Đánh giá Sigma 17-50mm f/2.8 EX DC OS HSM

0

Được giới thiệu lần đầu tiên vào 20/2/2010, với tên gọi đầy đủ Sigma 17-50mm f/2.8 EX DC OS HSM. Ống kính có tiêu cự thường dùng nhất 17-50mm và khẩu độ lớn f/2.8. Từ khi ra mắt đến nay giá của Sigma giảm gần một nửa và độ ổn định được nâng cao. Tới thời điểm mình viết bài này, Sigma 17-50mm f/2.8 là một lựa chọn tốt cho máy ảnh Crop Nikon hay Canon. Với mức giá khoảng 6tr cho một chiếc lens mới. Bạn gần như không thể mua được một chiếc chính hãng nào có thông số tương tự dù là hãng cũ.

Khả năng tương thích của 17-50mm f/2.8 EX DC OS HSM

  • Sigma 17-50mm f/2.8 tương thích với tất cả các máy ảnh Nikon Dx, kể cả các máy không có motor lấy nét như D5300 hay D3300.
  • Lens có thể sử dụng được trên hệ máy FX với chế độ Auto Crop hoặc hình sẽ bị tối góc

Thông số kỹ thuật của Sigma 17-50mm f/2.8

  • Sigma: Tên thương hiệu
  • DC (Digital Crop): Thiết kế cho máy sử dụng cảm biến APS-C
  • Tiêu cự: 17-50mm trên cảm biến APS-C, Zoom 2.95x
  • F/2.8: Khẩu độ lớn nhất f/2.8 toàn dải tiêu cự
  • EX (Extra Quality/Excellence): Được chế tạo bằng các vật liệu chất lượng cao, giúp ống kính có độ bền tốt hơn.
  • OS (Optical Stabilizer): Ống kính có khả năng chống rung quang học, giúp bạn chụp được những bức hình sắc nét với tốc độ thấp hơn tiêu chuẩn.
  • IF (Inner Focusing): Trên lens không có ghi, nhưng Sigma có nhắc tới trong phần giới thiệu. Đây là tính năng lấy nét trong thân lens, một hệ thấu kính sẽ di chuyển giới hạn trong thân khi lấy nét. Điều này giúp thấu kính trước không bị xoay khi lấy nét.
  • HSM (Hyper Sonic Motor): Motor siêu âm giúp lấy nét êm và nhanh hơn
  • Lock: Khóa vòng zoom tại tiêu cự 17mm. Giúp tránh tuột Zoom
  • ASP (Aspherical Lens): Sử dụng thấu kính phi cầu, cho ảnh sắc nét và màu sắc chính xác hơn.
  • FLD (F Low Dispersion): Loại kính có độ tán xạ rất thấp, gần bằng với thấu kính Fluorit. Giúp giảm quang sai và cho độ tương phản cao.
  • ∅77: Đường kính cáp trước và đường kính filter là 77mm
  • Made in Japan: Sản xuất tại Nhật bản
  • 15282831: Seri của ống kính

Cấu tạo sigma 17-50 f/2.8

  • Ống kính gồm 17 thành phần, được chia làm 13 nhóm.
  • Có một thấu kính Aspherical và hai thấu kính FLD
  • Ống kính được trang bị lớp phủ (Super Multi-Layer Coating), giúp giảm flare và ghost trong các điều kiện ánh sáng khó. Hình sẽ có độ tương phản tốt và sắc nét hơn trong toàn dải tiêu cự.

Khẩu độ:

  • Sử dụng 7 lá khẩu dạng tròn
  • Khẩu độ lớn nhất f/2.8 toàn dải, nhỏ nhất f/22

Tiêu cự & Góc nhìn

  • Trên DX là 17-50mm cho góc nhìn tương ứng 79.7 – 31.7°
  • Khoảng cách gần nhất 0.28m

Kích thước & Khối lượng:

  • 83.5mm×91.8mm, có lẽ khá nhỏ so với một chiếc lens f/2.8 như vậy. Nikon AF-S 17-55 f/2.8 là (85.5mm x 110.5mm)
  • 565g đủ để bạn cảm thấy Sigma rất quan tâm tới chất liệu làm nên ống kính. Cầm rất thích tay, chắc chắn.

