Nhu Cầu Du Lịch Là Gì? Phân Loại Nhu Cầu Du Lịch Như Thế Nào

0

Nhu cầu du lịch khác với nhu cầu của khách du lịch. Nhu cầu du lịch không phải là nhu cầu cơ bản, do vậy, nhu cầu du lịch chỉ được thỏa mãn trong những điều kiện nhất định, đặc biệt là điều kiện về kinh tế, kỹ thuật, xã hội…

Nhu cầu du lịch chỉ được thỏa mãn trong những điều kiện nhất định

Ảnh: Nhu cầu du lịch chỉ được thỏa mãn trong những điều kiện nhất định

1. Nhu cầu du lịch là gì?

Nhu cầu du lịch (động cơ du lịch) là sự mong muốn của con người đi đến một nơi khác với nơi ở thường xuyên của mình để có được những xúc cảm mới, trải nghiệm mới, hiểu biết mới, để phát triển các mối quan hệ xã hội, phục hồi sức khoẻ, tạo sự thoải mái dễ chịu về tinh thần.

Nhu cầu du lịch khác với nhu cầu của khách du lịch. Nhu cầu du lịch không phải là nhu cầu cơ bản, do vậy, nhu cầu du lịch chỉ được thỏa mãn trong những điều kiện nhất định, đặc biệt là điều kiện về kinh tế, kỹ thuật, xã hội… còn nhu cầu của khách du lịch là những mong muốn cụ thể của khách du lịch trong một chuyến du lịch cụ thể, nó bao gồm: nhu cầu thiết yếu, nhu cầu đặc trưng và nhu cầu bổ sung.

  • Nhu cầu thiết yếu trong du lịch là những nhu cầu về vận chuyển, lưu trú và ăn uống cần phải được thỏa mãn trong chuyến hành trình du lịch.
  • Nhu cầu đặc trưng là những nhu cầu xác định mục đích chính của chuyến đi, ví dụ nhu cầu nghỉ dưỡng, tham quan, giải trí, thăm viếng, tham gia lễ hội, học tập nghiên cứu,…
  • Nhu cầu bổ sung là những nhu cầu chưa định hình trước, nó phát sinh trong chuyến hành trình du lịch như: thông tin, tư vấn, mua sắm…

2. Phân loại nhu cầu du lịch

Về cơ bản, nhu cầu du lịch được phân làm 3 nhóm: nhu cầu thực tế, nhu cầu bị kìm chế và nhu cầu không xuất hiện.

(1) Nhu cầu thực tế

Nhu cầu thực tế là nhu cầu du lịch được thỏa mãn, được thực hiện trong thực tế. Nhu cầu thực tế được thể hiện qua chỉ tiêu: số lượt khách đi du lịch trong một khoảng thời gian nào đó.

(2) Nhu cầu bị kìm chế

Nhu cầu bị kìm chế là nhu cầu của một bộ phận dân cư muốn đi du lịch nhưng không thực hiện được vì một lý do nào đó.

Các nguyên nhân kìm chế nhu cầu có thể là chủ quan hoặc khách quan.

  • Các nguyên nhân chủ quan có thể là:

– Thu nhập của những người đó thấp, chỉ đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, chưa thể đáp ứng các nhu cầu cao hơn (tức là không có phần thu nhập được tự do chi phối);

– Quá bận rộn, không đủ thời gian để thực hiện các chuyến đi du lịch (tức là không có thời gian rảnh rỗi được tự do chi phối).

Nguyên nhân kìm chế nhu cầu chủ quan có thể do quá bận rộn

Ảnh: Nguyên nhân kìm chế nhu cầu chủ quan có thể do quá bận rộn

  • Các nguyên nhân khách quan có thể là:

– Hoàn cảnh gia đình (bố mẹ già, con nhỏ, người nhà đau ốm…);

– Điểm đến du lịch không đảm bảo an toàn, hoặc không đủ khả năng đón tiếp (thời tiết xấu, phòng ngủ không đủ, chính trị không ổn định, dịch bệnh…);

– Phương tiện vận chuyển không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại;

– Cơ chế, chính sách của chính phủ nơi khách đi hoặc đến không khuyến khích đi du lịch hoặc tiếp nhận khách du lịch…

  • Tùy thuộc vào nguyên nhân, nhu cầu bị kìm chế được chia làm 2 bộ phận:

– Nhu cầu tiềm tàng: bao gồm những người thích đi du lịch nhưng chưa có khả năng thực hiện do những nguyên nhân chủ quan. Những người này sẽ đi du lịch trong tương lai khi thu nhập của họ tăng lên hoặc họ có thời gian rảnh rỗi nhiều hơn.

– Nhu cầu bị trì hoãn: bao gồm những người đã có nhu cầu đi du lịch những chuyến đi của họ bị hoãn lại do các nguyên nhân khách quan xuất hiện trong một thời gian ngắn như: hoàn cảnh gia đình, khó khăn trở ngại từ phía cung (thiếu phòng ngủ, thiếu phương tiện vận chuyển, thời tiết xấu,…) hoặc do cơ chế chính sách của nước nơi khách du lịch cư trú. Nhu cầu thuộc bộ phận này sẽ trở thành nhu cầu thực tế trong tương m gần khi các nguyên nhân khách quan được loại trừ.

(3) Không có nhu cầu

Gồm những người có đủ điều kiện nhưng không muốn đi du lịch và những người trong suốt cuộc đời không thể đi du lịch vì lý do hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, lối sống, văn hóa,..

Ngoài ra, nhu cầu trong du lịch còn có thể được phân loại theo một số cách thức khác. Chẳng hạn, nó được phân chia thành 3 nhóm: nhu cầu có khả năng thay thế, nhu cầu được định hướng lại và nhu cầu mới phát sinh. Việc nắm được các loại nhu cầu đã nêu trên là cần thiết để xác định đúng thị trường và biện pháp phù hợp về Marketing.

Rate this post

Leave A Reply

Your email address will not be published.