Khởi nghiệp là gì, cần những yếu tố nào và làm sao để khởi nghiệp thành công?

0

khoinghieplagi 0

1. Khởi nghiệp là gì?

Khởi nghiệp tức là bạn đã ấp ủ một công việc kinh doanh riêng, thường thì bạn sẽ thành lập một doanh nghiệp mà tại đó bạn là người quản lý, là người sáng lập hoặc đồng sáng lập. Việc cung cấp những sản phẩm mới, dịch vụ mới hay thậm chí kinh doanh những mặt hàng đã có mặt trên thị trường nhưng theo ý tưởng có riêng mình… đều được gọi là khởi nghiệp.

Khởi nghiệp có thể là quá trình tạo ra một lĩnh vực hoạt động mới cho riêng mình. Qua đó bạn có thể thuê các nhân viên về làm việc cho bạn và bạn là người quản lý công ty, doanh nghiệp của mình. Khởi nghiệp mang lại rất nhiều giá trị cho bản thân cũng như nhiều lợi ích cho xã hội, cho người lao động.

Đối với cá nhân theo đuổi việc khởi nghiệp, hoạt động này giúp họ tạo ra công việc, thu nhập cho chính mình mà không phải bắt đầu từ việc đi làm thuê. Họ được tự do trong công việc, và nếu công ty của họ phát triển tốt thì nguồn thu nhập của họ có thể cao gấp nhiều lần so với thu nhập do đi làm thuê mang lại.

Đối với xã hội và nền kinh tế thì các công ty khởi nghiệp tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm. Điều này giúp đất nước giải quyết tình trạng thất nghiệp, tạo ra nguồn thu nhập cho người lao động nuôi sống bản thân và gia đình.

Bằng việc tạo ra lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động, giữ tỉ lệ thất nghiệp của nền kinh tế ở mức an toàn, khởi nghiệp thành công gián tiếp góp phần ổn định xã hội, giảm thiểu các tệ nạn xã hội do thất nghiệp gây ra như trộm cắp, bài bạc, đua xe, ma túy… Khởi nghiệp cũng góp phần giảm áp lực lên nền kinh tế, trợ cấp xã hội, đưa đất nước ngày càng phát triển.

2. Khởi nghiệp và Startup khác nhau như thế nào?

Khởi nghiệp và startup là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên rất nhiều người nhầm lẫn và sử dụng 2 khái niệm này thay thế cho nhau.

Khởi nghiệp là hành động bắt đầu một nghề nghiệp, mà hình thức thường thấy nhất đó là thành lập một doanh nghiệp để kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó. Khái niệm “khởi nghiệp” đã tồn tại từ rất lâu và đã diễn ra ở nhiều quốc gia từ hàng trăm năm nay, trong khi đó khái niệm “startup” chỉ mới xuất hiện gần đây.

Có nhiều khái niệm khác nhau về “startup” nhưng hầu hết đều thống nhất với nhau rằng “startup là một danh từ chỉ một nhóm người hoặc một công ty cùng nhau làm một điều chưa chắn chắn thành công.”

Theo Neil Blumenthal, Đồng Giám đốc điều hành của Warby Parky được trích dẫn trên tạp chí Forbes thì : “A startup is a company working to solve a problem where the solution is not obvious and success is not guaranteed.” (tạm dịch: Startup là một công ty hoạt động nhằm giải quyết một vấn đề mà giải pháp (đối với vấn đề đó) chưa rõ ràng và sự thành công không được đảm bảo).

Còn Eric Ries, tác giả cuốn sách “The Lean Startup: How Constant Innovation Creates Radically Successful Businesses” – một cuốn sách được coi là “cẩm nang gối đầu giường” của mọi công ty startup, thì: “A startup is a human institution designed to create new products and services under conditions of extreme uncertainty” (tạm dịch: startup là một định chế/tổ chức con người được thiết kế nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới trong các điều kiện cực kỳ không chắc chắn).

