Sản xuất hàng hóa là gì? Điều kiện ra đời, tồn tại và đặc trưng
Sản xuất hàng hóa là gì? Điều kiện ra đời tồn tại và đặc trưng ưu thế của sản xuất hàng hóa.
Nội Dung
1. Sản xuất hàng hóa là gì?
Trong lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội, có hai loại hình kinh tế là kinh tế tự nhiên và kinh tế hàng hóa.
Bạn đang xem: Sản xuất hàng hóa là gì? Điều kiện ra đời, tồn tại và đặc trưng
Kinh tế tự nhiên là hình thức tổ chức kinh tế mà sản phẩm làm ra chỉ dùng để thỏa mãn các nhu cầu của người sản xuất trong nội bộ đơn vị kinh tế. Đó là kiểu sản xuất tự cấp, tự túc. Kinh tế hàng hóa là hình thức tổ chức kinh tế, trong đó diễn ra quá trình sản xuất và trao đổi hàng hóa.
Sản xuất hàng hóa là sản xuất ra sản phẩm để bán. Nói cách khác, sản xuất hàng hóa là kiểu tổ chức sản xuất trong đó sản phẩm làm ra không phải để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của chính người trực tiếp sản xuất mà là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người khác, thông qua việc trao đổi, mua bán.
– Các kiểu sản xuất hàng hóa trong lịch sử:
- Sản xuất hàng hóa giản đơn
- Sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa
- Sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa
2. Điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa
Sản xuất hàng hóa ra đời tồn tại dựa trên hai điều kiện:
Thứ nhất: Có sự phân công lao động xã hội. Phân công lao động xã hội là sự chuyên môn hóa sản xuất, phân chia lao động xã hội vào các ngành, các vùng, các lĩnh vực sản xuất khác nhau.
Phân công lao động xã hội làm cho việc trao đổi sản phẩm trở thành tất yếu, bởi vì, khi có phân công lao động xã hội, mỗi người, mỗi cơ sở chỉ sản xuất một hoặc một vài thứ sản phẩm nhất định, nhưng nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi họ phải có nhiều loại sản phẩm khác nhau, do đó, họ cần đến sản phẩm của nhau, trao đổi với nhau. Mặt khác, nhờ có phân công lao động xã hội, chuyên môn hóa sản xuất làm cho năng suất lao động tăng lên, sản phẩm thặng dư ngày càng nhiều và trao đổi sản phẩm ngày càng phổ biến.
Xem thêm : Xã hội hóa sản xuất là gì?
Như vậy, phân công lao động xã hội là cơ sở, là tiền đề của sản xuất hàng hóa. Phân công lao động xã hội ngày càng phát triển, thì sản xuất và trao đổi hàng hóa càng mở rộng, đa dạng hơn.
Tuy nhiên, nếu chỉ có phân công lao động xã hội thôi thì chưa đủ. Để sản xuất hàng hóa ra đời và tồn tại còn phải có một điều kiện nữa.
Thứ hai: Có sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế giữa những người sản xuất; tức những người sản xuất trở thành những chủ thể sản xuất, độc lập nhất định, từ đó sản phẩm làm ra thuộc quyền sở hữu hoặc do họ chi phối. Do vậy, người này muốn tiêu dùng sản phẩm lao động của người khác cần phải thông qua trao đổi mua bán hàng hóa.
Trong lịch sử, sự tách biệt này do chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất quy định vì trong chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất thì tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của mỗi cá nhân và kết quả là sản phẩm làm ra thuộc quyền sở hữu của họ, nó trở thành hàng hóa. Còn trong điều kiện của nền sản xuất hiện đại, sự tách biệt này còn do các hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với tư liệu sản xuất quy định.
Đó là hai điều kiện cần và đủ của sản xuất hàng hóa. Thiếu một trong hai điều kiện đó sẽ không có sản xuất hàng hóa.
Từ hai điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa ta thấy: với phân công lao động xã hội, lao động của người sản xuất hàng hóa mang tính chất lao động xã hội vì sản phẩm của họ là để cho xã hội, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhưng với sự tách biệt tương đối về kinh tế, thì lao động của họ lại mang tính chất là lao động tư nhân, vì việc sản xuất cái gì, như thế nào lại là công việc riêng, mang tính chất độc lập của mỗi người. Lao động tư nhân đó có thể phù hợp hoặc không phù hợp với lao động xã hội. Đó chính là mâu thuẫn cơ bản của sản xuất hàng hóa. Mâu thuẫn giữa lao động tư nhân và lao động xã hội là cơ sở, mầm mống của khủng hoảng sản xuất thừa.
3. Đặc trưng và ưu thế của sản xuất hàng hóa
Sản xuất tự cung tự cấp tồn tại phổ biến trong các phương thức sản xuất trước chủ nghĩa tư bản, khi mà lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội còn kém phát triển. Lúc đầu, người ta trao đổi những sản phẩm vượt quá nhu cầu tiêu dùng trực tiếp của họ, trao đổi mang tính chất ngẫu nhiên giữa các công xã hoặc giữa các thành viên của các công xã. Dần dần trao đổi trở nên thường xuyên hơn và cùng với thời gian, ít nhất cũng có một phần sản phẩm lao động được sản xuất ra với ý đồ phục vụ cho mục đích trao đổi.
