Lực lượng sản xuất là gì? Các yếu tố, tính chất và trình độ của LLSX

0

Lực lượng sản xuất là gì? Lực lượng sản xuất gồm những yếu tố nào? Các đặc trưng của LLSX.

Lực lượng sản xuất là một khái niệm trung tâm của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Việc nghiên cứu rõ nội hàm của khái niệm này là cơ sở để hiểu toàn bộ sự vận động và phát triển của quá trình sản xuất vật chất trong lịch sử xã hội loài người. Vì vậy, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác đã sớm nghiên cứu về khái niệm lực lượng sản xuất. Trong các tác phẩm của mình, mặc dù C.Mác không trực tiếp đưa ra khái niệm lực lượng sản xuất nhưng nội hàm của khái niệm này đã được ông đề cập đến ngay từ những tác phẩm đầu tay.

Năm 1845, khi viết tác phẩm “Về cuốn sách của Phiđrích Lixtơ “Học thuyết dân tộc về kinh tế chính trị học””, C.Mác đã phê phán quan điểm duy tâm của Lixtơ về lực lượng sản xuất khi Lixtơ cho rằng lực lượng sản xuất mang “bản chất tinh thần”, nó là cái vô hạn. Theo C.Mác, lực lượng sản xuất không phải là cái “bản chất tinh thần” nào đó mà là những cái có sức mạnh vật chất. C.Mác viết: “Để xua tan vầng hào quang thần bí có tác dụng cải biến “sức sản xuất”, chỉ cần mở ra bản tổng quan thống kê đầu tiên ta gặp là đủ. Ở đó có nói về sức nước, sức hơi nước, sức người, sức ngựa. Tất cả những thứ ấy đều là lực lượng sản xuất“.

Lịch sử phát triển của loài người là lịch sử phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội mà thước đo là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Với tư cách là biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên trong quá trình sản xuất vật chất, lực lượng sản xuất thường xuyên vận động và phát triển.

Ngày nay, khi khoa học – công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Sự xâm nhập của khoa học – công nghệ vào mọi yếu tố của lực lượng sản xuất ngày càng cao, hàm lượng ngày càng lớn làm cho lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh chóng cả về chất lẫn về lượng. Chính vì vậy, quan niệm về lực lượng sản xuất cũng luôn được thay đổi.

1. Khái niệm lực lượng sản xuất

Lực lượng sản xuất là sự kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất, tạo ra sức sản xuất và năng lực thực tiễn làm biến đổỉ các đối tượng vật chất của giới tự nhiên theo nhu cầu nhất định của con người và xã hội.

Nếu như quan hệ sản xuất dùng để chỉ quan hệ giữa con người với con người, thì Lực lượng sản xuất dùng để chỉ quan hệ giữa con người với tự nhiên và là sự biểu hiện của mối quan hệ phức tạp đó trong quá trình sản xuất.

Về cấu trúc, lực lượng sản xuất được xem xét trên cả hai mặt, đó là mặt kinh tế – kỹ thuật (tư liệu sản xuất) và mặt kinh tế – xã hội (người lao động). Lực lượng sản xuất chính là sự kết hợp giữa “lao động sống” với “lao động vật hóa” tạo ra sức sản xuất, là toàn bộ những năng lực thực tiễn dùng trong sản xuất của xã hội ở các thời kỳ nhất định.

Như vậy, lực lượng sản xuất là một hệ thống gồm các yếu tố (người lao động và tư liệu sản xuất) cùng mối quan hệ (phương thức kết hợp), tạo ra thuộc tính đặc biệt (sức sản xuất) để cải biến giới tự nhiên, sáng tạo ra của cải vật chất theo mục đích của con người. Đây là sự thể hiện năng lực thực tiễn cơ bản nhất – năng lực hoạt động sản xuất vật chất của con người.

lực lượng sản xuất

2. Những yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất

Cấu trúc của lực lượng sản xuất bao gồm:

1/ Người lao động là con người có tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng lao động và năng lực sáng tạo nhất định trong quá trình sản xuất của xã hội. Người lao động là chủ thể sáng tạo, đồng thời là chủ thể tiêu dùng mọi của cải vật chất xã hội. Đây là nguồn lực cơ bản, vô tận và đặc biệt của sản xuất. Ngày nay, trong nền sản xuất xã hội, tỷ trọng lao động cơ bắp đang có xu thế giảm, trong đó lao động có trí tuệ và lao động trí tuệ ngày càng tăng lên.

