30 câu nói hay vô đối đáng suy ngẫm về nghề nhiếp ảnh
Không chỉ có những bức ảnh, những câu trích dẫn của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới cũng đem đến cảm hứng cho thế hệ đi sau.
Những nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong lịch sử thế giới thì được biết đến với những bức ảnh sống mãi với thời gian. Không những vậy, những cách chụp ảnh, những quan niệm về nhiếp ảnh đầy sáng tạo của họ còn truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia sau này, góp phần không nhỏ vào việc định hình phong cách chụp ảnh ngày nay.
Bạn đang xem: 30 câu nói hay vô đối đáng suy ngẫm về nghề nhiếp ảnh
Xem thêm : [A-Z] Hướng dẫn thay phông nền ảnh thẻ bằng Photoshop 2021
Dưới đây là 30 câu nói được biết đến nhiều nhất từ các nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên toàn thế giới, từ mọi quốc gia khác nhau, mọi lĩnh vực khác nhau, cả những người đã khuất và những thế hệ trẻ hiện tại do trang Pentapixel lựa chọn ra.
1. “Nếu bức ảnh của bạn chưa đủ tốt, chứng tỏ bạn đứng chưa đủ gần”.
Robert Capa (1913 – 1954) – người phóng viên ảnh người Hungary và được biết đến với những bức ảnh về chiến tranh. Ông được biết đến nhiều nhất với những tác phẩm được chụp các sự kiện quan trọng suốt Thế chiến II.
2. “Con mắt phải học cách lắng nghe trước khi nhìn”.
Robert Frank (1924) – ông được biết đến nhờ cuốn tiểu thuyết The American (Người Mỹ) rất có ảnh hưởng nhờ đem lại một cách nhìn mới về xã hội Mỹ.
3. “Bạn càng được xem nhiều ảnh, bạn càng dễ trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi”.
Robert Mapplethorpe (1946 – 1989) – một nhiếp ảnh gia người Mỹ nổi tiếng với những bức ảnh khổ rộng. Các bức ảnh chân dung chủ để đồng tính của ông cũng là chủ đề cho nhiều cuộc tranh cãi cho đến tận ngày nay.
4. “Nhiếp ảnh mở những cánh cửa vào quá khứ, nhưng chúng cũng mở ra cách nhìn về tương lai”.
Sally Mann (1951) – là một nhiếp ảnh gia người Mỹ được biết đến với thể loại ảnh đen trắng bao trùm nhiều đối tượng, bao gồm cả ảnh chân dung và phong cảnh.
5. “Nhiếp ảnh là những tiếng kêu dù nhỏ bé, nhưng đôi khi một bức ảnh hoặc một chùm ảnh có thể làm dấy lên sự quan tâm của cả công chúng”.
W Eugene Smith (1918 – 1978) – nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất với những bức ảnh chụp thời Thế chiến II.
6. “Nhiếp ảnh đối với tôi không phải là nhìn, mà là cảm. Nếu bạn không thể cảm nhận được những gì bạn đang nhìn, thì bạn sẽ không thể nào làm cho người xem cảm nhận bất cứ điều gì khi họ nhìn vào bức ảnh của bạn”.
Don McCullin (1935) – một nhiếp ảnh gia tư liệu nối tiếng với những bức ảnh chiến tranh cũng như những bức ảnh đời sống đô thị chuyển mình.
7. “Biết trước bức ảnh sẽ chụp có nghĩa là bạn chỉ chụp ảnh bằng định kiến của riêng mình, vốn rất hạn chế và thường thất bại”.
Dorothea Lange (1895 – 1965) -một phóng viên ảnh nổi tiếng nhờ những bức ảnh được chụp vào thời kỳ suy thoái kinh tế nhất tại Mỹ những năm 1929 – 1930 bắt đầu sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán ở phố Wall.
8. “Học theo các nguyên tắc tạo hình trước khi chụp ảnh cũng giống như việc học luật hấp dẫn trước khi bước đi vậy”.
Edward Weston (1886 – 1958) – một nhiếp ảnh gia có tầm ảnh hưởng nhất của nước Mỹ trong thế kỷ 20. Ông chủ yếu chụp các bức ảnh phong cảnh và đời sống thường nhật ở miền tây nước Mỹ.
9. “Tôi thích chụp mọi người trước khi họ biết góc chụp nào của họ là tốt nhất”.
Ellen Von Unwerth (1954) – một nhiếp ảnh gia nổi danh nhờ những bức ảnh thời trang khêu gợi đầy táo bạo và đặc sắc và đã chụp cho những tạp chí thời trang danh tiếng như Vogue.
