Sức lao động và Hai thuộc tính của hàng hóa sức lao động

0

Sự chuyển hóa của tiền thành tư bản, không thể phát sinh từ bản thân số tiền đó. Vì trong việc mua bán hàng hóa, tiền chỉ là phương tiện lưu thông để thực hiện giá cả hàng hóa, nên trước sau giá trị của nó vẫn không thay đổi. Sự chuyển hóa đó phải xảy ra ở hàng hóa trong quá trình vận động của tư bản. Nhưng sự chuyển hóa đó không xảy ra ở giá trị trao đổi của hàng hóa, vì trong trao đổi người ta trao đổi những vật ngang giá, mà chỉ có thể ở giá trị sử dụng của hàng hóa. Do đó, hàng hóa đó không thể là hàng hóa thông thường, nó phải là một thứ hàng hóa đặc biệt, mà giá trị sử dụng của nó có đặc tính là nguồn gốc sinh ra giá trị, hơn nữa sinh ra một giá trị lớn hơn giá trị của bản thân nó. Thứ hàng hóa đặc biệt đó là sức lao động mà nhà tư bản đã tìm thấy trên thị trường. Sức lao động biến thành hàng hóa là điều kiện quyết định để tiền biến thành tư bản.

Sức lao động và sự chuyển hóa sức lao động thành hàng hóa

C.Mác viết: “sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó”

Trong bất cứ xã hội nào, sức lao động cũng là điều kiện cơ bản của sản xuất. Nhưng sức lao động không phải bao giờ cũng là hàng hóa, nó chỉ biến thành hàng hóa trong những điều kiện lịch sử nhất định, những điều kiện đó là:

Thứ nhất, người lao động phải được tự do về thân thể. Sức lao động chỉ xuất hiện trên thị trường với tư cách là hàng hóa, nếu nó do bản thân người có sức lao động đưa ra bán. Vậy người lao động phải được tự do về thân thể, có quyền sở hữu sức lao động của mình, thì mới đem bán sức lao động được. Trong các xã hội nô lệ và phong kiến, người nô lệ và nông nô không thể bán sức lao động được, vì bản thân họ thuộc sở hữu của chủ nô hay chúa phong kiến. Do đó việc biến sức lao động thành hàng hóa đòi hỏi phải thủ tiêu chế độ nô lệ và nông nô.

Thứ hai, người lao động bị tước đoạt hết tư liệu sản xuất. Nếu chỉ có điều kiện người lao động được tự do về thân thể thì chưa đủ điều kiện để biến sức lao động thành hàng hóa, vì nếu người lao động được tự do về thân thể mà lại có tư liệu sản xuất thì họ sẽ sản xuất ra hàng hóa và bán hàng hóa do mình sản xuất ra chứ không bán sức lao động. Vì vậy, muốn biến sức lao động thành hàng hóa, người lao động phải là người không có tư liệu sản xuất, chỉ trong điều kiện ấy người lao động mới bán sức lao động của mình, vì họ không còn cách nào khác để sinh sống.

Sự tồn tại đồng thời hai điều kiện nói trên tất yếu biến sức lao động thành hàng hóa. Sức lao động biến thành hàng hóa là điều kiện quyết định để biến thành tư bản, tuy nhiên, để tiền biến thành tư bản thì lưu thông hàng hóa và lưu thông tiền tệ phải phát triển tới một mức độ nhất định. Sức lao động biến thành hàng hóa là nhân tố đánh dấu một giai đoạn mới trong sự phát triển sản xuất hàng hóa trở thành hình thái phổ biến sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa. Sự cưỡng bức lao động bằng các biện pháp phi kinh tế trong chế độ nô lệ và chế độ phong kiến được thay bằng hợp đồng mua bán bình đẳng về hình thức giữa người sở hữu sức lao động và người sở hữu tư liệu sản xuất.

Hai thuộc tính của hàng hóa sức lao động:

Giống như các hàng hóa khác, hàng hóa sức lao động cũng có hai thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị.

+ Giá trị hàng hóa sức lao động cũng do thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất sức lao động quyết định. Nhưng sức lao động chỉ tồn tại như năng lực con người sống, muốn tái sản xuất ra năng lực đó, người công nhân phải tiêu dùng một lượng tư liệu sinh hoạt nhất định.

Vậy thời gian lao động xã hội cần thiết để tái sản xuất ra sức lao động sẽ được quy thành thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt ấy; hay nói cách khác, giá trị hàng hóa sức lao động được đo gián tiếp bằng giá trị những tư liệu sinh hoạt để tái sản xuất sức lao động.

Là hàng hóa đặc biệt, giá trị hàng hóa sức lao động khác với hàng hóa thông thường ở chỗ nó bao hàm cả yếu tố tinh thần và lịch sử. Điều đó có nghĩa là ngoài những nhu cầu về vật chất, người công nhân còn có những nhu cầu về tinh thần, văn hóa… Những nhu cầu đó phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước ở từng thời kỳ, phụ thuộc cả vào điều kiện địa lý, khí hậu của nước đó và mức độ thoả mãn những nhu cầu đó phần lớn phụ thuộc vào trình độ văn minh đã đạt được của mỗi nước.

Tuy giá trị hàng hóa sức lao động bao hàm yếu tố tinh thần và lịch sử, nhưng đối với một nước nhất định và trong một thời kỳ nhất định, thì quy mô những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho người lao động là một đại lượng nhất định, do đó có thể xác định được lượng giá trị hàng hóa sức lao động.

Giá trị hàng hóa sức lao động do những bộ phận sau đây hợp thành:

Một là, giá trị những tư liệu sinh hoạt về vật chất và tinh thần cần thiết để tái sản xuất sức lao động, duy trì đời sống công nhân;

Hai là, phí tổn đào tạo công nhân;

Ba là, giá trị những tư liệu sinh hoạt vật chất và tinh thần cần thiết cho con cái công nhân.

Để biết được sự biến đổi của giá trị sức lao động trong một thời kỳ nhất định, cần nghiên cứu hai loại nhân tố tác động đối lập nhau đến sự biến đổi của giá trị sức lao động. Một mặt, sự tăng nhu cầu trung bình của xã hội về hàng hóa và dịch vụ, về học tập và trình độ lành nghề, đã làm tăng giá trị sức lao động; mặt khác, sự tăng năng suất lao động xã hội cũng làm giảm giá trị sức lao động.

Trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản ngày nay, dưới sự tác động của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, sự khác biệt của công nhân về trình độ lành nghề, sự phức tạp của lao động và mức độ sử dụng năng lực trí óc của họ tăng lên. Tất cả những điều đó không thể không ảnh hưởng đến giá trị sức lao động, không thể không dẫn đến sự khác biệt của giá trị sức lao động theo ngành và theo lĩnh vực của nền kinh tế, nhưng chúng bị che lấp đằng sau đại lượng trung bình của giá trị sức lao động.

+ Giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động chỉ thể hiện ra trong quá trình tiêu dùng sức lao động, tức là quá trình lao động của người công nhân. Quá trình đó là quá trình sản xuất ra một loạt hàng hóa nào đó; đồng thời là quá trình tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân hàng hóa sức lao động. Phần lớn hơn đó chính là giá trị thặng dư mà nhà tư bản chiếm đoạt. Như vậy, giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động có tính chất đặc biệt là nguồn gốc sinh ra giá trị, tức là nó có thể tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân nó. Đó là chìa khóa để giải thích mâu thuẫn của công thức chung của tư bản.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.