Bản chất và vai trò của Ngân sách nhà nước
Nội Dung
1. Bản chất và đặc điểm của ngân sách Nhà nước
Nhà nước có chức năng: trấn áp với những đối tượng chống đối để bảo vệ chính quyền, quản lý và phát triển kinh tế – xã hội. Để có thể thực hiện các chức năng trên, Nhà nước phải có trong tay những nguồn tài chính nhất định. Bằng quyền lực chính trị của mình, Nhà nước tập trung và sử dụng một bộ phận thu nhập của xã hội nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước trong từng giai đoạn.
Ngân sách Nhà nước là toàn bộ các khoản thu chi của Nhà nước trong dự toán đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước (Điều 1, Luật ngân sách Nhà nước).
Bạn đang xem: Bản chất và vai trò của Ngân sách nhà nước
Khái niệm trên chỉ chú trọng đến hoạt động bề ngoài của ngân sách Nhà nước là hoạt động thu và chi, nhưng trong quá trình thực hiện hoạt động thu – chi của ngân sách Nhà nước phát sinh hàng loạt các quan hệ kinh tế giữa ngân sách Nhà nước và các chủ thể trong xã hội. Đó là quan hệ giữa ngân sách Nhà nước với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thương mại và cung ứng dịch vụ tài chính, dịch vụ khác; quan hệ giữa ngân sách Nhà nước với các đơn vị hành chính sự nghiệp; giữa ngân sách Nhà nước với tổ chức xã hội và các hộ gia đình.
Như vậy, phía sau các hoạt động thu – chi của ngân sách Nhà nước là các quan hệ kinh tế gắn với việc tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của Nhà nước nhằm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội đã đề ra cho năm tài chính.
Từ những điều trình bày trên, chúng ta có thể thấy bản chất ngân sách Nhà nước là tổng thể các quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và các chủ thể trong xã hội phát sinh trong quá trình Nhà nước tạo lập và sử dụng các nguồn tài chính quốc gia, nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng quản lý kinh tế – xã hội.
Hoạt động thu, chi của ngân sách Nhà nước rất đa dạng và phong phú, có liên quan đến hầu hết mọi lĩnh vực, mọi chủ thể trong xã hội. Các hoạt động của ngân sách Nhà nước có những đặc điểm cơ bản sau:
– Hoạt động ngân sách Nhà nước gắn chặt với quyền lực của Nhà nước và được tiến hành theo luật định (Luật thuế, Luật ngăn sách, Luật tài chính). Ở các quốc gia khác cũng như tại Việt Nam, thuế là khoản thu chủ yếu của Nhà nước, các khoản chi ngân sách Nhà nước trong năm tài chính thực hiện theo Luật ngân sách Nhà nước do Quốc hội thông qua hàng năm. Ngân sách Nhà nước là đạo luật cơ bản của mỗi quốc gia.
Quan hệ giữa ngân sách Nhà nước và các chủ thể trong xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập và sử dụng các nguồn tài chính quốc gia thực chất là quan hệ kinh tế, quan hệ lợi ích giữa ngân sách Nhà nước và các chủ thể kinh tế, trong đó lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu và chi phối các lợi ích khác.
Xem thêm : Tài khoản CH Play miễn phí 2023, Acc Google Play Free
– Ngân sách Nhà nước là quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất trong nền kinh tế quốc dân. Tương tự như các quỹ tiền tệ khác, ngân sách Nhà nước được tạo lập trên cơ sở các quan hệ tài chính, nhưng nét đặc trưng riêng biệt của ngân sách Nhà nước là nó được chia thành nhiều quỹ có mục đích sử dụng riêng.
– Các quan hệ kinh tế giữa các chủ thể trong xã hội với ngân sách Nhà nước phát sinh trong lĩnh vực phân phối các nguồn tài chính, do Nhà nước tiến hành điều chỉnh, tùy vào điều kiện kinh tế – xã hội từng thời kỳ mà có sự thay đổi cho phù hợp, sự thay đổi thể hiện qua nội dung thu, chi của ngân sách Nhà nước.
Trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, tỉnh bao cấp tràn lan nên quan hệ kinh tế giữa ngân sách Nhà nước với các doanh nghiệp chủ yếu là quan hệ cấp phát vốn của Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp và kiểm tra của Nhà nước đối với việc thực hiện các chỉ tiêu được giao theo kế hoạch. Vì vậy, hiệu quả thu, chi ngân sách không được coi trọng, dẫn đến bội chi ngân sách triển miên, thường gây ra lạm phát ở mức độ cao.
Việt Nam hiện nay đang chuyển sang nền kinh tế thị trường với chế độ sở hữu đa thành phần, phạm vi bao cấp của ngân sách bị thu hẹp, các hoạt động ngân sách mang tính chất phân phối lại là chủ yếu, các khoản chi ngân sách ngoài việc đáp ứng nhu cầu chi tiêu thường xuyên của Nhà nước, chủ yếu tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng và phát triển các doanh nghiệp thuộc các ngành then chốt, đảm bảo thực hiện các vấn đề xã hội, tạo môi trường và hành lang thuận lợi cho hoạt động kinh tế.
2. Vai trò của ngân sách Nhà nước trong nền kinh tế thị trường
2.1. Huy động nguồn tài chính để đảm bảo nhu cầu chi tiêu của Nhà nước
Để thực hiện được nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn, Nhà nước phải có nguồn tài chính để chi tiêu cho các mục đích đã được xác định. Vì vậy, ngân sách Nhà nước có vai trò huy động các nguồn tài chính trong xã hội để đảm bảo chi tiêu của Nhà nước.
Khi huy động các nguồn tài chính nhằm đảm bảo cho nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, các quốc gia thường tránh khuynh hướng tăng thu bằng bất cứ giá nào. Một chính sách huy động các nguồn tài chính tối ưu là: một mặt đảm bảo chi tiêu cho hoạt động của Nhà nước, mặt khác mức huy động phải phù hợp với khả năng đóng góp của các chủ thể trong xã hội, kích thích hoạt động kinh doanh của các chủ thể phát triển. Vì vậy, mức động viên phải hợp lý, không nên quá cao cũng không nên quá thấp, cả hai trường hợp đều có ảnh hưởng không tốt đến lợi ích kinh tế của Nhà nước và các chủ thể khác trong xã hội. Nếu mức huy động quá cao sẽ không kích thích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm tích lũy của họ và dẫn đến khả năng huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp vào ngân sách Nhà nước sẽ giảm trong tương lai. Hoặc mức huy động cao từ các hộ gia đình sẽ làm giảm thu nhập của dân cư, dẫn đến tiêu dùng và tích lũy giảm gây ảnh hưởng xấu không chỉ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh mà cả đối với đời sống dân cư và xã hội. Nếu mức huy động quá thấp làm thu ngân sách giảm, không đảm bảo nhu cầu chi tiêu, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu đã định.
2.2. Công cụ của Nhà nước để điều tiết vĩ mô nền kinh tế – xã hội
Nền kinh tế thị trường là giai đoạn phát triển cao của kinh tế hàng hóa, chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế khách quan, như: quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật lưu thông tiền tệ. Nền kinh tế thị trường tạo tính năng động và khả năng tự điều tiết của nền kinh tế, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, đẩy mạnh quá trình xã hội hóa sản xuất, tăng nhanh quá trình tích tụ và tập trung vốn. Tuy nhiên, kinh tế thị trường cũng bộc lộ nhiều khuyết tật như: tính tự phát vốn của nó dẫn đến cơ cấu kinh tế mất cân đối, độc quyền về sản xuất, kinh doanh là hiện tượng khó tránh khỏi, dẫn đến độc quyền về giá cả, sự độc quyền giá cả không chỉ dẫn đến kìm hãm sản xuất, quan hệ cung cầu hàng hóa mất cân đối, mà còn hạn chế sản lượng, thất nghiệp gia tăng.. Mặt khác, vì mục tiêu lợi nhuận dẫn đến sử dụng tài nguyên bừa bãi, tàn phá môi trường sinh thái, phân hóa giàu nghèo, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội.