Như vậy, chúng ta có thể thấy một điều rất rõ ràng: “khởi nghiệp” là một động từ trong khi đó “startup” là một danh từ. “Khởi nghiệp” nói về việc bắt đầu hoạt động kinh doanh riêng còn “startup” nói về một nhóm người hoặc một công ty.

Nói cách khác, “startup” là một trong những loại hình, cách thức mà người ta có thể lựa chọn để “khởi nghiệp”. Nhưng không thể gọi “startup” là “khởi nghiệp” và cũng không thể gọi “khởi nghiệp” là “startup”.

3. Đối tượng bắt đầu khởi nghiệp gồm những ai?

Hầu như bất cứ người trưởng thành nào cũng có thể khởi nghiệp nếu muốn, không phân biệt già hay trẻ, nam hay nữ, không phân biệt trong hay ngoài nước, thành thị hay nông thôn miễn sao bạn có một ý tưởng kinh doanh hay có thể thực hiện được, có thể đem lại lợi ích cho bản thân mình và toàn xã hội.

Tuy nhiên hiện nay những ý tưởng khởi nghiệp được hình thành chủ yếu bởi các bạn trẻ đam mê làm giàu và sáng tạo, nhất là những bạn sinh viên đang đi học hoặc vừa ra trường. Những con người trẻ tuổi này tràn đầy nhiệt huyết, họ cũng có đủ sự nhanh nhạy, khả năng nắm bắt những kiến thức và công nghệ mới, có lòng can đảm và khát khao khẳng định bản thân hơn những vị tiền bối đi trước mặc dù những người đi trước lại có nhiều lợi thế về kinh nghiệm hơn.

Vì thế nếu bạn còn trẻ và chưa có gì trong tay, đừng lo sợ gì cả, hãy cứ thử nghiệm và thất bại. Khởi nghiệp không bao giờ là sự lựa chọn dễ dàng, nó không dành cho tất cả mọi người. Nhưng nếu bạn có đủ quyết tâm và lòng kiên trì, đủ dũng cảm để đối mặt với những chông gai thử thách có thể gặp phải trên con đường khởi nghiệp thì có lẽ đây chính là con đường phù hợp với bạn.

4.Những yếu tố quan trọng mà người bắt đầu khởi nghiệp cần phải có:

Năng lực sáng tạo:

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi bắt đầu con đường làm giàu của mình đó là bản thân bạn phải có một sự sáng tạo vượt bậc. Bởi vì chỉ có sự sáng tạo mới làm nên sự khác biệt giữa bạn và đối thủ, chỉ có sự sáng tạo hơn người mới có thể giúp bạn nhìn thấu toàn bộ thị trường hiện tại, tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng, từ đó đưa ra kế hoạch kinh doanh cho riêng mình. Kế hoạch này không nhất thiết phải bao gồm những ý tưởng kinh doanh chưa ai biết đến hay những ý tưởng mới hoàn toàn chưa ai nghĩ đến, mà nó phải tạo nên sự đột phá và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của bạn.

Sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp là điểm tựa quan trọng cho bạn trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt này. Vậy thì, thay vì tranh giành miếng bánh với các đối thủ lớn trên thị trường ra đời sớm hơn mình, mạnh hơn mình, nhiều kinh nghiệm hơn mình thì chúng ta có thể tự tìm ra một miếng bánh mới – mà tại đó chúng ta chính là người dẫn đầu.

Vốn khởi nghiệp kinh doanh:

Một trong những yếu tố quan trọng khác khi bạn muốn khởi nghiệp đó là vốn khởi nghiệp kinh doanh. Đây là nguồn nuôi dưỡng cho kế hoạch kinh doanh và là một đòn bẩy cho sự thành công của bạn.