Phụ kiện của Sigma 17-50 f/2.8 HSM

Chiếc hộp có vẻ khá tiết kiệm, đây là một điều dễ nhận thấy trên các lens for giá rẻ. Nhưng bạn đừng lo, hộp nhỏ những túi bảo vệ lens tốt và may rất cầu kỳ. Bạn có thể đeo túi này ở thắt lưng được. Hộp được in những thông tin nổi bật của chiếc lens…đáng chú ý nhất là tương thích với Nikon D5300.

  • Hood che nắng LH825-03
  • Túi bảo vệ lens
  • Cap trước ∅77 mã LCF III 77mm (Made in Japan)
  • Cap sau LCR II (Made in Japan)
  • Sách hướng dẫn sử dụng & thẻ bảo hành

Case bảo vệ làm rất đẹp, bên trong có nhiều đệm để cố định lens. Đẹp vậy thôi chứ không tiện bỏ trong balo như túi nhung của Nikon.

Khả năng lấy nét AF/MF của Sigma 17-50mm f/2.8

  • Lấy nét tự động tương đối tốt, độ ổn định kém lens Nikon.
  • Tốc độ lấy nét rất nhanh do sử dụng HSM motor, có thể mang đi chụp thể thao cơ bản.
  • Dù sử dụng Motor HSM, được giới thiệu là êm. Nhưng mình thấy chiếc ống kính khá ồn khi lấy nét. Tiếng Motor dễ lọt vào video khi quay phim. Bạn nào đang có ý định mua để quay phim nên lưu ý
  • AF hoặc MF:  Sigma 17-50mm không hỗ trợ MF trong khi AF, đây là một điều mình không thích, dù mình ít khi MF. Lỡ bạn xoay nhầm vòng AF có thể gây hư lens.
  • Vòng điều chỉnh lấy nét bị xoay trong khi AF, đây là điểm mình cho là không tốt. Chúng ta rất hay để tay vào vị trí này, đôi khi quên sẽ làm motor bị quá tải. Khi vòng này bị kẹt, lens sẽ phát ra những rung động lớn, nếu ko tinh ý và nhả tay ra, bạn có thể làm hư lens.
  • Khi MF vòng lấy nét lại rất nhẹ…do ngắt bộ truyền động tới motor. MF mà chẳng có cảm giác gì…
  • Vòng lấy nét có chất lượng tốt, mình xài 2 năm trong nhiều điều kiện phơi nắng nhiều mà chưa có hiện tương bị giãn.

Zoom của Sigma 17-50mm

  • Lens có kết cấu chắc chắn và Zoom mượt
  • Zoom ổn định, không bị kẹt, cứng sau nhiều năm sử dụng
  • Có khóa Zoom để tránh bị tuột zoom
  • Vòng Zoom làm bằng chất liệu tốt và lớn cho cảm giác sử dụng thoải mái.

Chất lượng ảnh của Sigma 17-50mm

Chụp tại khẩu độ lớn & tiêu cự rộng nhất. Chiếc Sigma cho độ nét rất tốt tại khẩu độ lớn nhất, không thấy viền tím. Hơi tối góc một chút, chi tiết phần góc với mình đánh giá là tốt.

Nikon D7100 1/400s 17mm f/2.8 ISO 100

Sau khi crop, chi tiết tại f/2.8 lên rất tốt. Khi chúng ta khép khẩu lại ảnh còn tốt hơn nữa. Tại f/4.0 ảnh cực kỳ sắc nét, có chút viền tím tại chữ Nikon và viền xanh ở dòng chữ trắng trên filter. Hình gốc mình để ở đây. Các bạn có thể tải về tham khảo được chi tiết hơn.

Ảnh của Sigma tại tiêu cự 50mm

Vậy còn với tiêu cự 50mm f/2.8 thì sao? Có vẻ không được tốt lắm, lens bị sai nét khá nhiều. Ảnh đúng nét thì cũng tạm thôi không được đẹp như ở tiêu cự 17mm f/2.8. Các bạn có thể xem chi tiết bức hình đầu tiên

Nikon D7100 50mm 1/250s f/2.8 ISO 100 AF Fine tune 0

Dễ nhận thấy các thông số phía sau nét hơn khu vực số 18-35 mình lấy nét. Nếu bạn thích chụp chân dung với f/2.8 thì nên cân nhắc. Mình đã kiểm tra nhiều lần và gắn lên chân máy, chụp trong điều kiện tốt nhất có thể.