Khi trao đổi hàng hóa trở nên phổ biến, thường xuyên và trở thành mục đích của người sản xuất thì nền sản xuất hàng hóa ra đời.
Những hình thức đầu tiên của sản xuất hàng hóa (sản xuất hàng hóa giản đơn) xuất hiện ngay từ thời kỳ tan rã của chế độ công xã nguyên thủy và chúng tiếp tục tồn tại, phát triển ở các phương thức sản xuất tiếp theo.
Xem thêm : Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của thống kê doanh nghiệp
So với sản xuất tự cung tự cấp, sản xuất hàng hóa có những ưu thế hơn hẳn:
Thứ nhất: Sản xuất hàng hóa ra đời trên cơ sở của phân công lao động xã hội, chuyên môn hóa sản xuất. Do đó, nó khai thác được những lợi thế về tự nhiên xã hội, kỹ thuật của từng người, từng cơ sở cũng như từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, sự phát triển của sản xuất hàng hóa lại có tác động trở lại, thúc đẩy sự phát triển của phân công lao động xã hội, làm cho chuyên môn hóa lao động ngày càng tăng, mối liên hệ giữa các ngành, các vùng ngày càng trở nên mở rộng sâu sắc. Từ đó, nó phá vỡ tính tự cấp tự túc, sự bảo thủ, trì trệ, lạc hậu của mỗi ngành, mỗi địa phương làm cho năng suất lao động xã hội tăng lên nhanh chóng, nhu cầu của xã hội được đáp ứng đầy đủ hơn. Khi sản xuất và trao đổi hàng hóa mở rộng giữa các quốc gia, thì nó còn khai thác được lợi thế của các quốc gia với nhau.
Thứ hai: Trong nền sản xuất hàng hóa, quy mô sản xuất không còn bị giới hạn bởi nhu cầu và nguồn lực mang tính hạn hẹp của mỗi cá nhân, gia đình, mỗi cơ sở, mỗi vùng, mỗi địa phương, mà nó được mở rộng, dựa trên cơ sở nhu cầu và nguồn lực của xã hội. Điều đó lại tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất , thúc đẩy sản xuất phát triển.
Thứ ba: Trong nền sản xuất hàng hóa, sự tác động của những quy luật vốn có của sản xuất và trao đổi hàng hóa như quy luật giá trị, cung – cầu, cạnh tranh buộc người sản xuất hàng hóa phải luôn luôn năng động, nhạy bén, biết tính toán, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, cải tiến hình thức, quy cách và chủng loại hàng hóa, làm cho chi phí sản xuất hạ xuống đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao hơn.
Thứ tư: Trong nền sản xuất hàng hóa, sự phát triển của sản xuất, sự mở rộng và giao lưu kinh tế giữa các cá nhân, giữa các vùng, giữa các nước không chỉ làm cho đời sống vật chất mà cả đời sống văn hóa, tinh thần cũng được nâng cao, phong phú và đa dạng hơn.
Tóm lại, nếu như sản xuất tự cung tự cấp bị giới hạn bởi nhu cầu và nguồn lực mang tính hạn hẹp của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi địa phương, quy mô sản xuất nhỏ, không tạo được động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. nên đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của mỗi người còn nghèo nàn, lạc hậu, thì ngược lại, sản xuất hàng hóa tạo được động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, làm cho sản xuất phù hợp với nhu cầu, từ đó mà góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, sản xuất hàng hóa cũng có những mặt trái của nó như phân hóa giàu – nghèo giữa những người sản xuất hàng hóa, tiềm ẩn những khả năng khủng hoảng, phá hoại môi trường sinh thái, xã hội…
Để phát triển nền sản xuất hàng hóa ở Việt Nam hiện nay, một mặt phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế (vùng, ngành nghề, lao động, tăng cường đào tạo nghề) để tạo ra tính chuyên môn hóa, tăng cường tham gia phân công và hợp tác quốc tế, xây dựng và phát triển hệ thống thị trường; mặt khác, phải đa dạng hóa sở hữu và các hình thức tổ chức kinh tế, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế – xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng…
4. Những hạn chế của sản xuất hàng hóa
Kinh tế hàng hóa có mặt tích cực như đã nêu trên, đồng thời có mặt trái, mặt hạn chế biểu hiện:
- Phân hóa giàu nghèo
- Điều tiết tự phát nền kinh tế (bàn tay vô hình)
- Khủng hoảng, lạm phát, thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, cạnh tranh không lành mạnh, làm giàu bất chính, suy thoái đạo đức, tệ nạn xã hội và tội phạm phát triển.
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Ảnh Đẹp