10. “Nhiếp ảnh là cách bạn phản xạ lại với những gì nhìn thấy, chứ không phải là thứ tiên liệu được. Bạn có thể nhìn thấy khung hình ở khắp mọi nơi. Vấn đề chỉ là làm sao nhận ra chúng và sắp xếp chúng. Bạn chỉ cần quan tâm về những gì xung quanh bạn với một chút nhân văn và hài hước”.
Elliott Erwitt (1928) – là một bậc thầy trong việc chụp những khoảnh khắc quyết định. Những bức ảnh đường phố của ông thường có một nét quyến rũ làm lay động lòng người.
11. “Tôi không thấy thú vị việc chụp cái gì đó mới – Tôi thấy thú vị với việc nhìn thứ gì đó mới”.
Ernst Haas (1921 – 1986) – một nhiếp ảnh gia đầu tiên trong việc sử dụng ảnh màu. Ông từng là Chủ tịch của Tổ chức nhiếp ảnh quốc tế Magnum Photos và đã từng xuất bản một trong những quyển sách ảnh thành công nhất The Creation (Sự sáng tạo) trong năm 1971 với hơn 350.000 bản.
12. “Trong nhiếp ảnh, hiểu con người quan trọng hơn là hiểu máy ảnh”.
Alfred Eisenstaedt (1898 – 1995) – một nhiếp ảnh gia người Đức nổi tiếng với bức ảnh “Nụ hôn trên quảng trưởng thời đại” nhân ngày Nhật Bản đầu hàng, đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ II trong năm 1945.
13. “Trong nhiếp ảnh có những khoảnh khắc tinh tế đến mức nó trở nên thật hơn cả bản thân thực tại đó”.
Alfred Stieglitz (1864 – 1946) -một nhiếp ảnh gia người Mỹ được thế giới công nhận là một trong những người đầu tiên của nhiếp ảnh hiện đại.
14. “Tôi nghĩ rằng nội dung cảm xúc của một bức ảnh là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải là kỹ thuật nhiếp ảnh. Rất nhiều bức tôi thấy thường thiếu đi yếu tố cảm xúc có thể tác động tới người xem hay làm cho họ nhớ chúng”.
Anne Geddes (1956) – một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những bức ảnh độc đáo và phong cách về các em bé lồng trong các loại hoa, rau, củ, quả.
15. “Máy ảnh làm bạn quên rằng chính bạn đang hiện diện ở sự kiện đó. Không phải là bạn đang ẩn mình trong sự kiện và mải mê tìm kiếm cái gì đó để chụp, mà bạn cần nhớ rằng mình cũng là một phần của sự kiện”.
Annie Leibovitz (1949) – một nhiếp ảnh gia chân dung người Mỹ với kinh nghiệm trên dưới 10 năm làm trưởng ban ảnh của tạp chí Rolling Stone.
16. “Chỉ cần 12 bức ảnh đẹp trong một năm cũng đã được coi là có một mùa ảnh bội thu”.
Ansel Adams (1902 – 1984) – một nhiếp ảnh gia phong cảnh nổi tiếng với những bức ảnh đáng giá trên toàn thế giới.
17. “Tất nhiên là luôn có những người chỉ nhìn vào kỹ thuật, những người chỉ biết hỏi ‘làm thế nào’, trong khi những người khác, theo lý thông thường, sẽ hỏi ‘tại sao’. Cá nhân tôi, tôi luôn muốn truyền cảm hứng vào những thông tin mình thể hiện”.
Man Ray (1890 – 1976) – một nhiếp ảnh gia về chân dung, thời trang và cũng là người ủng hộ cho trường phái nghệ thuật siêu thực. Ông được biết đến về những thể loại ảnh tiên phong, ví dụ như thể loại Photogram, vốn là thể loại không sử dụng máy ảnh mà dùng vật đặt trực tiếp lên giấy ảnh để phơi sáng, tạo ra ảnh.
18. “Với nhiếp ảnh, tôi muốn tạo nên sự hư cấu từ thực tế. Tôi cố gắng làm điều đó bằng việc ghi nhận những quan niệm tự nhiên vốn có của xã hội, rồi sau đó tìm cách bẻ vẹo đi”.
Martin Parr (1952) – các bức ảnh tư liệu của nhiếp ảnh gia Parr thường kể về những khoảnh khắc hài hước đời sống thường nhật của người Anh. Ông xứng đáng với tên gọi là “nhà chép sử của thời đại”.
19. “Có hai thể loại chụp chân dung, thứ nhất là chụp một bức ảnh chỉ để xem trông họ thế nào, thứ hai chụp một bức chân dung thể hiện họ thực sự là ai”.
Paul Caponigro (1932) – một nhiếp ảnh về gia phong cảnh hàng đầu của Mỹ.