2/ Tư liệu sản xuất là điều kiện vật chất cần thiết để tổ chức sản xuất, bao gồm tư liệu lao động và đối tượng lao động.

– Đối tượng lao động là những yếu tố vật chất của sản xuất mà lao động con người dùng tư liệu lao động tác động lên, nhằm biến đổi chúng cho phù hợp với mục đích sử dụng của con người.

– Tư liệu lao động là những yếu tố vật chất của sản xuất mà con người dựa vào đó để tác động lên đối tượng lao động nhằm biến đổi đối tượng lao động thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu sản xuất của con người. Tư liệu lao động gồm công cụ lao động và phương tiện lao động.

+ Phương tiện lao động là những yếu tố vật chất của sản xuất, cùng với công cụ lao động mà con người sử dụng để tác động lên đối tượng lao động trong quá trình sản xuất vật chất.

+ Công cụ lao động là những phương tiện vật chất mà con người trực tiếp sử dụng để tác động vào đối tượng lao động nhằm biến đổi chúng nhằm tạo ra của cải vật chất phục vụ nhu câu con người và xã hội.

Công cụ lao động là yếu tố vật chất “trung gian”, “truyền dẫn” giữa người lao động và đối tượng lao động trong tiến hành sản xuất. Đây chính là “khí quan” của bộ óc, là tri thức được vật thể hóa do con người sáng tạo ra và được con người sử dụng làm phương tiện vật chất của quá trình sản xuất. Công cụ lao động giữ vai trò quyết định đến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Ngày nay, trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang phát triển, công cụ lao động được tin học hoá, tự động hoá và trí tuệ hoá càng có vai trò đặc biệt quan trọng. Công cụ lao động là yếu tố động nhất, cách mạng nhất trong lực lượng sản xuất, là nguyên nhân sâu xa của mọi biến đổi kinh tế xã hội trong lịch sử; là thước đo trình độ tác động, cải biến tự nhiên của con người và tiêu chuẩn để phân biệt các thời đại kinh tế khác nhau. Chính vì vậy, C.Mác khẳng định: “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào”[1].

3. Đặc trưng của lực lượng sản xuất

Đặc trưng chủ yếu của lực lượng sản xuất là mối quan hệ giữa người lao động và công cụ lao động.

– Trong lực lượng sản xuất, người lao động là nhân tố hàng đầu giữ vai trò quyết định. Sở dĩ như vậy là vì người lao động là chủ thể sáng tạo và sử dụng công cụ lao động. Suy đến cùng, các tư liệu sản xuất chỉ là sản phẩm lao động của con người, đồng thời giá trị và hiệu quả thực tế của các tư liệu sản xuất phụ thuộc vào trình độ sử dụng của người lao động. Hơn nữa, trong quá trình sản xuất, nếu như công cụ lao động bị hao phí và di chuyển dần giá trị vào sản phẩm., thì người lao động do bản chất sáng tạo của mình, trong quá trình lao động họ không chỉ sáng tạo ra giá trị đủ bù đắp hao phí lao động, mà còn sáng tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị bỏ ra ban đầu. Người lao động là nguồn gốc của mọi sáng tạo trong sản xuất vật chất, nguồn gốc của sự phát triển sản xuất.

– Cùng với người lao động, công cụ lao động là yếu tố cơ bản, quan trọng không thể thiếu được, đặc biệt, trình độ phát triển của công cụ lao động là một nhân tố quyết định năng suất lao động xã hội.

– Lực lượng sản xuất là kết quả năng lực thực tiễn của con người, nhưng bản thân năng lực thực tiễn này bị quy định bởi những điều kiện khách quan mà trong đó con người sống và hoạt động. Vì vậy, lực lượng sản xuất luôn có tính khách quan. Tuy nhiên, quá trình phát triển lực lượng sản xuất là kết quả của sự thống nhất biện chứng giữa khách quan và chủ quan.

