NFT là gì?

0

Thời kỳ kỹ thuật số, chuyển đổi số, tài sản kỹ thuật số là những gì mà người ta mô tả hay định nghĩa về xu hướng phát triển của thời đại cách mạng 4.0 khi mà số hóa trên các nền tảng công nghệ được đánh giá cao. Thị trường NFT cái tên được nhắc tới nhiều nhất gần đây như một cơn sốt, phát triển chóng mặt, tỷ lệ đầu tư vô hạn phát sinh nhiều rủi ro tiềm ẩn. Đối với thị trường đầu tư hiện nay, liệu NFT sẽ là một “mỏ vàng đầu tư” hay chỉ là “bong bóng đầu cơ”? Nghiên cứu sau đây sẽ làm rõ hơn sự xuất hiện của NFT, sự phổ biến nhanh chóng của nó cũng như những tiềm ẩn rủi ro trên thị trường này.

1. NFT là gì?

NFT là thuật ngữ viết tắt của “Non-fungible token”, là một loại tiền mã hóa độc nhất, không thể thay thế bởi một NFT khác. Các NFT thường đại diện cho một tài sản số nào đó được xác thực bằng công nghệ Blockchain hoặc tài sản được token hóa từ thế giới thực.

Mỗi NFT có thể được tạo ra dưới hình thức vật phẩm ảo, hoặc là phiên bản mã hóa của tài sản trong thế giới thực. Mọi thứ như hình ảnh, đoạn âm thanh, vật phẩm trong game, tác phẩm nghệ thuật, … đều có thể giao dịch dưới dạng NFT.

NFT cũng chỉ là một phần nhỏ trong thị trường tài sản kỹ thuật số, nó như các tài sản truyền thống nhưng được số hóa và đi kèm với quyền sử dụng. Tuy nhiên, nhờ tính độc nhất mà NFT có thể xác minh mà mỗi đơn vị trong số chúng khác với tất cả các đơn vị khác. Bình thường, các tệp số hóa có thể được sao chép vô hạn và hoàn hảo, do đó rất khó để chứng thực sở hữu hoặc giao dịch chúng. NFT giải quyết vấn đề này bằng cách chứng minh rằng một tệp kỹ thuật số là “bản gốc” duy nhất của tác phẩm hay tài sản đó bằng một dãy mã code được coi là duy nhất gắn cho nó.

nft là gì

NFT không tồn tại dưới cái bóng của Bitcoin và hình thức tiền điện tử khác

Thứ nhất, đừng đánh đồng NFT giống Bitcoin. NFT tồn tại dưới 3 dạng hình thức không chỉ bao gồm những đồng tiền số thuần túy như Bitcoin. Ngoài dạng hình thức là NFT thuần túy dưới dạng token Blockchain hay dạng tiền số, NFT còn có dạng gắn liền với tác phẩm kĩ thuật số như mã nguồn world wide web và NFT gắn liền với tài sản hữu hình như bức tranh vẽ tay, các món đồ cổ có giá trị hay thậm chí là bất động sản.

Thứ hai, NFT còn đại diện cho những thứ “có một không hai”, nếu các loại tiền mã hóa như Bitcoin hay ETH đều có thể bị chia nhỏ và đàm phán giao dịch dưới dạng phân số thì NFT là một tài sản nguyên lành và không thể chia nhỏ và phân tách ra. Mỗi mã code của NFT được tạo ra sẽ có những đặc tính riêng biệt, có giá trị khác nhau và không thể thay thế, chúng chỉ có thể được mua bán và lưu giữ khi còn nguyên vẹn.

Đây chính là đặc điểm đã tạo nên giá trị độc nhất cho NFT.

Thứ ba, việc xác định giá trị của một NFT sẽ phụ thuộc vào những gì mà nó đại diện nên NFT sẽ không có giá cả cụ thể, giá của nó được quyết định bởi người bán; chẳng hạn nếu NFT là một tác phẩm nghệ thuật điện tử, giá trị của NFT ở đây sẽ là giá trị nghệ thuật của tác phẩm, nhu cầu của nó từ những nhà sưu tập khác như thế nào và ai là người đã tạo ra nó. Còn về giá trị của một coin hay hình thức tiền điện tử khác sẽ được quyết định bởi thị trường dựa trên nguồn cung và cầu lưu hành.

