung của sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là nâng cao mức tiền công trung bình mà là hạ thấp mức tiền công ấy. Bởi lẽ trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, tiền công danh nghĩa có xu hướng tăng lên, nhưng mức tăng của nó nhiều khi không theo kịp mức tăng giá cả tư liệu tiêu dùng và dịch vụ; đồng thời thất nghiệp là hiện tượng thường xuyên, khiến cho cung về lao động làm thuê vượt quá cầu về lao động, điều đó cho phép nhà tư bản mua sức lao động dưới giá trị của nó, vì vậy tiền công thực tế của giai cấp công nhân có xu hướng hạ thấp.
Nhưng sự hạ thấp của tiền công thực tế chỉ diễn ra như một xu hướng, vì có những nhân tố chống lại sự hạ thấp tiền công. Một mặt, đó là cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đòi tăng tiền công. Mặt khác, trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản ngày nay, do sự tác động của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ nên nhu cầu về sức lao động có chất lượng cao ngày càng tăng đã buộc giai cấp tư sản phải cải tiến tổ chức lao động cũng như kích thích người lao động bằng lợi ích vật chất. Đó cũng là một nhân tố cản trở xu hướng hạ thấp tiền công.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Ảnh Đẹp