Nikon D7100 50mm 1/250s f/2.8 ISO 100 AF Fine tune 0

Giờ mình chỉnh AF Fine tune -20 xem sao! Mọi thứ có vẻ ổn hơn, đã nét đúng vị trí cần thiết.

Nikon D7100 50mm 1/250s f/2.8 ISO 100 AF Fine tune -20

Đã ổn! Có AF-Fine tune thật tiện lợi. Như vậy sau một thời gian sử dụng rất lâu, lens đã có những sai số về lấy nét.

Nikon D7100 50mm 1/250s f/2.8 ISO 100 AF Fine tune -20

Qua hai bức hình ở phía trên các bạn có thể thấy, khả năng Auto focus của lens không được tốt lắm. Đây có thể coi là bệnh chung của những lens for. Ngay cả dòng Sigma Art cũng bị thường xuyên, mình hay gặp anh em đi cân lại sau một thời gian sử dụng. Hình mình để Auto WB và không chỉnh sửa, khi chụp với nền sáng màu, chúng ta thấy tối góc khá nhiều ở tiêu cự 50mm.

Ảnh phong cảnh của Sigma 17-50mm f/2.8

Khi chụp phong cảnh, Sigma cho ảnh rất tốt từ tiêu cự rộng nhất tới 50mm. Chi tiết sắc nét do sử dụng khẩu độ nhỏ. Điều này dễ nhận ra so với lens kit thông thường. Tia cũng tạm ổn, không được đẹp như Fix lens.

Nikon D7100 17mm 30s f/11 ISO 100
Nikon D7100 50mm 46s f/11 ISO 100
Nikon D7100 & Sigma 17-50mm f/2.8 ( 20mm f/11.0 ISO 100 25s )
Nikon D7100 & Sigma 17-50mm f/2.8 ( 50mm f/18.0 ISO 100 20s )

Bokeh của Sigma 17-50mm f/2.8

Khi chụp với cự ly gần và khẩu độ mở lớn, bokeh nhìn khá tốt. Nhưng đây là chụp thật gần và có hậu cảnh xa. Khi chụp chân dung thì mọi chuyện không được như những gì bạn đang thấy. Bạn dễ nhận ra bokeh này giống củ hành cắt ngang với nhiều vân.

Nikon D7100 50mm 1/60s f/3.2 ISO 800

Chụp chân dung với Sigma 17-50mm f/2.8

Có lẽ rất nhiều bạn mua Sigma để chụp chân dung thay cho Nikon AF-S 50mm f/1.8 G. Theo mình thì có thể, nếu như bạn không cần f/1.8 và cần tiện dụng. Chất lượng hình tại f/2.8 tạm ổn, bokeh rối…! Để chụp chân dung tốt với khẩu độ lớn của lens này, các bạn nên cân thật chính xác bằng AF Fine-tune thay vì chụp hên xui, khả năng trượt nét cao.

Nikon D7100 36mm 1/320s f/2.8 ISO 100

Chụp cận cảnh tại 50mm! Lấy nét đúng, thấy rất ổn. Chi tiết và cho độ tương phản tốt.

Nikon D7100 50mm 1/200s f/2.8 ISO 100

Sigma 17-50mm nhắm tới nhu cầu đa dụng, bạn có thể chụp gần như mọi thứ với chiếc lens này. Từ chụp tiệc cưới, sự kiện hay đi du lịch…

Nikon D7100 17mm 1/60s f/4.0 ISO 800
Nikon D7100 17mm 1/80s f/5.6 ISO 200
Nikon D7100 17mm 1/125s f/4.0 ISO 200
Nikon D7100 27mm 1/60s f/5.6 ISO 200

Flare & Ghost của Sigma 17-50mm

Nikon D7100 & Sigma 17-50mm f/2.8 ( 17mm f/11.0 ISO 100 1/60s )

Ống kính Sigma dễ bị flare, dù được gắn Hood. Với khẩu độ nhỏ nhất, độ nét giảm mạnh & flare rõ hơn nhiều.

Nikon D7100 & Sigma 17-50mm f/2.8 ( 17mm f/22.0 ISO 200 1/25s )

Sử dụng Sigma 17-50 trên Fullframe được không?

Lens hoàn toàn có thể sử dụng được trên máy ảnh Fullframe Nikon. Ảnh tối góc rất nhiều ở tiêu cự 17mm và giảm dần khi tới 50mm. Máy FX Nikon tự động nhận diện Sigma là lens DX và Auto Crop lại để loại bỏ phần hình bị tối. Bạn cũng có thể chọn để lấy toàn khung. Dưới đây là những gì chụp được trên Nikon D700 với chế độ lấy toàn khung hình.