20. “… Chúng tôi ở đó với máy ảnh nhằm ghi lại thực tế. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu chỉnh sửa thực tế, chúng tôi biết rằng đã cướp đi khỏi nhiếp ảnh giá trị quý giá nhất”.
Philip Jones Griffiths (1936 – 2008) – một phóng viên ảnh gia xứ Wale. Ông nổi tiếng với những tác phẩm về chiến tranh ở Việt Nam.
21. “Sẽ có lúc người ta ca ngợi tác phẩm của bạn là một cuộc cách mạng, nhưng vấn đề là bạn phải luôn làm những cuộc cách mạng như vậy. Tôi không thể chụp các ngôi sao cả đời. Bạn phải liên tục thay đổi, phải liên tục thúc ép mình tìm kiếm những điều mới mẻ, những thứ không bình thường”.
Rankin (1966) – một nhiếp ảnh gia thời trang và chân dung người Anh, được biết đến với những bức ảnh được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
22. “Trong nhiếp ảnh, không có bóng tối nào không thể sáng soi”.
August Sander (1876 – 1964) – một nhiếp ảnh gia người Đức chuyên ảnh chân dung và ảnh tư liệu. Ông được coi là một trong những nhiếp ảnh gia người Đức quan trọng nhất của thế kỷ 20.
23. “Nhiếp ảnh chỉ có thể tái hiện hiện thực. Nhưng ngay khi được chụp, hiện thực đó sẽ trở thành một phần của quá khứ”.
Berenice Abbott (1898 – 1991) – một nhiếp ảnh gia người Mỹ có 60 năm trong nghề và được biết đến như là một chuyên gia với những bức ảnh kiến trúc đen trắng ở thành phố New York (Mỹ).
24. “Ảnh phong cảnh có thể xuyên qua mọi biên giới chính trị và quốc gia, vượt qua mọi sự hạn chế về ngôn ngữ và văn hóa”.
Charlie Waite (1949) – một nhiếp ảnh gia danh tiếng người Anh từng đoạt giải thưởng về thể loại ảnh phong cảnh. Ảnh của ông nổi tiếng nhờ sử dụng sự tương phản giữa ánh sáng và bóng râm tạo nên những đường nét ấn tượng đẹp như một bức tranh.
25. “Một bức ảnh là một bí mật của bí mật. Nó càng thể hiện nhiều, bạn càng biết ít”.
Diane Arbus (1923 – 1971) – một nhiếp ảnh gia tư liệu nổi tiếng với những bức ảnh chụp những con người vốn ít được chú ý (những người khổng lồ, tý hon, xấu xí…).
26. “Nếu một nhiếp ảnh gia quan tâm đến người đứng trước ống kính và thực sự có lòng, bức ảnh sẽ nói lên được nhiều điều. Nhiếp ảnh gia lúc đó sẽ trở thành công cụ chứ không phải là chiếc máy ảnh”.
Eve Arnold (1912 – 2012) – một phóng viên ảnh đã từng đoạt giải, là thành viên của Tổ chức Magnum Photos và xuất bản 12 quyển sách ảnh trong sự nghiệp của mình.
27. “Nghề nghiệp chụp ảnh chân dung của tôi là quyến rũ, giải trí và tiêu khiển”.
Helmut Newton (1920 – 2004) – Những bức ảnh về thời trang đầy quyến rũ của Newton vẫn còn có ảnh hưởng lớn đến nhiếp ảnh hiện nay.
28. “Để chụp ảnh cần nín thở, tập trung tất cả bản năng vào việc nắm bắt khoảnh khắc của thực tế. Và chụp được một bức ảnh ở đúng thời điểm quyết định có thể đem lại sự thỏa mãn và vui thú cả về thể chất lẫn tinh thần”.
Henri Cartier-Bresson (1908 – 2004) – một nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông còn được coi là cha đẻ của nền nhiếp ảnh báo chí.
29. “Nếu được hỏi ảnh nào là ảnh tôi thích nhất? Câu trả lời sẽ là đó là bức tôi sẽ chụp vào ngày mai”.
Imogen Cunningham (1883 – 1976) – Những tác phẩm của nhiếp ảnh gia Cunningham thực sự là những suy nghĩ và trải nghiệm đi trước thời đại. Bên cạnh đó, cô cũng chụp các bức ảnh liên quan đến hoa, chân dung hay ảnh khỏa thân.
30. “Đừng gói ghém máy ảnh khi bạn chưa rời khỏi hiện trường”.
Joe McNally (1952) – một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những tác phẩm trên National Geographic và các bức ảnh chụp New York sau ngày 11/9.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Hướng Dẫn