Sự kiên trì:

Sở dĩ sự kiên trì là một yếu tố quan trọng bởi vì trong quá trình khởi nghiệp không phải ai cũng có được thành công trong lần đầu bắt tay vào làm, có những người thất bại rất nhiều lần nhưng họ vẫn không từ bỏ, vẫn tiếp tục đứng dậy để thực hiện ý tưởng của mình. Chính sự quyết tâm và lòng kiên trì trong con người đó đã tạo nên sự thành công về sau này của họ như câu nói: “Thất bại là mẹ thành công” . Thật sự, thực tế đã chứng minh rằng những doanh nhân thành công là những người có tinh thần quyết tâm cao hơn những người bình thường để vượt qua những trở ngại, có sự đam mê và kiên trì hơn người để đứng lên từ những thất bại trong thời gian ngắn.

Kiến thức nền tảng cơ bản về kiến thức chuyên môn:

Hiện nay muốn làm bất cứ một việc gì trong bất cứ một ngành nghề nào bạn cũng cần phải có kiến thức về ngành nghề đó, vì thế nếu muốn khởi nghiệp trong một lĩnh vực nào đó bạn cũng nên tìm hiểu kĩ các kiến thức xung quanh lĩnh vực đó. Ví dụ: bạn muốn khởi nghiệp bằng cách mở phòng thu âm cho ca sĩ bạn cần phải có những kiến thức cơ bản trong thanh nhạc, cách mix nhạc và biết sử dụng một số nhạc cụ cơ bản… Hay bạn muốn trở thành một nhà buôn thời trang lớn bạn cần có những kiến thức cơ bản về xu hướng thời trang, về bán hàng …

Việc hiểu biết các kiến thức cơ bản, chuyên môn trong lĩnh vực mình hoạt động hay nhiều khía cạnh khác nhau trong doanh nghiệp như sản phẩm, nhân lực, công nghệ, thị trường, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan là một bước đệm quan trọng giúp bạn tránh khỏi sự thất bại trong việc thiếu chuyên môn và những lí do ngoài ý muốn. Vì thế nếu bạn có ý định khởi nghiệp trước tiên hãy trang bị đầy đủ cho mình những kiến thức này.

Kỹ năng nghiên cứu thị trường:

Nghiên cứu thị trường sẽ cung cấp cho người khởi nghiệp những thông tin quan trọng về lĩnh vực thị trường mà mình hoạt động. Ngoài ra, việc này giúp khởi nghiệp phát triển kế hoạch kinh doanh và thích ứng với thị trường trong tương lai. Những yếu tố được ưu tiên khi nghiên cứu thị trường sẽ là:

– Xu hướng thị trường, mức độ hấp dẫn, mức độ cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng, xu hướng bán hàng

– Kiểm tra hồ sơ các đối thủ cạnh tranh và đối chiếu với doanh nghiệp mình

– Nhân khẩu học của khách hàng, vị trí địa lý, khách hàng điển hình, khách hàng tiềm năng.

Kỹ năng quản lý tài chính:

Đây là một kỹ năng cực kỳ quan trọng đối với người khởi nghiệp. Quá trình khởi nghiệp sẽ cần một lượng tiền nhất định để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư nhân lực trong khi chưa thể hoạt động để có doanh thu ngay được. Do đó, cần có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm và hợp lý ngay từ giai đoạn đầu cũng như trong suốt quá trình phát triển sau này của doanh nghiệp.

Kỹ năng ủy quyền:

Ủy quyền liên quan tới việc phân bổ trách nhiệm cho mọi người để hoành thành công việc. Điều kiện lý tưởng mà bạn muốn đạt được là khi các nhân viên của bạn có thể thực hiện được tất cả các hoạt đồng hàng ngày trong doanh nghiệp mình. Ủy thác một cách hiệu quả sẽ giúp đạt được sự cân bằng giữa hiệu quả quản lý và hiệu quả hoàn thành công việc của mọi người. Nhân tố chìa khóa là biết cách làm sao để doanh nghiệp của bạn làm việc cho mình, chứ không phải là bạn tất bật chạy theo quá trình hoạt động của doanh nghiệp mình.