Nikon D700 17mm 1/500s f/5.6 ISO 100

Tới tiêu cự 50mm thì đỡ hơn khá nhiều. Nếu bạn muốn tận dụng cho máy FX thì hoàn toàn ok, chỉ cần bật Auto Crop trên body. Lens tương thích tốt body FX. Khi gắn trên máy FX, đây đúng là một lens ultra wide chính hiệu.

Nikon D700 50mm 1/500s f/5.6 ISO 100

Những điểm tốt của Sigma 17-50mm

  • Lens khẩu độ lớn f/2.8 toàn dải tiêu cự
  • Độ sắc nét tốt ngay tại f/2.8 và rất nét ở các tiêu cự nhỏ hơn
  • Chất lượng thân vỏ tốt, ngàm kim loại chắc chắn
  • Có khóa để chống trượt lens.
  • Giá rẻ, lợi thế duy nhất để hàng for cạnh tranh với hàng hãng

Những điểm chưa tốt của Sigma 17-50mm

  • Chất lượng lens không đồng đều, khả năng lấy nét kém ổn định
  • Hệ thống chống rung kêu lọc cọc khi ở trạng thái nghỉ, nhiều bạn lần đầu sử dụng tưởng lens bị hư.
  • Vòng lấy nét xoay khi Auto Focus, gây nhiều bất tiện, phải để ý tránh đè lên làm hư motor
  • Motor siêu âm nhưng ồn, âm thanh motor rất lớn khi quay phim với chế độ lấy nét tự động
  • Không có ưu tiên Manual Focus, ít dùng nhưng bất tiện. Nhiều bạn không rành mà cố tình xoay vòng này khi AF có thể hư lens.
  • Không tương thích hoàn toàn với Nikon D7100. Khi sử dụng lens này trên Nikon D7100, bạn không thể sử dụng tính năng xem lại hình một cách bình thường được. Khi zoom hình và di chuyển bằng phím điều hướng, bạn phải nhấn từng bước một, không thể giữ phím chạy liên tục. Ai hay xem hình nhiều sẽ cảm thấy…
  • Không sử dụng được tính năng khử méo, tối góc (Auto Distortion Control) trên máy Nikon. Nên ảnh JPG của bạn sẽ luôn có tối góc và méo. Bạn có thể khắc phục bằng cách sử dụng ảnh RAW và xử lý bằng Lightroom.
  • Thân lens lớn, che hết đèn trợ nét. Gây khó khăn khi lấy nét trong điều kiện ánh sáng yếu.
  • Hood chất lượng kém, dễ bị lỏng và rớt ra sau một thời gian sử dụng

Đánh giá Sigma 17-50mm f/2.8

Mình thấy Sigma là ống kính tốt trong mức giá 6tr, phù hợp nhu cầu chụp đa dụng. Nếu chuyên chụp chân dung, Sigma không phải lựa chọn hay. Bạn nên nhắm tới các lens như Nikon AF-S 85mm f/1.8 G cùng tầm giá. Bạn đang sở hữu một chiếc Nikon AF-S 18-55mm thì có thể cân nhắc nâng cấp, nhưng với mình thì sẽ giữ lại kit. Hơn một chút bạn đang có Nikon AF-S 18-105mm VR thì thôi, cứ giữ mà dùng, đừng đổi. Cảm ơn! Chúc các bạn có quyết định chính xác hơn sau khi xem chia sẻ này của mình.

ong-kinh-sigma-17-50-f2.8-chinh-hang

#image_788191982 {
width: 100%;
}

Sigma 17-50mm f/2.8 chính hãng
6,990,000
Tiêu cự 17-50mm
Khẩu độ lớn nhất f/2.8
Khẩu độ nhỏ nhất f/22.0
Chống rung 3.5 Stop

Tham khảo

ong-kinh-sigma-17-50mm-nikon-xach-tay

#image_1847528571 {
width: 100%;
}

Sigma 17-50mm f/2.8 xách tay
6,590,000
Tiêu cự 17-50mm
Khẩu độ lớn nhất f/2.8
Khẩu độ nhỏ nhất f/22.0
Chống rung 3.5 Stop

Tham khảo

5/5 - (10 votes)

Leave A Reply

Your email address will not be published.