Lực lượng sản xuất là một chỉnh thể thống nhất hữu cơ. Trong đó, người lao động là chủ thể tích cực biết vận dụng trí tuệ, những tri thức khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm, kỹ năng lao động…, để chế tạo và sử dụng những tư liệu sản xuất nhằm tác động vào những đối tượng của giới tự nhiên, cải tạo chúng thành những của cải, vật chất thỏa mãn ngày càng cao các nhu cầu của con người.

Trong phương thức sản sản, lực lượng sản xuất là yếu tố động nhất, cách mạng nhất. Bởi vì, lực lượng sản xuất chỉ ra mối quan hệ của con người với giới tự nhiên và trình độ chinh phục giới tự nhiên của con người trong những giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử. Nó quyết định sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội loài người.

4. Tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất

Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai mặt của phương thức sản xuất, chúng tồn tại không tách rời nhau, mà tác động qua lại lẫn nhau một cách biện chứng, tạo thành quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.

a. Tính chất của LLSX

Tính chất của lực lượng sản xuất là tính chất của tư liệu sản xuất và sức lao động. Khi sản xuất dựa trên công cụ thủ công, phân công lao động kém phát triển thì lực lượng sản xuất có tính chất cá nhân. Khi sản xuất đạt đến trình độ cơ khí, hiện đại, phân công lao động xã hội phát triển thì lực lượng sản xuất có tính chất xã hội hoá.

Như vậy, tính chất của lực lượng sản xuất nói lên tính chất cá nhân hoặc tính chất xã hội hoá trong việc sử dụng tư liệu sản xuất.

b. Trình độ của LLSX

Trình độ của lực lượng sản xuất là sự phát triển của người lao động và công cụ lao động. Trình độ của lực lượng sản xuất được thể hiện ở trình độ của công cụ lao động; trình độ tổ chức lao động xã hội; trình độ ứng dụng khoa học vào sản xuất; trình độ, kinh nghiệm kỹ năng của người lao động và đặc biệt là trình độ phân công lao động xã hội.

Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất phản ánh trình độ chinh phục giới tự nhiên của con người: trình độ thủ công của lực lượng sản xuất phản ánh trình độ chinh phục của giới tự nhiên thấp hơn nhiều so với lực lượng sản xuất ở trình độ kỹ thuật công nghiệp và công nghệ cao. Trong quá trình đó, con người đồng thời tự cải tạo bản thân mình cả về sinh thể và trí tuệ. Tuy nhiên, hiện nay yếu tố trí tuệ lại đang ngày càng chiếm ưu thế và được coi là lực lượng sản xuất trực tiếp.

– Trong thực tế, tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sân xuất là không tách rời nhau.

Nghiên cúu sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lịch sử, Các Mác khẳng định: “Tri thức xã hội phổ biến [Wissen, knowledge] đã chuyển hóa đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp”[2].

Ngày nay, trên thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Khoa học sản xuất ra của cải đặc biệt, hàng hoá đặc biệt. Đó là những phát minh sáng chế, những bí mật công nghệ, trở thành nguyên nhân của mọi biến đổi trong lực lượng sản xuất. Hiện nay, khoảng cách từ phát minh, sáng chế đến ứng dụng vào sản xuất đã được rút ngắn làm cho năng suất lao động, của cải xã hội tăng nhanh. Khoa học kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, những yêu cầu do sản xuất đặt ra; có khả năng phát triển “vượt trước” và thâm nhập vào tất cả các yếu tố của sản xuất, trở thành mắt khâu bên trong của quá trình sản xuất. Tri thức khoa học được kết tinh, “vật hoá” vào người lao động, người quản lý, công cụ lao động và đối tượng lao động. Sự phát triển của khoa học đã kích thích sự phát triển năng lực làm chủ sản xuất của con người.

Trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển, cả người lao động và công cụ lao động được trí tuệ hoá, nền kinh tế của nhiều quốc gia phát triển đang trở thành nền kinh tế tri thức. Đó là nền kinh tế mà trong đó sự sản sinh, phổ cập và sử dụng tri thức của con người đóng vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, từ đó tạo ra của cải vật chất và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

[1] C.Mác và Ph.Ăngghen (1993), Toàn tập, t.23, sdd, tr.269

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen (1993), Toàn tập, t.46,phần II, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.269

Xem thêm: 

  • Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất
  • Lực lượng sản xuất hiện đại là gì?

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.