Kỹ năng hoạch định chiến lược:

Hoạch định chiến lược là một hoạt động rất quan trọng trong kinh doanh. Nó là quá trình xác định chiến lược công ty của bạn hay phương hướng và quyết định việc phân bổ nguồn vốn cũng như nhân sự. Bí quyết ở đây là việc biết làm thế nào để dự kiến được khả năng hoạt động của công ty bạn trong tương lai từ 3 đến 5 năm tới với kế hoạch kinh doanh chi tiết.

Ngoài những yếu tố đã được nêu trên thì các kỹ năng mềm của bản thân bạn như quản lý thời gian, quản lý cảm xúc, kỹ năng giao tiếp… cũng là một trong những yếu tố không thể thiếu. Kỹ năng mềm tuy không mang ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của doanh nghiệp nhưng nó là yếu tố hỗ trợ giúp gia tăng khả năng thành công cho quá trình khởi nghiệp của bạn và tạo thế chủ động cho doanh nghiệp của bạn trong các tình huống khó khăn có thể gặp phải.

5.Các lĩnh vực bạn có thể lựa chọn để bắt đầu khởi nghiệp:

Hiện nay có rất nhiều ngành nghề trong xã hội tuy nhiên không phải bất kỳ nghề nào cũng có thể là lựa chọn khởi nghiệp của bạn. Làm cách nào để lựa chọn một lĩnh vực, một ngành nghề đúng, phù hợp với bản thân là câu hỏi của biết bao người, không chỉ những người muốn làm chủ doanh nghiệp mà còn của những người đâng đi tìm việc làm.

Việc chọn một ngành nghề phù hợp với điều kiện về tài chính, về kiến thức và kĩ năng của bản thân và phù hợp với ước mơ của mình là một điều cực kì quan trọng và khó khăn. Bởi vì, một anh kỹ sư ngành điện tử, xây dựng, cơ khí không được đào tạo về thị trường, không có kĩ năng kinh tế không thể tự mình khởi nghiệp với những gì liên quan đến kinh tế, tài chính – ngân hàng. Hoặc một bạn học chuyên ngành kinh tế được đào tạo các nghiệp vụ xuất nhập khẩu, kế toán, kiểm toán… không thể bắt đầu khởi nghiệp bằng cách mở phòng khám hoặc nhà thuốc trừ khi hợp tác với các bác sĩ, dược sĩ. Vì vậy nếu bạn muốn khởi nghiệp thành công, hãy lựa chọn những ngành nghề nào phù hợp nhất với kiến thức, kỹ năng và chuyên môn của bản thân mình.

Dưới đây là một vài ví dụ để bạn tham khảo:

Môi giới việc làm:

Đây là mô hình dịch vụ có xu hướng phát triển ổn định trong những năm gần đây. Môi giới việc làm là dịch vụ liên kết giữa những nhà tuyển dụng với những người đang có nhu cầu tìm việc làm. Các nhà tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên phù hợp với các yêu cầu của mình, còn những người thiếu việc làm thì không biết được ở đâu đang tuyển dụng, yêu cầu như thế nào do thông tin hai bên bất đối xứng. Trước tình hình đó, dịch vụ môi giới việc làm là lựa chọn phù hợp nhất cho cả hai bên. Nhà môi giới sẽ tiếp nhân thông tin của hai bên tổng hợp và giới thiệu cho những người phù hợp, đồng thời thu một mức phí phù hợp với công việc, yêu cầu và độ khó của tuyển dụng.

Một số dịch vụ môi giới việc làm phổ biến hiện nay là trung tâm gia sư, xuất khẩu lao động… Đây là những dịch vụ phát triển không chỉ ở thành phố mà còn phát triển ở nông thôn. Với những dịch vụ như thế này, nhà tuyển dụng và người tìm việc dễ dàng tìm đến được với nhau.