Xem thêm : Năm ánh sáng là gì? 1 năm ánh sáng là bao nhiêu?
Để khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường, cần có sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh tế – xã hội một cách khách quan bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có hệ thống các công cụ tài chính và ngân sách Nhà nước là một trong những công cụ quan trọng nhất.
Ngân sách Nhà nước với vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế – xã hội được thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau:
Trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách Nhà nước thực hiện việc định hướng hình thành cơ cấu kinh tế mới, kích thích phát triển sản xuất kinh doanh, chống độc quyển. Với công cụ thuế, một mặt Nhà nước tạo được nguồn thu, mặt khác Nhà nước định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế khác nhau, bằng mức thuế suất hợp lý Nhà nước có thể kích thích hoặc hạn chế sự phát triển của các ngành, nghề hoặc mặt hàng tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển cân đối.
Thông qua hoạt động chi ngân sách, Nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các vùng kinh tế, các ngành kinh tế mũi nhọn và các doanh nghiệp thuộc các ngành then chốt. Bằng chính sách đầu tư đúng đắn, ngân sách Nhà nước tác động đến việc chống độc quyền và hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý.
Về mặt xã hội, thông qua hoạt động thu chi, ngân sách Nhà nước thực hiện điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, đảm bảo công bằng xã hội. Thông qua hệ thống thuế trực thu và gián thu, Nhà nước một mặt huy động sự đóng góp thu nhập của các thành phần kinh tế và dân cư vào ngân sách Nhà nước, mặt khác điều tiết thu nhập của họ, thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, thông qua hoạt động chi của Nhà nước: trợ cấp xã hội cho người nghèo, trẻ mồ côi, khuyết tật. chi các khoản phúc lợi như: phổ cập giáo dục tiểu học, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kế hoạch hóa gia đình…
Nền kinh tế thị trường với hoạt động của quy luật cạnh tranh và quy luật giá trị dễ dẫn đến sự mất cân đối cung, cầu về hàng hóa làm giá cả hàng hóa biến động, gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế và xã hội, do đó Nhà nước phải can thiệp vào thị trường nhằm điều tiết cung – cầu, ổn định giá cả, biểu hiện: Khi giá cả một hay một số loại hàng hóa đột biến tăng cao do cầu vượt cung, cần thiết Nhà nước có thể điều tiết bằng cách đưa dự trữ loại hàng hóa này ra bán trên thị trường để cân đối cung cầu, bình ổn giá cả và hạn chế khả năng kéo theo sự tăng giá hàng loạt của các mặt hàng khác, hoặc xuất ngoại tệ dự trữ để nhập hàng, hoặc giảm thuế suất cho những hàng hóa đó được nhập khẩu. Ngược lại, khi giá cả một loại hàng hóa nào đó giảm do cung vượt cầu gây thiệt hại cho người sản xuất và có ảnh hưởng bất lợi đối với định hướng phát triển kinh tế, Nhà nước có thể thu mua loại hàng hóa này với giá thích hợp hoặc có chính sách trợ giá để đảm bảo lợi ích của người sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của xã hội, đồng thời đảm bảo cơ cấu kinh tế đã xác định.
Đối với thị trường tiền tệ, thị trường vốn, ngân sách Nhà nước có thể tham gia các thị trường này, một mặt tạo nguồn tài chính cho ngân sách, mặt khác góp phần điều hòa lưu thông tiền tệ, kiềm chế lạm phát thông qua phát hành công trái, trái phiếu, tín phiếu kho bạc để vay vốn trong và ngoài nước, tham gia kinh doanh chứng khoản. Tuy nhiên, việc tham gia điều tiết thị trường tiền tệ, thị trường vốn của ngân sách Nhà nước cần phải thực hiện đồng bộ với chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
(Nguồn tài liệu: TS. Lê Thị Mận, Lý thuyết Tài chính Tiền tệ, 2010)
Nguồn: https://25giay.vn
Danh mục: Tin Tức