2. NFT đã tồn tại như thế nào?

Xuất hiện lần đầu vào năm 2017 nhưng phát triển nhanh chóng chỉ trong gần 4 năm là nhờ vào tính duy nhất của nó. Điểm thú vị của nó là làm người sở hữu tài sản đó trở nên đặc biệt vì họ là người duy nhất sở hữu, ví dụ như nếu bức tranh nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci mà được mã hóa thì sẽ có nhiều người muốn mua nó và một khi đã có được thì nó là độc nhất. Nói một cách dễ hiểu, NFT giống như “sổ đỏ” đối với một ngôi nhà chứng thực sở hữu căn nhà được Chính phủ công nhận.

Tình hình NFT trên thế giới

Dân chơi nghệ thuật, người hâm mộ bóng chày, nhà sưu tầm… đang đua nhau đổ hàng triệu USD để mua các vật phẩm được đại diện bằng chuỗi mã NFT. Theo trang CNBC, hàng loạt nhà đầu tư đã kiếm hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD từ cơn sốt này. Cách đây ba năm, toàn bộ thị trường NFT chỉ được định giá không quá 42 triệu USD. Sang tới cuối năm 2020, ước tính mới nhất từ trang theo dõi thị trường NFT Nonfungible.com, con số trên đã tăng mạnh lên 338 triệu USD. Trong quý II/2021, thị trường NFT đã chạm mốc kỷ lục khi doanh số các tài sản số đạt giá trị lên tới 2,5 tỷ USD tính từ đầu năm đến nay, theo nguồn dữ liệu được công bố trên nền tảng Open Sea.

Tình hình NFT hoạt động tại Việt Nam

Bắt kịp được xu hướng tăng trưởng nóng trên toàn cầu,Việt Nam năm nay đã bắt đầu xuất hiện một số nền tảng có ứng dụng NFT của doanh nghiệp, tổ chức trong nước thành lập. Theo Cổng Trời nền tảng giao dịch tranh NFT đầu tiên của Việt Nam, phần lớn các sàn NFT trên thế giới tập trung vào những tác phẩm được tạo ra bằng kỹ thuật số thì đơn vị này ứng dụng NFT để số hóa tác phẩm tranh thực tế như những bức tranh phố cổ Hà Nội, thiếu nữ và hoa,… Qua 2 tháng, đã có gần 20 tác phẩm bán thành công qua nền tảng này. Xu hướng giao dịch NFT thường là dựa trên số hóa các tài sản, vật phẩm thực tế như kỷ vật chiến tranh, hay gần đây nhất là lan đột biến được chào bán với giá hàng chục thậm chí hàng nghìn USD.

NFT tồn tại như thế nào trong thời kỳ đại dịch?

Theo Mike Belshe, Giám đốc điều hành tại BitGo: “Biến động kinh tế do thời đại đại dịch của chúng ta đang tạo ra sự thay đổi trong thái độ và sự quan tâm nhiều hơn đến tài sản kỹ thuật số”. Do ảnh hưởng của dịch Covid19 hiện nay cùng với sự biến động của nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tới giá trị của những vật phẩm, sản phẩm, tài sản mua bán trên mạng lưới NFT có giá trị tăng giảm bất thường nên giá trị của đồng NFT cũng biến động theo.

3. Ưu và nhược điểm của việc đầu tư NFT

Ưu điểm của việc đầu tư NFT: Nhờ vào những tính chất cải tiến từ các hình thức tiền điện tử khác nhau đã tạo nên những đặc tính vượt trội của NFT.

Thứ nhất, các NFT đều được xây dựng trên một loại Blockchain nhưng không có NFT nào có tính chất giống nhau. Mỗi NFT là một loại mã hóa đại diện cho một tài sản duy nhất và các đoạn mã này không thể thay thế cho nhau tạo nên những đặc điểm riêng, tính chất riêng cho mỗi NFT khiến tài sản không thể giả mạo hay làm nhái.

Thứ hai, trong mọi lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, điện ảnh, game,… việc đầu tư vào NFT đều có thể sử dụng một cách linh hoạt, dễ dàng. Nói cách khác, bất cứ sản phẩm nào cũng đều có thể “số hóa” NFT và NFT sẽ giúp lưu trữ tài sản một cách an toàn và bảo mật thông qua việc mã hóa tài sản.

Thứ ba, nhờ có sự trợ giúp của công nghệ Blockchain, NFT sẽ cho người đầu tư hay người mua nắm rõ hơn về các thuộc tính như tên, nguồn cung mã hóa, biểu tượng và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm chỉ trong một cái click chuột giúp họ không cần đến các bộ lọc và hỗ trợ quảng cáo của công ty; từ đó, giúp công ty giảm các loại chi phí như chi phí tiếp thị, chi phí quảng cáo, chi phí phân phối,… và thời gian giao dịch.