Tuy nhiên, với mô hình vẫn còn một số hạn chế nhất định. Thứ nhất, vẫn còn một số trung tâm có khả năng lừa đảo, thu phí cao, có một số trung tâm không tìm được việc vẫn không hoàn lại phí cho khách hàng. Thứ hai, mô hình này đòi hỏi bạn phải có một mối quan hệ rộng với những nhà tuyển dụng, phải là nơi uy tín để các nhà tuyển dụng tin tưởng giao trách nhiệm cho mình.

Dịch vụ thẩm mỹ:

Hiện nay điều kiện, mức sống của người dân tăng cao dẫn đến nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng lớn, đây là một thuận lợi cho những ai muốn bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp.

Tuy nhiên, hiện nay đã có khá nhiều người tham gia vào loại hình này vì thế sự cạnh tranh trong lĩnh vực này khá lớn và gặp không ít khó khăn. Điều này đòi hỏi bạn phải có tay nghề giỏi nếu muốn cạnh tranh với các trung tâm lớn.

Dịch vụ cho thuê trang phục:

Cho thuê trang phục là loại hình dịch vụ khá phát triển hiện nay nhưng đòi hỏi bạn phải bỏ ra một số vốn khá lớn và quá trình thu hồi vốn diễn ra nhanh hay chậm tùy vào quy mô cũng như năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Ngành dịch vụ này thường cung cấp các loại trang phục dạ hội, áo dài hay trang phục cho những event sự kiện của các doanh nghiệp khác hoặc cho thuê quần áo cô dâu chú rể.

Ngoài ra để mở rộng quy mô và nhanh có lãi bạn nên phát triển lĩnh vực này gắn liền với dịch vụ cung cấp nhân sự, PB, PG bởi vì không một công ty nào chỉ cho thuê mỗi trang phục để làm sự kiện mà thay vào đó là người ta cung cấp cả nhân sự và các dịch vụ đi kèm khác để tăng cao doanh thu. Vì thế loại hình này rất có tiềm năng ở các thành phố lớn nơi các sự kiện thường xuyên được tổ chức.

Dịch vụ kinh doanh đồ ăn nhanh:

Cuộc sống vội vã, xô bồ với biết bao nhiêu công việc sẽ khiến cho con người ngày càng khó về nhà chuẩn bị một bữa ăn ngon cho bản thân mình và cho gia đình. Vì thế dịch vụ cung cấp thức ăn nhanh là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp về ngành dịch vụ.

Với đồ ăn nhanh bạn có thể vừa bán trong cửa hàng vừa có thể nhận ship hàng gần cho những ai không có thời gian đến quán.

Bán hàng online:

Bán hàng online là một lĩnh vực không mới với mọi người. Ngành nghề này đặc biệt thích hợp với phụ nữ, làm được mọi lúc mọi nơi ngay cả lúc đang đi làm đẹp hay chăm con ở nhà. Công việc này còn phù hợp cho những người ít vốn không có điều kiện mở shop bán offline hay những doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô của mô để sản phẩm của mình được tiếp xúc với nhiều khách hàng hơn, được nhiều người biết đến hơn.

Trung tâm đào tạo ngoại ngữ:

Xã hội ngày càng phát triển, thế giới ngày càng “phẳng” hơn, các dịch vụ kinh doanh xuyên quốc gia ngày càng trở nên phổ biến. Ngôn ngữ là cầu nối duy nhất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa, ngoại ngữ hiện này là điều kiện bắt buộc cho những bạn sinh viên muốn ra trường với tấm bằng tốt, có được một CV đẹp và một công việc ổn định lương cao. Vì thế các dịch vụ liên quan đến đào tạo ngoại ngữ đang là một ngành “hot” có thị trường rất rộng lớn.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.