Nhược điểm của việc đầu tư NFT: Bên cạnh những ưu điểm được nêu trên, xong việc đầu tư NFT vẫn còn tồn tại một số nhược điểm.

Thứ nhất, xu hướng NFT vẫn còn là một xu hướng tài chính mới và chỉ mới nổi lên gần đây nên đầu tư NFT đang còn mới lạ và có cấu trúc công nghệ khá phức tạp với các nhà đầu tư khi tiếp cận.

Thứ hai, NFT là một công nghệ xác nhận tính sở hữu duy nhất của một tài sản. Tuy nhiên, “lổ hổng” đáng lo ngại vẫn xuất hiện đó là khi tài sản được số hóa thành NFT thì chưa được cơ quan có thẩm quyền nào chứng nhận quyền sở hữu độc quyền của người mua hay chất lượng sản phẩm nên vẫn còn gặp những rủi ro giao dịch giữa người mua và người bán.

Thứ ba, trên thị trường NFT vẫn chưa có đơn vị lưu kí uy tín, bảo toàn nên vẫn xuất hiện các tài sản bị làm giả mạo, làm nhái và đưa lên các sàn NFT khác nhau, người mua có thể bỏ ra rất nhiều tiền nhưng chỉ sở hữu các phiên bản thứ cấp hay thậm chí gặp khó khăn trong khả năng giành quyền sở hữu các tài sản hữu hình.

Thứ tư, các giao dịch NFT được tạo và lưu trữ thông qua các khu chợ ảo như Opensea hoặc Rarible và chưa có đơn vị đảm bảo lưu trữ tài sản, vì vậy nên khi các trường hợp xấu xảy ra hoặc các khu chợ ảo mua bán NFT này đóng cửa, nhà đầu tư sẽ mất quyền truy cập vào các tác phẩm của mình, điều này đồng nghĩa với việc họ đầu tư vào NFT đã gặp rủi ro.

4. Các giải pháp đề xuất

Một là, trên thị trường NFT cần xây dựng các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của người mua hay nhà đầu tư, chứng nhận quyền sở hữu độc quyền các tác phẩm mà họ bỏ tiền ra để đầu tư. Khi có các cơ quan thẩm quyền, niềm tin của người đầu tư về NFT sẽ tăng lên, đồng thời từ đó giúp cho NFT ngày càng phát triển và phổ biến hơn trong các danh mục đầu tư.

Hai là, xác định được chính xác giá trị của những sản phẩm là duy nhất, thúc đẩy mua bán và trao đổi ứng dụng công nghệ số để mua “hàng thật giá trị thật”; từ đó xác định được độ chân thật và đáng tin cậy của các vật phẩm quý hiếm. Ngoài ra, nó giúp phát hiện, ngăn ngừa tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng đang là vấn đề “nóng” trên thị trường hiện nay.

Ba là, ngoài xây dựng cơ quan có thẩm quyền trên thị trường NFT cũng cần xây dựng đơn vị đảm bảo tài sản số NFT trên các khu chợ ảo giao dịch NFT để nhà đầu tư yên tâm có sự bảo toàn, bảo đảm khi bỏ ra một số tiền lớn đầu tư. Ngoài ra, nhà đầu tư khi đầu tư vào NFT cũng phải có các biện pháp kịp thời để tránh các trường hợp xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ví dụ, khi họ có một khoản tiền nhàn rỗi không nên dồn tất cả tiền vào chỉ một kênh đầu tư mà phân chia ra để đầu tư ở các kênh khác nhau như thế có thể tránh được những rủi ro về tài chính khi một kênh đầu tư bị sụp đổ.

Bốn là, trước bối cảnh biến động của thị trường, khi mà những nhà đầu tư mới còn chưa hiểu hết giá trị thật và tính năng cũng như cấu trúc công nghệ của NFT mà chỉ chạy theo xu hướng trước mắt, các chuyên gia cảnh báo người mới bắt đầu phải cẩn thận với rất nhiều dự án NFT không có giá trị khi bất kỳ ai trên Internet đều có thể tạo NFT một cách nhanh chóng. Do đó, người dùng nên dành nhiều thời gian để học hỏi và đánh giá các dự án kỹ lưỡng trước khi tiến hành các khoản đầu tư lớn.

Nguồn: Nguyễn Hồng Anh – CQ57/22.03CL, Xu hướng NFT – Mỏ vàng đầu tư hay chỉ là bong bóng đầu cơ?, Nghiên cứu khoa học sinh viên Tập 7/2021, Học viện Tài chính.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.